Trở về trần gian Từ Thức gặp lại “cụ bà” Yến NhiMột cảnh trong vở tuồng "Cánh tay Vương Tá" năm 2011 tại Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM. Nguồn sankhau3mien.com
Kể từ lúc nhìn thấy trở lại cảnh trần gian với người người qua lại, với hình ảnh người nông dân bên cánh đồng bát ngát mênh mông với công việc ruộng nương đồng áng. Ôi sao mà đẹp quá! Thế là Từ Thức lúc nào cũng mặt ủ mày ê, buồn rầu khôn tả, chàng không tha thiết gì với Bồng Lai Tiên Cảnh nữa, mà tâm tư cứ suy nghĩ mãi chuyện hồng trần, mà mình vô tình quên mất thời gian qua.
Tìm đường về làng cũTiên nữ Giáng Hương đã không còn cách nào để khuyên giải nỗi u buồn của Từ Thức, can gián thế mấy cũng không được. Cuối cùng thì nàng đành phải đưa chàng ta ra cổng Trời, làm phép trong khoảnh khắc thì Từ Thức đã hiện diện ở mặt đất thế gian.
Tìm đường về làng cũ, chàng đi thật nhanh về để sớm gặp người yêu cũ Yến Nhi, để bù lại cho nàng những ngày thương nhớ. Chẳng mấy chốc hình ảnh quen thuộc cổng làng hiện ra, vẫn con đường đất và chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ, vẫn ao làng mà bên ven bờ có bụi tre lá rụng...
Tóm lại là cảnh vật vẫn y nguyên chẳng thay đổi, chỉ có con người ta là hoàn toàn xa lạ, chẳng một ai quen để mà hỏi thăm. Chợt thấy một cô thôn nữ sắp bước vô cổng làng, chàng hỏi:
- Cô là người ở làng này à?
Người nữ gật đầu xác nhận:
- Phải, tôi là người ở làng này, cậu hỏi có chuyện chi?
- Vậy nhà của cô Yến Nhi ở đâu?
- Cậu hỏi cô Yến Nhi nào?
- Tôi muốn hỏi thăm cô Yến Nhi ở làng này.
- Ở đây chỉ có bà cụ bán bánh tráng ở ngôi trường đằng kia là tên
Yến Nhi mà thôi, bà ta gần một trăm tuổi rồi mà gọi bằng “cô” sao được. (Cũng có gánh cải lương nói cụ bà bán bánh ít, bánh tét).
Thấy chàng ta châu mày suy nghĩ, người thôn nữ nói tiếp:
- Bà cụ Yến Nhi chỉ sống một mình không có chồng con gì hết. Nghe nói khi xưa một trăm năm trước, bà có người yêu là một nho sinh tên Từ Thức, rồi tự nhiên cái ông Từ Thức ấy bỏ đi đâu mất, bà trông chờ mãi vẫn không thấy về.
Nghe người thôn nữ nói, Từ Thức lấy làm lạ không lẽ một trăm năm trước cũng có người nho sinh cùng tên với mình, và người yêu cũng tên Yến Nhi sao? Mà tại sao mình lại không nghe ai nói chuyện ấy chớ!
Chàng hỏi:
- Chuyện Từ Thức và Yến Nhi có nhiều biết không vậy cô?
- Ai ở làng này mà không biết chuyện đó chớ! Giờ đây mỗi ngày bà cụ ngồi bán bánh tráng trước ngôi trường mà ông Từ Thức từng học, như là để nhớ một kỷ niệm nào đó vậy.
Từ Thức lấy làm lạ, có lý nào mới hai tháng trời mà Yến Nhi lại già đi cả trăm tuổi sao? Chàng nhìn về phía ngôi trường cạnh bên đình làng thì vẫn không thay đổi, chỉ có cái là tại sao cả ngôi trường lẫn đình làng lại cũ kỹ đi rất nhiều, rêu xanh mọc đầy trên mái ngói.
Muốn biết cho chắc, chàng hỏi:
- Vậy chớ ở đây có ai là thân thuộc, hay bạn bè của Từ Thức mà cô vừa nói đó?
