Một góc của phong trào chiếm lĩnh trung tâm tại khu Admiralty, ngày 10/12/2014. Reuters/Athit Perawongmetha
Theo báo chí Hồng Kông và quốc tế, hôm nay 27/09/2015, nhiều hoạt động kỷ niệm một năm ngày bùng nổ phong trào Dù vàng (hay Ô vàng) đã được tổ chức tại đặc khu Hồng Kông. Nhớ lại phong trào đòi dân chủ, phản đối Bắc Kinh can thiệp, các thanh niên sinh viên suy nghĩ về ý nghĩa của một cao trào chưa từng có, kéo dài 79 ngày, hồi năm ngoái và bàn thảo về các dự định tương lai.
Theo kênh truyền thông Channel New Asia, chủ trì các cuộc hội thảo này là hai nhóm Liên hiệp sinh viên Hồng Kông và Scholarism (« Học dân tư triều », một liên minh được lập ra để chống Bắc Kinh áp đặt hệ thống giáo dục đạo đức mang tính ý thức hệ, với lãnh đạo là sinh viên Hoàng Chi Phong [Joshua Wong]).
Không khí ảm đạm chi phối một bộ phận giới tranh đấu Hồng Kông. Theo hãng tin Bloomberg, nhiều người cho rằng phong trào dân chủ Hồng Kông đã cảm thấy mất hướng, những hoạt động quy mô tương tự không có điều kiện tái diễn, và dù có diễn ra cũng không mang lại tác động mong muốn. Giáo sư Chan Kin Man, Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, là một trong những người có quan điểm như vậy.
Trong khi đó, theo Channel New Asia, ông Nathan Law, Tổng thư ký của Liên hiệp sinh viên Hồng Kông, kêu gọi mọi người ngừng gọi phong trào « Chiếm lĩnh trung tâm » năm ngoái là một thất bại, mặc dù phong trào không đạt được mục tiêu buộc chính quyền Bắc Kinh phải để cho công dân Hồng Kông bầu trực tiếp lãnh đạo đặc khu. Theo ông, nên hy vọng, vì kể từ thời điểm này, nhiều giá trị như dân chủ và bản sắc đã bắt rễ trong xã hội Hồng Kông. Ông Martin Lee, một trong những người sáng lập đảng Dân chủ Hồng Kông, cũng chia sẻ với cách đánh giá này (theo The Guardian hôm nay 27/09/2015).
Tờ báo Anh Quốc The Guardian dẫn lời Chow, một sinh viên 25 tuổi, chuẩn bị du học Anh, phong trào phản kháng kéo dài hai tháng năm ngoái đã làm Hồng Kông thay đổi triệt để, trước khi phong trào bùng nổ, đặc khu này vốn là « một thành phố chết » về mặt tinh thần.
Sampson Wong, 30 tuổi, giáo viên nghệ thuật, từng tham gia phong trào, kêu gọi Hồng Kông không nên quên bước ngoặt lịch sử này. Hôm qua, ông đã mở hai triển lãm nhỏ, tập hợp nhiều hiện vật liên quan đến cuộc phản kháng đường phố.
Một kế hoạch đấu tranh dài hạnNhóm Học dân tư triều/Scholarism vạch ra một kế hoạch đấu tranh dài hạn cho Hồng Kông, với đích ngắm là sau năm 2047, tức sau khi giai đoạn thỏa thuận cho phép Hồng Kông tự trị ở mức cao về kinh tế và chính trị sẽ chấm dứt. Chị Agnes Chow, thành viên của Scholarism (Học dân tư triều) nhấn mạnh đến việc cần phải tiếp tục đấu tranh vì quyền « tự quyết » của Hồng Kông (tự quyết, nhưng không phải độc lập, như nhiều nhà hoạt động sinh viên nhấn mạnh), và cần phải bàn về « cách thức tổ chức một phong trào mới », « các hoạt động bất tuân dân sự và chiếm lĩnh mới ».
Theo các quan sát, phong trào Dù vàng năm ngoái đã thổi bùng lên ngọn lửa hành động ở giới trẻ, nhiều gương mặt đối lập mới sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu cấp địa phương cuối năm nay.
Nhà hoạt động sinh viên Agnes Chow, 18 tuổi, cảnh báo thái độ thụ động của « giới dân chủ truyền thống tại Hồng Kông, vẫn hy vọng chính quyền Bắc Kinh một ngày nào đó trao dân chủ cho dân chúng Hồng Kông, một số người thậm chí còn đàm phán bí mật với giới chức chính quyền trung ương, nhưng giới trẻ hiện nay nghĩ rất khác, chúng tôi tin rằng, chỉ có hành động phản kháng, những biện pháp nằm ngoài thể chế, mới có thể mang lại thay đổi cho Hồng Kông ».
Theo nhiều người lãnh đạo cao trào chiếm lĩnh trung tâm, phong trào Dù vàng lần hai có thể xảy ra, nhưng chỉ đạt kết quả, nếu nhận được sự ủng hộ của xã hội. Các thời điểm quan trọng sắp tới là cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp vào năm 2016, và bầu lãnh đạo đặc khu hành chính năm 2017.
Theo RFI