Con người sống trên đời, kẻ đẹp người xấu, kẻ giàu người nghèo, người sang kẻ hèn, kẻ may mắn, người bất hạnh... âu cũng là bức tranh
muôn màu của xã hội. Nhưng tất cả đều mưu cầu hạnh phúc, cầu sao được sống bình an.
Ngày giỗ kỵ ông bà, gia chủ thắp nén nhang lên bàn thờ, cầu xin ông bà phù hộ, độ trì cho con cháu được bình an. Ngày lễ tết người ta đi
chùa, nhà thờ cầu nguyện cho gia đình được bình an. Đi làm ăn xa nơi đất khách quê người, nghĩ đến gia đình, ta cầu mong sao cha mẹ, gia
đình ở quê nhà được khỏe mạnh, bình an.
Quả thật, sự bình an có giá trị biết bao! Có người nói, an hay không là ở trong tâm mình. Tâm an thì mọi sự sẽ lành, sẽ ổn. Khổng Tử trong
Luận ngữ đã nói rằng : “Người trí không bị mê hoặc, người nhân không phải lo âu, người dũng không phải sợ sệt”. Nói tóm lại, có trí - nhân -
dũng thì sẽ an vui. Phật giáo nói rằng, bỏ “tham, sân, si” thì lòng thanh tịnh, sống sẽ an vui. Lão giáo cho rằng: “Dưỡng tâm không bằng bớt
ham muốn”, tức bớt dục vọng là cách dưỡng tâm hoàn hảo nhất. Dale Carnegie, một nhà văn Mỹ cũng từng truyền đi thông điệp nổi tiếng là
“Quẳng gánh lo đi và vui sống”.
Và còn nhiều lắm những lời khuyên răn, dạy bảo chúng ta làm sao để sống bình an. Nhưng tất cả đều ở phương diện cá nhân, mà con người
sống còn ở phương diện xã hội nữa. Làm sao con người có thể tách riêng mình để cầu cái tâm an trong môi trường sống, môi trường xã hội
thiếu ổn định hiện nay ở Việt Nam. Con người cá thể chúng ta bị ràng buộc bởi mối quan hệ xã hội chằng chịt. Bởi vậy, con người không thể
bình an bằng cái tâm nội tại của mình.
Vì sao? Vì xã hội Việt Nam còn đó những nỗi bất an. Không riêng gì người hoài nghi bi quan, mà ngay cả người lạc quan, vô tư nhất cũng
không tránh khỏi sự lo âu, nếu không phải là người vô tâm, vô tình.
Sự lo âu đó chẳng phải là “chuyện bao đồng” mà nó rất cụ thể hiển hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Cách đây không lâu, cả
nước, nhất là nhân dân miền Trung đang bất an về môi trường biển, cá chết hàng loạt dạt trắng bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Đà Nẵng. Ngư
dân bất an, người tiêu dùng bất an. Một số lãnh đạo các tỉnh miền Trung tổ chức ăn cá biển, tắm biển để trấn an dư luận.
Sự bất an trên, mong sao chỉ là sự cố đột xuất. Còn sau đây là những nỗi bất an thường trực trong lòng người dân. Chúng ta an tâm sao
được khi mỗi ngày trung bình cả nước xảy ra gần 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người và 34 người bị thương. Chỉ riêng kỳ nghỉ lễ 30-
4, 1-5 vừa qua, cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 111 người, bị thương 138 người. Những kỳ nghỉ lễ, nghỉ tết nào số vụ tai
nạn giao thông cũng tăng đột biến, làm người ta phải lo lắng, bất an. Ai có con nhỏ đi học sẽ thấy, con dắt xe ra khỏi cổng, cha mẹ đã thấy lo
rồi - “Đi cẩn thận nghe con !”. Dặn là dặn vậy thôi, chứ ai không biết rằng cháu nó có cẩn thận mà người khác không cẩn thận hoặc đi ẩu,
phóng nhanh thì tránh sao tránh được ? Đến giờ về nhà nhưng cháu chưa về, bỗng nghe cuộc điện thoại từ số máy lạ, chưa kịp bắt máy để
biết chuyện gì, trong lòng người mẹ đã thấy lo âu. Trẻ con đến trường đang đối mặt với nạn bạo lực học đường. Một cháu gái học Tiểu học ở
tỉnh Lào Cai, chẳng nghịch ngợm, phá phách hay vô lễ, chỉ vì viết sai chính tả mà bị cô giáo đánh bầm tím cả mặt. Và mới đây, tại Tuyên
Quang, một cô giáo đã đánh học sinh bầm tím hai chân vì em này viết sai ... 1 lỗi chính tả ! Chính con tôi vì không chú ý cũng đã bị cô giáo
đánh vào chân, khiến cháu đi cà nhắc một tuần lễ. Đến gặp nhà trường để có ý kiến, hiệu trưởng “phán” một câu lạnh lùng : “Bằng chứng đâu
?”.
