Nhà văn Lại Thanh Hà (Thanhha Lai) được giải thưởng văn học Sách Quốc Gia năm 2011Nhân dịp ngày Phụ nữ Quốc tế 8-3 sắp tới, VOA đã có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với một nhà văn nữ gốc Việt. Trái với những dự đoán, tưởng tượng trước đó khi nhắc tới công việc nhà văn, thì nhà văn Lại Thanh Hà, người đã thắng giải National Book Award năm 2011 cho hạng mục Young People Literature và sau đó là giải New Bery Honor cho cuốn sách đầu tay, “Inside out and Back again,” lại là một người phụ nữ rất sôi nổi, hài hước, và cởi mở, đúng như với tinh thần xuyên suốt cuốn sách của chị. Sau đây xin mời quý vị cùng nghe bài phỏng vấn nhà văn Lại Thanh Hà với Ban VOA Việt ngữ do Hồng Hoa trình bày.
Trước khi cuộc phỏng vấn được thực hiện, nhà văn Lại Thanh Hà đã không quên “cảnh báo” rằng cho dù chị vẫn nói được Tiếng Việt nhưng Tiếng Việt của chị nghe rất buồn cười vì chị sang Mỹ đã lâu. Tuy nhiên sau khi biết các quý thính giả và độc giả của VOA Việt ngữ rất muốn các nhân vật có thể nói hay trả lời phỏng vấn bằng Tiếng Việt, chị đã không ngần ngại dành cho VOA một cuộc phỏng vấn, hay chính xác hơn là một cuộc trò chuyện rất cởi mở, thân tình, hoàn toàn bằng ngôn ngữ khi mới lọt lòng của chị, Tiếng Việt. Ngay sau đây, xin mời quý vị cùng theo dõi cuộc trò chuyện mà nhà văn Lại Thanh Hà đã dành cho VOA Việt ngữ.
Cuốn sách thắng giải National Book Award của nhà văn Lại Thanh HàVOA: Khi mà chị move qua Mỹ là năm 10 tuổi đúng không?
Nhà văn Thanh Hà: Đúng rồi, lúc đó 10 tuổi.
VOA: Vậy thì khi đó học ở Việt Nam chị học lớp 3?
Nhà văn Thanh Hà: Lớp 4. Lúc đó còn chưa xong lớp 4 thì là đi.
VOA: Chắc là lúc đó chị cũng đã quen với việc là suy nghĩ, rồi nói chuyện, giao tiếp tất cả bằng Tiếng Việt, vậy thì…?
Nhà văn Thanh Hà: Thì đúng rồi, lúc đó là bắt đầu viết văn rồi tất cả bằng Tiếng Việt. Nhưng qua đây là cái óc 1,2,3 là chuyển thành Tiếng Anh không. Lúc qua đây thì không biết nói một câu Tiếng Anh, không nói Hello được nữa.
Bây giờ thì mình ở đây, cho nên cái óc phải suy qua Tiếng Anh, rồi mình bắt buộc phải viết Tiếng Anh thì mới sống ở cái xứ này được. Ở nhà thì vẫn nói Tiếng Việt với mẹ, tại vì mẹ Hà cho đến nay vẫn nói Tiếng Việt, nói được mấy câu Tiếng Anh thôi. Thành ra ở nhà Hà nói Tiếng Việt nhưng nói rất ít, còn phần lớn óc chuyển qua Tiếng Anh hết để đi học rồi.
VOA: Vậy khi lúc chị mới qua Mỹ thì chị có gặp khó khăn gì không và đó là những khó khăn nào?
Nhà văn Thanh Hà: Khó khăn là không biểu lộ được những gì mình biết. Với lại cái này là lúc mình đến Montgomery, Alabama, ở đây họ chưa thấy người Á Đông bao giờ. Thanh Hà là người đầu tiên mà những đứa học trò 10 tuổi ở đây thấy người Á Đông đầu tiên. Họ chưa bao giờ thấy ai mà tóc đen, da vàng, và đứng đó mà không biết nói Tiếng Anh. Lúc này chiến tranh Việt Nam ở trên TV Mỹ rất nhiều, thành ra họ cứ tưởng tượng là Hà là những đứa mà họ thấy ở trên TV. Nên chắc chắn là chúng nó chọc, kéo tóc, làm đủ trò hết. Tại mấy đứa học trò cảm thấy lạ. Mà lúc này xã hội Mỹ chưa có phong trào là phải đưa tay ra, mừng đón tất cả người mới đến. Lúc này là lúc Alabama mới có civil rights nên lúc đó chưa có ai hiểu là người lạ đến và mình phải làm gì với người đó.
