Lòng mẹ như biển Thái bình!
Ngày 8 tháng 5, 2016 là ngày Lễ Mẹ hiền hay ngày Từ mẫu hay lễ Mẫu thân. Đây là dịp nhiều người nhắc tới những tấm gương từ mẫu, hy sinh
trọn đời cho con cái. Có người ví von nếu cha mẹ sống tới 100 tuổi thì lo lắng cho con tới 99 năm trong cuộc sống của họ. So sánh có chút
khoa trương nhưng nhìn chung chính xác.
Chân dung người mẹ thường được viết bằng mồ hôi và nước mắt và đôi khi bằng máu chỉ vì con. Chỉ cần đọc các tin sau đây trong đầu năm
2016 có thể thấy rõ điều này.
Bà mẹ Nigeria hy sinh và dũng cảm cứu con thoát biển lửa
Câu chuyện bi hùng mới xảy ra vào 30 tháng 4, 2016 và được các cơ quan thông tấn và báo chí trên thế giới từ Reuters tới Daily Mail đăng tải
với lời khen ngợi một bà mẹ can đảm phi thường sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con trong một trận hỏa hoạn bùng lên ở một cao ốc ở
Pyeongtaek, Nam Hàn.
Lửa phát xuất từ hai tầng lầu phía dưới và khói cuồn cuộn bốc lên và những lưỡi lửa của hỏa thần như một quái thú vươn lên tầng cao muốn
thiêu đốt tất cả.
Tầng cao là thảm cảnh bốn mẹ con kẹt cứng không đường lên và cũng chẳng đường xuống. Bà mẹ trẻ trạc chừng 30 tuổi đầu tóc rũ rượi trong
ánh lửa mà người phía dưới đều nhìn rõ từng nét hoảng loạn hiện trên khuôn mặt, bà ta kêu gào và luống cuống chỉ biết ôm ghì lấy ba con nhỏ,
đứa nhỏ nhất mới 1 tuổi và lớn nhất mới 4 tuổi.
Một mình bà mẹ trẻ này có thể thoát hiểm trước khi lửa bốc cao nhưng còn con thơ, tính mạng chúng sẽ ra sao? Hàng xóm, người đi đường tụ
lại phía dưới mỗi lúc một đông nhưng đều bất lực và chỉ hy vọng mong manh xe chữa lửa tới kịp thời may ra cứu được vài mạng!
Ai cũng biết nạn nhân không còn lối thoát và nếu có sinh lộ thì con đường duy nhất là nhảy từ cửa sổ tầng ba xuống đất. Hành động này có thể
xảy ra với một người trưởng thành, với quyết định thà bị tử thương còn hơn bị thiêu sống. Nhưng còn ba em nhỏ thì sao?
Cũng may đúng là lúc cứu tinh xuất hiện. Daniel Raimondo, một hạ sĩ quan không quân Mỹ đóng ở căn cứ không quân Osan Air Base đi ăn trưa
cùng bè bạn ngang qua và khi thấy đám cháy và nhận ra tính mạng bà mẹ và con thơ đang treo trên sợi tóc thì chạy lại. Người chiến binh này
bình tĩnh, hô hào đồng ngũ, và người xung quanh xúm lại và mượn chăn mền từ một cửa hàng gần đó và chăng rộng những vật dụng ra thành
một cái lưới vải, hy vọng sẽ đỡ người từ trên cao nhảy xuống.
Nhưng ai sẽ là kẻ thoát thân trước? Nguy cơ tới quá gần khói mịt mù hơi lửa nung nấu. Bầy trẻ khóc thét và người mẹ nghẹt thở và cái chết tới
gần từng gang. Bà mẹ có khả năng tự cứu mình. Nhưng không, bà ta mím môi ôm con quyết định chết thì chết cả.
Người phía dưới giục giã:
-Thả trẻ xuống mau. Chúng tôi đỡ!
-Yên tâm đi! Từng bé một nhắm cho kỹ thả xuống đây… nếu không sẽ không kịp!
Ngọn lửa tới rát mặt và những lời khuyên nhủ càng vọng to và khẩn thiết. Người mẹ quyết định rất mau.
Không hiểu từ đâu có một sức thúc đẩy vô hình, chỉ thấy bà mẹ can đảm giơ cao đứa con lớn lên. Đứa trẻ giãy giụa trong không gian rồi rời
bàn tay mẹ và rơi xuống kèm theo một lời thốt ra khiến ai nghe cũng động lòng:
– Con ơi, mẹ thương con lắm! Con chết… sẽ đợi mẹ chết theo!
