Facbook Ai Van Ha. Ca sĩ Ái Vân nói "bi kịch trong cuộc sống giúp nghệ sĩ có trải nghiệm để tiếng hát có chiều sâu hơn"
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ca sĩ Ái Vân nói về những biến cố trong hành trình ca hát và cuốn hồi ký 'Để gió cuốn đi' vừa ra mắt tại Việt Nam.
Ái Vân, sinh năm 1954 tại Hà Nội, là một trong ca sĩ hàng đầu tại Việt Nam trong thập niên 1970 và 1980.
Tên tuổi của bà gắn liền với các bài hát như ‘Triệu bông hồng, Trăng chiều, Bài ca xây dựng, Em đi chùa Hương’…
Năm 1990, Ái Vân được cử đi 'bồi dưỡng' ở Cộng hòa Dân chủ Đức và bà đã quyết định ở lại nước ngoài.
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 11/6, ca sĩ Ái Vân nói: “Khi cuối hồi ký ra mắt, điều tôi lo nhất là phản ứng của người thân, nhân vật trong sách và công chúng như thế nào?”
“Rất may là đến bây giờ, mọi người đều ủng hộ, động viên. Kể cả những với chi tiết mà tôi lo ngại nhất thì sự đón nhận đến trên cả mong đợi”.
‘Rơi tự do’Nữ danh ca cho biết thêm: “Trong sách có một phần đề cập về cảm nhận của người miền Bắc khi lần đầu vào miền Nam. Trước 1975, người miền Bắc đều biết đến khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
“Hồi ấy, ai cũng mong chấm dứt chiến tranh, để tận mắt thấy miền Nam ‘cờ hoa đón chào quân giải phóng hai bên đường’.
“Nhưng khi ngày 30/4/1975, khi đi cùng đoàn xe đến Quảng Trị, tôi chỉ thấy cảnh hỗn loạn, khiến mình ngơ ngác ghê lắm”.
“Vào đến Sài Gòn, tôi thấy ngỡ ngàng vì cuộc sống trong Nam rất ổn định, người dân lịch sự, họ sống tiện nghi còn người miền Bắc mới vào như tôi thì giống như nhà quê ra tỉnh”.
“Những điều tôi biết và hình dung về miền Nam khi ấy đã đảo lộn hết cả, giống như mình bị rơi tự do”.
Giải thích về chuyện quyết định để trắng bảy trang sách của cuốn hồi ký khi xuất bản, bà nói: “Khi bắt tay vào viết những dòng đầu của hồi ký, tôi đã ghi hết các chi tiết trong đời mình.
"Thế nhưng khi đọc lại bản thảo trước khi in, tôi cảm thấy những vết thương từ rất lâu tưởng đã lành rồi nhưng vẫn rỉ máu”.
“Tôi lo con mình không chịu nổi và người trong cuộc sẽ đón nhận những trang viết ấy ra sao khi nỗi đau trong quá khứ bị khơi lên lần nữa. Tôi chỉ muốn cuốn hồi ký là để hiểu và yêu thương nhau hơn”.
'Quyết định đúng đắn'Nói về quyết định rời Việt Nam ngày trước, bà cho hay: “Lúc đó, bố mẹ tôi đang bị ốm, con trai tôi mới 4 tuổi và sự nghiệp đang thăng hoa nhất. Nhưng tôi quyết định bỏ tất cả để ra đi”.
“Quyết định đó thật đau đớn, nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, sau này, tôi nghiệm ra đó là quyết định quan trọng và đúng đắn nhất trong đời”.
Theo Ái Vân, thành công lớn nhất của một người phụ nữ là “có một gia đình yên ấm, những đứa con ngoan và bữa cơm nóng sốt cho chồng con”.
“Còn với một ca sĩ, không có gì hạnh phúc hơn khi mình thể hiện được phong cách riêng, tỏa sáng trên sân khấu và được khán giả khắp nơi đón nhận”.
Đề cập về quãng thời gian hoạt động nghệ thuật thời bao cấp ở Việt Nam và bây giờ, nữ ca sĩ nói:
“Ngày xưa, lớp ca sĩ chúng tôi chỉ biết sống và hát thôi, tất cả đều ăn lương như nhau, ai cũng khổ như nhau. Có lẽ nhờ vậy mà sự tập trung vào nghề nghiệp nhiều hơn”.
“Nhưng tất nhiên là lúc ấy có khó khăn là ca sĩ phải tự mày mò thể hiện vì không có thông tin nghề nghiệp từ bên ngoài”.
“Bây giờ, lớp ca sĩ trẻ có nhiều thuận lợi hơn các thế hệ trước về mặt thông tin.
"Nhưng bù lại họ phải đối mặt với thử thách là phải chinh phục khán giả là những người có hiểu biết hơn, cũng như chịu áp lực phải lăng xê tên tuổi và hoạt động cùng ê-kíp”.
“Ngày trước, tôi được chiều chuộng, con đường đi bằng phẳng, mọi người cứ bảo tôi hát hơi bị nhạt, không có cá tính. Rồi khi cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, tôi rất đau khổ”.
“Sau đó, tôi nghe người trong nghề nói giọng hát tôi có chiều sâu hơn. Có thể là những bi kịch trong cuộc sống giúp nghệ sĩ có trải nghiệm để tiếng hát của mình có hồn hơn”, tác giả hồi ký 'Để gió cuốn đi', ca sỹ Ái Vân nói với BBC.
Theo BBC