Thỉnh thoảng có chút thời giờ xếp dọn lại bàn viết, bắt gặp những trang giấy cũ ghi vài câu chuyện hay ho, mừng như bất ngờ gặp lại người
bạn quý. Chao ôi, đã từng may mắn có những giờ khắc hội ngộ dễ thương như vậy ư? Bước chân cho dù đã khuất lấp qua thời gian nhưng
dư hương vẫn còn đọng trên nếp giấy.
Bài thơ hay bức vẽ một cuộc đời, không biết tác giả là ai, duyên may tình cờ chạm mặt đâu đó, biết là của quý, tạm cất vào kho để sẽ chia
sẻ. Là đây:
“Từ mở mắt chào đời, là bước lên chuyến tàu và gặp gỡ cha mẹ. Đứa con nào cũng nghĩ sẽ mãi mãi có cha mẹ trong suốt cuộc hành trình
dài. Thế nhưng tới một ga nào đó, cha mẹ sẽ rời bỏ con tàu, để lại con cái một mình tiếp nối chuyến đi. Cùng với thời gian trôi chảy, nhiều
nhân vật quan trọng khác lần lượt bước lên con tàu: anh chị em ruột thịt, bạn bè, con cái vả cả cuộc tình của đời người. Nhiều người trong
số này, kể cả tình yêu kia, sẽ có lúc bỏ đi, để lại phía sau những khoảng trống lớn nhỏ. Cũng có những người giã từ trên những bước chân
lặng lẽ, thậm chí không để ai biết họ đã không còn ngồi ở chiếc ghế từng quen thuộc.
Cuộc hành trình với con tàu chan chứa niềm vui, nỗi buồn, những chờ đợi, những lời chào hạnh ngộ, những tạm biệt và vĩnh biệt. Thành tựu
của chuyến đi là tình thân thiện giữa những kẻ đồng hành cùng dâng hiến cho nhau phần tinh hoa nhất của mỗi người. Không ai biết lúc nào
ai sẽ rời bỏ con tàu ở sân ga nào nên hãy sống hạnh phúc bên nhau, thương yêu và tha thứ cho nhau bởi vì ai cũng cần lưu lại kỷ niệm đẹp
làm hành trang cho những kẻ lữ hành còn tiếp tục cuộc hành trình của riêng họ.
Hãy sống hạnh phúc bên những người ta may mắn có họ bên cạnh. Hãy cảm tạ lượng Trời bao dung cho ta trải nghiệm chuyến đi kỳ ảo này.
Hãy cảm ơn những ai đã đến trong cuộc đời nhau và đáp chung một chuyến tàu. Cho dù ta có bước xuống lần cuối cùng ở ga sau, hãy bằng
lòng vì đã chia cùng những kẻ đồng hành với ta một đoạn đường đáng ghi nhớ.”
Cảm ơn tác giả bài viết nguyên ngữ bằng tiếng Anh mà tôi tạm lược dịch ra tiếng nước tôi. Cuộc hành trình của mọi người với con tàu chạy
trên thiết lộ giống nhau ở một bất ngờ lúc bắt đầu và lúc chấm dứt tuy bắt đầu và chấm dứt ấy cũng như cảnh quan dàn trải trên đường đi
rất khác nhau. Phật giáo cắt nghĩa sự khác biệt ấy do mỗi cá nhân khi lên tàu/vào đời, đã mang sẵn trên lưng cái NGHIỆP (karma) vay trả,
tích lũy từ vô lượng chuyến đi trong vô lượng tiền kiếp. Tôi thực sự không biết lý luận này có bao nhiêu phần trăm sự thật hay chỉ là lý luận
có tính hướng thiện, kêu gọi chúng sinh làm lành, lánh dữ để nhẹ nghiệp. Tuy nhiên, nhìn vào cuộc sống thực tế, quả nhiên có những minh
chứng khá rõ ràng giữa những trường hợp tác nghiệp và giải nghiệp trong cách ăn ở của một con người. NGHIỆP như cái thòng lọng treo
cổ, như lưỡi gươm Damoclès nhưng là những ý niệm dọa nạt xa vời, trừu tượng, nên ít làm ai sợ. Trường hợp này, ngôn ngữ bình dân mô
tả bằng nụ cười chua chát trong câu “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ.” Cùng cắt nghĩa sự khác biệt nêu trên, Công Giáo tin rằng một sợi tóc
rơi cũng là do thánh ý Chúa. Cuộc sống là sự thử thách liên tục của đức tin, đo lường mức độ của đức tin ấy qua thể hiện mình của mỗi cá
nhân trong mỗi phút giây và mọi trường hợp. Tuy nhiên, vì Thiên Chúa nhân từ luôn mở lòng xót thương nên con cái Chúa trông đợi vào Ơn
Toàn Xá, có khi ít nghiêm khắc với bản thân trong ứng xử.