- Những người thuộc lớp tuổi của ông cụ Từ Thức đã chết hết cả rồi, chỉ duy nhứt có bà cụ Yến Nhi mỗi ngày ngồi bán bánh tráng trước cổng trường là còn sống đó thôi, ông vào đó hỏi thăm đi.
Từ Thức cám ơn rồi rời khỏi cổng làng, đi về phía ngôi trường, mà đối với chàng từng có kỷ niệm lúc mới gặp gỡ Yến Nhi. Khoảng cách thu ngắn dần, và giờ đây trước mắt chàng là một cụ bà đầu tóc bạc phơ, mắt mờ sờ sệt, da mặt nhăn nheo, răng rụng không còn một chiếc. Chàng hỏi:
- Thưa cụ bà, cụ bà có biết cô Yến Nhi mà hai tháng trước đây là người thân của nho sinh Từ Thức, hôm nay cô ở đâu?
Nghe nhắc đến tên Từ Thức, như gợi lại hình ảnh cũ, cụ bà xúc động rưng rưng nước mắt. Một lúc sau bà mới thốt lên câu nói:
- Yến Nhi là tôi đây, và nho sinh Từ Thức là bạn tình chưa làm lễ thành hôn, thì ông bỏ đi biệt tích biệt tăm từ ấy đến nay luôn.
Từ Thức nói:
- Cụ bà có kỷ niệm nào đáng nhớ đối với nho sinh Từ Thức?
- Khi còn trẻ, tôi ban ngày buôn bán, ban đêm ngồi quay tơ, nuôi ổng ăn học, chờ ngày đỗ đạt. Lúc đó tôi mới 17 tuổi và ông chưa đầy 20. Ngày nay tôi già trăm tuổi nhưng lòng vẫn hoài vọng chờ mong người xưa quay về. Bây giờ cậu gợi lại chuyện năm xưa, tôi buồn quá!
Như nhớ lại điều gì, cụ bà Yến Nhi nói tiếp:
- À! Mà cậu hỏi cô Yến Nhi nào, ở đây chỉ có tôi tên Yến Nhi mà thôi!
Từ Thức suy nghĩ có lý nào như vậy chớ? Chàng chỉ lạc lối Đào Nguyên mới có 2 tháng kia mà! Rồi bỗng chàng vụt nhớ đến trong sách sử có ghi rằng: Một ngày ở trên thượng giới dài bằng mấy năm ở trần thế, như vậy hai tháng chàng chung sống với Giáng Hương cũng ngang bằng cả trăm năm ở mặt đất thế gian rồi còn gì. Truyền khẩu nhân gian cũng từng nói thế! Đối với chàng thì sau hai tháng vẫn trẻ trung đâu có gì thay đổi, còn Yến Nhi một trăm năm trôi qua thành cụ bà thì cũng đúng thôi!
Giờ đây điều khó xử cho chàng ta, là có nên nói rõ mình là Từ Thức của một trăm năm về trước, nhưng đối với cụ bà thì phải làm sao đây, bởi bà vừa nói vẫn hoài vọng người xưa quay về. Khi nãy vừa xuống trần gian, định bụng khi gặp Yến Nhi chàng sẽ ôm nàng vào lòng, tâm sự thật nhiều, rằng mình vẫn thương vẫn nhớ Yến Nhi. Nhưng thực tế trước mắt thì không thể tưởng tượng nổi, Yến Nhi đã là cụ bà, và chàng chỉ đáng cháu đáng chắt của bà cụ, mà nhìn là người yêu thì thế nào được chớ! Vậy thì đâu có cái chuyện Yến Nhi sẽ mừng rỡ gặp lại người yêu, ngã đầu vào ngực chàng thỏ thẻ những câu ân tình. Cũng đâu có cái chuyện gặp nhau rồi nàng mừng quá, xúc động rồi thổn thức khóc, nước mắt ràn rụa như chàng tưởng tượng lúc mới trở lại trần gian.
