Trước đây, người cộng sản vẫn thường rêu rao rằng chủ nghĩa tư bản đang giãy chết. Đó là họ nói theo ông tổ Karl Marx của
họ. Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản đẻ ra một nhóm thiểu số chủ nhân, những ông chủ này luôn tìm cách chèn ép bóc lột
những người làm công cho họ, tức giai cấp công nhân. Thế rồi tới một ngày, vì chịu hết nổi sự chèn ép đó, giai cấp công
nhân sẽ nổi lên đánh đổ giới chủ nhân để giành lại quyền làm chủ cho họ.Đồ đệ của Marx còn suy diễn thêm một ý rất mơ hồ
nữa, đó là sự quá độ của chủ nghĩa tư bản thì tới khi đó chủ nghĩa tư bản sẽ tự thoái trào để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cả hai
ý của Marx cũng như của đồ đệ Marx đều nhắm tới một kết luận là chủ nghĩa tư bản sớm muộn gì cũng tiêu vong.
Tuy nhiên, như chúng ta đã chứng kiến, cái chủ nghĩa bị tiêu tùng trước lại là cộng sản khi một loạt những quốc gia trong hệ
thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Sô xập tiệm vào cuối năm 1991. Nói cách khác, chủ nghĩa cộng sản chưa kịp giãy
chết thì đã tiêu ma.Trong khi đó, kể từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Âu châu mồ yên mả đẹp đến nay đã gần một phần tư
thế kỷ, chủ nghĩa tư bản vẫn còn đó và vẫn chưa bị “quá độ” như những người cộng sản đã đoán già đoán non, nhưng lại
đoán sai đoán trật.
Chủ nghĩa tư bản đã có mặt ở Âu châu khoảng 400 năm nay và đến nay vẫn được xem là hệ thống kinh tế thành công nhất.
Nó tạo nên của cải dư thừa và mang lại sự giàu có hơn hẳn tất cả những hệ thống kinh tế xuất hiện trước nó cộng lại. Nó giúp
đưa hàng trăm triệu người ra khỏi cảnh nghèo khổ và hàng tỉ người trên thế giới được cắp sách đến trường. Có thể nói đến
nay vẫn chưa có một hệ thống kinh tế nào khác khả dĩ thay thế được nó. Nếu nói như thế thì chủ nghĩa tư bản, hay nói hẹp
hơn là nền kinh tế tư bản, chắc phải sống hùng sống mạnh muôn năm bất diệt.
Nhưng nếu dựa vào kết quả của cuộc khảo sát vào tháng 9 vừa qua của tổ chức nghiên cứu thị trường có tên YouGov thì
dường như không hẳn vậy. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy phân nửa người dân Ấn Độ nghĩ rằng “thế hệ kế tiếp có lẽ sẽ
giàu có hơn, đời sống an ninh hơn và khoẻ mạnh hơn là thế hệ trước.”
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết người dân Ấn Độ lạc quan nhất so với người dân ở những quốc gia khác tham gia trong
cuộc khảo sát. Tỉ lệ của những người lạc quan giảm xuống chỉ còn 42% ở Thái Lan, 39% ở Nam Dương, 29% ở Brazil, 19% ở
Anh và 15% ở Đức. Nhưng phải nói rõ ở đây là người Anh và người Đức trong những cuộc khảo sát trước đây cũng thường
tỏ ra bi quan với tương lai. Điều đáng nói là nước Mỹ có tỉ lệ những người lạc quan ở mức thấp nhất so với những quốc gia
kia: chỉ có 14% người Mỹ nghĩ rằng đời sống của con cháu họ sẽ tốt đẹp hơn, trong khi có tới 52% không đồng ý như thế.
Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế trên thế giới hiện nay lại không phản ánh đúng cái nhìn bi quan của người dân tham gia
trong cuộc khảo sát. Ở mỗi châu lục, người dân sống thọ hơn. Người ta ít phải làm những công việc nặng nhọc đến oằn lưng
như trước. Thiên tai có xảy ra nhưng làm thiệt hại nhân mạng ít hơn. Mất mùa cũng bớt đi. Và theo dữ liệu của Ngân hàng Thế
giới, mỗi ngày có khoảng 100.000 người được thoát khỏi cảnh nghèo túng.
