Pháo hoa ở Singapore trong ngày đầu năm 2016. AFP
Những dự kiện nào được thế giới chú ý nhất trong năm 2015 là chủ đề cuộc thảo luận đầu năm 2016 với Diễm Thi, Hòa Ái, Nguyễn Khanh và Trung Khang.
Diễm Thi: Diễm Thi xin kính chào quý thính giả và chào các bạn. Nếu được yêu cầu chọn 1 sự kiện đáng chú ý nhất cho năm 2015, bạn chọn sự kiện nào? Trước hết, xin mời bạn Trung Khang.
Trung Khang: Trong năm 2015 vừa qua, tôi thấy cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo ISIS và an ninh toàn cầu là tin được chú ý đến nhiều nhất. Thế giới chú ý đến vì nhiều lý do khác nhau, từ chuyện Hoa Kỳ và đồng minh mở rộng địa bàn hoạt động nhằm tiêu diệt quân khủng bố, cho đến vụ ISIS đánh bom chiếc phi cơ chở hành khách của Nga lúc chiếc máy bay này mới cất cánh rời Ai Cập và chuyện khủng bố ISIS tấn công thủ đô Paris 2 lần trong năm vừa qua v.v… Những sự kiện đó cho thấy bất ổn xảy ra trong năm vừa qua, và đó chính là mối lo lớn nhất cho mọi người, mức lo ngại cao hơn cả những âu lo về kinh tế.
Nguyễn Khanh: Cho phép tôi được tiếp lời anh Trung Khang. Trận chiến chống khủng bố ISIS kéo dài đã 16, 17 tháng rồi, và các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ cho rằng việc Washington và đồng minh thực hiện những cuộc oanh kích không phải là giải pháp để đem lại chiến thắng. Tôi thấy hầu như tuần nào các chính trị gia Cộng Hòa cũng lên tiếng kêu gọi Tổng Thống Obama phải đưa thêm quân vào Iraq, phải tăng cường yểm trợ cho lực lương dân quân đang chống lại ISIS và chống cả chính phủ độc tài Bashar Al-Assad.
Với Tổng Thống Obama, ông có cái nhìn hoàn toàn khác. Có lẽ cần phải nhắc lại hồi 2008 ông đắc cử nhiệm kỳ đầu với lời cam kết sẽ kết thúc cuộc chiến Iraq và Afghanistan, hồi 2012 ông tái dắc cử với lời hứa sẽ không đưa Hoa Kỳ can dự vào một trận chiến mới, mà ông nói rằng “vừa tốn kém vừa dai dẳng”. Do đó, dù sức ép chính trị mạnh đến đâu đi chăng nữa, ông vẫn giữ vững lập trường, nhất định không làm điều mà phe đối lập Cộng Hòa đòi hỏi, nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý đưa một số đơn vị tinh nhuệ vào Iraq và Syria để hỗ trợ cho các đơn vị bạn đang chiến đấu dưới đất. Quyết định của ông đương nhiên bị sự phản đối của các chính trị gia Cộng Hòa vì số binh sĩ đưa thêm vào Iraq và Syria quá ít, nhưng đồng thời cũng bị một số nhà phân tích cho rằng khi rời Nhà Trắng ông Obama để lại cho người kế nhiệm 3 cuộc chiến dang dở, chưa thật sự kết thúc.
Diễm Thi: Điều anh Nguyễn Khanh mới nói đưa Diễm Thi đến một câu hỏi khác. Cuộc tranh cử 2016 sôi nổi trong suốt 12 tháng qua, ai là người sẽ đại diện cho 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa để tranh ghế tổng thống kỳ này? Ai có hy vọng sẽ đắc cử? Chị Hòa Ái có thể giúp trả lời câu hỏi này được không?
Hòa Ái: Hòa Ái thấy vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi ai là người sẽ dắc cử, nhưng có thể nói là phía đảng Dân Chủ, người được ủng hộ mạnh mẽ nhất chính là bà Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, bên Cộng Hòa thì ông tỷ phú Donald Trump đang là nhân vật được chú ý đến nhiều nhất, trở thành hiện tượng chính trị cho cuộc tranh cử lần này. Chuyện mọi người đang chờ đợi là vòng sơ bộ sẽ bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng Hai sắp tới, không biết ông Trump có thắng sơ bộ để trở thành ứng cử viên Cộng Hòa tranh chức tổng thống hay không.
Trung Khang: Nghe chị Hòa Ái nói về ông Trump, Trung Khang xin được tiếp lời, kể cùng quý thính giả và Chị Diễm Thi về chuyện ông tỷ phú xuất thân từ New York. Giữa tháng Sáu 2015, ông Trump tuyên bố ra tranh cử, mọi người ai cũng nghĩ ông ta dư tiền nên đem đi đốt, tranh cử cho vui chứ không ai nghĩ thanh thế chính trị của ông lại sáng chói như bây giờ.