Bên cạnh nỗ lực tôn giáo giải thích sự thành bại trong chuyến đi của đời người trên mặt đất, giữa hai sân ga đầu và cuối, kinh nghiệm truyền
khẩu dân gian có câu nói giản dị hơn, dễ chứng nghiệm hơn: Trồng cam ăn cam, trồng bưởi ăn bưởi, gieo hạt nào, hái quả đó.
Nói về lúc bắt đầu và lúc chấm dứt chuyến đi nhân sinh, rõ ràng nếu không ai trong chúng ta có quyền chọn lựa cho mình duyên may hay dở
lúc chào đời thì trái lại, dường như ai cũng có quyền sắp đặt lúc chấm dứt. Thời buổi này, nhiều tổ chức kinh doanh rao bán các chương
trình hậu sự tập trung vào hình thức lễ tang cho người quá cố. Phải chi có một chương trình hậu sự nào lo được không chỉ nghi thức chôn
cất hay hỏa táng thi hài mà đảm đương được cả đơn đặt hàng “custom made” về cung cách xuống sân ga cuối của một hành khách lúc giã
từ thì tuyệt vời biết mấy!
Đọc tin tức, nhìn vẩn vơ ra xung quanh, chao ôi, cũng nhiều bắt đầu sao mà diễm lệ: ...Xuân trong tôi, đã khơi trong một đêm vui, một đêm
gối chăn phòng the đón cha mẹ về. Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ, bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chang lòng mẹ... (Xuân
Ca/Phạm Duy) Vì bắt đầu ấy thật sự đẹp, đẹp quá, có thể khiến lòng thèm muốn nhưng tuyệt nhiên không xuôi lòng ganh tỵ nếu ai đó vui vẻ
kể rằng lúc bắt đầu của nó là ở bên một hòn đá chặn cửa cho gió mùa đông ở Huế đừng đóng sập cửa lại, khi mẹ nó đang hầu hạ bà vợ lớn
của bố nó nằm dưỡng bệnh trong nhà thương, tất bật, vất vả, không có cả thời giờ kịp chạy tới phòng sản khoa mà đẻ rơi nó. Đẹp hay xấu,
cao hay thấp, quyền quý hay tầm thường, trẻ sơ sinh vào đời với tiếng khóc như nhau. Nếu tiếng khóc ấy không báo trước nhân thân đứa bé
nặng hay nhẹ nghiệp, có lẽ việc tính sổ đời nó nên căn cứ trên những gì nó làm kể từ tuổi biết khôn.
Đọc tin tức, nhìn vẩn vơ ra xung quanh, chao ôi, cũng nhiều kết thúc sao mà diễm lệ: Một cụ ông cư dân tiểu bang Washington, khi tạ thế, để
lại tài sản lên tới $187 triệu 6 trăm ngàn mỹ kim cho các cơ quan từ thiện sau cả một đời sống cần kiệm, kín đáo góp nhặt những phiếu mua
hàng giảm giá và di chuyển bằng xe buýt. Cụ Jack MacDonald qua đời hồi tháng 9 năm 2013, thọ 98 tuổi, đã để lại toàn bộ tài sản của Cụ
cho bệnh viện nhi đồng ở Seattle, TRƯỜNG Đại học luật khoa Washington và cơ quan Salvation Army. Thân quyến của Cụ cho biết không có
mấy người ngoài biết được Cụ giầu có lúc sinh thời. Bà Regen Dennis, con gái riêng của cụ bà, cho biết: “Gia đình chúng tôi không một ai
hé môi về tài sản lớn lao bố dượng tôi cất giữ trong bí mật suốt hơn 40 năm tuy mọi người đều rất kinh ngạc trước nếp sống tiện tặn và thái
độ khiêm nhượng của ông, kể cả phong cách ứng xử gần như lập dị trong nhiều trường hợp nhưng luôn trung thực với bản thân mình. Có thể
nói ông luôn hành động với sự cực tin là đã sử dụng đồng tiền một cách tốt nhất. Mẹ tôi kết hôn với bố dượng tôi năm 1971 và mất năm
1999, hai người không có con chung.”