Trong khoảng ba thập niên qua, thế giới đang di chuyển theo đúng hướng của thị trường tự do. Cuộc thí nghiệm của chủ
nghĩa cộng sản chứng minh cho thấy đã bị phá sản, và thậm chí nhiều quốc gia theo chủ nghĩa xã hội tại Âu châu đã từ bỏ hẳn
hệ thống kinh tế kiểu nhà nước quản lý và bao cấp. Kể từ đó đến nay đã có hàng tỉ người dân trên thế giới thoát ra khỏi cảnh
nghèo đói và bước vào nền kinh tế thị trường tự do để được cạnh tranh một cách công bằng.
Nhưng gần đây người ta cũng nhận ra mặt trái của thị trường tự do: thu nhập của người dân bị dậm chân không nhích lên
được, mức giàu nghèo càng ngày càng cách biệt, một loạt những cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra và một số lớn những
người trẻ hiện nay không kiếm được việc làm và đành phải sống bám vào cha mẹ.
Riêng ở nước Mỹ, tuy đời sống của người dân cũng khá hơn dựa trên nhiều thước đo kinh tế, cuộc khảo sát cho thấy 55%
người Mỹ nghĩ rằng người giàu sẽ càng giàu hơn và người nghèo sẽ càng nghèo hơn dưới chế độ tư bản. 65% đồng ý là
phần đông những công ty lớn trốn thuế, làm hại môi trường hoặc mua chuộc các chính trị gia, và 55% muốn kiểm soát chặt
chẽ hơn những sản phẩm được nhập cảng vào nước Mỹ.
Mặc dù số người Mỹ tỏ ra bi quan với tương lai khá cao và ta thấy một vài mặt trái của thị trường tự do nhưng điều đó không
có nghĩa là người Mỹ sẵn sàng từ bỏ nền kinh tế tự do ngay. Như Winston Churchill đã từng nói một câu nổi tiếng: kinh tế tư
bản là một hệ thống kinh tế tuyệt đối tồi tệ nhất – nếu người ta không tính tới tất cả những hệ thống kinh tế khác đã từng được
thử qua. Có tới 49% người Mỹ vẫn nghĩ rằng kinh tế tự do là hệ thống thích hợp nhất để đưa người dân thoát khỏi cảnh
nghèo; chỉ có 18% là không đồng ý. Và khoảng 61% người Mỹ cho rằng nạn thất nghiệp mới là vấn đề xã hội hệ trọng hơn so
với vấn đề thường hay được nói tới về giới tư bản gộc giàu có tham lam và vô cảm.
Tuy nhiên, những ai vẫn thường mạnh mẽ ủng hộ nền kinh tế tư bản cũng không nên quá tự mãn. Kết quả của cuộc khảo sát
cho thấy suy nghĩ của người dân về việc làm giàu cũng đồng nghĩa với làm ăn mờ ám. Và khi đại đa số người dân ở những
quốc gia đông dân trên thế giới nghĩ rằng các công ty lớn thường xử sự thiếu công minh và thậm chí coi thường luật pháp thì
nền kinh tế tư bản cũng không hoàn toàn được sự ủng hộ.
Một số người cho rằng nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản cần phải được kiểm soát nếu không thì những tay tư bản
tham lam và đầy quyền lực sẽ lợi dụng giới lao động ngờ nghệch và cả tin, và sau đó là phá hủy môi trường của trái đất. Nói
theo kiểu các triết gia thì thế giới này bao gồm cả những đàn cừu lẫn những đàn sói, và những con sói gian manh sẽ tìm cách
tiêu diệt và lấy đi tất cả những gì thuộc về đàn cừu bằng mọi giá, cho dù việc làm đó thiếu công bằng và vô nhân. Một hệ
thống kinh tế được kiểm soát bởi luật pháp sẽ tạo ra sự cân bằng và bảo vệ cho những người thấp cổ bé miệng.
