logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 10/07/2016 lúc 11:15:10(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,689

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Danh thắng Tràng An (kỳ 1)

Mấy năm trở lại đây khu du lịch Tràng An, tỉnh Ninh Bình được Unesco công nhận là Danh Thắng Di Sản Thế Giới. Qua hình ảnh của truyền thông, đúng là một khu du lịch sinh thái vỹ đại chưa từng có. Chuyến đi năm nay, trên đường từ Bắc vào Nam, điểm dừng chính của tôi là Tràng An.

UserPostedImage
Cổng vào Tràng An (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Sau khi thăm đền Phù Ủng (thờ Phạm Ngũ Lão), trời đã chiều lại như muốn mưa. Tôi cố chạy sao cho kịp vào Ninh Bình để sáng hôm sau đi Tràng An. Nhớ trước đây về Phố Hiến, có đường ngược lên Phủ Lý vào Nam rất gần. Tôi hỏi một bác tài Taxi đang dừng xe bên góc phố thị trấn Ân Thi. Thật may, lời chỉ dẫn rõ ràng, bác còn lấy bút giấy vẽ đường, “Đây, bác chạy thẳng qua thị trấn, gặp đường 39, rẽ trái, trước khi vào thành phố Hưng Yên có bảng báo Đi cầu Yên Lệnh. bác theo lối đó về Phủ Lý.”
UserPostedImage
Lý Công Uẩn (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Tăng tốc tối đa, thẳng đường về Phủ Lý, lúc gần đến cầu Yên Lệnh, thấy có hai anh áo vàng lăm le ở phía trước, tôi đâm thẳng tới vừa dừng xe tôi hỏi ngay, “Cầu Yên lệnh lối nào, anh làm ơn chỉ dùm?”
Thay vì trả lời tôi anh cảnh sát nghiêm mặt, “Chú chạy đâu mà dữ vậy?”
“Trời sắp mưa tôi phải về Ninh Bình cho kịp, các anh thông cảm.”

“Thanh Bình kịp mà chạy vừa thôi.”
“Vâng, anh chỉ dùm cầu Yên Lệnh.”
“Cầu Yên Lệnh đằng kia, chú vừa đi qua.”
Tôi cảm ơn rồi quay xe lui ngay lối vừa tới.
Anh cảnh sát la oái oái, “Ấy đường ngược chiều, quành qua bên kia ông ơi.”
Tôi cố làm ra lớ ngớ cho hai anh hài lòng.
Lên Phủ Lý, đến giao điểm vòng cầu đi Ninh Bình thì trời đổ mưa to. Mưa đen mù từ trong núi kéo ra. Với vận tốc 80km/h tôi vượt tất cả các loại xe trên đường. Qua các khu đông dân cư, xe nào cũng giảm tốc 40km, xe tôi không thay đổi, mưa gió này chẳng ăn gì cái xe máy, nên cũng không anh áo vàng nào ló mặt ra đường.
UserPostedImage
Lăng Đinh Tiên Hoàng (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Đến Ninh Bình trời tạnh hẳn. Tìm khách sạn quen trên đường Lê Thái Tổ “Nhà Việt Hotel,” 200 nghìn đồng ($9) qua đêm, sạch sẽ tiện nghi yên tĩnh. Hỏi thăm về Tràng An, nhân viên khách sạn cho biết 6 giờ sáng thuyền đã khởi sự đưa khách.
Suốt 40km trời mưa, ướt hết từ đầu tới chân, ướt thấm cả túi máy hình. Bật đèn, mở quạt hong sưởi ngay 2 chiếc máy ảnh. Cuốn QHQOK mang theo làm bằng mỗi khi bị an ninh tra hỏi, ướt như một xấp bánh tráng nhúng nước. Chị nhân viên thông cảm “xung phong” dùng máy sấy tóc sấy khô 200 trang sách. Thật hiếm có người tử tế như vậy.
Nhắc đến Tràng An, chúng ta không thể không nhớ đến hai câu “ca dao”:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.”

Nhiều người cho đó là câu “ca dao” mang ý nghĩa phân biệt hơn thua vùng miền. Phải là người Tràng An mới là đài các, lịch lãm, kiêu sa! Tràng An là Thăng Long – Hà Nội.
Nhà văn Hoàng Tiến đồng ý với ý nghĩa trên và chê Hoa Nhài quá tầm thường sao sánh được với người Tràng An? Phản biện ý kiến này nhà “nghiên cứu văn học” Trần Đình Thu cho rằng Hoàng Tiến hiểu sai địa danh Tràng An và sai luôn sự so sánh “hoa và người.” Xin trích một đoạn trong bài viết của Trần Đình Thu:
UserPostedImage
Bến đò (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

“Sai lầm theo tác giả Hoàng Tiến là người ta không gọi Hà Nội – Thăng Long là Tràng An.
Đúng là chưa có lúc nào vùng đất Thăng Long – Hà Nội được gọi là Tràng An, nhưng chúng tôi cho rằng câu ca dao không nói đến Thăng Long – Hà Nội mà nói đến Huế. Tràng An ở đây là để chỉ Huế. Khoảng từ năm 1925 - 1930, ở Huế còn có tờ báo Tràng An, một tờ báo từng đăng thơ của Phan Bội Châu và Hàn Mặc Tử xướng họa với nhau. Chúng tôi chưa tìm hiểu được sâu hơn về nguồn gốc của từ Tràng An này nhưng nghĩ rằng Tràng An là chỉ kinh đô Huế chứ không phải kinh đô Thăng Long.”

Như vậy ngoài ý nghĩa nôm na xưa nay phần đông đều hiểu Tràng An là Thăng Long – Hà Nội, nay có người chứng minh Tràng An là cố đô Huế, nơi nổi tiếng “Ăn Bắc mặc Kinh.” Phải vậy chăng? Thanh lịch thường ám chỉ cách phục sức chứ ít ai nói cái ăn.

Lại thêm một tài liệu nữa luân lưu trên mạng khẳng định, “Đó là hai câu thơ mang tính hài hước của Nguyễn Công Trứ trong thời kỳ ông làm quan ở Thăng Long. Theo tôi ý kiến cho rằng Nguyễn Công Trứ là tác giả hai câu thơ trên cũng rất có thể.

Tuy nhiên trước khi nói rõ hơn trường hợp Nguyễn Công Trứ, tưởng cũng nên truy nguyên ý nghĩa của hai chữ Tràng An.

