Để ca tụng đàn ông đến tận mây xanh, trong thơ văn có câu: “Càng già, càng dẻo, càng dai - càng gẫy chân trõng,
càng sai chân giường” - nhưng để mô tả nữ giới, tuy thi ca cũng để lại rất nhiều bài hay “hết ý,” nhưng khách quan
mà nhận xét, người ta chưa từng thấy có câu nào chỉ duy nhất mang ý nghĩa liên kết keo sơn giữa nhan sắc với trí
thông minh. Mãi nay mới có tin nóng hổi, theo đó một cuộc nghiên cứu vừa đem lại những kết quả khả dĩ gây đảo
điên dư luận thế giới chẳng khác gì một thiên tai động đất.
Tin này mang tựa đề “Càng đẹp càng… thông minh” vừa được đăng tải trên tạp chí Plos One. Chủ từ của câu trên
ẩn nhưng “dốt đặc cán mai” cách mấy, người ta vẫn thừa hiểu “đẹp” ở đây muốn ám chỉ ai, nhằm giới nào rồi. Xin
các bà, các cô miễn tranh cãi giành về phía mình dù phe mày râu vẫn không thiếu người được “đánh giá” là đẹp.
Cũng như danh hiệu “phái mạnh” mặc nhiên là của đàn ông tuy xét về nhiều phương diện, kể cả thể lý, vô số bà
vẫn được xếp hạng “khỏe như voi.”
Trông ảnh mà bắt… mức độ trí tuệ
Cuộc nghiên cứu này chỉ nghe qua, cũng đã thấy… ngộ lắm. Số là các chuyên gia đã “bốc đại” 40 đàn ông và 40
đàn bà. Nói “bốc đại” ở đây có nghĩa là các nhà nghiên cứu hoàn toàn không dựa vào tiêu chuẩn nào cả để “gom”
lại cả thảy 80 người này - giống như chơi trò “bịt mắt bắt dê” vậy - tiếp đến mới thử nghiệm mức độ trí thông minh
của họ bằng cách chụp hình từng ông, từng bà một nhưng yêu cầu họ duy trì một bộ mặt “trung lập,” tức là không
được làm bộ làm tịch gì hết, miễn cả mỉm cười theo thói quen mỗi lần được chụp ảnh, cách riêng các bà được
nhắc nhở kỹ rằng không được làm ra vẻ hiền thục duyên dáng theo… bản tính và dĩ nhiên tuyệt đối không trang
điểm, không đeo nữ trang, kể cả mang kính. Đã nói, mặt mũi cha mẹ sinh sao, cứ để y chang vậy.
Các nhà nghiên cứu sau đó “trình diện” các ảnh đã chụp kể trên cho 160 người vốn cũng “vô danh tiểu tốt” để
chiêm ngưỡng. Phân nửa trong số “quan sát viên” này sẽ “cứu xét” chân dung để đánh giá người trong ảnh xem ra
thông minh đến mức nào. Trong khi phân nửa khác “chấm điểm” người trong ảnh đẹp và hấp dẫn tới cỡ nào.
Nói tóm lại, một bên “giám khảo” nhận định về phương diện tinh thần, tức trí tuệ; một bên cứu xét về mặt thực tế,
tức diện mạo. Kết quả, các nhà khảo cứu tiếp nhận được một sự liên hệ minh bạch giữa mức thu hút (hay vẻ đẹp,
sự bảnh bao) nơi một người và cấp độ thông minh của đương sự. Nói cách khác, một người càng đẹp thì càng
thông minh.
Sự kiện này giống như một kinh nghiệm quý báu về thuật tướng số mà cổ nhân Việt Nam đã lưu lại: “Trông mặt
mà bắt hình dong; Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon.” Theo đó, con lợn càng béo, cỗ lòng càng ngon - con người
cũng thế, bộ mặt càng đẹp, trí tuệ càng thông minh.
