VRNs (08.03.2013) – Washington DC, USA – Tại sao 7 Triệu người Công giáo nói không với Hiến pháp?
Phong trào quần chúng bác luận điệu nói đảng Cộng sản có quyền lãnh đạo “nhà nước và xã hội” là “tất yếu của
lịch sử” đã nổi lên ở Việt Nam.
Những người tham gia Cuộc cách mạng bất bạo động này đòi thay bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi bằng
một Hiến pháp mới bảo đảm tự do và dân chủ, công nhận đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập (lập pháp, hành
pháp và tư pháp) để xây dựng một chính quyền thật sự của dân, do dân và vì dân qua bầu cử trực tiếp.
Họ còn tuyên bố Quân đội không phải là công cụ của đảng mà của dân và phải trên hết tuyệt đối trung thành với Tổ
quốc.
Làn sóng người dân nổi lên cũng tự phủ nhận chủ nghĩa Cộng sản do đảng áp đặt và bắt mọi người phải theo từ
83 năm qua. Và họ cũng kiên quyết đòi đảng trả quyền làm chủ đất nước cho dân để họ tham gia xây dựng Hiến
pháp mới, có thể qua một Quốc hội lập hiến do dân bầu.
Đây là lần đầu tiên trong 68 năm độc quyền cai trị ở Việt Nam đảng Cộng sản đã phải đối phó với một cuộc nổi
dậy không có tiếng súng nhưng trực diện và rất khó dập tắt, trừ phi đảng muốn tái diễn cuộc đàn áp đẫm máu của
chính phủ Trung Cộng ở Quảng trường Tiananmen (Thiên An Môn) năm 1989, nếu những người của phong trào
phản kháng quyết định tuần hành ở Hà Nội hay Sài Gòn.
Nghiêm trọng hơn là trong số những người chống đảng, ngoài số đông người dân bình thường còn có cả công
nhân và nông dân là hai lực lượng nồng cốt đã tạo nên đảng CSVN.
Nhiều Lão thành cách mạng, chức sắc Tôn giáo, cựu chiến binh, có cả cựu Tướng lãnh và cán bộ, đảng viên cao
cấp đã nghỉ hưu hoặc tại chức cũng tham gia vào làn sóng người phản kháng không đổ máu này.
Biến cố này bắt đầu từ “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” của nhóm 72 Nhà Trí thức, Nhân sỹ và Lãnh đạo
Tôn giáo nổi tiếng công bố trên báo điện tử Bauxite Việt Nam ngày 19/01/2013.
Nhóm 72 nói rằng: “Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân
chủ, định kỳ.”
Lập trường này xác nhận họ đã bác bỏ việc Hiến pháp sửa đổi tiếp tục duy trì quyền cai trị độc tôn, độc tài cho
đảng CSVN.
Các Trí thức cũng nói: “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành
với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang
phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội và người Việt Nam ở nước ngoài đã ký tên ủng hộ Nhóm 72
Trong số những trí thức, nhân sỹ, lãnh đạo Tôn giáo ký tên có cả Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Giáo phận
Vinh; các ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Minh Thuyết, GS TS, nguyên Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên
thiếu tướng, nguyên ủy viên Trung ương đảng, nguyên cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc và 8 nguyên Trợ lý và
chuyện gia cố vấn của các nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải (Tương Lai, Lê
Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Trung, Vũ Quốc
Tuấn) v.v…
Nhóm 72 còn đề xuớng một dự thảo Hiến pháp 2013 cho chính quyền dân chủ ở Việt Nam theo Tổng thống chế
với 2 viện Quốc hội (Thượng và Hạ) được dân trực tiếp bầu. Ba ngành hiến định Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp
hoạt động độc lập.
Họ đã trao Hiến pháp dự thảo này cho Ủy ban sọan thảo Quốc hội ngày 04/02/2013 với đề nghị “trang thông tin
điện tử của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp và các báo in cần đăng Kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 cùng
với các ý kiến khác về sửa đổi Hiến pháp”.
