Hội Ân xá Quốc Tế tiếp xúc với các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam
Lần đầu tiên chính phủ Việt Nam mở một cuộc đối thoại với Hội Ân xá Quốc Tế và cho phép tổ chức bênh vực nhân quyền này gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước được nhiều người biết tiếng nhất, trong các cuộc tiếp xúc được Hội Ân xá Quốc Tế đánh giá là mang ý nghĩa quan trọng vì theo Hội, đây là các cuộc tiếp xúc đầu tiên như thế này “kể từ sau chiến tranh Việt Nam”.
Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam, một tổ chức vận động cho nhân quyền, phổ biến tin này hôm 4 tháng Ba, nói rằng lần đầu tiên Việt Nam đã mời ông Frank Januzzi, Phó Giám đốc điều hành của Hội Ân xá Quốc Tế, đến Việt Nam.
Trước chuyến thăm kéo dài 6 ngày kết thúc vào hôm thứ Bảy, ông Frank Januzzi đề nghị Hà nội rằng ngoài làm việc với các cơ quan chính quyền, ông yêu cầu được gặp các nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở trong nước.
Ông đặc biệt nêu danh hai nhà bất đồng nổi tiếng là Luật sư Nguyễn văn Đài và bác sĩ Phạm Hồng Sơn, và Hà nội đã chấp nhận đề nghị của ông.
Theo tường trình của Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam thì ông Frank Januzzi cho biết mục đích của chuyến đi của ông là để hỗ trợ và thiết lập các cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, đồng thời thăm dò các kênh đối thoại khác nhau để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, và giúp người Việt trong nước được hành sử các quyền làm người căn bản, kể cả các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do hội họp.
Sau các cuộc thảo luận tại các cơ quan chính phủ, ông Frank Januzzi tỏ ra lạc quan về triển vọng mở đối thoại về nhân quyền với Việt Nam trong tương lai. Theo nhận định của ông thì các giới chức Việt Nam đã tỏ thái độ cởi mở, sẵn sàng đối thoại với phía Hoa Kỳ về các vấn đề tế nhị, kể cả vấn đề nhân quyền và vấn đề tranh chấp đất đai. Ông nói ông được rộng chân để thực hiện những gì muốn làm trong chuyến đi.
Tờ The New York Times, số ra hôm nay, cũng đăng một bài viết tựa đề: 'Bị áp lực về vấn đề nhân quyền, Việt Nam cho phép Hội Ân xá Quốc Tế đi thăm Việt Nam.'
Thông tín viên Gerry Mullany của tờ báo này nói rằng cuộc đối thoại diễn ra giữa lúc Việt Nam đang trong tiến trình tham khảo để soạn một Hiến Pháp mới để tìm cách giải quyết các quan tâm về các quyền dân sự và tinh thần khoan dung tôn giáo, là những lĩnh vực mà giới lãnh đạo Việt Nam đã bị các nước Tây Phương, và các tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế cực lực đả kích trong thời gian qua.
Hội Ân xá Quốc Tế từng gay gắt chỉ trích Việt Nam, và mới đây nhất đã chỉ trích vụ kết án tù 13 nhà hoạt động công giáo, Hội Ân xá Quốc Tế, coi bản án đó nằm trong khuôn khổ một cuộc đàn áp ngày càng leo thang của nhà nước Việt Nam, nhắm vào quyền tự do phát biểu.
Theo New York Times, ông Frank Januzzi thừa nhận rằng Việt Nam hãy còn phải cố gắng nhiều trong một thời gian dài trước khi có thể giải quyết các quan tâm đó, nhưng theo ông Frank Januzzi thì các nỗ lực nhằm tu sửa Hiến Pháp là một dấu hiệu cho thấy là giới lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng xử lý các vấn đề về nhân quyền.
Ban Việt ngữ - VOA đã tiếp xúc với một số nhân vật bất đồng chính kiến với Hà nội đã gặp ông Frank Januzzi trong chuyến đi vừa rồi. Câu trả lời chung của những nhân vật này là giới đấu tranh cho dân chủ ở trong nước đang “lạc quan một cách thận trọng”, và tình hình đang có những diễn tiến hết sức tế nhị.
Theo Ủy Ban Nhân quyền Việt Nam, trong cuộc tiếp xúc với ông Frank Januzzi, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và Luật sư Nguyễn văn Đài đã đại diện giới đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng nếu các vấn đề nhân quyền Việt Nam được giải quyết thích đáng, thì hơn 90 triệu người dân Việt Nam sẽ được hưởng các quyền tự do và bình đẳng. Điều đó, theo lời hai nhà đấu tranh dân chủ này, “sẽ có lợi không những cho nhân dân Việt Nam, mà còn phục vụ cho hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Châu Á-Thái bình dương”, trong đó có cả Hoa Kỳ.
Ông Frank Januzzi từng làm việc cho Phó Tổng Thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry, thời hai ông Biden và Kerry còn là các Thượng nghị sĩ.
Ông cũng thường tiếp xúc mật thiết với Thượng nghị sĩ John McCain và các cơ quan chính quyền Mỹ. Ông Frank Januzzi nói ông hy vọng Hội Ân xá Quốc Tế trong thời gian tới sẽ có một đại diện thường trực tại Việt Nam, và tỏ ý muốn thực hiện một cuộc khảo sát chi tiết về các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, điều mà ông Hội Ân xá Quốc Tế đã làm tại Miến Điện, đưa đến những kết quả hết sức tốt đẹp.
Nguồn: VNHCR, New York Times, Conversation with dissidents in Vietnam