Điều ai cũng thấy là ông Trump đưa ra những lời phát biểu rất bạo miệng, ông chỉ trích hết người này đến người khác, ai cũng bị ông chê là ngớ ngẩn, ngu dốt, chỉ mỗi mình ông là người đủ khôn ngoan, đủ bản lĩnh để lãnh đạo quốc gia. Điều ngạc nhiên nhất là cứ mỗi lần ông tỷ phú Trump đưa ra phát biểu bạo miệng đó là mỗi lần những người ủng hộ ông lại tăng lên, bằng chứng là các cuộc thăm dò cuối năm 2015 cho thấy khi được hỏi ai là người có thể tiêu diệt được ISIS, những người trả lời nói ông Trump, khi được hỏi ai là người có đủ khả năng đưa nước Mỹ tới phồn thịnh về kinh tế, câu trả lời cũng là ông Trump. Đùng như chị Hòa Ái nói, chuyện còn lại là chờ đến đầu tháng tới, xem cử tri Cộng Hòa đi bầu sơ bộ có chọn ông làm đại diện cho đảng hay không. Còn bên đảng Dân Chủ, đồng ý với Chị Hòa Ái là sáng giá nhất vẫn là bà Cựu Ngoại Trưởng Clinton.
Diễm Thi: Lúc nãy anh Trung Khang có nói an ninh chính là mối lo lớn nhất cho mọi người, mức lo ngại cao hơn cả những âu lo về kinh tế. Dù vậy, Diễm Thi vẫn muốn biết tình hình kinh tế năm rồi như thế nào, ảnh hưởng sao đến kinh tế năm mới 2016? Anh Nguyễn Khanh có thể giúp trả lời thắc mắc này được không?
Nguyễn Khanh: Trong năm 2015 vừa qua, tôi thấy chuyện kinh tế Trung Quốc suy yếu là chuyện được nói đến nhiều nhất, ảnh hưởng đến cả thị trường tài chánh và chứng khoán toàn cầu. Nhưng không phải mình Trung Quốc không thôi, chuyện kinh tế Hy Lạp ở bờ vực thẳm cũng là chuyện khiến mọi người lo âu, nhất là chính phủ và người dân ở khối sử dụng đồng EURO mà Hy Lạp là một nước thành viên.
Tình hình kinh tế năm 2016 như thế nào? Nhiều chuyên gia đã có câu trả lời, hầu hết đều nói chưa khởi sắc. Chẳng hạn như vài ngày trước đây, bà Christine Lagarde, Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự báo kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa trong năm 2016.
Diễm Thi: Tại sao vậy?
Nguyễn Khanh: Theo bà Lagarde thì kinh tế tiếp tục yếu kém ở Trung Quốc, giá dầu thô và mức tiêu dùng vẫn thấp, cộng với trở ngại tài chánh của nhiều nước và việc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ tăng mức tiền lời là những nguyên nhân đẩy kinh tế toàn cầu đến chỗ khó khăn.
Diễm Thi: Cám ơn anh. Trở lại với Chị Hòa Ái, những điểm nào được chị xem là đáng chú ý nhất về mặt ngoại giao trong năm vừa qua?
Hòa Ái: Hòa Ái thấy có nhiều sự kiện đáng nói. Thỏa thuận về môi trường mới đạt được ở Paris hồi đầu tháng Mười Hai là một điều đáng nói. Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ, đồng minh Tây Phương với Iran về hạch nhân cũng là chuyện đáng nói. Chuyện Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, đặt quan hệ với Cuba cũng là chuyện chúng ta không thể bỏ sót. Căng thẳng ngày càng lớn giữa Hoa Kỳ và Nga về Ukraine và Syria cũng là điều đáng nói, và đương nhiên, chuyện Hoa Kỳ đưa máy báy thám thính và tầu chiến đến Biển Đông, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước ở Đông Nam Á cũng là điều không thể bỏ sót.
Diễm Thi: Nói đến chuyện Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, Diễm Thi nhớ lại trong những thư của khán thính giả gửi cho Đài, có người đặt câu hỏi liệu chiến tranh có xảy ra hay không? Trong các bạn, ai là người giúp Diễm Thi trả lời câu hỏi hóc búa này?
Trung Khang: Tôi thấy không ai có thể trả lời câu hỏi này cả. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhưng hầu hết mọi người đều e ngại là va chạm quân sự là điều khó tránh, nhưng chiến tranh thì không vì cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều chẳng có lợi gì khi đánh nhau.
Diễm Thi: Cám ơn anh Trung Khang. Diễm Thi muốn kết thúc cuộc thảo luận đầu năm 2016 với các bằng chuyện Việt Nam. Điều gì các bạn xem là đáng chú ý nhất liên quan đến Việt Nam?
Hòa Ái: Với Hòa Ái, chuyện các nhà tranh đấu bị đàn áp, bỏ tù, bệnh viện không có chỗ cho người bệnh nằm, chuyện công nhân viên ngược xuôi tìm miếng ăn trong lúc không được quyền biểu tình, tranh đấu cho quyền lợi của họ, chuyện tham nhũng trong guồng máy chính quyền là những điều Hoa Ái xem là được chú ý nhiều nhất trong năm 2015 vừa qua.
Trung Khang: Trung Khang thấy chuyện liên quan đến Biển Đông là chuyện gây nhiều sôi nổi hồi năm ngoái, sẽ tiếp tục tạo sôi nổi trong năm nay.
Nguyễn Khanh: Theo tôi, chuyện quan trọng nhất của Việt Nam sẽ diễn ra cuối tháng này ở Đại Hội Đảng Cộng Sản. Những ai vào bộ chính trị, ai sẽ là người nắm chức tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội là điều mọi người đang thắc mắc. Đồn đoán thì rất nhiều, ai cũng đồn, người nào cũng đoán, nhưng phải chờ đến ngày Đại Hội Đảng kết thúc chúng ta mới có câu trả lời rõ rệt.
Diễm Thi: Thay mặt quý thính giả, Diễm Thi xin cám ơn các bạn.
Theo RFA