VOA: Nhưng mà đó là lúc mới sang thôi, còn về sau khi mà chị đi học lên cấp 3, đại học thì có còn tình trạng như vậy không?
Nhà văn Thanh Hà: Không, chừng sáu tháng sau là biết nói Tiếng Anh rồi. Tự nhiên cái óc của một đứa 10 tuổi hay lắm. Nó đến, thảy nó vào trường, rồi sáu tháng sau nó bắt đầu nói được Tiếng Anh rồi, không nói hay nhưng mà nói được.
Khi bắt đầu khoảng chừng hai năm sau là 12 tuổi thì quen thuộc Tiếng Anh hoàn toàn. Cái lúc đi học đại học thì là chín năm sau. Tại vì Hà phải lặp lại lớp 4. Học lớp 4 ở Việt Nam rồi khi qua đây học lớp 4 ở Alabama nữa để cho có thêm một thời gian làm quen Tiếng Anh. Lúc đi đại học là 19 tuổi, lúc đó thì quen Tiếng Anh quá rồi, không còn trở ngại gì.
VOA: Chị học trường đại học nào?
Nhà văn Thanh Hà: Lúc học đại học lần đầu thì là University of Texas at Austin tại vì lúc đó gia đình đang ở Texas, lớn lên ở Fort Worth, Texas. Khi đi học ở Austin thì học ngành báo chí journalism. Công việc viết báo đầu tiên ngay ở Orange County Register.
VOA: Vậy thì bằng cách nào mà chị chuyển từ báo chí sang sự nghiệp viết lách?
Nhà văn Thanh Hà: Tại vì Hà viết báo cho Orange County khoảng chừng một năm rưỡi. Trong cái năm rưỡi đó là mình hiểu mình muốn làm cái gì. Journalism, báo chí, không phải là viết văn, mà là chạy ra, lấy tin tức thật nhanh, chạy về gõ bài, cái gì cũng rất nhanh. Thanh Hà càng viết thì Thanh Hà càng hiểu là mình không muốn chạy ra lấy tin. Mình chỉ muốn ngồi đó, o bế câu mình viết cho đến khi đạt tới mức tốt nhất mình có thể viết. Cái đó không phải là journalism, báo chí, cái đó mình phải ra viết văn. Rồi từ đó, Thanh Hà nghĩ là nghề đó không phải là của mình. Thanh Hà làm 18 tháng thì Thanh Hà hiểu như vậy. Thành ra nếu mà mình cứ làm, rồi 20 năm nữa mình cũng không thích nghề này hơn đâu. Cho nên Hà bỏ nghề đó, chuyển đến Boston. Ở đó, Hà đi bưng bê đĩa, làm đủ việc để bắt đầu viết truyện ngắn. Khi viết xong thì bắt đầu mình nộp vào nơi gọi là literal magazine. Sau đó có mấy bài được họ in. Từ đó khuyến khích mình viết. Khi đó mình tập viết, viết dở kinh khủng mà vẫn tiếp tục viết. Cuối cùng, cứ duy trì và cố gắng viết khoảng chín năm, Hà đi lấy bằng M.F.A (Master of Fine Arts) về Creative Writing (viết lách sáng tạo) ở trường New York University.
VOA: Cuốn sách “Inside out and back again” của chị được trao giải trong hạng mục Young People Literature (văn học cho người trẻ), đối với độc giả trẻ như vậy thì tại sao chị lại chọn đề tài viết về một phần trong cuộc đời của chị, đây là một cái gì đó thiên về hiện thực, sự thực, hơn là một câu chuyện tình lãng mạn hay có cái gì đó ảo ảo?
