Bà Aung San Suu Kyi tham dự phiên khai mạc Quốc hội mới của Miến Điện tại Naypyitaw ngày 01/02/2016. REUTERS/Stringer
Bốn ngày sau khi chính thức kiểm soát ngành lập pháp Miến Điện với đa số tuyệt đối, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân chủ vẫn chưa đề cử người sẽ lãnh đạo hành pháp. Tên tuổi tổng thống tương lai vẫn còn là một ẩn số.Trong cuộc họp báo hôm nay 04/02/2016, bà Aung San Suu Kyi kêu gọi công luận kiên nhẫn, biểu hiện có khó khăn.
Ngày 01/02 vừa qua, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã tiếp thu quốc hội với đa số áp đảo. Chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2015 tạo ra một niềm hoan hỉ trong công luận muốn đất nước sớm lật qua trang sử gần nửa thế kỷ độc tài. Tiến trình chuyển giao quyền lực tại Miến Điện, thông suốt tại quốc hội, dường như gặp khó khăn trong bước tiếp thu hành pháp .
Trong cuộc họp báo đầu tiên, chỉ được thông báo vào giờ phút chót vào hôm nay 04/02, bà Aung San Suu Kyi đã phải tìm cách trấn an dân chúng : "Trong vấn đề chọn tổng thống, chúng ta phải thực hiện một cách thận trọng. Người ta cho chúng ta đến tháng ba. Đừng lo ngại. Quý vị sẽ được thông báo đúng lúc".
Về thành phần bộ trưởng, bà Aung San Suu Kyi cũng nói là « chưa đến lúc thành lập chính phủ ».
Là ngọn đuốc dẫn đường của phong trào dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bị Hiến pháp do chính quyền quân phiệt soạn thảo cấm làm nguyên thủ quốc gia, vì có chồng là người ngoại quốc và con mang quốc tịch nước ngoài (Anh Quốc). Để lách chướng ngại này, năm ngoái bà Aung San Suu Kyi cho biết có « cách bí mật », không làm tổng thống nhưng « trên » tổng thống.
Từ khi tiết lộ « bí kíp » trong cuộc họp báo quốc tế hồi tháng 11/2015, truyền thông và công luận tìm cách đoán xem mưu kế của khôi nguyên Nobel Hoà bình 1991 như thế nào ? Ai có thể chấp nhận làm tổng thống hình thức nhận lệnh của vị lãnh đạo « cao hơn ».
Hiện nay có ba nhân vật được báo chí dự đoán là các ông Tin Oo, chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, bạn học của khôi nguyên Nobel Hoà bình 1991, hay là Tin Myo Win, bác sĩ riêng của bà. Nhận vật thứ ba là cựu tướng Swhe Mann, chủ tịch quốc hội mãn nhiệm, tuy thuộc phe quân phiệt nhưng trong một, hai năm gần đây đã có nhiều tín hiệu cởi mở với phe dân chủ, đến mức bị cách chức chủ tịch đảng cầm quyền trước ngày tổng tuyển cử.
Vấn đề là chuyện kéo dài bí mật tên tuổi tổng thống tương lai đã làm dân chúng hoang mang.
Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ còn phải đối phó với thế lực của phe quân đội, tự động kiểm soát 25% số ghế đại biểu, và đủ túc số để phủ quyết mọi tu chính Hiến pháp.
Theo lịch trình, các dân biểu ở hai viện quốc hội và đại biểu quân đội sẽ đề cử ba ứng cử viên thay thế tổng thống Thein Sein, mãn nhiệm kỳ vào cuối tháng 3/2016.
Một khi tiếp thu được chính quyền, con đường trước mặt của bà Aung San Suu Kyi cũng chưa hết gian nan.
Lèo lái một đất nước suy tàn vì chế độ quân phiệt, muốn không làm dân chúng thất vọng, nhiệm vụ của chế độ mới không phải dễ dàng : giải quyết cuộc nội chiến sắc tộc dài hơn 60 năm, cải cách xã hội, xóa bỏ bất công , bài trừ tham nhũng, chấn hưng và lành mạnh hóa nền kinh tế mà nhiều lãnh vực do các doanh nhân có quan hệ với chế độ quân sự tham ô kiểm soát. Cuối cùng là phải thành công « thuần hóa » phe quân đội.
Theo RFI