Trước một thực tế quá chán chường, Từ Thức im lặng không nói gì thêm, cũng không chào từ giã “bà cụ” Yến Nhi trước khi rời khỏi. Thế rồi Từ Thức lại ra đi biệt dạng, mà người đời chẳng ai biết được chàng đi đâu. Đây là câu chuyện diễn tả vừa chuyện xưa tích cũ, vừa là kịch bản cải lương. Dĩ nhiên 2 cái khác nhau, nếu như chỉ căn cứ vào chuyện xưa tích cũ thì thế hệ của Từ Thức đã chết hết chẳng còn ai, nhưng trong tuồng cải lương thì còn “cụ bà Yến Nhi”.
Cụ bà Yến Nhi bán bánh trángKhông biết vị soạn giả cho ra đời vở hát Đào Nguyên Lạc Lối, đã dựa theo sử sách nào, căn cứ vào đâu để dựng lên một cụ bà Yến Nhi bán bánh tráng. Hay là soạn giả đã tưởng tượng ra một nhân vật cũng có lý phần nào, rồi viết vào làm phong phú thêm câu chuyện, lại vừa làm cho lớp tuồng trở nên vui nhộn. Đó là lúc Từ Thức nhìn chăm chăm cụ bà Yến Nhi một lúc rồi thối lui, thối lui... thiếu điều đụng cánh gà sân khấu, khiến cho khán giả cười rần lên.
Bìa đĩa cải lương Yêu Người Điên, soạn giả Thiếu Lĩnh, đoàn cải lương Dạ Lý Hương.
Đóng vai Yến Nhi phải 2 nữ nghệ sĩ thì mới coi được, chớ không thể một người. Màn đầu thì một cô đào trẻ đóng vai Yến Nhi (mới 17 tuổi). Màn sau thì cô đào mụ, hóa trang cho già thêm để đóng vai cụ bà Yến Nhi bán bánh tráng. Tuồng cải lương cảnh cuối Từ Thức thất thểu bước đi, và màn nhung từ từ khép lại. Vãn hát khán giả thắc mắc hỏi nhau: Chàng ta đi đâu, có trở về với Giáng Hương? Khán giả khác lên tiếng: Về sao được mà về, tiên nữ nói rồi, nếu xuống trần gian thì không được trở lại Đào Nguyên lần thứ hai...
Và cũng có người trách Từ Thức sao lại bạc tình với Giáng Hương, nói rằng ở cõi tiên không muốn, về trần gian làm chi để rồi chứng kiến nỗi ê chề không thể tưởng tượng được, khiến chàng ta lạc lõng giữa chợ đời nhân thế, đến đỗi phải bỏ làng ra đi biệt tích biệt dạng...
Nghệ thuật cải lương đã đánh trúng tâm lý khán giả, đã tìm ra câu chuyện nhân gian tuy huyền hoặc, nhưng lại là động lực cho khán giả bỏ tiền ra mua vé. Câu chuyện khó có thể tin nhưng lại rất hay, và lại càng hay hơn, khi nó được chuyển thể thành kịch bản cải lương sân khấu, đưa người ta vào sự suy tưởng phong phú vậy.
Đào Nguyên Lạc Lối là vở hát mà ai xem cũng thắc mắc ở phần kết cuộc, là Từ Thức đi đâu? Hầu như đại đa số đều muốn Từ Thức về lại với tiên nữ Giáng Hương. Thế nhưng, trước đó Thánh Mẫu có nói rằng, căn duyên của hai người nặng nợ với nhau hai tháng, nên mới khiến cho Từ Thức mở cánh cửa nhìn xuống trần gian.
Và trong số khán giả được hỏi có người nói rằng, như thế cũng đầy đủ quá rồi, hai tháng ở Bồng Lai Tiên Cảnh dài ngang bằng 100 năm ở trần gian. Như vậy Từ Thức hưởng hạnh phúc còn dài lâu hơn người ở trần thế, thì con đòi gì nữa chớ! Mất tích hay chết luôn cũng vừa thôi. “Trăm năm trong cõi người ta...” Cụ Nguyễn Du đã nói thế kia mà!
Cái khổ ở đây là bà cụ Yến Nhi, suốt đời hoài vọng người xưa trở lại, gặp mặt làm chi để rồi chàng quay gót không một lời từ giã. Ai cũng thương xót cho hoàn cảnh của bà. Phận gái mười hai bến nước. Gặp phải bến này có cũng như không.
Theo RFA