Dân chủ minh bạch hiệu quả hơn Độc Đảng bưng bít
Với vụ khủng hoảng cá chết từ khu công nghiệp Vũng Áng, không phải chỉ có nước nhỏ Việt nam phải đối đầu với nạn ô nhiễm môi trường do công ty ngoại quốc gây ra. Đại cường Hoa kỳ cũng phải đối mặt tình trạng tương tự. Tuy nhiên, cách phòng ngừa và giải quyết từ một quốc gia Dân chủ với chính sách minh bạch đã đem đến kết quả khác nhau.
Sự kiện tràn dầu Deepwater Horizon Oil Spill tại ngoài khơi tiểu bang Louisiana, nằm trong vùng vịnh Mexico, xảy ra vào ngày 20/4/2010, là một ví dụ.
Biến cố bi thảm này xảy ra vì dàn khoan của công ty Anh quốc, Britist Petroleum, gọi tắt là BP, đã bất cẩn gây lỗi kỹ thuật khiến không thể trám miệng giếng dầu đang khai thác kịp thời, nên dầu đã tràn ra mặt biển gây một vụ hủy hoại môi sinh nghiêm trọng. Tòa án Hoa kỳ đã phạt công ty BP số tiền kỷ lục 20 tỉ 800 triệu Mỹ kim do những thiệt hại vì sự bất cẩn và cố ý làm sai trái trong lúc hoạt động.
Số tiền phạt kỷ lục, hơn 20 tỉ, không phải là trọng tâm trong bài này, nhưng sự phản ứng của chính quyền và vai trò thông tin hữu hiệu của truyền thông cần được ghi nhận.
Ngày 20/4/2010, khi mọi nỗ lực của công ty BP kết thúc bằng một tiếng nổ long trời và dầu phun ra tràn ngập lúc 10 giờ đêm, thì sáng hôm sau, 21/4/2010, nữ đề đốc lực lượng tuần duyên Hoa kỳ, bà Mary Landry, sau này giữ chức giám đốc cơ quan liên bang kiểm soát tình trạng khẩn cấp trên Biển, đã cấp tốc báo cáo tình hình và tung mọi biện pháp cấp cứu. Đến lúc không thể nào chận đứng được tình trạng tràn dầu trên mặt biển, ngày 29/4/2010, thống đốc tiểu bang Louisiana, Bobby Jindal đã ban hành lệnh khẩn cấp toàn tiểu bang. Ngày hôm sau, 30/4/2010 tổng thống Obama ra lệnh ngưng khai thác các mỏ dầu mới ngoài trong vùng biển Hoa kỳ. Một điều nữa cần được ghi nhận, đó là: do vụ kiện kéo dài nên phán quyết của tòa án mới được đưa ra khoảng tháng 10/2015, tuy nhiên, trong thời gian đầu, sự ràng buộc của luật pháp của Hoa kỳ đã bắt buộc công ty BP phải chi trả số tiền lên đến 28 tỉ Mỹ kim để cấp tốc làm sạch biển.
Đó là chuyện ở Mỹ.
Sang qua chuyện Việt nam.
Theo tổng kết toàn cảnh vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung được đăng trên báo Dân Trí cho thấy: Sự việc bắt đầu từ ngày 4/4/2016 tại vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh. Mười ngày sau, ngày 15/4/2016 tình trạng cá chết đã lan xuống vùng biển Thừa thiên- Huế. Tổng kết có tới 80 tấn hải sản chết bất thường, dạt vào bờ biển miền Trung, lan rộng từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Theo những thông tin được dân chúng lan truyền cho thấy: trong số cá chết có những loại nằm trong tầng nước sâu. Điều này chứng tỏ, cá chết hàng loạt vì độc chất lan tỏa trong nước. Trong khi chính quyền án binh bất động trong việc truy tìm thủ phạm, dân chúng tự động truy tìm nguyên nhân, họ tự lặn xuống biển để khám phá ra một đường cống xả nước thải của công ty Formosa.
