HRW : "Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt phải đạt kết quả cụ thể" Ông Brad Adams, giám đốc châu Á Human Rights Watch (hrw.org)Trong một thông cáo đề ngày hôm qua, 09/04/2013, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch cho rằng chính quyền Việt Nam nên nhân cơ hội Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt sắp tới để trả tự do cho các tù chính trị và cam kết ngưng truy bức các blogger, các nhà hoạt động nhân quyền và những người chỉ trích ôn hòa khác.
Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt lần thứ 17 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12/04 tới. Trong thông cáo hôm qua, ông Brad Adams, giám đốc châu Á của tổ chức HRW nói : « Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều vụ xử chính trị do họ cố ngăn chận phong trào đối lập đang gia tăng. Chính phủ Mỹ phải nhân cơ hội này nói rõ là phía Việt Nam cần tiến hành các cải tổ nghiêm chỉnh để cải thiện tình trạng nhân quyền, nếu không sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề, trong đó có việc gây tổn hại quan hệ với Hoa Kỳ ».
Theo Washington, mục tiêu của đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt là đạt những kết quả cụ thể theo hướng thu hẹp sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn nhân quyền của quốc tế với các chính sách và cách thực thi nhân quyền ở Việt Nam. Human Rights Watch đề nghị « Hoa Kỳ nói rõ rằng nếu Việt Nam muốn được xem là một đối tác quốc tế có trách nhiệm, nước này phải ngay lập tức có những tiến bộ vững chắc trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền. »
Human Rights Watch nhắc lại là trong năm 2012, ít nhất 40 người đã bị kết án tù trong những phiên xử không theo đúng tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng. Đáng báo động hơn nữa, đã có thêm ít nhất 40 người bị kết án trong các phiên xử chính trị chỉ trong sáu tuần đầu của năm 2013.
Đặc biệt, trong những tháng gần đây đã có một chiến dịch trấn áp những tiếng nói chỉ trích trong vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, bắt đầu dường như với vụ bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân ngày 27/12/2012 và trong đợt sách nhiễu trong tháng 2 và tháng 3 nhắm vào những người chỉ trích như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và nhà hoạt động Phật giáo Lê Công Cầu. Ngày 08 và 09/04, hai blogger Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Chí Đức bị côn đồ tấn công mà công an không hề can thiệp.
Human Rights Watch cũng nhắc đến trường hợp của tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu, 66 tuổi, bị bắt giam trở lại từ năm 1982 và tình trạng sức khoẻ gần đây đã suy giảm nghiêm trọng.
Giám đốc châu Á HRW nhấn mạnh rằng : « Chính phủ Việt Nam cần phải thấy rằng không thể giải quyết được những vấn đề to lớn về xã hội và chính trị bằng cách bỏ tù tất cả những người chỉ trích. ».
Nhân dịp sửa đổi Hiến pháp, Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam cải tổ luật pháp, đặc biệt là sửa đổi hoặc hủy bỏ những điều khoản hình sự hóa quyền tự do ngôn luận, đối lập ôn hòa và quyền thành lập công đoàn.
Source: RFI