Văn chương, tiểu thuyết, thi ca, âm nhạc ca tụng mối tình đầu là mối tình đẹp nhất, toàn vẹn nhất, long lanh ngọc, lấp lánh kim cương, rực rỡ
cầu vồng, dù đến rồi đi nhưng sẽ mãi mãi không bao giờ mờ phai, không bao giờ gột sạch trong ký ức. Những câu nói đẹp nhất, êm dịu nhất
được thành khẩn thốt lên, “Anh yêu em/Em yêu anh hơn hết mọi thứ trên đời.” Những lời thề thiêng liêng nhất được dốc hết tâm can tha thiết
trao đi, “dù biển cạn non mòn, anh (em) thề sẽ mãi mãi bên em (anh).”
Cá nhân tôi vốn sợ thề thốt vào những giờ thiêng, những lúc mình không kiểm soát được mình, lại thường bị ám ảnh bởi những câu tục ngữ hay
những câu thơ tự dưng in sâu trong trí óc, tựa như “Trưa mưa chiều nắng người ta bảo cả đến ông trời cũng đổi thay” hay “Ái tình sớm nở
chiều phai nhạt, chẳng phải tại anh, chẳng tại em” nên không dám thề và cũng không được nghe ai thề trước mặt mình. Tuy nhiên, câu số 1,
“Anh yêu em hơn hết mọi thứ trên đời” thì tôi may mắn có được nghe ông bố của mấy đứa con sau này thì thầm vào tai một lần, hôm mới cưới
chừng vài tuần lễ, một buổi tối ông ấy rủ đi xem xi nê ở rạp Rex bên hông tòa Đô chính, bỗng nhiên (vì chuyện phim, vì diễn xuất, vì bóng tối êm
đềm của cái rạp chiếu bóng đẹp nhất Sài Gòn lúc bấy giờ, vì tôi phải xa gia đình, lìa bỏ cái thành phố Huế thân yêu của tôi để theo ông vào
cuộc đời làm vợ ở nơi xa xôi này hay vì cái gì tôi không bao giờ biết) ông cảm hứng để bàn tay ông đi tìm bàn tay tôi ngủ yên trên vạt áo và
thốt lên lời vàng ngọc ấy. Tất nhiên về sau chắc ông ấy quên mình đã nói gì, còn tôi, nhờ ơn trời, đã nghe với sự dè dặt của trái tim biết sợ sự
bất ngờ.
Thế nhưng văn chương, tiểu thuyết, thi ca, âm nhạc cũng ca tụng mối tình cuối là mối tình đẹp nhất, bền chặt nhất vì nó là đích đến của những
người tình dạn dầy kinh nghiệm yêu đương, có khả năng đánh giá và xây dựng lần cuối cùng một cuộc tình vĩnh cửu. Quả thật có nhiều đôi lứa
trong chỗ bằng hữu, tôi biết họ đạt được mơ ước ấy. Khi có dịp tâm sự, các chị kể anh chị có một cách tỏ tình khác, nói với nhau một ngôn
ngữ khác, như sợ lập lại những gì đã từng nói hay làm một hoặc vài lần khiến họ về sau thấy hối tiếc. Dẫu sao, vẫn có những con đường như
con đường ma, chập chờn, thấy vậy mà không phải vậy nên người đi cứ đi mãi vẫn không tới đích. Tuy nhiên, gì thì gì, lúc bình tĩnh nghĩ lại,
nghiệm ra tình đầu, tình cuối, đẹp tới đâu cũng chỉ gồm 2 nhân vật biết “thương người như thể thương thân” (sách Quốc văn giáo khoa thư dạy)
hay vâng theo lời Chúa dặn trong thánh kinh, “hai hãy nên một.”
Sách vở thánh hiền, Chúa hay Phật, có chỗ nào kêu gọi con người thương yêu kẻ khác hơn mình đâu, nhiều nhất, cao nhất là bằng “mình” thôi?