Trong lúc tiếng kêu cứu của dân chúng ở những vùng bị ô nhiễm tràn ngập trên các phương tiên truyền thông xã hội, chính quyền trung ương đã không có một chỉ thị rõ ràng để giải quyết. Mãi cho đến hơn 20 ngày sau khi xảy ra sự kiện cá chết, vào ngày 25/4/2016, ông tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới lò dò đến đây để đưa những cái lệnh điều tra mà đáng ra phải làm từ tuần lễ đầu tiên.
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là, trước đó 3 ngày, ngày 22/4/2016, tức là 17 ngày sau khi sự kiện cá chết nổ ra, người quyền lực nhất trong cơ cấu chính quyền CSVN, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đến và được đón tiếp tưng bừng khi đến thăm một số công trình, nhà máy thuộc dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh . Đáng chú ý hơn, khi bước ra khỏi nơi đây, ông Tổng bí thư không nói câu nào về vụ cá chết.
Sau đó 3 ngày, ông Thủ tướng bắt đầu xuất hiện tại đây để tìm cách giải quyết vấn đề.
Nên nhớ rằng: việc giải quyết chuyện xảy ra tại Hà Tĩnh thuộc phạm vi của chính phủ, nhưng chính phủ của ông Phúc rơi vào tình trạng bất lực tổng cộng tới 20 ngày và ông Phúc chỉ đến hiện trường 3 ngày sau chuyến đi của ông Tổng bí thư Đảng.
Nhiều câu hỏi được đặt ra trước 2 chi tiết trên:
• Trong khi phía chính phủ án binh bất động, nhưng nhân vật cao cấp nhất trong giới quyền uy CSVN, tổng bí thư Trong lại đến Formosa, Hà tĩnh đầu tiên. Như vậy: phải chăng, Đảng mới là chủ thể giải quyết vấn đề liên quan đến sự việc? Thế lực Formosa to đến đâu phải khiến đích thân Tổng bí thư đảng đến một nơi mà cả nước lên án đang đầu độc dân tộc ?
• 3 ngày sau khi ông Trọng im lặng rời Hà tĩnh, ông thủ tướng Phúc mới đến nơi này, như vậy, chính phủ của ông Phúc phải chờ lệnh của Đảng mới được giải quyết tình hình liên quan đến công ty Formosa. Phải chăng vì hiện nay có khá nhiều chứng cứ cho thấy vốn đầu tư từ Trung Cộng chiếm hầu hết cổ phần của Formosa , nên chính phủ CSVN không đủ thẩm quyền phải chờ lệnh từ Đảng?
Đó là phần đối ngoại và giải quyết vấn nạn.
Còn về phần đối nội trả lời trước dân chúng thì sao?
Sự lúng túng và im lặng bất lực của nhà nước CS đã khiến người dân phẩn nộ xuống đường biểu tình vào chủ nhật ngày 1/5. Người dân không muốn chấp nhận cái chết được báo trước khi môi trường bị hủy hoại, nhưng những ai muốn tìm hiểu sự thật đã bị đánh đập đến đổ máu. Phải chăng chế độ xem trọng việc bảo vệ vốn liếng của Trung cộng tại Formosa hơn là bảo vệ sự sống còn của dân tộc?
Khi so sánh giữa cách hành xử cấp tốc của chính quyền Hoa kỳ trong vụ tràn dầu của công ty BP gây ra với sự bất lực của nhà nước CS Việt nam trong vụ điều tra công ty Formosa trước vụ cá chết lan rộng 4 tỉnh miền trung, cũng như nhìn cảnh tượng an ninh CS hành hung người dân khi họ lên tiếng bảo vệ quyền được sống cho cả dân tộc trong một môi trường lành mạnh đã minh chứng rằng: chế độ dân chủ với sự minh bạch và hệ thống truyền thông được tự do sẽ bảo vệ người dân và xứ sở tốt hơn chế độ độc đảng chuyên bưng bít để bảo vệ quyền lực
Đến đây, chợt nhớ đến lời nhận định về một chính quyền hiệu quả của kinh tế gia lỗi lạc người Áo, nhà lý thuyết nghiên cứu mở đầu cho ngành Hành vi học trong kinh tế, Ludwig Von Mises, qua câu nói sau đây: “Không có mối đe dọa nguy hại nào cho nền văn minh hơn là một chính quyền dung chứa sự bất lực, tham nhũng và những kẻ hám quyền."
SBTN