Gần 4 giờ sáng. Cố viết nốt mấy dòng cuối rồi bấm save, tắt máy, lên giường. Nhoáng một cái, bài viết đang ngon lành vụt biến, để trơ cái
màn hình trắng hếu. Cuống quýt. Hốt hoảng. Tự nhủ phải bình tĩnh. Gì thì gì, cái màn hình computer vẫn trắng hếu, chưa bao giờ vô duyên và
đáng ghét như lúc đó. Loay hoay đến 5 giờ sáng, mò mẫm đủ cách, chỉ bắt được đúng một dòng dài 8 chữ. Nghĩ nếu tìm được 8 chữ, ắt hẳn
cả bài vẫn còn đâu đó trong máy, chỉ là dốt quá, không biết cách moi nó ra.
Giờ này còn sớm, chưa gọi cầu cứu ai được, thôi cũng đành “như chiếc que diêm, một lần lóe lên,” không làm đời ai sáng lung linh (nhạc Từ
Công Phụng) mà đốt cháy sạch trơn nỗi lòng người viết trang trải từ lúc đầu hôm.
Chợp mắt một chốc, nhìn đồng hồ thấy kim ngắn chỉ 7:30 sáng, được luật lệ ngoại giao cho phép gọi điện thoại nên tôi vội vàng gọi ngay L,
người bạn trẻ mấy năm nay vẫn tình nguyện giúp tôi giải quyết mọi vấn đề liên quan đến máy điện toán, bụng bảo dạ chắc cậu đang sửa soạn
đi làm. Đầu dây bên kia, tiếng L. nhỏ nhẹ trả lời câu phỏng đoán của tôi: “Dạ, cháu đang ở sở làm cô ạ! Chiều tối cháu tới.” Tôi thất vọng,
dường như có hơi buồn trách, nghĩ cậu có thể có câu đáp khác với câu tôi vừa nghe. Gọi người bạn trẻ thứ hai, biết trước cậu đang rất bận
nhiều công việc ở nhiều nơi, quả nhiên điện thoại của cậu để máy ghi lời nhắn. Gọi người thứ ba, cậu đang phụ trách hệ thống điện toán tại
công ty của người bạn thân thiết của tôi và được cậu hứa “Chút xíu em gọi lại.” Chút xíu này dài như vô tận nên tôi điện thoại cho sếp của
cậu, trình bày trắc trở và yêu cầu giúp đỡ. Quyền hạn của người trả lương cũng chỉ mạnh hơn tôi chút đỉnh ở chỗ cậu gọi lại song chỉ để giải
thích loanh quanh cho việc cậu không tới được rồi lễ phép chào. Cũng biết có thể đọc rao vặt trên báo Người Việt, tìm một bác sĩ computer
lưu động, nhờ tới chẩn bệnh và điều trị cấp cứu rồi sòng phẳng trả công nhưng lại vấp phải một trở ngại khó vượt qua: Làm sao biết vị này có
y đức lương y như từ mẫu để tránh được hệ lụy, nhẹ nhất là bài mất mà tiền cũng mất, chưa kể một vài phiền muộn khả thể khác chưa biết là
gì?
Sáng nay hoa hồng vẫn khoe sắc tươi tắn bên ngoài cửa sổ, nắng tháng ba ở Cali vẫn đẹp với gió hiu hiu mát làm mấy tàu cau xanh non nhà
hàng xóm đong đưa như những vạt lụa mềm nhưng lòng tôi không vui mà buồn muốn khóc. Chợt nhớ Trịnh Công Sơn: “Tôi là ai mà còn khi
giấu lệ, tôi là ai mà còn trần gian thế?” và bỗng nhiên nhận ra bài học lớn ông để lại nhưng tiếc thay, tôi thấy mình theo không kịp trong cái
ngày kém may mắn hôm nay. Nhớ thêm chút nữa,“Tôi là ai mà yêu quá đời này?” Chao ôi, chìa khóa hạnh phúc đây rồi! Chỉ một chữ YÊU
thôi, là mật ngữ chữa lành mọi sầu đau chất chứa, mọi thất vọng chua cay, mọi mất mát đầy trời tiếc nuối. Yêu là lập tức trở nên giàu có, là
sức mạnh vô song vượt qua trùng trùng thử thách, là khả năng ban phát và chở che cho mình, cho người. Thậm chí nếu không được là tác
giả trọn vẹn kịch bản đời mình thì cũng góp phần điểm xuyết và ngay cả diễn xuất với khả năng tốt nhất để định đoạt số phận của vai trò.