Tuy nhiên ông Phan Trung Lý, thay mặt Ủy ban đã bác bỏ yêu cầu của Nhóm 72
TIẾNG NÓI CÔNG GIÁO
Quyết định của ông Lý không chỉ xúc phạm đến những người ký tên ủng hộ Nhóm 72 mà còn công khai coi
thường hàng trăm tiếng nói của những người Công giáo đã ký tên vào Kiến nghị.
Lần đầu tiên khỏang 200 Linh mục và Tu sỹ đã hướng dẫn giáo dân hành động theo gương 3 Đức Tổng Giám
mục và Giám mục nổi tiếng của Việt Nam, những chủ chăn đã ký tên ủng hộ Nhóm 72 chống Hiến pháp sửa đổi
1992.
Làn sóng người công giáo ở Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia Phong trào chống đảng CSVN lên
cao độ ngay sau khi Đức nguyên Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, ở ẩn từ Tu viện Nhà dòng Châu Sơn, Ninh
Bình, ký tên ủng hộ nhóm 72, đã có sẵn chữ ký của Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban
Công lý và Hòa Bình của Hội đồng Giáo mục Việt Nam.
Đức TGM Ngô Quang Kiệt viết: “Tôi đồng ý và ký tên bản Kiến nghị về sửa Hiến pháp 1992 (đăng tải trên Bauxite
Việt Nam ngày 22/1/2013.”
Sau đó đến lượt Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo phận Thanh
Hoá cùng đã dấn thân “làm cách mạng” với giáo dân của Ngài.
Hành động của 3 Chức sắc cao cấp của Giáo hội Công giáo và Nhóm 72, phải chăng đã thúc bách đảng và nhà
nước CSVN có phản ứng qua những phát biểu của hai ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng?
Ông Trọng cho rằng “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng,
đạo đức”, đó là những ai đòi hỏi “bỏ Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng, muốn đa nguyên đa
đảng, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội .” (Tuyên bố ngày 25/02/2013 tại Vĩnh Phúc).
Và ông Hùng thì lên án những ý kiến không thuận chiều với đảng là “…lợi dụng việc lấy ý kiến hiến pháp để tuyên
truyền vận động nhân dân chống lại Đảng chống lại chính quyền… là ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và
ngăn chặn.”
Ông cũng bảo: “Bản lấy ý kiến là bản của Uỷ ban dự thảo Hiến pháp công bố trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận
của Quốc hội… là bản duy nhất. Còn anh tự tổ chức lấy một cách lấy ý kiến khác của anh là không được, đấy là
cách làm không đúng quy định, mà tôi chưa nói là vi phạm pháp luật, chúng ta phải đấu tranh…” (Tuyên bố ngày
27/02/2013 tại Hà Nội).
ĐỔ DẦU VÀO LỬA
Lập luận quy chụp, độc tài, bảo thủ của hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng đã bị chống đối quyềt liệt
từ nhiều phía người dân vì rõ ràng đảng đã nói một đàng làm một nẻo khi lấy ý kiến mà lại không những chỉ chống
mà còn đe dọa người có ý kiến khác với mình.
Phản bác đầu tiên và mạnh mẽ nhất vào ngày 26/02/2013 đến từ Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên qua bài “Vài lời với
TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng” trong báo điện tử “Cùng Viết Hiến Pháp” của nhóm Giáo sư Tiến sỹ Toán học
nổi tiếng Thế giới Ngô Bảo Châu.
Ông Kiên nói thẳng ngay từ đầu: “Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả
nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách.Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn
dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông
không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn
giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó
chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc
đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.”
Chỉ ít giờ sau khi bài này phổ biến, Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị báo Gia đình & Xã hội cho nghỉ việc vì theo tờ
báo thì ông Kiên “không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình & Xã hội .”
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Cộng sản Việt Nam đã có một Nhà báo trẻ dám công khai viết bài
chỉ trích quan điểm một Tổng Bí thư, người đứng đầu và đầy quyền thế của đảng CSVN.