Trong ánh lửa là ánh sáng của nhiều mobile phone thu cảnh bi hùng, trong tiếng kêu là tiếng đập của hàng trăm con tim vì hồi hộp. May mắn
thay đứa trẻ lọt vào tấm lưới cứu tinh phía dưới. Nhiều tiếng reo mừng:
– An toàn! Bé an toàn! Tiếp tục… chúng tôi đón bé khác!
Bà mẹ hình như tự tin hơn buông đứa thứ hai xuống. Đức trẻ sợ hãi lịm đi, như một tĩnh vật rơi thẳng, cho tới lúc được hứng vào tấm chăn phía
dưới mới khóc thét lên.
Bà mẹ khựng lại một giây ôm đứa nhỏ nhất không nỡ rời, và rồi quyết định thả nó xuống với lời đứt ruột nghẹn ngào:
– Nếu con chết… mẹ …sẽ chết theo! Con mới có sữa bú!
Không gian đang ồn ào bỗng nhiên như ngưng đọng và chỉ bật lên sinh khí với tiếng khóc của trẻ và tiếng reo mừng phía dưới.
Thấy con an toàn bà mẹ mới nghĩ tới việc cứu mình. Trong khói mịt mù không thấy đường, bà ta ta buông mình xuống. Tấm thân nặng nề
không rơi trúng lưới vải phía dưới mà chúi một chút về phía dưới. Tuy nhiên, có người nhanh trí đẩy một chiếc đệm để đón hiền mẫu.
Bịch một cái bà mẹ rơi xuống, an toàn
Vừa mở mắt ra. Bà mẹ òa lên khóc. Và hỏi:
– Con tôi đâu chúng có bị thương không?
Nhiều tiếng đáp lên đồng thời:
– Tất cả đều an toàn !.
Bả mẹ mở to mắt nhìn người chung quanh và chỉ thốt lên một tiếng cám ơn rồi ngất đi.
Trước đó để động viên tinh thần người đàn bà trong tình trạng kiệt sức vì hít khói độc và qua cơn xúc động kinh hoàng Daniel Raimondo nói:
– Cô yên tâm! Tất cả an toàn. Vừa rồi cô bay trong không gian đẹp quá, hùng quá như một nữ siêu nhân.
Đúng là một “nữ siêu nhân” (supergirl) có tên là Precious Enyioko, 30, gốc Nigeria nhưng là siêu hiền mẫu của thời đại chúng ta.
Precious Enyioko không phải phụ nữ duy nhất gặp cơn nguy biến lo cứu con chứ không lo thoát hiểm một mình. Mà còn một phụ nữ ở Úc và
tuổi đời mới 27, có con thơ mới hai ngày tuổi cũng tạo một hành vi hy sinh dũng cảm.
Bà mẹ ở Sydney cứu con trong trận hỏa hoạn giữa đêm khuya
Nguồn tin từ Úc cho biết, môt đám cháy xảy ra vào đầu tháng ba, 2016 tại Lakemba, tây nam Sydney vào một đêm thứ năm. Ngọn lửa bùng
lên vào lúc 9:30 tối trong nhà khi bà mẹ trẻ nấu nướng và người phụ nữ không thể bế con thơ mới ra đời hai ngày và một đứa trẻ thoát hiểm
bằng cửa chính vì lửa đã lan tới đó. Bà ta đành bế con lên lầu hai và ra cửa sổ kêu cứu. Cũng may một người đi đường và là hàng xóm thấy
tiếng kêu nên chạy tới.
Bà mẹ hoảng hốt nhờ ông ta tìm cách đưa hai đứa trẻ ra khỏi ngọn lửa đang bùng lên dữ dội và được đồng ý. Ông này nhanh trí kéo tấm nệm
giường ra trải dưới đất ngay dưới cửa sổ và dùng tay lần lượt đỡ hai đứa trẻ tới chỗ bình an
Hai đứa trẻ an toàn phía dưới lại là lúc bà mẹ gục xuống vì khói độc không còn sức tự cứu.
Nạn nhân bám vào bậu cửa sổ và trong nguy cơ không chết vì khói cũng mất mạng vì lửa thiêu. Đúng lúc xe cứu hỏa tới và nạn nhân được đưa
xuống và chở tới bệnh viện St George.
Phụ nữ phần đông tính thường nhu thuận và tình mẫu tử vốn là sợi dây bền chặt hơn cả keo sơn ràng buộc mẹ và con. Trong lúc nguy hiểm,
nhiều phụ nữ thoát khỏi sự mềm yếu và trở nên quả cảm chỉ vì thương con, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để cứu trè thơ mà mình ấp ủ nâng niu
như bảo ngọc trong tay. Hẳn người mẹ nghĩ: “Mình chết thì được nhưng không để ngọc quý của mình bị thiêu đốt hay vỡ tan…”
Hành vi này thường thấy trong xã hội khi giá trị tinh thần được đề cao và khi lòng vị kỷ bị xã hội lên án. Không mấy ai quên truyện Anh phải sống
trong tập truyện ngắn của hai cây viết tiền chiến Khái Hưng và Nhất Linh trong Tự lực văn đoàn.