Tốt nghiệp từ trường đại học luật khoa của tiểu bang, trở thành luật sư và hành nghề qua ba thập niên, Cụ McDonald có khả năng tích lũy
của cải bằng cách đầu tư khôn ngoan di sản thừa hưởng từ gia đình. Ông Doug Picha, chủ tịch bệnh viện nhi đồng Seattle, nói về Cụ như
sau: “Chúng tôi quen biết Cụ đã 30 năm, biết Cụ rất giầu nhưng Cụ vẫn sống trong căn chung cư một phòng ngủ đơn giản và không bao giờ
khoe khoang thân thế mình. Cụ thích mua hàng với giá hời nên thường cắt giữ thật nhiều phiếu giảm giá (coupons.) Cụ phục sức giản dị,
mặc cả áo sơ mi đã cũ sờn nhưng cư xử đâu ra đấy, theo lối cổ và rất nhút nhát.” Cụ thường đi nhiều chợ để tận dụng coupons. Có lần Cụ
mua cả đống nước cam đang bán đại hạ giá, nhiều đến nỗi Cụ phải mua thêm một tủ Freezer để chứa riêng thức uống. Vẫn theo ông Picha,
Cụ MacDonald rất tự hào đã “chăn dắt” của di sản thừa hưởng từ cha mẹ đi qua thị trường chứng khoán một cách tốt đẹp để sinh lợi dùng
vào việc bác ái sau khi Cụ mất. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ Cụ cảm nhận mình là người quản lý vốn liếng cha mẹ gởi gấm nên thực sự rất vui
thấy tất cả của cải ấy chuyển nhượng qua ba cơ quan từ thiện nêu trên, là vài tổ chức có sự liên kết đặc biệt với Cụ.” Được biết thân mẫu
Cụ từng là thiện nguyện viên phục vụ tại bệnh viện nhi đồng Seattle. Sau khi mẹ qua đời, Cụ càng gắn bó hơn với mọi sinh hoạt hàng năm
của bệnh viện.
Số tiền tặng dữ $187 triệu 600 ngàn Mỹ kim được trao tặng dưới hình thức quỹ tín thác. Ba cơ quan từ thiện sẽ nhận một phần từ lợi tức
của quỹ này với 40% hỗ trợ cho bệnh viện nhi đồng Seattle; 30% cho học bổng của trường luật. Riêng phân bộ Tây Bắc của cơ quan
Salvation Army sẽ nhận một phần lợi tức của quỹ tín thác trị giá $2 triệu 800 ngàn Mỹ kim năm đầu tiên.
Mấy năm trước đây, bà con gái riêng có hỏi là Cụ muốn được hậu thế tưởng nhớ như thế nào thì Cụ trả lời: “Như một người có lòng nhân
ái.” Quả nhiên, cụ McDonald đã sống trọn cuộc đời rất dài của mình để thể hiện điều Cụ muốn.
Tất nhiên đọc câu chuyện đời Cụ, có người khen, có người chê nhưng khen hay chê rồi cũng chỉ như phấn son phù phiếm, theo gió thoảng
bay. Căn bản chính nhất là Cụ vui sống từng ngày như Cụ đã sống, bằng lòng với mình, với người, làm được những điều theo ý riêng và khi
ra khỏi cuộc đời thực sự không một chút gì mang theo từ trong tâm tưởng, tôi chắc cái tâm của Cụ đã rất nhẹ nhàng khi rời bỏ con tàu ở
sân ga cuối. Mặc dầu vô cùng ngưỡng mộ sự liêm khiết và nếp sống đạm bạc của Cụ giữa cái thành phố ướt át và giá lạnh quanh năm với
không ít người vô gia cư lượn lờ ở mấy cái công viên lớn nhỏ, tôi vẫn băn khoăn vài câu hỏi. Giả dụ Cụ lấy ra con số lẻ $600,000 Mỹ kim để
mua một ngôi nhà thơ mộng như nhà của thi sĩ họ Trần, lưng dựa núi, mặt nhìn ra hồ nước thiên nhiên, mênh mông như cái ngã ba sông lớn,
vườn trước vườn sau hoa lá sum suê, mỗi sớm mai chim muông, sóc rừng, nai hoẵng vào tận hàng hiên hỏi thăm chủ nhân mấy khóm hồng,
Cụ ở đây với cụ bà những năm còn trẻ rồi sau này khi không cần nữa vì cụ bà qua đời, Cụ vào nhà dưỡng lão, nhà lên giá thành bạc triệu,
Cụ lại cho đi, vừa không hao hụt quỹ từ thiện, vừa công bằng với người bạn đời và với mình, vì sao Cụ không muốn nhỉ? Cụ bà sống với Cụ
ông 28 năm tình nghĩa đằm thắm, chỉ có sự chết mới chia lìa họ như lời hứa trong ngày cưới. Ở chung cư, đi chợ bằng phiếu giảm giá,
không một giây phút nào thắc mắc về cái tài sản không nhỏ của cụ ông, không cả bận tâm dùng chút ít cái tài sản ấy làm cho cuộc sống đôi
lứa có thêm ánh sáng và màu sắc, tôi không tin cụ bà an phận đến thế nếu không là tình yêu đã cho cụ những gì nhiều hơn tiền bạc có thể
cho.
Giờ đây hai cụ đã về cõi khác. Tôi hậu sinh còn biết hỏi ai về nhiệm mầu tình yêu từ trái tim tràn đầy ơn phước ấy, nuối tiếc biết bao!
Bùi Bích Hà