Cựu thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt (trái) và Johanne Schmidt Nielsen lãnh đạo đảng đối lập tranh luận sửa đổi luật nhập cư ngày 13/01/2016. REUTERS/Marie Hald
Đạo luật mà Quốc hội Đan Mạch thông qua trong ngày hôm nay 26/01/2016 đi ngược lại tôn chỉ nhân quyền của Liên Hiệp Châu Âu về tị nạn. Một trong những điều gây tranh cãi là « tịch thu tài sản cá nhân và tiền bạc » của người xin tị nạn nếu nhiều hơn 10 ngàn couronne (1340 euro). Mục đích là để thành viên tương lai của xã hội đóng góp vào nỗ lực cưu mang người nhập cư.
Từ Copenhaghen, thông tín viên Anastasia Becchio :
"Tịch thu tài sản có giá trị là thông điệp có tính biểu tượng để khuyến cáo những người muốn chọn Đan Mạch làm quê hương : Đan Mạch là nơi cần phải tránh. Đây không phải là lần đầu tiên nước Bắc Âu này tìm cách làm nản lòng di dân. Tháng 9/2015, chính quyền Đan Mạch đã thuê các trang quảng cáo của báo chí Liban để giải thích rằng điều kiện định cư đã bị siết chặt.
Dự luật do Quốc hội biểu quyết ngày hôm nay (26/01/16) đi theo chiều hướng này, tăng từ một năm lên ba năm thời gian chờ đợi trước khi xin đoàn tụ gia đình. Nói cách khác, một người tị nạn tại Đan Mạch phải chờ đến 5 năm mới gặp lại vợ hay chồng con.
Điều khoản này gây lo ngại cho các tổ chức quốc tế vì đi ngược lại Hiến chương Nhân quyền của Châu Âu và Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ con. Cánh tả và xã hội dân sự Đan Mạch cũng bất bình, nhưng đa số công luận đồng ý hạn chế số di dân nhập cư.
Đan Mạch đã tiếp đón 21.000 người tị nạn trong năm 2015. Con số rất thấp so với 163 ngàn người ở Thụy Điển chứng tỏ làn sóng di dân đã giảm đáng kể."
Theo RFI