Có chăng là lúc say rượu, không còn biết mình là ai nữa! Hệt như những chiếc xe hơi mà nhà sản xuất đã lập trình tốc độ tối đa, làm sao chạy
hơn được? Cố chạy hơn là vỡ hộp số, máy chết. Đó là trường hợp hiếm hoi đôi khi xảy ra trong thời đại cũ, yêu mà không lấy được người
mình bèn tự tử vì tuyệt vọng. Tại sao tuyệt vọng? Yêu là ngự uyển, là thiên đàng nhã nhạc trong lòng chứ? Nếu chỉ yêu thôi, không đòi sở hữu,
chắc không ai chết vì tình yêu cả. Yêu mà nghĩ đến chuyện chết là vì báu vật bị lấy khỏi tay mình, cách này hay cách khác. Phản ứng hiền hậu
thì tiếc quá. Đau quá. Chịu hết nổi. Thôi, chết đi cho xong! Phản ứng không hiền hậu thì “xử” đối tượng làm cho mình đau. Chung quy mọi sự
xung quanh tình yêu đều khởi đi từ cái “thân tâm” mà ra cả! Ngỡ là yêu tha nhân, hóa ra yêu chính mình.
Đang ngồi xem phim vui vẻ, vợ yêu chợt nhớ ra ngày mai đổ rác, hỏi chồng yêu: “Anh đem thùng rác ra ngoài chưa?” Chồng đang phê, không
nghe, không trả lời. Vợ quay nhìn chồng, hỏi lại: “Mai đổ rác, anh đem thùng rác ra chưa?” Bị xà nẹo, chồng cáu: “Em hỏi một lần là đủ rồi,
đừng hỏi thêm nữa. Rác quên đổ một bữa cũng đâu có sao?” Bị bắt bẻ, vợ cũng cáu không kém: “Không sao hả? Ở dơ như anh mới không
sao, mới đổ bệnh chớ có sao không sao gì!” “Ở dơ sao hồi đó không chê cho tui nhờ?” “Bây giờ chê đó, có được không?” Chồng đứng bật
dậy, tắt TV, đi ngủ, mang theo hình ảnh bà vợ như một món nợ trả hoài không hết. Vợ tính sạch sẽ, ngăn nắp, cũng vô giường nhưng không
ngủ được vì hình ảnh cái thùng rác cả tuần lễ đầy ngập, chình ình ở sân sau. Trăn qua, trở lại, bực bội, mở đèn, uống nước. Chồng càu nhàu:
“Có để cho người ta ngủ để mai đi cày không?” Vợ tới luôn: “Đổ rác đi rồi ngủ.” Chồng nhỏm dậy, ôm gối ra ngủ ở sofa. Thế là chồng một nơi,
vợ một ngả, mình với ta tuy một mà hai. Thùng rác vẫn y nguyên ở sân sau cho đến sáng sớm mai. Mà thật, có sao đâu như chồng nói tối hôm
qua. Rác không hư thêm nhưng vợ chồng có thêm một kỷ niệm xấu xí, một thất vọng vì người kia không làm cho mình vui.
Làm cho nhau vui là nguyên nhân của hạnh phúc nhưng làm cho nhau vui đâu có dễ khi cái vui của người này khác người kia quá! Khi khác nhau
quá, họ kết luận: vợ chồng không hợp, xung khắc. Biết đâu không hợp và xung khắc, nếu quả thật thế và biết thế, vẫn có thuốc chữa mà! Potion
number 9 đấy! Nhớ “refill,” đừng để cạn chai e rồi phải mua chai mới.
Đầu thế kỷ 21, cùng với điện thoại thông minh, mọi người có thể tự chụp ảnh mình bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, gọi là “selfie.” Ảnh selfie
không đẹp bằng ảnh người khác chụp nếu không nói là... xấu xí nhưng ai cũng thích, nhìn xấu thành đẹp. Hình như người Việt trong nước dịch
chữ selfie, một cách bổ bã, thô lậu, là “tự sướng,” cực tả trạng thái tâm lý “yêu mình” tôi nói ở trên.