Tràng An hay Trường An vốn là tên kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất Trung Quốc: Triều đại Tiền Hán từ năm 206 trước Công nguyên đến năm thứ 8 sau Công nguyên và triều đại nhà Đường từ năm 618 đến năm 907, đều thuộc vùng Tây An. Tràng An tên một vùng đất của cố đô Trung Quốc ngày xưa, hàm ý muôn đời bình yên của các triều đại ấy. “Tràng” là nói chệch và viết chệch của “Trường.”
UserPostedImage
Toàn cảnh Tràng An (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Tương tự như vậy, “An” là nói chệch và viết chệch của “Yên.” Trong trường hợp này, hai chữ trên đều giữ nguyên ý nghĩa. Với nghĩa danh từ, thì Tràng An là một từ ghép cố định, chỉ một địa danh. Còn với nghĩa tính từ thì Tràng An là từ ghép gồm hai tính từ độc lập, “tràng” có nghĩa là dài, lâu bền, còn “an” có nghĩa là bình yên, an lành. Ghép hai tính từ ấy lại cho ta từ kép có nghĩa bình yên lâu bền.
Khi đất nước bình yên và phát triển trên vị thế mới, Lý Thái Tổ đã đặt tên cố đô Hoa Lư là Tràng An (1) và đổi kinh đô Đại La thành Thăng Long. Như vậy địa danh Tràng An thứ 2 trên thế giới chính là Hoa Lư. Sau này có người cho rằng việc Vua Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành Tràng An là có ý ca ngợi tiền nhân Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.Trong suốt thời gian trị vì, nơi đây dưới 2 triều đại Đinh và Tiền Lê, kinh đô Hoa Lư đương nhiên trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị của cả nước.
UserPostedImage
Nhà bia Nguyễn Công Trứ (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)


Thời đó, luật pháp chưa phát triển, kẻ nào ăn cắp thì bị chặt tay, tên nào giết người thì ném cho hổ báo ăn. Suốt gần nửa thế kỷ phồn hoa đô hội, muôn dân trăm họ đã không còn nạn 12 sứ quân hoành hành, không còn nạn ngoại bang phương Bắc xâm lấn, mọi người đều được sống trong yên bình và no ấm.
Thời ấy kinh đô Hoa Lư thật đẹp, người người thương yêu, đùm bọc nhau, cư xử lễ nghĩa, không trộm cắp, cướp bóc, đến mức không nhà nào cần phải khóa cửa cả ban ngày lẫn ban đêm. Cuộc sống diễn ra trong cảnh thanh bình, tôn ty trật tự, nên người ta thường ví kinh đô Hoa Lư như kinh thành Trường An hay Tràng An ở phương Bắc. Từ thời ấy, người dân Hoa Lư đã thuộc lòng câu:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Trở lại nguồn gốc của hai câu thơ trên, một sử liệu cho rằng Nguyễn Công Trứ quê huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đỗ đạt và làm chức to dưới triều Gia Long ở Thăng Long. Sinh thời ông rất khiêm nhường, không bao giờ tự nhận mình tài hoa, thanh lịch mỗi khi có người khen ông.
Một lần trà dư tửu hậu, khề khà ông nói với bạn trong tiệc rượu, “Tôi không sinh ra ở Thăng Long, cũng chả thanh lịch, nhưng giờ tôi làm quan ở đây, thế có được coi là người Tràng An không nhỉ?”
Rồi theo cảm hứng, ông đã làm hai câu thơ mà xưa nay nhiều người vẫn cho là “ca dao,” hai câu thơ đã gây rất nhiều hiểu nhầm và tranh cãi. Thế nào là thanh lịch, Tràng An là nơi đâu? Không người Tràng An là không thanh lịch? Rồi ý nghĩa, suy diễn, so sánh nọ kia. Hóa ra sự tích ban đầu của hai câu thơ lại khác hoàn toàn, nó thể hiện tính hài hước và hóm hỉnh, chứ không như người thường trích dẫn với hàm ý tôn vinh miền này, xem rẻ miền kia.

Tràng An là một phần của quần thể thắng tích Ninh Bình: Tam Cốc - Hoa Lư - Bích Động… Liên kết giữa các khu vực này là hệ sinh thái rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi, vùng ngập nước và hệ thống sông, hồ, đầm, với diện tích 12,252 ha. Được xem như một Hạ Long cạn.

Tràng An là một danh thắng du lịch gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận.

Ngày 23 tháng 6, 2014, tại Doha, (2) với sự đồng thuận tuyệt đối của Ủy Ban Di Sản Thế Giới, quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về Văn Hóa và Thiên Nhiên. Tràng An hiện cũng là Di Sản Thế Giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
UserPostedImage
Tràng An đang xây dựng (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Tràng An được hình thành như một bông hoa nổi bật của Du lịch Việt Nam. Điều người ta lo ngại là do khuynh hướng muốn phô trương hình thức mà lơ là nội dung, e rồi sẽ không tránh khỏi những bất cập, những sinh hoạt tầm thường hoa hòe hoa sói để đánh lừa du khách, như đã từng thấy nhiều nơi trước đây. Trong những kỳ tới, mời độc giả đi vào khu du lịch Tràng An.
Trần Công Nhung/ Viễn Đông
________________________
(1) Lễ hội Trường Yên diễn ra hàng năm từ ngày 9 - 11/3 âm lịch, tại Xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) nhằm suy tôn công đức của Vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành.
Ngày 10/3 là ngày vua Đinh lên ngôi Hoàng đế, có hai nghi lễ trang nghiêm là lễ rước nước và lễ tế.
(2) Doha là thành phố lớn của quốc gia Qatar trong khối Saudi Arabia

Tin sách: Thành thật cáo lỗi độc giả, tập sách Vào Đời như đã thông báo đến nay vẫn chưa có. Một số thân hữu gửi thư xác nhận địa chỉ, tôi đã có thư trả lời. Mong độc giả thông cảm cho. Đa tạ.
Liên lạc email: trannhungcong46@gmail.com, P.O. Box 163 Garden Grove, CA.92842

Sửa bởi người viết 10/07/2016 lúc 11:22:46(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#2 Đã gửi : 10/07/2016 lúc 11:18:37(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,689

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Danh thắng Tràng An (kỳ 2)

Sau một đêm lấy lại sức, tờ mờ sáng tôi đã lên đường ra Tràng An. Điều ngạc nhiên đầu tiên là cổng vào đại lộ Tràng An. Cổng quá đồ sộ nguy nga, một bức tường gạch cao trên 10m có 5 lối vào. Cửa chính rộng gấp ba cửa hai bên, dạng hình chữ nhật. Hai bên, mỗi bên hai cửa vòm, lại còn hai cửa phụ khép nép ngoài cùng. Trên mặt thành ngay mỗi khung cửa là một ngôi chùa hai tầng tám mái, chùa giữa cao và rộng bằng chiều ngang cổng vào. Chùa hai bên nhỏ, tương đối tỉ lệ theo phối cảnh chính phụ. Ba pano kẽ chữ:
Giữa:
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
Quần Thể Danh Thắng Tràng An
Trái:
Pháp hội Vu Lan báo hiếu.
Phải:
Lễ cầu siêu phả độ Gia Tiên.
Một dạng cổng thành tân pha cổ, to xác nhưng ý nghĩa không rõ nét, nửa chùa nửa thành quách. Có lẽ công ty du lịch muốn mượn hình thức đồ sộ (hoành tráng!), lôi cuốn du khách chăng!