Gần đây thực phẩm bẩn, độc tràn lan từ mớ rau, con cá, miếng thịt đến hạt gạo, khiến chúng ta bất an ngay từ bàn ăn của gia đình. Thông tin
của Bộ Y tế hồi đầu tháng Tư cho biết, mỗi ngày Việt Nam có 205 người chết vì ung thư. Con số này làm ai cũng phải giật mình. Bạn có thể
bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia - những tác nhân gây ung thư cao, nhưng làm sao không ăn uống mà sống ? Mà ăn uống thì khó mà tránh thực phẩm
bẩn và độc. Thực phẩm bẩn rất tinh vi, giả như thật. Đừng nói tại người ta ham của rẻ hoặc không biết nhận dạng thực phẩm bẩn nên không
thể làm “người tiêu dùng thông thái”. Chẳng biết thế nào mà lần, không phải tất cả thực phẩm đều được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực
phẩm rồi mới đem bán ngoài chợ. Người mua chỉ biết cảm quan bằng mắt, mũi mà thôi, làm sao biết thịt, cá, rau không có hóa chất độc, làm
sao biết gạo không nhiễm độc bởi thuốc trừ sâu, thạch tín, chất tạo thơm, chất chống mốc và sâu mọt ?
Đi một mình qua đoạn đường vắng ban đêm, ai có thể an tâm khi mà trộm cướp “dẹp hoài” mà không hề giảm ?
Những vấn nạn trên dù sao cũng chỉ là hiện tượng xã hội, sớm muộn gì con người cũng sẽ khắc phục được, nếu cộng đồng cùng trách nhiệm
và chung tay góp sức.
Nhưng xin thưa, chúng ta vẫn đang bất an trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng El Nino đang đe dọa loài người, cảnh báo bất ổn về
an ninh lương thực trong lai không xa. Việt Nam, nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, đang điêu đứng vì hạn hán chưa từng thấy ở Đồng
bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Song hành với El Nino là La Nina, hiện tượng bão lũ đang đe dọa vùng hạ lưu. Các đập thủy điện xã lũ,
và tất nhiên, Trung Quốc cũng xả lũ trên thượng nguồn sông Mekong... một số khu vực bị ngập nặng là điều không thể tránh khỏi.
Rừng bị tàn phá, đất liền bị xâm thực, ruộng bị hạn hán và nhiễm mặn, rồi chẳng mấy tháng nữa là đến mùa mưa bão, triều cường... từ miền
xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị đều không thể sống trọn với hai chữ “bình an”.
Và còn đây nữa, nếu ai có cái tâm với đất nước, hẳn không thể an lòng với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Biển đảo quê hương đang bị
xâm chiếm, tàu ngư dân bị “tàu lạ” đâm chìm, đốt phá. Nghi án Formosa thải xả chất độc ra biển và nghi án Trung Quốc cho tàu đổ hóa chất ở
biển miền Trung làm chết hàng loạt hải sản đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía chính phủ và các cơ quan chức năng. Là người
Việt chân chính, không ai có thể an phận riêng mình được.
Vấn nạn tham nhũng tràn lan, “chống” nhưng chưa được và càng ngày càng khó “chống”. Ai chống? Chống ai? Câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Không chỉ tham nhũng về tài sản mà còn tham những về quyền lực, địa vị. Không chỉ tham nhũng cá nhân mà còn tham nhũng tập thể, cái mà
người ta gọi là “lợi ích nhóm”. Chống một người tham nhũng đã khó, chống một nhóm tham nhũng càng khó, chống một hệ thống tham nhũng
có lẽ là điều không tưởng.
Xây dựng đất nước cần những bàn tay và khối óc, thế nhưng người thực tài thì du học không về, làm chảy máu chất xám. Còn trí thức hư
danh thì nhiều lắm. Nếu tính ngày làm việc (trừ thứ 7 và chủ nhật) thì chỉ 1 ngày, 1 tiếng, 15 phút, Việt Nam cho “ra lò” được 1 tiến sỹ! Đất
nước của 24 nghìn tiến sỹ mà nghèo vẫn nghèo, nợ công ngập đầu, từ em nhỏ đến cụ già, trung bình mỗi người gánh 30 triệu đồng tiền nợ
công. Liệu rằng khoản nợ “khủng” này đến đời con, cháu, chắt của chúng ta có trả hết được không? Thế thì bảo sao người dân an lòng được
?
Dẫu có người nói rằng “Hãy vui đi mà sống”, hay gần đây ở Việt Nam có câu “Hãy bình tĩnh sống”, nhưng “cây muốn lặng mà gió chằng dừng”.
Những ai sống có trách nhiệm, biết hòa mình vào thời cuộc của đất nước, biết vui buồn cùng nhân dân, hẳn không khỏi trăn trở, lo âu trước sự
“trở mình” nhức nhối của dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Xưa Khổng Tử nói, ông muốn ba điều: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi” (người già được an vui, bạn bè tin tưởng nhau, trẻ
con được bảo vệ, chăm sóc). Ngó vậy mà không đơn giản, ngày nay chúng ta vẫn đang phấn đấu vì điều ấy đó thôi. Cũng như “bình an”, hai
chữ giản dị biết bao nhưng đâu phải muốn là được. Bởi vì bình an chỉ là kết quả chứ không phải là mục đích. Bình an vốn ở ngay trong lòng
mình và trong lòng xã hội nữa. Người Việt Nam hiện đang khao khát sự bình an.
Lê Xuân Chiến (RFA)