Luật lệ thả lỏng quá sẽ đưa tới những kết quả tai hại như vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008. Nhưng luật lệ khắt khe quá thì
cũng giống như trói chân trói tay người ta lại và như thế sẽ có hại cho nền kinh tế tự do luôn cần có sự sáng tạo và uyển
chuyển tùy theo hoàn cảnh.
Nhưng để hiểu được nền kinh tế tư bản có mang lại lợi ích cho số đông hay không thì không gì bằng đem so sánh nó với
những hệ thống kinh tế khác – ví dụ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Những kẻ tham lam và lợi dụng quyền lực thì thời nào cũng
có, tuy nhiên, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, như chúng ta đã thấy, quyền lực chỉ đưa vào tay giới quan lại, bè phái và những
kẻ thời cơ chứ không đưa vào tay những người có tài năng thật sự và có óc sáng tạo. Y như đã từng xảy ra với những kẻ đầy
quyền lực thời Liên Xô cũ hay đám quan liêu ở những quốc gia với thể chế nhà nước tập quyền. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa,
như chúng ta biết, chỉ giỏi triệt phá đời sống của tất cả mọi người ngoại trừ những kẻ có chức có quyền trong chính phủ và
những nhóm lợi ích hoặc quen biết móc nối.
Những đám quan lại đó chính là những tay đầu xỏ chính trị biết hiện thực hoá lòng tham của họ để thâu tóm quyền lực bằng
cách lợi dụng sự che chở của chính quyền và luật pháp để duy trì quyền lực và khư khư ôm chặt lấy, và nhất định không chịu
cạnh tranh công bằng và cởi mở với những người dân khác trong xã hội.
Hệ thống kinh tế tư bản cũng giống như thể chế dân chủ tin rằng con người ta căn bản là những người tốt và khi con người
hành động bằng sự khôn ngoan và sáng suốt thì cả xã hội đó cũng được tiến bộ lên. Hãy thử so sánh giữa Bắc Hàn và Nam
Hàn, hay giữa Đông Đức và Tây Đức, chúng ta sẽ có ngay câu trả lời rõ ràng.
Mỗi khi hệ thống kinh tế tư bản bị trục trặc và chậm lại thì một số người lại lo ngại về sự “giãy chết” của chủ nghĩa tư bản,
nhưng rồi nó vẫn vượt qua được và tồn tại vì chính hệ thống kinh tế đó biết tự điều chỉnh và thay đổi.
Những đại công ty tư bản hiện nay cũng khác xa so với những công ty lớn cách đây một thế kỷ. Mục đích của những đại công
ty này không chỉ nhắm đến kiếm lời mà họ còn có những mục tiêu cao cả hơn. Như công ty hàng không Southwest Airlines với
sứ mệnh là mang đến cho giới tiêu thụ có thêm nhiều cơ hội để đi và nhìn thế giới. Công ty Google với sứ mệnh thu gom lại
tất cả thông tin của thế giới để tất cả mọi người có thể tiếp cận. Hệ thống chợ Whole Foods muốn giúp khách hàng của họ
sống lâu và khoẻ mạnh hơn qua những chọn lựa thực phẩm có phẩm chất hơn.
Đó là khuôn mặt mới của chủ nghĩa tư bản.
Cũng tổ chức nghiên cứu thị trường YouGov qua cuộc thăm dò mới đây để tìm nhân vật nổi tiếng nhất thế giới của năm.
Người được chọn không phải Barrack Obama cũng không phải Đức Giáo Hoàng. Người đó là Bill Gates, một nhà tư bản gộc,
người sáng lập công ty Microsoft và mấy năm qua trở thành người hoạt động từ thiện không biết mệt mỏi.
Chủ nghĩa tư bản không chỉ mang lại một đời sống tốt đẹp hơn cho người dân mà tự nó còn sản sinh ra những con người tốt.
Vậy thì, chủ nghĩa tư bản vẫn chưa giãy chết và sẽ không giãy chết. Nó sẽ còn sống lâu sống mạnh nữa như nó đã từng tồn
tại trong suốt 400 năm qua.
Huy Lâm