Phái nữ: Dáng vẻ bên ngoài quan trọng nhất!Tuy vậy các nhà nghiên cứu vẫn không dám “tự tin” để đi đến kết luận tận cùng; chắc họ sợ xảy ra các cuộc biểu
tình chống đối, các vụ xuống đường tẩy chay chăng? Lý do dễ hiểu. Trên đời này từ cổ chí kim, nhân số người đẹp
thường thường ở cấp “hạ tầng cơ sở,” nghĩa là tương đối ít; trong khi lượng người từ “thường thường bậc trung”
xuống đến cấp “trời bắt xấu” bao giờ cũng chiếm bậc thang “thượng tầng kiến trúc,” tức là đông. Tóm lại, có tỷ lệ
ngược giữa số mỹ nhân và số người có nhan sắc “khiêm nhượng.” Thế nhưng xét về trí thông minh, chưa chắc
“mỉu nào thắng mỉu nào;” lắm lúc cũng có tỷ lệ ngược như vừa nói. Có lẽ vì thế mà các khảo cứu gia đã mau chóng
đưa ra quan điểm là đánh giá nữ giới về trí thông minh của họ từ “ngoại thất” - tức từ mức độ nhan sắc - quả tình là
một thực tế, một thói quen vốn không phổ biến: “Tác dụng huy hoàng của nhan sắc có thể theo một chiều hướng
nào đó ngăn cản người ta đánh giá chính xác trí thông minh của phụ nữ.”
Vốn là giới chuyên “nói có sách mách có chứng,” các nhà nghiên cứu này còn “trình làng” một nguyên lý vốn xứng
đáng hơn nữa để suy gẫm: Khi so sánh điểm số về nhan sắc của những người được nghiên cứu với các kết quả
thử nghiệm IQ của chính họ thì các khảo cứu gia thấy chẳng có sự liên hệ hỗ tương nào cả. Thử hỏi trong thực tế
được mấy trường hợp “sắc đành đòi một, tài đành họa hai” như Thúy Kiều? - hay “phong tư tài mạo tuyệt vời, vào
trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” như Kim Trọng? “Sự thật phũ phàng” này hẳn đã gây “buồn 5 phút” cho những
người vốn khiến “chim sa cá lặn” hay các kẻ vốn tối ngày “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.”
Tuy vậy, các khảo cứu gia vẫn có thể nói đi rồi lại tái phát ngôn về cùng một “sự cố.” Theo đó, ngược lại với những
kết quả nghiên cứu trên đây, việc “đánh giá” về trí thông minh của một người xem ra vẫn có thể dựa trên những
những bản “chụp” nhan sắc bằng máy “stereo” (stereotype). Để thực hiện thêm nữa lối thử nghiệm vừa kể, các
nhà khảo cứu đã cấu tạo “máy stereo chụp trí thông minh” (tiếng chuyên môn gọi là “intelligence-stereotype”) cho
cả nam và nữ giới - bằng cách sử dụng các bức chân dung mà những người trong nhóm “quan sát viên” đã xếp
hạng theo mức độ thông minh mà chính họ đã “đánh giá.”
Khuôn mặt dài và hẹp đáng giá ngàn vàng?Thế nhưng, cuộc nghiên cứu đến nay vẫn “trần ai khoai củ,” tiếp tục gây ra các cuộc “cãi nhau như mổ bò”:
- Theo một số nhà nghiên cứu: “Các dữ kiện mà chúng tôi đã thu thập được cho thấy một sự biểu tượng về trí óc,
cả đàn ông lẫn đàn bà, thì một diện mạo thông minh sẽ nhìn ra sao? Câu trả lời là đối với cả hai giới, hình chụp
stereo cho thấy một trí thông minh thượng hạng gồm có các đặc điểm sau đây: Khuôn mặt dài cộng với một cái
cầm hẹp và một cái mũi to, dài. Ngược lại, một khuôn mặt thuẫn (hẹp phía dưới, rộng phía trên như cái khiên của
“người mọi” Phi Châu) với cái cằm bạnh và cái mũi nhỏ thì đó là những dấu hiệu của một trí thông minh thấp.
- Một số khảo cứu gia khác cãi lại, viện lý các chi tiết ấy chẳng có gì mới mẻ, phần nhiều dựa vào các cơ bản văn
hóa cổ truyền của nhiều thế kỷ trước. Nói xa nói gần chẳng qua nói tóm gọn là các điều sơ đẳng trên đây đã “trật
đường rầy” cả rồi. Thật tình chẳng có “một ly ông cụ” nào liên hệ giữa diện mạo và trí thông minh thật sự của một
người.