UserPostedImage
Quãng trường Tràng An (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Trước cổng là quãng trường rộng thênh thang có thể chứa hàng nghìn người cho những buổi đại lễ, hoặc mít tinh. Bước lên quãng trường có hai voi đá lớn bằng voi thật chầu ở hai góc sân.

Dù không thích kiểu phô trương hình thức, tôi cũng cảm thấy đây như biểu tượng hứa hẹn cho một chuyến đi đáng “đồng tiền bát gạo.” Xuyên qua khung cửa nghi môn, thấp thoáng núi non và bầu trời mây sáng như một búp sen trắng đang nở. Tôi rất hào hứng, ghi một vài hình ảnh rồi vội lên xe phóng qua cổng thành.
UserPostedImage
Thuyền đưa khách (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Một khung trời với núi xanh từng lớp tỏ mờ, bung dài ra trước mắt y như một màn ảnh “đại vĩ tuyến,” thứ màn ảnh rộng mà tuổi học trò ngày xưa rất thích, quá đã mắt. Tôi phải dừng xe để thưởng lãm cảnh trời có một không hai, và liên tưởng rồi đây sẽ còn nhiều khung trời đẹp hơn thế nữa. Tiếp tục đường vào Tràng An, tôi chợt khựng lại trước một hình ảnh làm tôi sững sờ. Tôi ghi ngay hình ảnh hiếm có này: một người đàn bà đang cắm cúi dùng cái mê nhựa hốt rác, múc từng ngụm nước mưa đọng vũng, cho đầy cái gàu nhỏ rồi đem đổ lên bồn cỏ “giải phân cách.”

Một “đất nước anh hùng,” một xứ sở “rừng vàng biển bạc,” một quê hương có “bốn nghìn năm văn hiến,” một dân tộc mệnh danh “đỉnh cao của trí tuệ loài người,” đâu đâu cũng vang lên điệp khúc “Công nghệ hóa - Điện khí hóa – Khoa học hóa.” Quanh năm cả nước rực rỡ cờ hoa, lễ hội bốn mùa, ăn chơi xả láng, vượt trội thế giới về mọi mặt từ ăn mặc – xe cộ – nhà cửa – toàn tiền tỷ. Giàu như nước Mỹ có dám bỏ tiền xây tượng như VN? Rồi đây VN sẽ chiếm nhiều kỷ lục: Chùa lớn nhất (Bái Đính), tượng Mẹ anh hùng (Quảng Nam), tháp truyền hình 636m, tượng “Bác” ở Sơn La (1,400 tỷ), “Ôi biết mấy tự hào.”
Thế mà chỉ một đoạn đường 5km dẫn đến một danh thắng được công nhận là “Di Sản Thế Giới” lại làm không nên. Trời mưa, nước đóng vũng, người đàn bà ngồi múc từng gáo đổ lên lề đường. Trẻ em đi học qua sông phải đu giây hoặc ngồi trong bao nilong có người kéo qua. Bệnh viện giường ba người bệnh, dưới gầm giường nguyên một nhà già trẻ lớn bé chui rúc, thật không tưởng tượng nổi. Vô số thảm cảnh đói nghèo khốn khó thuộc hàng kỷ lục thế giới. Càng nói càng xót xa, càng thấy càng đau lòng!
Nhưng xét cho cùng cũng nên hiểu “đất nước ta còn nhiều khó khăn...” Theo tôi, những hình ảnh nói trên đều là biểu tượng của tính “cần cù, nhẫn nại, chịu đựng…” của người Việt Nam mà thế giới thường ngợi ca. Thế mới gọi là “đậm đà bản sắc dân tộc.” Rất nên tự hào!
UserPostedImage
Tượng 411 tỉ đồng

Riêng đối với người yêu nghệ thuật, những tương phản của đời sống chính là chất liệu cho tác phẩm ưng ý. Cá nhân tôi không phiền hà gì trái lại còn thích là khác. Thử tưởng tượng, trong một dãy phố nhiều nhà cao tầng, nhiều nhà hàng sang trọng, nườm nượp khách vào ra. Bỗng có một cụ bà áo quần rách rưới với chiếc nón cời, khòm lưng quang gánh đi qua: Một hình ảnh tả chân tuyệt vời. Những tay ảnh ngoại quốc thường tìm những cảnh như thế. Nếu một cô gái (cho dù Hoa Hậu) thay chỗ bà cụ: ảnh không có gì đáng nói, chỉ là quảng cáo đời thường.
UserPostedImage
Bến Sào Khê (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Cảm nghĩ ngỡ ngàng qua nhanh, tôi chạy tiếp ra bến Sào Khê cho kịp chuyến khách đầu. Theo lịch trình thì 11 giờ tôi có thể quay về để vào Vinh thăm Phượng Hoàng Trung Đô. Đoạn đường ra bến tuy ngắn mà thế núi quanh co nên qua mỗi khúc quanh, tôi lại có một cảnh đẹp bất ngờ. Mặt trời đã lên, vùng núi đá vôi trùng điệp, những khối tháp nhọn nối tiếp, đậm nhạt trong sương mai, thật tuyệt vời. Chạy chừng 20 phút, trung tâm khu du lịch đã hiện ra từ xa: Nhiều nóc nhà ngói đỏ kiểu đình chùa, hai tầng mái, thấp thoáng sau những tàng cây xanh trên một cồn nổi cách đường cái một chiếc cầu đá chừng vài chục mét. Đối diện khu trung tâm là bãi đỗ xe, quầy hàng phục vụ du khách.

Còn sớm, tôi rảo quanh một vòng trước khi vào mua vé. Hàng trăm chiếc thuyền cùng một dạng, đậu san sát quanh rìa đảo chẳng khác gì đường ren của tà áo người phụ nữ.