7 TRIỆU NGƯỜI CÔNG GIÁO LÊN TIẾNG CHO AI?
Biến cố Nguyễn Đắc Kiên và Nhóm 72 được coi như “những ngòi nổ” hay “những giọt nước làm tràn ly” đã kích
thích tinh thần cho Phong trào quần chúng nổi lên tuyên bố quay lưng lại với chế độ hà khắc đã chà đạp nhân
phẩm và ăn không mồ hôi nước mắt của toàn dân từ 68 năm qua để tiếp tục đầy đất nước xuống hố sâu đói
nghèo lạc hậu.
Chỉ hai ngày sau “biến cố Nguyễn Đắc Kiên”, một bản “Tuyên bố của các Công dân tự do” gồm 5 Điểm ra đời
hôm 28/02/2013 cũng bác bỏ “Điều 4 trong Hiến pháp”; “ủng hộ đa nguyên, đa đảng”; đòi “xóa bỏ các tập đoàn
quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách”; và “ủng hộ phi chính trị hóa quân đội”.
Những người chủ trương tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động,
là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.”
Nhóm chủ xướng, phần lớn là những Nhà báo tự do họat động trên các báo mạng “Truyền thông xã hội” ở Việt
Nam và nước ngòai, đứng đầu danh sách có các Bloggers nổi tiếng như: Nguyễn Hòang Vi (Sài Gòn); Phạm
Thanh Nghiêm (Hải Phòng); Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Qùynh, Nha Trang); Trịnh Kim Tiến ( Sài Gòn); Bùi Thị
Minh Hằng (Vũng Tầu), Huỳnh Ngọc Chênh (Sài Gòn)v.v..
Danh sách đã có ngoài 5000 người ủng hộ, trong đó có các tên tuổi lớn như Tiến sỹ Hà Sĩ Phu; Bác sỹ Nguyễn
Đan Quế; Linh mục Đinh Hữu Thoại của Truyền Thông Chúa Cứu Thế (Việt Nam); Nhà văn, Nhạc sỹ Tô Hải; Ông
Trần Khuê, người sáng lập Đảng Dân Chủ Thế Kỷ XXI (Sài Gòn); Nhà Thơ Bùi Chát; Nhà thơ Đỗ Trung Quân và
Nhà báo Lưu Trọng Văn (con Nhà thơ Lưu Trọng Lư) v.v…
Tuy nhiên, thái độ lịch sử lớn nhất của Phong trào, cho đến hôm nay, là tiếng nói thống nhất của trên 7 triệu tín đồ
Công giáo đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố vào ngày 01/03/2013. Các Nhà lãnh đạo Giáo hội
Công giáo đã công khai phủ nhận đảng CSVN có quyền đương nhiên cai trị dân độc tài, độc đảng để tiếp tục
cướp đi tất cả mọi quyền tự do căn bản của con người Việt Nam.
Các Ngài cũng chỉ trích sự kiện Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ngay trong Lời Mở Đầu, đã cưỡng chế nhân dân
Việt Nam phải đi theo cái gọi là “ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” mà thực chất là
vô thần không tin có Tôn giáo.
Bằng chứng là trong số 500 Đại biểu Quốc hội, hồ sơ cá nhân chỉ có một số “rất ít” người có Tôn giáo. Chữ
“không” ghi trong mục Tôn giáo đã chiếm gần tuyệt đối trong hồ sơ ứng cử của họ.
Quan điểm chính trị nghiêm khắc này đã được Hội đồng Giáo mục Việt Nam (HĐGMVN) viết trong Thư góp ý gửi
cho Thường trực Ban biên tập – Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thư góp ý của 26 Tổng Giám mục và Giám mục Giáo phận, mang hai chữ ký của Chủ tịch Hội đồng GMVN, Đức
Tổng Giám mục Nguyên Văn Nhơn, Giáo phận Hà Nội và Đức cha Tổng thư ký Hoàng Văn Đạt, Giáo phận Bắc
Ninh.