Nếu mọi việc trên đời xảy ra đều có một nguyên nhân thì bây giờ tôi hiểu ra bản thảo bị mất có lẽ là một trắc nghiệm cho bản thân tôi về
những điều tôi viết trong đó. Năm 2001, sau chuyến về Việt Nam lần đầu tiên để thăm mộ phụ thân, khi trở lại Mỹ, ký ức phũ phàng từ những
nơi tôi đi qua, cuộc sống thực tế của người dân những nơi ấy so với chữ nghĩa tôi sử dụng hàng ngày để nói, để viết, có điều gì xem ra phù
phiếm, không thật, như sự phản bội chính mình khiến tôi chán nản, buông bỏ hết. Phải gần một năm sau tôi mới nguôi dần nhưng từ đấy
không còn cảm hứng sáng tác văn chương nữa. Cả đất nước tôi, cả dân tộc tôi không còn tìm thấy ở đâu ấm no, tự do và nhân phẩm, văn
chương liệu có ích gì?
Bản thảo bị mất đêm hôm qua tôi viết nhân cảm hứng từ một tài liệu được luân lưu trên Internet, trích từ nội dung bài giảng pháp của thiền sư
Nhất Hạnh với chủ đề Muốn Thương Phải Hiểu. Trong nhiều điều được nghe và giữ lại từ thiền sư Nhất Hạnh, đây là điều tôi tâm đắc nhất.
Hiểu là cảm thông, là khả năng đặt mình vào vị thế người khác để chấp nhận sự khác biệt vì nếu từ chối sự khác biệt ấy ví như bịt mũi không
cho người ta thở, nhiều khi mình tắt thở theo vì ngột ngạt. Trong phần lập luận, tôi ví HIỂU và NGỘ NHẬN là hai mặt của tấm mề đay vì rất
nhiều khi con người hiểu bằng chính suy nghiệm của mình mà cứ tưởng của người bên cạnh, chưa kể hiểu vào một lúc nào đó không phải là
hiểu hết và hiểu tất cả. Và, tôi bất ngờ có ngay bài thực tập khi phải đặt mình vào vị thế những người bạn tôi cầu viện lúc sáng sớm hôm nay.
Để hiểu vì sao sự quan trọng của một bài viết còn hay mất rất khác nhau giữa tôi và những người bạn ấy. Để hiểu vì sao họ không tới với tôi
được, mỗi người một lý do khác nhau nhưng lý do nào cũng chính đáng với từng người. Hiểu xong rồi, giao tình còn nguyên vẹn như xưa
không hay bị sứt mẻ? Biết thêm giới hạn của nhau để những lần sau không tìm cách vượt qua các giới hạn ấy nữa và không lấy thế làm điều,
như một người khiếm thị nhìn bằng giác quan thứ sáu để không đâm đầu vào tường. Bài học xử thế và làm người đâu có bao giờ dễ dàng nên
xin cám ơn nhau, cám ơn cơ hội cho mình trau dồi ơn cứu rỗi. Bài tập Hiểu để Thương của thiền sư Nhất Hạnh có thêm một môn đệ vừa qua
được kỳ sát hạch. Nếu mai này có lúc nào chia sẻ, sẽ tự tin hơn với tín chỉ vừa hoàn thành để không uổng công lao Thầy răn dạy.
Buổi chiều ra vườn cảm ơn những gốc hồng nở hoa tuyệt đẹp. Cảm ơn bụi dâm bụt đỏ au bên hiên nhà. Cảm ơn cây trà hoa nữ chi chít nụ nở
bung hết mọi cành. Hoa không chỉ đẹp mắt mà còn là người bạn ít lời, cho nhau sự tĩnh lặng của một hiến dâng không dè xẻn. Tôi thường
nghĩ cuộc sống bận rộn ở nơi này đã khiến nhiều bà chủ gia đình hy sinh thú cắm hoa trong nhà, không nhất thiết phải là những bình hoa với
nghệ thuật cầu kỳ, tốn kém mà đôi khi chỉ là mấy nhánh me chua nở những cánh hoa mong manh màu tím nhạt phớt hồng cắm trong cái ly
uống rượu thủy tinh, mấy bông hướng dương cắm vào cái thố đựng xúp hoặc bất cứ vật dụng gì có sẵn trong tủ bát đĩa, bó hồng hay cẩm
chướng tiện thể đi chợ, mang về thả vào cái lọ gốm miệng rộng. Các chị không có nhiều thời giờ có thể mua lan, giữ bền được tới 3 tháng.