Quầy bán vé đã mở cửa, một đôi vợ chồng đang đợi mua vé, tôi đứng tiếp theo. Cô nhân viên vẻ mặt không được vui, chẳng hiểu chuyện gì, hất hàm hỏi “mấy vé”? Tôi đáp “Hai vé.” Hai người khách lằm bằm “bán vé mà như phát gạo bố thí, mặt khó ưa.”(1)
UserPostedImage
“Đậm đà bản sắc” (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Vé 150 nghìn đồng ($6.75). Tôi lấy vé quay ra thì hai người kia đã vội xuống đò. Khách xuống bến theo nhiều luồng soát vé, có lẽ phòng khi đông người. Mỗi luồng đều có thuyền chờ sẵn. Thường 4 hay 5 người một đò. Chúng tôi ba người đi chuyến đầu tiên. Chị chèo đò phát cho mỗi người một áo phao màu cam. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao hai người kia vội vàng xuống trước, họ chiếm chỗ ngồi phía mũi để tầm nhìn không bị vướng.

Thuyền rời bến tôi bắt đầu hỏi thăm người chèo đò: công việc hàng ngày, lương tiền, sinh hoạt trung tâm du lịch, đời sống dân địa phương và chi tiết về chuyến vãn cảnh hôm nay…
- Chị làm với công ty du lịch được bao lâu rồi?

- Em làm đã hơn mười năm.
- Tôi tưởng Du lịch Tràng An mới mở vài ba năm mà.
- Dạ Tràng An cũ có đã lâu, đây là Tràng An mới xây dựng.
- Thời gian cho một chuyến như vầy là lâu mau?
- Dạ 3 giờ.
- Chị làm vầy, lương tháng bao nhiêu. Đò công ty hay của chị?
- Dạ tính theo chuyến, mỗi chuyến 150 nghìn, đò của công ty.
- Công nhân đưa đò chắc là đông lắm?
- Dạ 2,000. Những lúc ít khách chẳng được bao nhiêu. Nhờ tiền “bo” thôi.
Thấy tôi ghi âm, chị chèo đò than thở:
- Em nói thế bác đừng viết lên báo nhé, công ty cấm không được xin tiền khách.
- Chị yên tâm, tôi chỉ nói chung chung chứ có nêu tên ai đâu.
- Em cảm ơn bác.

Con sông Sào Khê phẳng lặng, nước trong vắt, nhiều chỗ nom rõ rong rêu và cá lội tận đáy sông. Đò chèo đều tay, thuyền đi nhẹ nhàng, tôi cỡi bỏ áo phao cho dễ dàng thao tác. Trong khi tôi vừa quan sát, vừa chụp ảnh, ghi âm, thì đôi vợ chồng kháo nhà kia chuyện huyên thuyên mà toàn chuyện đời thường vụn vặt. Người đàn bà nói suốt, giảng giãi từ chuyện đảng ra chuyện dân, người đàn ông chăm chỉ lắng nghe chẳng để ý gì cảnh trí chung quanh, không hiểu mục đích của họ là gì. Người chồng thỉnh thoảng góp đôi tiếng nhỏ nhẹ như một cậu học trò trả lời cô giáo. Tiếng cười nói của chị vợ oang oang xen lẫn vào câu chuyện tôi và người lái đò, rất khó chịu.

UserPostedImage
Du lịch Tràng An (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Thấy giữa sông có con chim nhỏ xíu như chú vịt con lội tung tăng một mình. Chị đưa đò cho biết “Đó là le le con mới nở.” Ngạc nhiên tôi hỏi:

- Thế mẹ nó đâu?
- Giống le le sống tự lập ngay khi vừa nở, không như vịt gà có mẹ nuôi.
Động vật nhiều loài có khả năng sinh tồn hơn hẳn loài người. Vừa ra khỏi bụng mẹ đã biết bơi, biết đi, biết ăn biết bú.(2) Thấy đằng xa bên rìa núi có ngôi đền và triền núi bên trái lại có đường lên một cổng tam quan trên đỉnh.
- Chị, hình như đàng kia có ngôi đền?
- Vâng, đền Trình ạ.
- Còn đường lên núi bên này, đi đâu?
- Đấy là đường lên núi vào đền Trong, gọi là đền Trần.
Chỉ một lát sau thuyền cập bến, chị lái đò dặn dò:
- Các bác có vào đền Trong, xin nhanh chân để kịp giờ về nhé. Mình còn phải qua nhiều hang và Đền nữa đấy.

Trần Công Nhung/ Viễn Đông
_______________________

(1) Không riêng gì mấy cô bán vé du lịch, hầu như mọi ngành, những nhân viên giao tiếp lúc nào mặt cũng lằm lằm, chớ thấy được nụ cười. Điều khôi hài, nhiều năm trước Hàng Không VN đã tổ chức những khóa học cười. Sau khóa học một số người có cười thật, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.
(2) Có một clip video cho thấy một con lạc đà đẻ con xong nhất quyết không cho con bú chỉ vì lông lạc đà con màu trắng chứ không nâu như mẹ. Dân làng ép cách mấy, lạc đà mẹ cũng bỏ đi không nhận con mình. Sau người mang đàn sáo ra tấu nhạc cho lạc đà mẹ nghe đồng thời dúi lạc đà con vào vú mẹ. Mãi một lúc lạc đà mẹ mới đứng yên và mắt ứa hai dòng lệ dài! Loài vật còn biết thương yêu đau khổ, không hiểu nghĩ sao con người lại sống với nhau bằng những đòn thù ác độc đến Trời không tha đất không dung…!

Tin sách: Thành thật cáo lỗi độc giả, tập sách Vào Đời như đã thông báo đến nay vẫn chưa có. Một số thân hữu gửi thư xác nhận địa chỉ, tôi đã có thư trả lời. Mong độc giả thông cảm cho. Đa tạ.
Liên lạc email: trannhungcong46@gmail.com, P.O. Box 163 Garden Grove, CA.92842
phai  
#3 Đã gửi : 22/07/2016 lúc 11:07:54(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Danh thắng Tràng An (kỳ 3)

Hai vợ chồng nhà kia te te đi ngay ra níu tôi ở lại, vì lên 175 bậc rồi xuống cũng chừng ấy bậc để xem một ngôi đền nhỏ, không bỏ công. Tôi thong thả rảo quanh, chụp ảnh và tìm hiểu thêm về đền Trình.
Đền Trình xưa kia có tên Phủ Đột. Đền nằm dưới chân núi theo thế “Ỷ sơn, diện thủy” (lưng dựa núi, mặt nhìn ra sông), dựng lên cách đây hơn nghìn năm, năm 1865, trùng tu năm 2003. Khi Đinh Tiên Hoàng và con trai Thái Việt Vương bị Đỗ Thích sát hại, triều đình nổi loạn, hai tướng Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù,(1) quan giám sát đại tướng quân của triều Đinh, đưa ấu chúa Đinh Toàn (mới 6 tuổi) trốn vào hang núi. Sau khi ổn định, triều đình cho người đón ấu chúa về, hai Tướng ở lại nơi này cho đến lúc mất. Dân làng lập Phủ Đột tức là đền Trình để tưởng nhớ hai vị trung thần.