Các Giám mục viết: “Dự thảo khẳng định quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật
(điều 43), quyền tự do tín nguỡng, tôn giáo (điều 25). Tuy nhiên, ngay từ đầu, Dự thảo lại khẳng định đảng cầm
quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng
tư tưởng” (điều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do ngôn luận và sáng tạo văn học,
nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm
sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần? Phải
chăng những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho nhân dân tùy lúc tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ
quát, bất khả xâm phạm, và bất khã nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này, thì
mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân.”
Khi nói về những hạn chế khe khắt “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” thì đảng CSVN đã chứng minh là “kẻ thù”
của mọi Tôn giáo, ngoại trừ những ai chịu nghe theo và làm theo ý muốn của nhà nước trong các Tổ chức Tôn
giáo do Nhà nước bảo hộ và có chân trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Bằng chứng này đã thể hiện trong Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo năm 2004 và gần nhất là Nghị định Số:
92/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” do Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng ban hành ngày 08/11/2012.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội có số giáo dân đứng thứ 2 ở Châu Á, sau Phi Luật Tân còn nói rằng: “Hiến pháp của
một quốc gia trước hết và trên hết phải là của chính người dân, do ý thức trách nhiệm của người dân và để phục
vụ mọi người dân, không loại trừ ai.”
DÂN CÓ LÀM CHỦ KHÔNG?
Từ quan điểm này, các Giám mục Việt Nam nói thẳng: “Quyền bính chính trị cần thiết để điều hành xã hội, nhưng
chủ thể của quyền bính chính trị phải là chính nhân dân xét như một toàn thể trong đất nước. Nhân dân trao việc thi
hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ bầu làm đại diện cho họ, bất kể người đó
thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào. Chỉ khi đó mới có Nhà nước pháp quyền “của dân, do
dân và vì dân”. Vì thế việc tự do ứng cử của mỗi công dân là đòi hỏi tất yếu trong một xã hội dân chủ, văn minh và
lành mạnh. Ðồng thời việc bỏ phiếu công khai, khách quan và công bằng, là đòi hỏi cần thiết để người dân có
được những đại diện mà họ tín nhiệm.Chính nhân dân có quyền đánh giá năng lực của những đại diện họ đã bầu,
và khi cần, họ có quyền thay thế những đại diện đó.”
Thực tế ở Việt Nam người dân chỉ “làm chủ đất nước trên giấy tờ” và “bằng nước bọt” bởi đảng Cộng sản Việt
Nam đã cướp mất quyền ấy. Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo độc tôn và độc đảng và ghi cả vào Điều 4, từ Hiến
pháp 1980 “là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội.”
Sau đó đến Hiến pháp 1992 thì viết lại “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Bây giờ trong Hiến pháp sửa
đổi thì đảng vẫn giữ nguyên như thế mà không sao chứng minh được “ai đã bầu cho đảng được độc quyền lãnh
đạo đất nước”?
Như vậy có “phản động và phản dân chủ” không?
Các cuộc được gọi là “bầu cử” ở Việt Nam Cộng sản từ Hội đồng nhân dân lên Quốc hội đều do đảng quyết định
từ khâu chọn người đến tổ chức bầu cử.
Người được chọn hầu hết là đảng viên, hay cảm tình viên hoặc được đảng chêm vào cho có mầu sắc đại diện
nhiều tầng lớp nhân dân nên lá phiếu của người dân chỉ còn là hình thức “đảng cử dân bầu”để phục vụ cho quyền
lợi của đảng và bảo vệ quyền tự phong lãnh đạo toàn diện cho đảng.
Vì vậy, Hội đồng Giám mục đã thẳng thắn nói với đảng rằng: “Ðể tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong
Hiến pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phải chính trị nào (xem
điều 4), vì chủ thể của quyền bính chính trị là chính nhân dân, và nhân dân trao quyền bính đó cho những người họ
tín nhiệm qua việc bầu chọn. Những cá nhân được bầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc họ làm, chứ
không thể là một tập thể mơ hồ rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả.”
