Thượng viện Ba Lan thông qua dự luật truyền thông gây tranh cãiBiểu tình phản đối chính phủ ra các đạo luật phản dân chủ tại thành phố Lodz, Ba Lan ngày 19/12/2015.
REUTERS/Marcin Stempien/Agencja Gazeta
Nằm trong tay đảng bảo thủ nắm quyền, lưỡng viện Quốc hội tại Ba Lan đã chấp thuận dự luật cải cách truyền thông Nhà nước mà hệ quả đầu tiên là chính phủ nắm trọn quyền bổ nhiệm người lãnh đạo. Bất chấp phản ứng chống đối của quốc tế, đảng bảo thủ của Tổng thống Jaroslaw Kaczynski, chiếm đa số ở hai viện đã khẩn cấp thông qua dự luật bị lên án là đi ngược lại tinh thần tự do dân chủ.
Ngay sau khi được biểu quyết tại Hạ viện qua một cuộc tranh luận vội vã, dự luật truyền thông Nhà nước đã được Thượng viện Ba Lan thông qua vào chiều cuối năm 31/12/2015 một cách nhanh chóng không kém, cho phép phe bảo thủ kiểm soát các cơ quan báo chí này.
Luật mới có hiệu lực tức thì, chính phủ chấm dứt nhiệm kỳ của ban lãnh đạo và kiểm soát cơ quan thông tấn quốc gia, truyền hình và đài phát thanh Nhà nước.
Thay vì tuyển dụng ứng cử viên lãnh đạo qua kỳ thi tuyển do Hội Đồng Truyền Hình TruyềnThanh Quốc Gia tổ chức, từ nay chức vụ Tổng giám đốc các cơ quan truyền thông công cộng kể cả hãng thông tấn PAP sẽ do Bộ trưởng Bộ Ngân khố bổ nhiệm và bãi nhiệm.
Theo đảng cánh hữu cầm quyền, các biện pháp cải cách biến các cơ quan truyền thông Nhà nước thành những « định chế văn hóa » là nhằm « tiết kiệm ngân sách, tăng cường đạo đức nghề nghiệp ». Ngược lại, theo các đảng đối lập, luật mới này là thủ đoạn của phe bảo thủ muốn kiểm soát truyền thông sau khi giành được đa số tại nghị trường.
Liên Hiệp Châu Âu và nhiều tổ chức bảo vệ tự do báo chí như Phóng Viên Không Biên Giới, Hiệp Hội Ký Giả Châu Âu tỏ thái độ bất bình chính quyền Ba Lan. Ngày 30/12/2015, Bruxelles yêu cầu Vacxava cung cấp thông tin về dự luật truyền thông, đặt cơ quan báo chí công cộng dưới sự quản lý trực tiếp của chính phủ.
Tổng giám đốc cơ quan Truyền Hình Truyền Thanh Liên Hiệp Châu Âu (UER/EBU), bà Ingrid Deltenre kêu gọi Thượng viện Ba Lan không nên thông qua dự luật « đi ngược lại đặc trưng của một chế độ dân chủ », nhưng lời kêu gọi không được đáp ứng.
Theo RFI