Trương Minh Tam bị ‘sang chấn tâm lý'Ông Trương Minh Tam nói rằng ông ‘bị sang chấn tâm lý’ sau 6 ngày bị công an bắt và ‘đang muốn tìm một nơi yên ổn để tạm lánh trước khi tiếp tục đấu tranh’.
Trả lời BBC hôm 5/5 qua điện thoại, ông Tam, một thành viên của phong trào Con đường Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự bảo vệ quyền con người, cùng Chu Mạnh Sơn bị truyền thông Việt Nam cáo buộc “xúi hàng ngàn người xuống đường vì môi trường hôm 1/5".
Vào khoảng 18:45 tối 4/5 tại Hà Nội, ông Tam được trả tự do sau 6 ngày bị bắt giữ. Chu Mạnh Sơn được thả hôm 2/5.
Ngày 26/4/2016, ông Tam đã có mặt tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh để đưa tin về vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung.
Trả lời BBC hôm 5/5, nhà hoạt động 46 tuổi cáo buộc: “Việc bắt giữ tôi rất tồi tệ, không có lệnh bắt, trong 6 ngày đó, tôi đã bị đánh đập, thậm chí có lúc còn bị lột hết quần áo, ép khai nhận theo ý họ”.
“Tôi chọn giải pháp im lặng, để mặc công an nói và khẳng định mình không làm điều gì sai hoặc phạm pháp”.
“Tôi nghĩ chính quyền phải thả tôi vì họ không có đủ bằng chứng để truy tố, cũng như một phần do áp lực từ công luận”.
Ông Tam nói là đã bị công an tịch thu laptop MacBook, điện thoại Sony và phạt hành chính 2,5 triệu đồng.
Đề cập về cáo buộc trên VTV về việc “nhận tiền nước ngoài”, ông nói: “Việc nhận tiền không có gì sai trái nếu tôi làm điều pháp luật không cấm.
"Huống chi đây là số tiền 100 đôla mà tôi nhận từ một người Việt ở Mỹ và công khai là để giúp gia đình phạm nhân Đặng Xuân Diệu”.
Ông Tam cũng cho hay là “đang cân nhắc việc kiện VTV cáo buộc vô căn cứ”.
Ông nói thêm rằng “nếu có biểu tình tiếp tục hôm 8/5 thì có thể sẽ không tham gia vì sức khỏe không đảm bảo sau 6 ngày không ăn uống gì được”.
'Không thể thuyết phục'Hôm 4/5, nhà hoạt động dân sự Nguyễn Anh Tuấn cho hay: “Đây là lần đầu tiên có những nhà hoạt động bị bắt giữ, bị bêu riếu trên Thời sự VTV cho toàn dân xem, nhưng vẫn được thả tự do mà không bị truy tố”.
“Có lẽ vì cáo buộc 'xúi giục người dân biểu tình' mà họ áp đặt cho các anh quá vô lý, hoàn toàn không thể thuyết phục được một ai và không tìm được sự đồng thuận trong chính nội bộ của họ. Họ cũng không đủ tự tin để truy tố các anh trước sự phản đối của người dân cả trên mạng lẫn ngoài đường”.
Trước đó, nhà báo tự do Đoan Trang bình luận trên mạng xã hội: “Bộ máy an ninh và tuyên truyền của Đảng Cộng sản ra sức nhồi vào đầu người dân cái ý nghĩ rằng “nhận tiền nước ngoài là xấu xa, bỉ ổi”.
“Cũng là vì đảng Cộng sản căm tức khi thấy có những tổ chức có thể nhận tiền nước ngoài mà không chịu sự quản lý của Đảng và Nhà nước, lại không chi cho Đảng một xu mà thôi. Chưa kể, những nguồn tài trợ đó hứa hẹn khả năng lớn mạnh và chuyên nghiệp hóa của các tổ chức đó, đi xa hơn là sự chuyên nghiệp hóa của cả phong trào dân chủ”.
Trong một diễn biến khác, tối 4/5, một người dân tên Lầu Nhật Phong bị mời về Công an phường Bến Nghé, TP. Hồ Chí Minh do tọa kháng vì môi trường tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Người này sau đó bị phạt hành chính vì tội ‘không mang giấy chứng minh nhân dân’.
Biểu ngữ của Phong viết: “ Tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam ngưng ngay truyền thông vô căn cứ, phi khoa học nhằm kêu gọi người dân xuống tắm biển và ăn cá biển trong khi chưa có bất kỳ kết luận điều tra minh bạch, đáng tin cậy và hướng giải quyết thích đáng cho cuộc khủng hoảng cá chết tại Vũng Áng”.
Hôm 3/5, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ đăng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc ‘xử lý nghiêm các đối tượng gây rối’ trong vụ cá chết.
“Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cùng các địa phương tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tụ tập, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường đầu tư”, website này tường thuật.
Theo BBC