Nhà văn Thanh Hà: Trước hết truyện “Inside out and Back again” là kết quả của quá trình viết văn 15 năm. Trước khi viết truyện này, Thanh Hà ngồi đó 15 năm, viết cuốn truyện khác không phải cho người trẻ mà là cho tất cả mọi người, nhưng mà viết không thành. Thanh Hà cứ hỏi chính mình là tại sao câu chuyện này không khớp vào với nhau và các câu văn không đi đúng với truyện. Cứ thế cố gắng, và cuối cùng thì biết là truyện kia mình viết cũng là về một gia đình từ Việt Nam di cư qua Mỹ và tất cả những gì xảy ra với họ. Cốt truyện cũng giống giống như vậy nhưng mà nó không có hợp vào với nhau vì văn phong mình dùng không hợp với truyện. Cuối cùng thì Hà nghĩ ra, tại vì khi mà mình viết dùng những câu văn mình nghĩ là cho người lớn thì lại không hợp với óc của một đứa bé 10 tuổi và cũng không hợp với một người đang nghĩ bằng Tiếng Việt. Sau đó Hà bắt đầu viết từ những câu nhỏ ít dùng chữ mà lại để miêu tả hình ảnh hơn. Từ đó hiện ra một đứa bé 10 tuổi, và hoàn toàn khớp với cách viết này, và từ đó câu chuyện ra đời.
Thành ra Hà lấy một truyện khác mình đang viết, đưa thành một câu chuyện nhỏ hơn. Mà Hà cũng không biết là mình đang viết cho trẻ em, Hà cứ viết thôi. Đến lúc đi tìm nhà in và nộp bản thảo thì chính họ phải nói với Hà là đây là truyện cho người trẻ, và họ sẽ in ra và quảng cáo nó theo đối tượng người trẻ như vậy. Trước đó là Hà cũng không biết là Hà viết cho ai, Hà chỉ biết đây là câu chuyện của đứa bé này và mình cần viết như vậy.
Còn tại sao Hà viết giống như thật mà không phải là chuyện khác? Là vì sau 15 năm Hà mệt quá rồi. Hà không muốn phải đi nghiên cứu, tìm hiểu nữa, mà muốn làm cái gì đó mà mình biết trong đầu mình.
VOA: Trong câu chuyện đó thì có bao nhiêu phần trăm hiện thực hoàn toàn và bao nhiêu phần trăm hư cấu?
Nhà văn Thanh Hà: Phải nói là 80% là mình tạo ra. Tại vì Hà có từ Việt Nam qua, bố vẫn mất tích, có bà mẹ phải nuôi nhiều đứa con. Còn ở ngoài đời thật thì Hà có chín anh em lận. Có sáu người anh, hai người chị, và Hà là con út. Nhưng mà vì có quá nhiều người, không thể đưa hết vào một cuốn sách được, thành ra phải ‘tẩy’ ra và gộp sáu ông anh lại thành có ba người anh. Rồi phải ‘tẩy’ đi hai người chị để truyện này về một đứa con gái sống trong một gia đình đầy con trai. Rồi ngoài đời thì có việc đi trên tàu để qua đây, nhưng mà lúc trên tàu có con gà với con búp bê, tất cả những điều đó là tạo ra hết.
VOA: Trong video quay lại hôm chị lên nhận giải thì em thấy chị đi lên sân khấu rất nhanh và chị có một vài phút để nói lời cám ơn tới những người giúp đỡ chị, đó là ba người Rosemary, Terra, Sarah, cùng chồng của chị là Henry. Nhưng mà bây giờ thì chị có nhiều thời gian hơn thế, vậy chị có thể chia sẻ một chút với các thính giả, độc giả của VOA là họ là ai, họ đã làm gì để giúp đỡ chị trong quá trình để đạt được thành quả này được không ạ?