UserPostedImage
Phủ Đột (đền Trình) (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)


Trải qua bao phong sương, mưa nắng, sự biến đổi của lịch sử, của thời gian, hiện nay đền đã được trùng tu và sửa chữa khang trang, to đẹp hơn. Kiến trúc Đền theo hình chữ đinh, từ ngoài sông nhìn vào có tượng đá “song ngư tranh châu (chầu nguyệt?), tượng lớn và dài ngang sân Đền.
Chính điện là nơi thờ tứ trụ triều đình, tượng to lớn thếp vàng uy nghi: Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ) và nhị vị Thánh Tả Hữu Thanh Trù. Phủ Đột nguyên thủy nằm bên góc phải của Đền. Phủ nhỏ và đơn giản như cái am thờ cô hồn vẫn còn được giữ nguyên.
UserPostedImage
Trong hang Địa Linh (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)


Ngay bến lên đền Trình là nhà tiếp du khách, phòng rộng rãi bàn ghế gỗ theo lối cổ (tràng kỷ) đàng hoàng nghiêm chỉnh, có quầy bán hàng ăn, giải khát.
Ở góc sân phải của Đền có bia tướng Đinh Điền.(2) Khuôn viên đền Trình kéo dài về hướng Tây theo bờ sông, có nhiều băng ghế đá cho khách nghỉ chân ngắm cảnh. Cây kiểng trang trí không nhiều chỉ đủ tượng hình một công viên. Ngồi trong nhà khách nhìn ra sông, thuyền đưa đón khách lui tới thấy rất hay, không huyên náo, tỉnh lặng êm đềm giữa trời non nước. Mỗi người một tâm trạng “Một mảnh tình riêng ta với ta.” Giả thử ai đó có rắc rối với cuộc đời, thử vào đây trú vài ba hôm, tôi tin mọi chuyện sẽ ổn thỏa qua mau.

Tôi hỏi chuyện một bác lớn tuổi đang phì phà điếu thuốc trên môi:
- Thưa bác hình như Đền không có Sư Sãi?
- Không ông ạ, Đền do một bà Vãi trông coi, sống nhờ lộc Thánh.
- Hàng năm ở Tràng An thường có lễ hội gì thưa bác?
- Lễ hội lớn nhất là lễ Thánh Quý Minh Đại Vương vào ngày 18 tháng 3 âm lịch. Ngày ấy người đi lễ đông vô kể, không đủ thuyền đưa đón.
Sau gần tiếng đồng hồ hai vợ chồng nhà kia mới trở lại. Thuyền rời bến, cảnh trí bây giờ tươi sáng hơn và cũng đã có thêm nhiều đò cùng đi. Chị chèo đò đến chỗ ngã ba, chỉ một ngọn núi bên trái:
- Kia là núi Ngọc, lối đó đi vào đền Trần.
UserPostedImage
Tam quan vào đền Trong (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

- Lúc nãy chị bảo cổng tam quan phía trong đền Trình là lối vào đền Trần?
- Thưa đúng đấy ạ, lối ấy dành cho những người thích đường bộ và cũng là lối bắt buộc đoàn rước kiệu đi vào đền Trần nhân dịp lễ Thánh Minh Quý Đại Vương.
Đền Trần được xây dựng từ thời nhà Đinh, là một trong “Hoa Lư tứ trấn,” với tên gọi là Đền Nội Lâm (trong rừng). Đến thế kỷ thứ XIII, vua Trần Thái Tông cho tu sửa lại nên gọi là đền Trần, nhưng là nơi thờ Trung Hưng tướng Quý Minh – một trong hai vị tướng trấn ải xứ Sơn Nam và Hoàng Phi quý nương là phu nhân của ông. Ngoài giá trị về kiến trúc đá độc đáo, đặc sắc, ngôi đền rất linh thiêng, là nơi mà khách thập phương đến cầu an, cầu phúc, cầu tự (3).

Thần Quý Minh hay Quý Minh đại vương là tên gọi của một vị thần trong truyền thuyết Việt Nam. Theo tín ngưỡng Việt Nam, Sơn Tinh, Thần Cao Sơn và thần Quý Minh là những hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức em của Hùng Vương 18. Tuy nhiên, khác với hai vị thần núi kia được thờ ở những vùng núi cao, thần Quý Minh thường được coi là vị thổ thần, thủy thần và thờ phụng ở những vùng trũng hoặc đồng bằng.
UserPostedImage
Hang Địa Linh (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Thuyền không theo lối sông vào đền Trần mà rẽ sang nhánh sông bên phải. Cảnh sơn thủy lại mở ra một khung trời mới, dáng núi mềm mại hiền hòa, thảm cây xanh từng lớp.

Cũng thì nắng trên quê hương, nhưng tôi cảm thấy vùng trời nơi đây trong lành tươi mát, không khí như loảng ra, da không bị trỉn trỉn mồ hôi, người cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái hẳn. Trái lại cũng cái nắng này nơi thị thành lại làm cho con người ngột ngạt, khó chịu, cảnh vật nhòa trong bụi bặm khói xe. Tôi dồn tâm trí ghi nhận tất cả những gì con thuyền đưa tôi đi qua.
UserPostedImage
Nội điện đền Trình (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Hai bên bờ sông Sào Khê không thấy cư dân, dòng sông vắng lặng ngoại trừ những con thuyền con xuôi ngược kèm theo tiếng cười nói của khách. Điều lạ nữa là không nghe tiếng chim hót. Tôi hỏi chị lái đò:
- Sao không thấy sinh hoạt gì của dân chúng hả chị?

- Trước kia dân ở hai bên bờ và họ thường lưới cá để ăn. Nhưng, từ lúc có du lịch thì dân bị chuyển đi nơi khác và cấm mọi sinh hoạt trong khu vực du lịch Tràng An. Mục đích là giữ vệ sinh môi trường và an ninh cho du khách.


UserPostedImage
Nhà khách (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

- Suốt những năm tháng chị đưa đò, có tai nạn chìm đò nào chưa?
- Không bác ạ. Bác thấy mặt nước lặng như tờ thế này, thuyền lại đi chậm thì làm gì xảy ra tai nạn. Còn những ngày mưa to gió lớn thì có khách nào đâu.

- Chuyến đi này mình qua bao nhiêu hang?
- Có nhiều lộ trình ngắn dài hoặc tùy theo khách yêu cầu. Bọn em chỉ được đưa khách theo tuyến thông thường không dài không ngắn, gói gọn trong ba giờ đồng hồ và qua ba đền sáu hang.
- Theo chị, tuyến xa là đi tận đâu?
- Vào Bái Đính hay lên Tam Cốc.
- Lên Tam Cố mất bao lâu?
- Hơn năm tiếng.
Vừa nhác thấy núi đằng xa có miệng hang đen ngòm, tôi chỉ tay hỏi người chèo đò:
- Có phải chúng ta sắp đến hang kia?

