Nếu như tôi là nhà độc tài, cuốn sách đầu tiên tôi sẽ đốt là Thánh Kinh. Tôi đốt sách vì tôi nhận thức rằng toàn bộ khái niệm dân chủ xuất phát
từ sách này. Dân chủ là từ Hy Lạp, mà có nghĩa là “dân trị.” Nhưng ngay cả vào lúc đỉnh cao vinh quang của mình, Athens chưa từng bao giờ
là dân chủ. Người Hy Lạp cho chúng ta từ có nghĩa ấy, nhưng Thánh Kinh cho chúng ta triết lý và nếp sống, mà chúng ta gọi là dân chủ.
Hãy nhớ câu chuyện về thiếu niên David, đứa bé chăn cừu, như được kể lại trong Sách Samuel. David đến trại quân Do Thái đang bị quân
địch bức bách dữ dội để mang thức ăn cho các anh mình. Trong suốt 40 ngày, Goliath, đấu thủ của quân Philistine, ngạo mạn thách đấu tay
đôi với bất kỳ người Do Thái nào, nhưng chẳng ai có thể đánh thắng y. Thiếu niên David xin phép vua Saul cho thử thời vận. Chẳng có ai khác
xung phong, cho nên Saul đành chấp thuận nghĩa cử của em, và Saul lấy y phục, áo giáp và mũ chiến bằng đồng của mình mặc cho David, và
trao cho em thanh gươm lớn và bén.
Nhưng bộ áo giáp và vũ khí nặng nề này không thích hợp với cậu bé chăn cừu, và em đủ khôn ngoan để nhận biết điều này. Em đặt thanh
gươm xuống và cởi áo giáp nặng nề ra. Vũ khí em biết cách dùng là ná. Rồi, chọn năm hòn đá láng ở dưới một con suối nhỏ, em tiến tới
Goliath và hạ sát y. David dưới áo giáp của Saul đồng nghĩa với chiến bại. David đánh theo cách mình, và với vũ khí mình biết, đồng nghĩa
với chiến thắng.
Thiếu niên David là người thực sự rất cá tính, rất khác người vì em từ chối dùng vũ khí truyền thống. Và vua Saul không lầm lẫn giữa sự rập
khuôn và lòng trung thành. Đấng Cứu Thế cũng vậy. Khi Chúa Jesus chọn mười hai người để theo bên mình và để gánh vác sứ mạng của
mình sau khi Người không còn nữa, Người không chọn nhóm người chỉ biết vâng dạ. Có Peter người hăng hái, Andrew kẻ mưu lược, John thi
sĩ, Simon người nhiệt huyết sôi sục, Thomas kẻ đa sầu. Họ không phải là “ những kẻ ngoan ngoãn vâng lời” như ta thường tưởng. Người coi
trọng sự đa dạng vô cùng của họ. Chính những sự khác biệt của họ liên kết họ lại với nhau. Người khích lệ họ chất vấn những niềm tin nền
tảng nhất của Người. Trong cuộc thảo luận công khai, bao hoài nghi của họ đều được hóa giải và đức tin của họ lại càng mạnh hơn.
Ta không phải đọc khoa học chính trị hay nghiên cứu Hiến pháp để hiểu dân chủ. Mà hãy nhận thức rằng khi cá nhân bị đàn áp, xã hội bị tổn
thương; khi sáng tạo bị cản trở, tiến bộ bị ngăn chặn. Ta chỉ phải đọc Thánh kinh để hiểu đúng dân chủ.
Hãy để Saul mặc áo giáp nặng nề của ông, nếu ông muốn, và hãy để David dùng ná và năm hòn đá láng của em. Mỗi người chúng ta hãy
hăng hái như Peter, hay hãy chậm chạp và cần cù như Andrew. Từ quan điểm của nhà độc tài, người có thể cai trị chỉ khi những ý tưởng, tư
tưởng, và hành vi cá nhân bị đàn áp, những điều này là những tư tưởng nguy hiểm phục sẵn trong tâm hồn con người. Cho nên, nếu như tôi
là nhà độc tài, cuốn sách đầu tiên tôi sẽ đốt là Thánh kinh.
Quentin Reynolds
Trần Quốc Việt dịch
_______________
Nguồn:
http://thisibelieve.org/essay/16923/