Truyện kể lại hai vợ chồng một dân nghèo ven sông Hồng, Thức và Lạc, vào mùa nước lũ chèo chống chiếc thuyền con ra sông cái vớt củi từ
thương nguồn dạt về để mang ra chợ bán. Đó là phương tiện kiếm miếng cơm duy nhất, bất chấp sinh mạng của đôi vợ chồng nghèo vì họ có
tới ba đứa trẻ phải nuôi trong năm đói kém.
Tấn bi kịch trong tuyện phản ảnh cảnh thực ngoài đời, đã khiến biết bao độc giả, của bao thế hệ khi đọc đã mủi lòng vì tình mẫu tử thiêng liêng
khiến bà mẹ quên mình hy sinh cho mạng sống của con thơ:
“Bỗng mùa nước mặn năm ngoái, bác phó Thức nghĩ ra được một cách sinh nhai mới. Bác vay tiền mua một chiếc thuyền nan, rồi hai vợ chồng
ngày ngày chở ra giữa dòng sông vớt củi. Hai tháng sau, bác trả xong nợ, lại kiếm được tiền ăn tiêu thừa thải.
Vì thế năm nay túng đói, vợ chồng bác chỉ mong chóng tới ngày có nước to.
Thì hôm qua, cái ăn, trời bắt đầu đưa đến cho gia đình bác.
Nghĩ đến đó, Lạc mỉm cười, se sẽ đặt con nằm yên trên cái tã, rồi rón rén bước ra ngoài, lên đê, hình như quả quyết làm một việc gì.
***
Ra tới đê, Lạc không thấy chồng đâu.
Gió vẫn to, vù vù gầm thét dữ dội và nước vẫn mạnh, réo ầm ầm chảy quanh như thác. Lạc ngước mắt nhìn trời; da trời một màu đen sẫm.
Chị đứng ngẫm nghĩ, tà áo bay kêu phần phật như tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Bỗng trong lòng nẩy ra một ý tưởng, khiến chị hoảng hốt chạy
vụt xuống phía đê bên sông.
Tới chỗ buộc thuyền, một chiếc thuyền nan, Lạc thấy chồng đương ra sức níu lại cái gút lạt. Chị yên lặng đăm đăm đứng ngắm đợi khi chồng
làm xong công việc, mới bước vào thuyền hỏi:
– Mình định đi đâu?
Thức trừng mắt nhìn vợ, cất tiếng gắt:
– Sao không ở nhà với con?
Lạc sợ hãi ấp úng:
– Con… nó ngủ.
– Nhưng mình ra đây làm gì?
– Nhưng mình định đem thuyền đi đâu?
– Mình hỏi làm gì? Ði về!
Lạc bưng mặt khóc. Thức cảm động:
– Sao mình khóc?
– Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.
Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước, rồi bảo vợ:
– Mình không đi được… nguy hiểm lắm.
Lạc cười:
– Nguy hiểm thời nguy hiểm cả… Nhưng không sợ, em biết bơi.
– Ðược!
Tiếng “được” lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ, trời mỗi lúc một đen. Thức hỏi:
– Mình sợ?
– Không.
***
“Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du,
nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô, khi chìm, khi ẩn, khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng
máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.
Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.
Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ thì trời đổ mưa… Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như
trời long đất lở.
Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu.
Hai người cố bơi nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi…
Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:
– Trời ơi!
Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp…
Chồng hỏi vợ:
– Mình liệu bơi được đến bờ không?
Vợ quả quyết:
– Ðược!
– Theo dòng nước mà bơi… Gối lên sóng!
– Ðược! Mặc em!
Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:
– Thế nào?
– Ðược! Mặc em!
Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh, nàng mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc
vợ một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:
– Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.
Mấy phút sau, chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh ta rã rời. Vợ khẽ hỏi:
– Có bơi được nữa không?
– Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.
– Em buông ra cho mình vào nhé?
Chồng cười:
– Không! Cùng chết cả.
Một lát — một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày — chồng lại hỏi:
– Lạc ơi? Liệu có cố bơi được nữa không?
– Không?… Sao!
– Không. Thôi đành chết cả đôi.
Bỗng Lạc run lêng khẽ nói:
– Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không?… Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để mình xuống đáy
sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.
Ðèn điện sáng rực xuống bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên
cạnh. Ðó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.
Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.”
Chu Nguyễn