Những bông hoa tươi tắn hiện diện đây đó trong nhà làm gợn lên nét gợi cảm sinh động và mềm mại, mang lại sự thư giãn cho mọi người
cùng với cảm giác ấm áp như thể bà chủ nhà luôn tươi cười có mặt.
Bạn bè trong giới truyền thông báo chí ai cũng biết chị DĐ có thói quen rất dễ thương: mỗi lần đến thăm một người bạn chị đều mang theo cái
lọ con cắm những thứ hoa lá có sẵn trong vườn. Lúc thì cái lọ vuông màu huyết dụ, lúc thì cái lọ thủy tinh trong suốt, thẳng đứng như một cái
ống. Tủ chén nhà tôi có bao nhiêu cái lọ loại này là đúng bấy nhiêu lần chị đến chơi thăm. Có lần chị cho tôi mấy cái cuống lá giống như cánh
bướm mầu tím than đang ra hoa. Buổi chiều chạng vạng, hai cái cánh bướm nhỏ xếp lại, rũ xuống, rủ nhau đi ngủ để sáng hôm sau tôi ra bao
lơn, đã lại thấy chúng sởn sơ xòe cánh dưới ánh nắng ban mai. Tôi chăm nom tưới tẩm, khi chúng lan ra đầy chậu, tôi chuyển chúng sang cái
chậu lớn hơn. Chị DĐ ghé qua, cười vui hỏi tôi: “Thứ này khó nuôi lắm, chị làm sao mà nó sum suê thế?” Hoa của nó trắng muốt, bé và dài
như cọng tăm, lẩn trong màu lá tím, thật xinh. Có một lúc không biết sên ở đâu bò lên chậu, xoi thủng đám lá. Những chỗ lá bị thương vàng úa
màu rỉ sắt, tôi không biết cách chữa đành nhìn nó khô héo dần, tiếc thương như đã tiếc thương Huế một thời áo tím qua cầu của tôi nay còn
đâu?
Cuối cùng, lúc chập tối, một người bạn văn gởi cậu cháu rất giỏi về máy điện toán tới giúp tôi. Trẻ, ở tuổi chưa tới 30, đôi mắt sáng, thông
minh và biết cười, cậu tự giới thiệu để được tôi hướng dẫn đến chỗ đặt máy. Cậu ngồi xuống ghế, im lặng bấm lia lịa một lúc trên bàn phím.
Câu nói đầu tiên của cậu làm tôi sửng sốt: “Cháu clean máy cho cô, bỏ bớt các files cô không dùng tới đã lâu để máy chạy nhanh hơn nhưng
bài viết thì chấp nhận mất thôi cô nhé! Cháu cũng từng trải qua tâm trạng cô hôm nay, cắm cúi viết cho kịp với cảm hứng rồi mất sạch. Cuộc
đời vô thường, mình mất mát bao nhiêu lần, bao nhiêu thứ rồi, cô bỏ qua đi hay viết lại, có khi ý tứ còn hay hơn, phong phú hơn...”
Cảm ơn tấm lòng lân mẫn của người bạn trẻ, lời an ủi chân thành bằng kinh nghiệm và sự rút tỉa khá hiếm hoi ở tuổi cậu. Với tôi, những đứa
con có thể xinh đẹp, giỏi giang hơn kém nhau nhưng mỗi đứa là duy nhất, không thể thay thế. Sự mất mát của mỗi đứa, khi chẳng may xảy ra,
là một vết thương sâu không có gì bù đắp được. Vì vậy, tôi sẽ nhớ nó mãi vì không bao giờ có được chính nó lần thứ hai. Không có phiên
bản.
Bùi Bích Hà