Hình từ trang Facebook của tổng thống Indonesia
Một nghiên cứu của giới quản trị truyền thông nói các lãnh đạo chính trị dùng Facebook ngày càng nhiều để bày tỏ ‘góc rất con người của họ’.
Đây là cách các doanh nghiệp phải học của giới chính khách trong cách kết nối với công chúng, theo công ty Burson-Marsteller chuyên về truyền thông và quan hệ công chúng.
Nghiên cứu của công ty này cho hay ông Barack Obama là lãnh đạo quốc tế có nhiều người theo dõi trên Facebook nhất: số fan của tổng thống Hoa Kỳ là 46 triệu.
Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi về nhì với con số 31 triệu fan trên trang cá nhân.
Trang chính thức từ văn phòng thủ tướng Ấn Độ của ông Modi cũng có 10,1 triệu người bấm nút ‘like’.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Indonesia Joko Widodo và tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nằm trong số top 5 sau hai lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ.
Ông Joko Widodo, còn gọi là Jokowi, là lãnh đạo Đông Nam Á duy nhất có 6 triệu fan, đa số là người dân quốc gia dùng Facebook nhiều.
Nhiều chính phủ cũng nỗ lực đăng tải tin tức trên Facebook để gửi thông điệp đến công dân của họ nhanh chóng.
Theo công ty Burson-Marsteller, trang của Văn phòng Tổng thống CH Dominican đăng 27 bài một ngày trong năm 2015, còn các trang của chính phủ Botswana và Philippines cũng đăng trung bình 20 lượt một ngày.
Giao lưu với công chúngTại châu Á, Facebook ngày càng phổ biến trong giới cầm quyền.
Dùng Facebook là cách để họ 'trình bày góc độ con người' của mình, gồm cả các sinh hoạt riêng, các chuyến đi, hình ảnh gia đình.
Các lãnh đạo khu vực Đông Nam Á như tổng thống Noynoy Aquino (Philippines), thủ tướng Najib Razak (Malaysia), bà Aung San Suu Kyi (Myanmar) và thủ tướng Hun Sen (Campuchia) đều có mỗi người trên 1 triệu fan.
Tuy công ty Burson-Marsteller không nêu ra nhưng báo chí Việt Nam hồi tháng 10/2015 cho hay chính phủ nước này cũng đẩy mạng việc dùng Facebook bằng cách lập ra trang "Thông tin Chính phủ” nhằm đưa thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi hơn trên Internet.
Tính đến ngày 20/1/2016 trang này mới chỉ có trên 62 nghìn người yêu thích (likes).
Cũng ngay sau khi chính phủ Việt Nam có trang Facebook, nhà báo John Boudreau viết trên trang Bloomberg (22/10/2015) rằng:
"Sau một thời gian chặn Facebook, nay chính phủ Việt Nam đã quyết định đón nhận công cụ trên Internet của chủ nghĩa tư bản" để vươn tay với những người dùng thông hiểu và dùng mạng xã hội để thu nhận tin tức, tham gia thảo luận."
Theo tìm hiểu của BBC Tiếng Việt, một trang khác có tên là 'Nguyễn Tấn Dũng - Politician' gồm cả đường dẫn vào trang thủ tướng chính phủ Việt Nam, hiện có trên 635 nghìn fan.
Tuy nhiên, trang này không có dấu chứng nhận (certified) của Facebook nên không thể biết đây là trang riêng của ông Nguyễn Tấn Dũng trang công việc hay là do ai đó khác lập ra.
Những năm qua, cũng có không ít trang Facebook mang tên một số lãnh đạo, tướng lĩnh Việt Nam nhưng chủ yếu được dùng vào việc đăng các đơn thư tố cáo lẫn nhau.
Theo BBC