- Thế nhưng sau cùng, các ông, các bà chuyên gia này cũng đã “nhất trí” được mí nhau rằng dù thế nào, cả nam lẫn
nữ mà có được diện mạo đặc biệt thì quả đó là dấu hiệu thông minh cao độ: “Các diện mạo được công nhận
thông minh cao độ hay thông minh “khiêm tốn” có lẽ tiêu biểu không gì khác ngoài một hình chụp nhan sắc bằng
máy “stereo,” bởi vì nó biểu lộ về những nét thuộc hình thái học (morphologic) vốn không tương đồng với trí thông
minh thật sự của những người được nghiên cứu.”
Những người đẹp dễ… giầu có!Vẫn theo tạp chí chuyên khoa Plos One, kể cũng rất “đáng tiền bát gạo” khi người ta quan tâm đến một nhận định
quá ư thực tế đến độ “lạnh lùng sương gió” của Giáo Sư kinh tế học Daniel Hamermesh tại University Austin ở
Texas, Hoa Kỳ: “Nhan sắc giúp bạn kiếm được nhiều tiền, vớ được một người phối ngẫu (xem ra cũng “siêu” về
diện mạo) có lợi tức cao chọc trời.”Nhà giáo này còn viết trên nhật báo The New York Times: “Xét cho kỹ thì sự
khác biệt trong lợi tức thực thụ giữa những ánh hào quang của nhan sắc (với một diện mạo… tối om) cũng khoảng
230,000 Mỹ kim.”
Cá nhân tôi vốn cả đời chẳng một lần được thầy cô giáo hay bà xã khen “thông minh” hay “đẹp giai, con nhà giầu,
học giỏi,” nhưng xét về mặt thực tế, tôi có thể “qua mặt không bóp kèn” ông Giáo Sư Đại Học kể trên, bởi tôi biết
áp dụng câu hát quá hay, quá “tiện và lợi” của một nhạc sĩ Việt Nam: “… Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng!.”
Quả thật, đỡ tốn tiền điện lại có thể cho hàng xóm “câu” nhờ!
Một chút kinh nghiệm của cổ nhân Việt Nam
Trước khi chấm dứt câu chuyện tán gẫu tuần này, mạn phép mở thêm một dấu ngoặc ở đây để thử so sánh kinh
nghiệm “trông mặt mà bắt hình dong…” của cổ nhân ta với cuộc nghiên cứu của các chuyên gia hiện đại về sự liên
hệ giữa nhan sắc và trí thông minh.
Vâng, thuở còn mặc quần có “cửa sổ” ở đằng trước và cả phía sau, tôi vẫn nghe các cụ khen thằng bé này “mặt
sáng,” chê đứa nhỏ kia “mặt tối” nhằm ám chỉ thằng thông minh và đứa ngu dốt.
Lớn lên, tôi lại nghe ông bà nội ngoại hết dùng ca dao, tục ngữ lại các từ bóng bẩy để “coi bói” thiên hạ, nào
“thông minh hiện ra nét mặt; què quặt hiện ra tay chân,” nào “mặt chữ điền, ngàn rưởi cũng mua”; trong khi đó
“những người phinh phính mặt mo, chân đi chữ bát, có cho chẳng thèm” hoặc “những người mặt nạc dạn dày; mo
nang trôi sấp biết ngày nào khôn”… Và nào những câu ví von, như “mặt búng ra sữa,” “mặt bủng da chì,” như “mặt
dạn mày dày,” “mặt đỏ như gấc,” như “mặt hoa da phấn,” “mặt nặng như chì,” “mặt sắt đen sì,” “mặt sứa gan lim” và
như “mặt tam mặt tứ,” “mặt xanh nanh vàng,” v.v…
Mà thôi, chẳng cần xét đúng hay sai, hay hoặc dở nữa, theo thiển ý, cứ “vô tư” sử dụng mớ kinh nghiệm về tướng
số của cổ nhân Việt Nam cộng với phương pháp hiện đại của các nhà nghiên cứu Tây Phương… vào việc bốc
phệ, tức thuật coi bói, bảo đảm “nói thánh, nói tướng” cũng vô số người nghe theo, mặc sức hốt bạc cắc, trở thành
triệu phú lúc nào không hay!
HOÀI MỸ
Sửa bởi người viết 24/02/2016 lúc 07:03:48(UTC)
| Lý do: Chưa rõ