Dân Biểu Deepak Obhrai, Thư ký Quốc hội Phụ Trách Liên Lạc Bộ Ngoại giao (Canada), thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý tại nhà tù Nam Hà – Hà Nội năm 2013. Courtesy of danlamthan.wordpress.com
Linh mục Nguyễn Văn Lý, tù nhân lương tâm nổi tiếng vừa được tự do vào ngày 20 tháng 5 vừa qua.
Từ Nhà Chung, Huế ông cho biết:
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Sáng ngày 19 khi làm thủ tục thả tôi, tôi còn viết trong giấy cảm tưởng của tôi mà họ muốn tôi viết cảm tưởng nhưng tôi ‘giảng’ một bài về Thiên Chúa, giảng một bài về hòa bình, về sự thật, về tình yêu và tự do chứ tôi không nói cảm tưởng gì cả.
Điều sau cùng tôi cũng nói ‘bao lâu còn ba chữ Cấm Truyền Đạo trong nội qui thì tôi sẵn sàng đi tù 10 lần nữa. Và ngay tại phường nơi làm thủ tục để đưa tôi về Tòa Giám mục Huế, tôi còn tranh thủ giảng một bài về hòa bình, về tôn giáo, về đạo và về việc nhân loại là một gia đình, về tình yêu, tự do...
Tôi nói rằng các anh khôn ngoan thì hãy để tôi yên nói về Chúa cho mọi người; còn nếu các ông canh gác, khám người này, người khác ở cổng Nhà Chung, cổng Tòa Giám mục như mấy lần trước thì chính đó là các ông ‘làm đơn’ xin tôi tiếp tục đấu tranh lại. Khi canh gác như vậy xem như các anh xúi tôi ‘xin mời lên bục đấu tranh tiếp’!
Linh mục Công giáo bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý, 60 tuổi, hầu tòa vì tội tuyên truyền chống nhà nước tại một tòa án địa phương ở trung tâm thành phố Huế. Ảnh chụp ngày 30 tháng ba năm 2007. AFP PHOTO
Các anh đừng canh gác gì cả, để cho giáo dân vào ra thăm viếng bình thường để tôi tận dụng dẫn dắt họ gặp Chúa thôi.
Hai ba ngày hôm nay không có canh gác như trước mà chỉ thấy có công an mặc đồ thường phục, và dưới dạng nhân viên bảo vệ môi trường. Họ chỉ đi ‘lạng quạng’ thôi chứ không khám xét khách vào ra phòng tôi.
Tôi mong được qua tiếng nói này nói đến tai bộ trưởng bộ công an rằng ba chữ ‘Cấm Truyền Đạo’ (trong nhà tù) là rất dại vì truyền đạo giữa các buồng thì làm sao cấm được.
Còn ba chữ này thì vô tình làm cho Việt Nam trở nên xấu lắm, trở lại thời kỳ cộng sản cực đoan của Stalin, mà còn khắc nghiệt hơn cả Hitler và Stalin vì hồi đó không ai cấm nói về Chúa, nói về đạo. Thế mà bây giờ hễ tù gọi tôi để hỏi về đạo là bị cùm. Như thế còn khắc nghiệt hơn cả thời kỳ Hitler. Điều này tôi nhờ quí vị chuyển đến tai của Hội đồng Nhân quyền Quốc tế.
Vào năm 2015, lúc đó cũng hơi khó khăn rồi nhưng chuyện dọa cùm anh em chưa có; phái đoàn 16 người đến thăm tôi trong tù tôi tranh thủ nói những chuyện quan trọng hơn.
Giờ nhân dịp ông tổng thống Obama qua Việt Nam, họ sợ trong phái đoàn có người trong đoàn nhân quyền đi thăm tôi trước đây, nổ ra vấn đề nên họ cho tôi về trước.
Gia Minh: Linh mục vừa nhắc đến chuyện cho về trước thì ông nghĩ sao về chuyện đó?
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Xét về nguyên tắc của họ thì tôi còn 2 tháng 20 ngày nữa; nhưng xét về bản án của họ và khi lệnh cho ra điều trị tại ngoại một năm thì họ nợ tôi 1 tháng 20 ngày, họ giam quá tôi 1 tháng 20 ngày. Cái 4 tháng 10 ngày họ lằng nhằng cho rằng ở ngoài thì phải trả. Thế nhưng theo nguyên tắc là họ bắt tôi về lại tù trễ chứ tôi không muốn ở ngoài.
