Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngày 10/12/2015, bỏ phiếu quyết định mở phiên họp về vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. REUTERS
Bốn nước Nga, Trung Quốc, Venezuela và Angola không ngăn cản được Hội Đồng Bảo An, mở phiên họp lên án Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền. Đây là năm thứ hai liên tiếp, quốc gia khép kín nhất hành tinh bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích mạnh mẽ về vấn đề này. Phiên họp diễn ra trùng khớp với Ngày Quốc tế về nhân quyền 10/12 hàng năm.
Khai mạc phiên họp, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad al Hussein khẳng định “hàng triệu người dân Bắc Triều Tiên vẫn bị khước từ các quyền cơ bản” tại chế độ độc tài cộng sản. Căn cứ vào quy mô và mức độ nghiêm trọng của những vụ hành quyết, ông Hussein cho rằng cần phải đưa Bình Nhưỡng ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế CPI vì các tội ác chống nhân loại.
Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc, các tội ác hiển nhiên đó vẫn tiếp tục diễn ra mà không được ngăn chặn cũng như không được Bình Nhưỡng sửa sai. Ông Hussein ước tính, hiện tại quốc gia khép kín nhất hành tinh này có khoảng từ 80-120 ngàn tù nhân chính trị bị giam giữ trong các trại cải tạo.
Về phần mình, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, người chủ trì phiên họp hôm qua, cũng lên án “một mức độ khủng khiếp không đâu bằng trên thế giới”, đó là một cơn ác mộng mà người dân xứ này đang hứng chịu và cơn ác mộng đó đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của AFP, đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ là một vấn đề gai góc. Bắc Kinh, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng sẽ tức thì bỏ phiếu phủ quyết mọi ý định đi theo chiều hướng này.
Khi nhìn nhật là Bắc Triều Tiên đã có những nỗ lực ban đầu để hội nhập với quốc tế, Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một “cuộc đối thoại công khai”, nhằm khuyến khích nước này thực hiện các cải cách.
Phiên họp của Hội Đồng Bảo An do Hoa Kỳ chủ trì, với sự ủng hộ của 8 trong số 15 quốc gia thành viên khác (Anh quốc, Pháp, Chilê, Jordani, Litva, Tây Ban Nha, New Zealand, Malaysia).
Nga, Trung Quốc cùng với hai nước khác là Venezuela và Angola đã phản đối, cho rằng Hội Đồng Bảo An không phải là một định chế phù hợp để xem xét chủ đề này. Trung Quốc còn tìm cách ngăn cản mở phiên họp, nhưng đề nghị của Bắc Kinh đã bị bác bỏ trong phiên biểu quyết với 9 phiếu ủng hộ, 4 chống và hai vắng mặt.
Theo RFI