- Đúng đấy ạ. Hang Địa Linh, dài hơn 1,500 m, thông sang thung lũng đền Trần. Hang có nhiều lối rẽ và hiện mới chỉ được khai thác một phần. Vào sâu trong hang, người ta thấy có những chỗ rộng, bằng phẳng nhưng có những nơi rất hẹp, bề ngang chỉ chừng 3 m, có lối rẽ qua đền Trần và về bến cũ. Hang có những chỗ rất hẹp và thấp, các bác cẩn thận nhé, Chỗ hẹp em không chèo được phải dùng tay chống vào vách đá cho thuyền đi qua.

Nghe mà thấy lo lo, không khéo đầu va vào đá thì phiền lắm. Trong hoàn cảnh ấy làm sao chụp ảnh? Lúc nào cũng bị chắn bởi hai người khách lạc điệu thì chịu thôi. Đã đến hang, ai cũng sửa lại tư thế cho an toàn, cửa hang thấp thật. Nhìn vào tối om. Tôi chỉ ghi một vài ảnh gần ngoài cửa hang, càng vào sâu càng tối, lại bị hai người che khuất phía trước, rõ mất công. Lúc đò qua chỗ hẹp và thấp, chị chèo đò kêu to, “Các bác cúi khom mình xuống không thì bị va vào đá đấy.”
UserPostedImage
Phủ Đột nguyên thủy (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Mọi người im thin thít cúi rạp mình, có thấy gì đâu, tâm trí chỉ lo chuyện rủi ro. Chừng mươi phút, nghe tiếng người đàn bà, “Các bác ngồi lại được rồi.”

Đến chỗ bóng đèn sáng thấy trần và vách những lớp nhũ óng ánh màu sắc khá hay thảo nào hang còn có tên “Đá nở hoa.” Tuy vậy tôi cũng không sao “tác nghiệp” được do khoảng cách quá gần (hang hẹp) vừa canh xong máy ảnh thì đò đã đi qua.

Chừng 30 phút, đã thấy lấp ló cửa hang từ xa, bây giờ hang có chỗ rộng thuyền chèo thoải mái, ánh sáng tạm đủ cho việc bắt hình. Nhiệt độ trong hang xuống chừng 70 độ F, mát mẻ thoải mái. Tưởng như đã trút phần nào mệt nhọc, căng thẳng trong người.


UserPostedImage
Đền Trình tôn tạo (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)


Cảm giác thích thú nhất khi ra đến cửa hang là cả một bầu trời xanh mây trắng làm phong cho một cảnh sơn thủy rộng lớn, tuyệt vời. Những con thuyền nhỏ chỉ vài ba người, càng bé so với núi non trùng trùng lớp lớp, tưởng như đang lần vào chốn bồng lai trong truyện thần tiên ngày xưa.
2015
(còn tiếp)
(1) Hai vị tướng được cử trông coi khu vực phía Đông Nam kinh thành Hoa Lư, khi trong triều xảy ra loạn, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại, hai ông đã đưa ấu chúa Đinh Toàn (mới 6 tuổi) đi trốn rồi cùng các vị quan trong triều truy bắt khép tội Đỗ Thích. Hai vị tướng đã tuẫn tiết tận trung với Nhà Đinh.
(2) Tướng quân Đinh Điền sinh năm 924, mất năm 979, quê làng Đại Hữu, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là một trong những vị Khai quốc Công thần của nước Đại Cồ Việt, người tận trung, tận nghĩa với nhà Đinh. Theo sử liệu, các Thần phả thần tích và truyền thuyết dân gian tại các nơi thờ ông, đã viết như sau:
Tướng quân Đinh Điền có cha là Đinh Thân, mẹ là Dương Thị Liễu, quê bà ở làng Yên Bạc, nay là xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khi mới sinh ông có tên là Đinh Trào; ông là bạn thân của Đinh Bộ Lĩnh, khi còn nhỏ chăn trâu ở Thung Lau, động Hoa Lư, Gia Viễn, đã cùng đám trẻ chăn trâu lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay làm kiệu, suy tôn rước Đinh Bộ Lĩnh lên làm Chúa, thu phục các đám trẻ chăn trâu ở các làng khác. Lớn lên, ông cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo phò giúp Đinh Bộ Lĩnh trấn giữ động Hoa Lư, chống lại nhà Ngô.
(3) Thảo nào hai vị khách kia hăm hở tìm Đền (cầu tự?)

Tin sách: Thành thật cáo lỗi độc giả, tập sách Vào Đời như đã thông báo đến nay vẫn chưa có. Một số thân hữu gửi thư xác nhận địa chỉ, tôi đã có thư trả lời. Mong độc giả thông cảm cho. Đa tạ.
Liên lạc email: trannhungcong46@gmail.com, P.O. Box 163 Garden Grove, CA.92842
phai  
#4 Đã gửi : 22/07/2016 lúc 11:12:05(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Danh Thắng Tràng An (kỳ 4)
Nói về hang động, thế giới có nhiều hang độc đáo. Các hang có thể tìm thấy ở Nam Mỹ, Châu Phi, Antarctica nhưng phần lớn tập trung ở Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ. Đặc biệt là tại các vùng núi đá vôi ở Trung Á, Trung Quốc và một phần Đông Nam Á.

UserPostedImage
 Hang Nấu Rượu (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Kỷ lục về chiều dài là hệ thống hang Mammoth tại Kentucky (Trung Nam miền Đông Hoa Kỳ), với chiều dài 579 km. Tuy vậy kỷ lục này sẽ bị phá vỡ khi các nhà khoa học hoàn thành việc đo đạc một số hang khác trên thế giới, như hệ thống hang Optymistychna ở Ukraine, bước đầu đã đo đạc được 214 km.
Hang được cấu tạo như thế nào? Các nhà khoa học địa chất qua nhiều thời kỳ nghiên cứu đã kết luận: Hang động được hình thành bằng nhiều cách khác nhau.

UserPostedImage
 Hang Si (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)


Phần lớn các hang được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách đây hàng triệu năm. Sự biến đổi của vỏ Trái Đất kéo theo hàng loạt sự đứt gãy và hoạt động tạo núi, cũng như sự phun trào nham thạch của các núi lửa đều là nguyên nhân tạo ra hang động.