Gia Minh: Điều này thì linh mục có trình bày thế nào với trại trước khi về không?
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi không tranh cãi những chuyện nhỏ nhặt đó. Tôi đang tập trung giới thiệu Chúa, nói về tình yêu, nói về tự do vì thời giờ phát biểu rất ngắn. Khi đó họ chỉ muốn tôi nói vài lời thôi nhưng tôi tranh thủ giảng một bài dài về giáo lý. Tôi không muốn đi vào chi tiết vụn vặt, tính ngày tính tháng làm gì.
Gia Minh: Nay đã về đến Nhà Chung rồi thì việc đưa đi khám chữa bệnh cho linh mục ra sao?
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Nói vắn tắt vài lời thì không trọn, nhưng mô tả đầy đủ thì dài dòng. Đại khái mình trở thành như một người khuyết tật vậy. Đứng thẳng không được; đứng thẳng thì phải gượng ép mà đi không được, bước chân là ngã thành ra phải đi khom lưng xuống; nên bây giờ tôi có biệt hiệu là Lý ‘khòm’. (Cười)
Hiện giờ cháu tôi là lương y chăm sóc cho tôi chưa ra. Tôi đang uống thuốc theo phương pháp cũ. Còn để điều trị tiếp thì phải đi bác sĩ thôi.
Bây giờ gấp, chưa có giờ giáo hữu đến thăm đông quá đành phải dành thời giờ cho họ thăm đã.
Gia Minh: Trước khi kết thúc, điều mà linh mục muốn chia sẻ với những người mà lâu nay quan tâm đến linh mục là gì?
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi mong ước quí vị vẫn lo bao nhiêu việc như xưa nay, nhưng thêm một điều chia sẻ với ưu tư của tôi là quan tâm đến vấn đề thai nhi quyền vì ‘các em’ này vô tội mà không ai lên tiếng cả.
Chúng ta hãy thấy hằng ngày hằng tỷ tỷ em đang đi biểu tình đòi quyền sống. Các em không có tội gì cả mà bị cha, mẹ trục ra khỏi lòng mẹ.
Những người đàn ông, đàn bà mà cả gan giết con mình- phá thai, thì tội gì trên trần gian mà họ không dám phạm. Tội này làm cho xã hội bị hủy hoại dây chuyền, tội nặng lắm!
Từ năm 1975 tôi đã bênh vực về vấn đề này rồi. Hồi đó, các bác sĩ, y tá ở Huế chuyên trục thai nói với tôi rằng để cho một số em có trường học, có cuộc sống tốt hơn thì phải giết một số em, đó là hành vi đạo đức. Đó là triết lý của Mao Trạch Đông,
Sau này tôi gặp một anh cán bộ Trung Quốc, anh ta nói rằng để cho 1 tỷ người Trung Quốc được no cơm, ấm áo, hạnh phúc thì phải giết 30 triệu người Trung Quốc trong cuộc cách mạng văn hóa là hành vi đạo đức. Đó là triết lý ‘phá thai’.
Ngay từ năm 1975 tôi đã quan tâm vấn đề này rồi nhưng tiếng nói của tôi còn nhỏ, giờ tôi muốn nhờ quí vị hãy nói với mọi người, bên cạnh nhân quyền cũng quan tâm đến thai nhi quyền nữa.
Bảy phái đoàn nhân quyền từ năm 2000 đến thăm tôi tôi cũng có nói với họ về vấn đề đó. Còn từ năm 2010 tôi nói đến những vấn đề khác.
Gia Minh: Cám ơn linh mục dành cho cuộc nói chuyện chỉ mới vài hôm sau khi ra khỏi nhà tù.
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Cám ơn nhiều. Xin nói vắn tắt kính chào và cám ơn quí vị đã giúp đỡ tôi trong những năm qua, hiện nay và tương lai. Bản thân tôi cầu nguyện cho quí vị suốt đời, có lên Thiên đàng tôi cũng cầu cùng Chúa cho quí vị. Xin chào.
Theo RFA
VIDEO Sửa bởi người viết 23/05/2016 lúc 08:51:40(UTC)
| Lý do: Chưa rõ