Ngòai ra, Các Giám mục cũng nói vào tai đảng rằng: “Hiến pháp hiện hành chỉ công nhận quyền sử dụng đất chứ
không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Ðiều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng.
Vì thế, Hiến pháp mới cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa
số các quốc gia trên thế giới….
…Quyền bính chính trị mà nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và
tư pháp. Ðể những quyền bính này được thi hành cách đúng đắn và hiệu quả, cần có sự độc lập chính đáng của
mỗi bên và vì công ích của toàn xã hội. Trong thực tế của Việt Nam nhiều năm qua, đã không có được sự độc lập
này, dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền, gây ra nhiều bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo
đức. Cuối cùng, người dân nghèo phải gánh chịu mọi hậu quả và Việt Nam, cho đến nay vẫn bị xem là một nước
kém phát triển….”
VỚT VÁT GIỜ CHÓT?
Nói tóm lại thì Giáo hội Công giáo Việt Nam đã “sổ toẹt” vào Hiến pháp duy trì quyền cai trị độc tài cho Đảng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 68 năm cầm quyền, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã phải đối phó với “một
cuộc chiến không vũ trang” của nhân dân, tuy chưa có sức mạnh lật đổ đảng CSVN nhưng sẽ có tác động mãnh
liệt đến tình thần của tập thể trên 8 triệu đảng viên và binh sỹ đang bị Lãnh đạo đảng lên án lâm vào tình trạng “tự
diễn biến” và “tự chuyển hóa” nghiêm trọng.
Vì vậy, ngày 6/3 (2013), Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã công bố quyết định gia hạn thời gian thu nhận ý kiến cho
Dự thảo Hiến pháp đến ngày 30/9 (2013), sau đợt một kết thúc ngày 31/3/2013.
Ông Hùng cho biết vẫn còn có nhiều khó khăn và trở ngại trong việc thu nhận góp ý của người dân, nhất là ở vùng
xa và vùng cao. Thậm chí nhiều cán bộ, đảng viên và các đơn vị Quân đội ở nhiều nơi cũng chưa đóng góp ý kiến
nhiều. Do đó các ngành và địa phương phải rà soát lại những bất cập này.
Phải chăng điều này cho thấy người dân và nhiều cán bộ, đảng viên và cả binh lính cũng không mặn mà với việc
góp ý vào Hiến pháp sửa đổi?
Ông Hùng cũng thừa nhận có tình trạng chống đảng trong nhân dân khi họ tham gia thảo luận và góp ý vào Hiến
pháp 1992 cửa đổi.
Ông nói: “Ở một vài địa phương cũng đã phát hiện có một số cá nhân lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin
của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.”
Do đó, ông đã chỉ thị các cấp phải: “Cần kịp thời đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng góp ý vào Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước
và chế độ ta.”
Tình trạng này xa gần liên hệ đến một quan điểm đáng chú ý của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trong cuộc nói
chuyện tại Câu Lạc Bộ Thăng Long của các Cựu Chiến Binh ngày 19/2/2013.
Ông Sang đã có quan điểm “không có cùng lập trường” với Điều 70 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi buộc Quân
đội phải “tuyệt đối trung thành với Đảng” trên cả Tổ quốc và nhân dân.
Ông nói: “Về vai trò của Đảng với quân đội. Tôi cho rằng Đảng ta lập ra quân đội là để bảo vệ Tổ quốc, nhân dân
chứ không phải là lập ra là bảo vệ, trung thành với Đảng, vì vậy quân đội phải trung thành, bảo vệ Tổ Quốc, nhân
dân rồi mới đến Đảng, có như vậy mới đúng chứ. Nay vì theo tập quán, nhận thức vẫn chưa thực hiện được.”
(Trích ghi chép của Đoàn Sự, Dân Luận)
Như vậy thì có phải trong Đảng CSVN đang có tình trạng “trống đanh xuôi kèn thổi ngược” đối với Hiến pháp ngay
trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất không?
Phạm Trần, VRNs