Núi đá được cấu tạo gồm nhiều chất khác nhau, trong đó có những chất dễ bị phong hóa, hòa tan vào nước ngầm bị cuốn đi, để lại khoảng trống giữa những phần chưa bị phong hóa. Qua hàng triệu năm khoảng trống lớn dần mà thành hang.
UserPostedImage
 Hang Quy Hậu (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
 
- Hang ống dung nham: là loại hang được hình thành do nham thạch phun trào bao phủ lên mặt đất, có những chỗ thế đất không bằng phẳng (gò đồi) hoặc trùm lên những dòng suối, sông, sau đó dung nham nguội đi tạo nên những khoảng trống trong lòng nó.
- Hang đá vôi (karst): do sự bào mòn hóa học, trong đó nước có chứa axit carbonic thấm hoặc chảy qua, làm hòa tan canxi trong các khối núi đá vôi.
- Hang biển: được hình thành do quá trình bào mòn của sóng biển lên những núi đá ở ven bờ biển.
- Hang sông băng: Hang dưới các sông băng.
Tìm hiểu sơ qua ý nghĩa hang động và cách cấu tạo, bây giờ nói đến hang động ở Việt Nam. Xưa nay hang động ở Việt Nam được tìm thấy cách tình cờ tự nhiên chứ không qua nghiên cứu.


UserPostedImage
 Hang Tối (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

UserPostedImage
Ngoài Hang Tối (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
 
Những hang nổi tiếng: Hang Đầu Gỗ và Hang Sửng Sốt (Hạ Long), Hang Đồng Nội(1) (Hòa Bình), Hang Con Moong (Thanh Hóa), Hang Cắc Cớ(2) (chùa Thầy Hà Tây)... Mãi những năm sau này, có đoàn thám hiểm hang động Anh Quốc đến Việt Nam nghiên cứu động Phong Nha(3), động Sơn Đoòng(4) (Quảng Bình).

Riêng quần thể danh thắng Tràng An có tới 31 đầm nước được nối thông bởi 48 hang, trong đó có những hang xuyên thủy dài trên 1,500 m như hang Địa Linh (đã nói trong một kỳ trước). Hiện nay lãnh vực du lịch Tràng An mới khai thác một phần nào thôi và do giới hạn thời lượng cho một chuyến đò chỉ 3 giờ nên du khách cũng chỉ được đi qua một số hang quen thuộc : Hàng Tối, Hang Sáng, Hang Sính, Hang Si, Hang Ba Giọt, Hang Seo.

Như trong những kỳ trước đã nói: Qua khỏi hang Địa Linh, du khách tiếp tục vào Hang Tối. Trong hang rất tối, phải mang theo đèn pin mới xem được hang. Hang dài khoảng 315 m. Hang nhiều đoạn quanh co uốn khúc, ánh sáng không vào được, nên gọi là Hang Tối. Chính tên Hang Tối càng tăng thêm sự hiếu kỳ của du khách muốn tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp có từ nghìn xưa của vùng Tràng An.

Hang Tối có nhiều nhũ đá với các dạng hình khác nhau. Nhiệt độ trong hang thường cao hơn ngoài 2-3 độ C, vì giữa lòng hang có một mạch nước nóng….

Tiếp theo Hang Tối, khách thăm Hang Sáng. Hang này ngắn, chỉ chừng 100 m, do vậy trong hang luôn nhận được ánh sáng từ hai cửa hang tràn vào. Những ai thích chụp ảnh sẽ thấy dễ dàng hơn.

Hang Nấu Rượu nguyên bản có những nhũ đá rất đẹp. Do cửa hang quá chật, muốn qua hang để sang đền Trần, người ta phải làm cho cửa hang rộng ra nên cũng phần nào làm mất nét đẹp tự nhiên của hang. Trong hang có một giếng nước sâu khoảng 15 m, nước rất trong và mát. Tương truyền, tiền nhân xưa đã phát hiện ra giếng nước và dùng nước này để nấu rượu. Hang có tên từ đó. Trong quá trình nạo vét hang, người ta tìm được rất nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ dùng trong quá trình nấu rượu.(4) Nhà thơ Hoàng Quang Thuận có bài thơ viết về hang Nấu Rượu:
Hang Nấu rượu

Tương truyền giếng ngọt và rất trong
Phải chăng linh mạch của Long thần
Chưng cất rượu ngon dâng tiên đê
Tế cờ ra trận thắng ngoại xâm.

Hoàng Quang Thuận
Các Hang Sính, Si, Ba Giọt là những hang gắn liền với một chuyện tình.
Theo truyền thuyết, ngày xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh đồ sính lễ đến Hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng. Chàng sang Hang Ba giọt tắm gội, sau đó ôm mối tình riêng trầm mình ở Hang Si. Có tin nói rằng ngày nay tại Hang Si, thỉnh thoảng có người còn bắt gặp những đồng tiền cổ in chữ Phạn (!) – có lẽ đó chính là đồ sính lễ của chàng.(6)
Hệ thống hang ở Tràng An thông nhau nhiều lối như một “trận đồ bát quái”. Độ dài những hang này trung bình từ 100 m đến 250 m. Do đó tour thăm hang động được rút gọn trong khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nhũ đá trong các hang phần nhiều có mầu trắng muốt hay xanh ngọc. Tài liệu địa chất cho rằng vùng núi đá vôi này có nhiều ocxít silic - khiến nhũ đá “mọc” chậm nhưng lại tạo ra vẻ óng ánh.

Thực ra, ngồi thuyền với nhiều người, đi qua những hang động chằng chịt trong quần thể danh thắng Tràng An cũng chẳng khắc gì cỡi ngựa xem hoa, có những lúc muốn dừng để ngắm cho mãn nhãn thì thuyền cứ đi, muốn hỏi người hướng dẫn đôi điều lại vướng những người khác nói chuyện, do đó đầu óc phải căng thẳng ghi nhận một cách vội vàng. Hình ảnh cái được cái mất.

UserPostedImage
Cảnh ngoài cửa hang (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

Điều đáng nói là cảm giác và trí tưởng tượng của du khách thay đổi liên tục từ hang này qua hang kia nên không thấy mệt mỏi mà liên tục thấy hồi hộp khi thuyền tiến vào lòng hang sâu thẳm, ngắm nhìn những hình thù kỳ lạ trên trần và vách đá.

Nhất là lúc ra khỏi cửa hang y như nhập vào cõi thần tiên xa lạ. Cũng thì trời mây sông núi nhưng cách biệt với cõi trần, không ô nhiễm không huyên náo, cả một vùng trời đóng khung bởi viền cửa hang, đẹp lạ lùng, chẳng khác gì một tác phẩm nghệ thuật tả chân pha chút thần thoại.

Thăm Tràng An cốt là cảnh trí thiên nhiên trước mắt: Hang động, núi non, sông hồ... Đa số du khách chỉ ở với Tràng An trong mấy tiếng đồng hồ và di chuyển chừng 5 km, quả là quá ít làm sao mà tìm hiểu về những di chỉ người cổ đại nơi một số hang động. Làm gì có điều kiện nghiên cứu các loài động vật quí hiếm, ngay cả tiếng chim hót chẳng hề nghe nữa là.