Nhà văn Thanh Hà: Lúc đó thì Thanh Hà đâu có nghĩ là sẽ thắng, nên thành ra lúc đó đang ngồi ăn bánh socola. Rồi họ gọi tên. Lúc họ gọi tên thì trong đầu Thanh Hà không có nghĩ là mình phải lên sân khấu, cho nên Thanh Hà cứ ngồi đó thôi. Rồi cô editor (biên tập) là Terra, người đã giúp truyện của mình hay hơn, đã nói với Hà là phải đứng lên và lên sân khấu, cho nên Hà không có chuẩn bị trước là mình lên sẽ nói gì. Điều này bất ngờ kinh khủng. Thế nên Hà chỉ lên nói được mấy câu rồi chạy xuống khi mà tim vẫn còn đập bùm bùm. Nhưng mà nếu mà Hà có chuẩn bị trước, làm như những người khác là có bài nói sẵn sàng, thì Hà trước hết phải cám ơn mẹ Hà. Không biết tại sao mà mẹ Hà lại có đủ sức mạnh để nuôi con qua chiến tranh. Mẹ Hà luôn nói là lớn lên không sao đâu, chiến tranh thì chiến tranh, mình vẫn tiến lên và làm những gì mình cần làm. Và Hà cũng phải cám ơn sáu ông anh. Nếu mà truyện của Hà tếu, hài hước là nhờ vào sáu ông anh. Nhà Hà rất là hài hước, cười suốt ngày. Thành ra đúng là có chiến tranh ở ngoài đời, đúng là có ở Alabama, và đúng là có những đứa bạn chọc ghẹo lúc ở trong trường, nhưng cứ về nhà phần lớn là toàn cười không. Khi nhớ lại những điều đó và nếu tạo ra được giọng văn kể về những nỗi khổ nhưng mà vui là nhờ có gia đình. Cho nên, nếu mà được có thời gian để lên nói lúc đó thì trước tiên Hà phải cám ơn gia đình. Sau đó là cám ơn Terra và Sarah, hai người giúp mình biên tập lại truyện. Còn Rosemary là người đem truyện của mình bán cho các nhà in, và cuối cùng là ông chồng Henry.
VOA: Cuộc sống của chị sau khi thắng giải thay đổi như thế nào?
Nhà văn Thanh Hà: Đêm hôm đó thì có rất nhiều người đến chụp hình và phỏng vấn, nhưng mà sau khi đó thì, tại vì thắng giải này thì mình có hợp đồng viết thêm hai cuốn sách nữa. Rồi mình lại có deadlines, về nhà đầu mình lại quay trở lại với cuộc đời viết. Cuộc đời viết thì không ai đến nói với mình cái gì cả, mình chỉ ngồi trong phòng riêng, nhìn lên cửa sổ và viết thôi. Đời bây giờ rất là bình thường. Mỗi sáng đi chạy bộ, về nhà, cho con cá ăn, cho con chó ăn, rồi bắt đầu ngồi viết.
VOA: Gia đình chị phản ứng như thế nào sau thành quả này của chị?
Nhà văn Thanh Hà: Cái lúc mà thắng, về sau Hà cũng thắng giải Newbery Honor, đúng năm ngoái họ có một hội nghị ở Anaheim, California. Anaheim thì ở ngay trong Orange County. Có một đêm anh chị em đưa ra ăn ở một nhà hàng. Thì hôm đó là ăn mừng khi đó. Nhưng mà nhà Hà trầm trầm lắm, không có ai mà nhảy lên mà hoan hô đâu, nhà Hà rất trầm.
VOA: Chị có nói là chị đang tiếp tục hoàn thiện hai cuốn sách, vậy thì chị có thể chia sẻ một chút về điều này được không?
Nhà văn Thanh Hà: Hà mới nộp bản thảo đầu tiên của truyện Listen, Slowly. Sách sẽ ra mắt tháng 1/2015. Truyện này về một đứa bé gái 12 tuổi gốc Việt đang sống ở Laguna Beach, California. Nó không nói Tiếng Việt, không muốn là người Việt, không muốn gì về Việt Nam hết. Bố mẹ nó nuôi nó cho dù muốn nó là người Việt nhưng không kể chuyện gì về Việt Nam cho nó nghe hết. Thành ra nó cũng không nghĩ gì về Việt Nam hết trừ việc bố mẹ nó sinh ra ở đó. Tuy có bắt nó học Tiếng Việt nhưng nó không nói được Tiếng Việt, mà nó chỉ copy những câu nói từ sách Tiếng Việt sang Tiếng Anh thôi. Và vào một mùa hè năm 2010, thì bỗng dưng bà của nó và sống với nó, nói là phải về Việt Nam với bà trong sáu tuần. Rồi từ đó nó sẽ tìm ra được nhiều điều mà nó sẽ rất ngạc nhiên. Cốt truyện sau đó sẽ xảy ra ở Việt Nam.
Cuốn này hiện tại cũng đã ‘hút’ hết óc của mình rồi, cho nên cuốn thứ hai thì mình phải nghỉ khoảng chừng mấy tuần rồi mình bắt đầu làm.
VOA: Xin cám ơn chị Thanh Hà, VOA xin được chúc chị sẽ thành công với những dự án tiếp theo.