Từ nhận định này, có người ngậm ngùi cười gượng và nói: Tình đầu, tình cuối là tình yêu chính mình. First love, last love is self love. Tìm được
chân lý rồi, vấn đề còn lại là dặn lòng tỉnh thức, áp dụng chân lý ấy vào cuộc sống, có được không? Xem ra rất khó vì thời nay trẻ con cũng có
điện thoại thông minh và selfie tưng bừng, tự ngắm mình ở khắp mọi nơi, mọi lúc, nói chi người lớn?
Dẫu thế nào, cuộc sống không có tình yêu là thảm họa. Có lẽ vì vậy, Thượng Đế tạo ra vai trò cha mẹ, yêu con cái mình hơn chính mình, bằng
tình yêu đích thực, không tính lời lỗ, thậm chí không đòi công bằng. Một là Thượng Đề cài đặt vào trái tim cha mẹ nhu liệu tuyệt diệu này, hai là
giải thích theo suy diễn có tính cách tâm linh: cha mẹ yêu con cái vô điều kiện vì chúng là phần xương thịt sẻ chia từ cha mẹ nên đẻ ra quan hệ
gắn bó. Một cách nào đó, con cái là hình ảnh selfie của cha mẹ, càng giống cha mẹ càng được cha mẹ yêu thương. Ngược lại, cùng xương thịt
ấy nhưng con cái có thương yêu cha mẹ vô điều kiện và cùng một cường độ không? Hình như không vì “nước mắt chảy xuôi,” đến lượt chúng,
con cái lại đi tìm phần xương thịt của chúng nó nơi những đứa con của chúng và đó là lập trình của Tạo Hóa khi tạo dựng loài người trên mặt
đất. Tuy nhiên, cùng với Mẹ thiên nhiên dạy bài học của lòng quảng đại, cho con người biết bao kỳ quan đẹp đẽ và mầu nhiệm tô điểm sắc
hương cho đời sống, Mẹ dưới mỗi mái nhà dạy cho con khả năng ban phát yêu thương vô giới hạn, lòng bao dung, sự kiên nhẫn và quên mình.
Mặt trời lên mỗi sớm mai ở Cali ít mưa cùng với nụ cười bừng sáng trên môi mẹ cho một ngày mới và cứ thế năm tháng trôi qua. Chắc không
có ai hình dung ra cuộc sống/địa cầu sẽ thế nào khi mặt trời không còn thức dậy một buổi sáng nào đó cho dù trong mùa đông, dung nhan mẹ
ủ ê, ngoại trừ những đứa con sau một lần run rẩy vuốt đôi mi mắt mỏi mệt của mẹ lần cuối. Căn phòng bệnh viện, căn phòng nhà dưỡng lão
hay căn phòng gia đình sụp tối dưới ánh đèn, giữa ban ngày, cùng với bóng tối trong đôi mắt mẹ vừa khép lại vĩnh viễn. Trái tim trong lồng
ngực con lạnh buốt vì trái tim mẹ thôi không còn tiếp lửa, vì con biết rằng từ nay về sau, sẽ không có một ai trên cõi đời này có thể yêu thương
con bằng mẹ.
Phần đất nào trên địa cầu không tôn trọng nữ giới, bạc đãi, chà đạp họ, ngăn cản không cho họ phát triển, ở đó không thấy niềm vui và nụ
cười.
Có vẻ như thế giới loài người đang tiến hóa trên một hành trình nghịch lý: phía này, văn minh kỹ thuật ngày càng mở rộng không gian sống với
đủ mọi hình thái phục vụ tiện nghi của con người và phía kia, con người trở nên ít cần nhau hơn thế kỷ trước. Trí óc giờ đây không còn biên
giới (trong thực tế và trong mơ ước) nhưng buồng tim ngày càng hẹp lại, hết ưu tiên.
May quá, nhân loại vẫn còn một tình yêu đích thật để tồn tại trong trái tim vô nhiễm của bà mẹ, là cái gốc vững chãi của nhiều thứ tình khác,
vừa sản sinh vừa bảo dưỡng sự sống cho đến giờ tận thế.
Tình đầu, Tình cuối, phải chăng chỉ là Tình Mẹ?
Bùi Bích Hà