Trước khi đến Tràng An tôi đã hình dung sẽ được nghe tiếng hót Họa Mi, Chích Chèo hay ít ra cũng có tiếng Khướu... nhưng suốt cuộc hành trình chẳng nghe tiếng hót của một loài chim nào. Trong khi ở Mỹ, nhà nào có vườn là có tiếng chim. Ấy thế nhưng các “nhà văn dịch vụ du lịch” thì hết lời tán tụng những cái không có, còn cái sờ sờ trước mắt chỉ nói phớt qua (vì không thực sự sống với những gì mình nghe thấy).
Nhiều du khách trong nước kể cả nước ngoài than phiền phẩm chất dịch vụ du lịch của người Việt, chuyên rao giảng khoe khoang mà thực chất không có mấy.(7) Lại tự an ủi “đất nước còn nhiều khó khăn” nên có muốn hơn cũng khó được. Nhưng, chắc chắn hậu duệ của Trưng, Triệu, của Quang Trung, Trần Hưng Đạo, sẽ có một ngày đưa cao uy tín VN trên trường Quốc Tế, uy tín đích thực chứ không là thứ hình nộm vô hồn.
Trần Công Nhung
(2016)
(1) Đây là một hình vẽ cổ, thể hiện một con thú và ba mặt người trên vách đá ở Đồng Nội thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình – một biểu hiện sinh động về nghệ thuật và tín ngưỡng sơ khai của người tinh khôn. Hình ba mặt người được khắc ở cửa hang Đồng Nội (Hòa Bình), cách mặt đất từ 1,5m đến 1,75m, vừa tầm khắc họa của con người. Hình vẽ có hai mặt nhìn thẳng, một nhìn nghiêng. Mặt ở giữa lớn hơn cả, đây là mặt người duy nhất có khắc lông mày. Trên ba mặt người đều có khắc hình chữ Y, thể hiện của cái sừng. Hình vẽ tuy đơn sơ, giản dị nhưng nhiều vẻ sinh động, thú vị. Đó là nghệ thuật sơ khai của người nguyên thủy ở Việt Nam.

UserPostedImage
Vào Hang Sáng (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)

 (2).QHQOK tập 14
(3).QHQOK tập 1
(4) Sơn Đoòng được khám phá vào năm 1991 do anh Hồ Khanh - một người dân địa phương - tình cờ vào cửa hang để tránh mưa. Bẵng một thời gian đến năm 2006 khi đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh Quốc đến khu vực này thăm dò thì Hồ Khanh mới báo cho họ. Phải khó khăn lắm ông mới tìm lại được cửa hang vốn nằm sâu trong rừng già với địa hình khá hiểm trở, cách xa đường lớn và không thể phát hiện thấy trên Google Earth. Dưới sự hướng dẫn của anh, họ đã đi sâu vào hang, chụp ảnh, đo đạc và thu thập dữ kiện khoa học.

Vì Hồ Khanh là người đầu tiên phát hiện ra hang động này nên đoàn thám hiểm đề nghị ông Khanh đặt tên cho hang. Ông Khanh đã lấy tên mình làm tên hang, gọi là hang Hồ Khanh. Đoàn thám hiểm ghi nhận tên do ông Khanh đặt nhưng mấy hôm sau họ xin phép ông Khanh để cho họ đặt lại tên cho hang là "Sơn Đoòng" và ông đã đồng ý. Tên gọi "Sơn Đoòng" do cách ghép địa danh "Đoòng" có sẵn từ trước với từ Hán Việt "sơn" (núi). Gần cửa trước hang Sơn Đoòng có một bản của người Vân Kiều tên là bản Đoòng. Bản Đoòng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng B
UserPostedImage
 Thuyền quay về bến (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)


(5) Theo tôi thấy những vò rượu bịt vải đỏ có vẻ mới quá, e là “di chỉ phục chế”!
(6) Nhiều người tin rằng mối tình của chàng khiến cho tất cả nhũ đá trong hang cũng phải nhỏ lệ thành những giọt nước mắt đá mê hồn. Khi đi qua Hang Ba Giọt du khách hứng lấy ba giọt nước trong lòng bàn tay, sẽ được công thành danh toại, hứng tiếp ba giọt nữa để uống thì tình yêu sẽ viên mãn”.
(7) Nhận xét của du khách:

-Minh Thiết - 08:31 23/01/2015
Hồi tháng 5/2014 mình và bạn bè (tất cả 4 người) đi TA. Vì có một anh bạn bận việc riêng ở Ninh Bình nên không vào cũng mà chỉ chở 3 người còn lại vào tham quan. Đến giờ hẹn, anh bạn mình vào đón và chỉ đỗ xe ở đường phía ngoài cổng, ấy thế mà có 2 anh bảo vệ ra nhất quyết đòi cho được mấy chục nghìn tiền gửi xe. Lạ thật đấy, người ta có gửi xe ở đây đâu mà đòi tiền gửi, thắc mắc thì họ giở giọng côn đồ và nói là đã đánh xe vào đây (chỗ bên ngoài cái cổng ấy) là phải trả tiền gửi xe. Thật là bực mình và chắc chả bao giờ mình quay lại đây nữa
-Matrioska - 07:55 23/01/2015
Phong cảnh tuyệt đẹp. Chỉ tiếc là lần mình tới đó, chứng kiến cảnh lái đò đòi tiền bo không được thì họ quay sang nói bậy rất khiếm nhã về khách hàng và không giúp khách lên bờ dù đó là người khách đã lớn tuổi. Rất mong những người có trách nhiệm quản lý chấn chỉnh tình trạng này.
Le Linh Ha - 14:15 23/01/2015
Mình cũng bị như bạn nên rất bực mình và sẽ không bao giờ quay lại đây nữa mặc dù phong cảnh rất đẹp. Mấy người lái đò nên hiểu rằng hãy cứ làm tốt công việc, hãy cứ giữ nét mộc mạc chân chất thì khách tham quan sẽ không tiếc một vài chục nghìn tiền bo mà không phải xin đểu!

Tin sách: Xin trả lời chung, sách “Vào Đời” hiện vẫn chưa về, sách QHQOK hiện còn 14 tập (discount 50%). Xin liên lạc với tác giả: (657)296- 8727 - email: Trannhungcong46@gmail.com, P.O. Box 163 Garden Grove, CA. 92842, hoặc tại địa chỉ: 1209 SW. Hopi St. Blue Springs, MO. 64015

Trần Công Nhung/ Viễn Đông
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.379 giây.