Danh thắng Tràng An (kỳ 3) Hai vợ chồng nhà kia te te đi ngay ra níu tôi ở lại, vì lên 175 bậc rồi xuống cũng chừng ấy bậc để xem một ngôi đền nhỏ, không bỏ công. Tôi thong thả rảo quanh, chụp ảnh và tìm hiểu thêm về đền Trình.
Đền Trình xưa kia có tên Phủ Đột. Đền nằm dưới chân núi theo thế “Ỷ sơn, diện thủy” (lưng dựa núi, mặt nhìn ra sông), dựng lên cách đây hơn nghìn năm, năm 1865, trùng tu năm 2003. Khi Đinh Tiên Hoàng và con trai Thái Việt Vương bị Đỗ Thích sát hại, triều đình nổi loạn, hai tướng Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù,(1) quan giám sát đại tướng quân của triều Đinh, đưa ấu chúa Đinh Toàn (mới 6 tuổi) trốn vào hang núi. Sau khi ổn định, triều đình cho người đón ấu chúa về, hai Tướng ở lại nơi này cho đến lúc mất. Dân làng lập Phủ Đột tức là đền Trình để tưởng nhớ hai vị trung thần.
Phủ Đột (đền Trình) (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Trải qua bao phong sương, mưa nắng, sự biến đổi của lịch sử, của thời gian, hiện nay đền đã được trùng tu và sửa chữa khang trang, to đẹp hơn. Kiến trúc Đền theo hình chữ đinh, từ ngoài sông nhìn vào có tượng đá “song ngư tranh châu (chầu nguyệt?), tượng lớn và dài ngang sân Đền.
Chính điện là nơi thờ tứ trụ triều đình, tượng to lớn thếp vàng uy nghi: Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ) và nhị vị Thánh Tả Hữu Thanh Trù. Phủ Đột nguyên thủy nằm bên góc phải của Đền. Phủ nhỏ và đơn giản như cái am thờ cô hồn vẫn còn được giữ nguyên.
Trong hang Địa Linh (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Ngay bến lên đền Trình là nhà tiếp du khách, phòng rộng rãi bàn ghế gỗ theo lối cổ (tràng kỷ) đàng hoàng nghiêm chỉnh, có quầy bán hàng ăn, giải khát.
Ở góc sân phải của Đền có bia tướng Đinh Điền.(2) Khuôn viên đền Trình kéo dài về hướng Tây theo bờ sông, có nhiều băng ghế đá cho khách nghỉ chân ngắm cảnh. Cây kiểng trang trí không nhiều chỉ đủ tượng hình một công viên. Ngồi trong nhà khách nhìn ra sông, thuyền đưa đón khách lui tới thấy rất hay, không huyên náo, tỉnh lặng êm đềm giữa trời non nước. Mỗi người một tâm trạng “Một mảnh tình riêng ta với ta.” Giả thử ai đó có rắc rối với cuộc đời, thử vào đây trú vài ba hôm, tôi tin mọi chuyện sẽ ổn thỏa qua mau.
Tôi hỏi chuyện một bác lớn tuổi đang phì phà điếu thuốc trên môi:
- Thưa bác hình như Đền không có Sư Sãi?
- Không ông ạ, Đền do một bà Vãi trông coi, sống nhờ lộc Thánh.
- Hàng năm ở Tràng An thường có lễ hội gì thưa bác?
- Lễ hội lớn nhất là lễ Thánh Quý Minh Đại Vương vào ngày 18 tháng 3 âm lịch. Ngày ấy người đi lễ đông vô kể, không đủ thuyền đưa đón.
Sau gần tiếng đồng hồ hai vợ chồng nhà kia mới trở lại. Thuyền rời bến, cảnh trí bây giờ tươi sáng hơn và cũng đã có thêm nhiều đò cùng đi. Chị chèo đò đến chỗ ngã ba, chỉ một ngọn núi bên trái:
- Kia là núi Ngọc, lối đó đi vào đền Trần.
Tam quan vào đền Trong (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
- Lúc nãy chị bảo cổng tam quan phía trong đền Trình là lối vào đền Trần?
- Thưa đúng đấy ạ, lối ấy dành cho những người thích đường bộ và cũng là lối bắt buộc đoàn rước kiệu đi vào đền Trần nhân dịp lễ Thánh Minh Quý Đại Vương.
Đền Trần được xây dựng từ thời nhà Đinh, là một trong “Hoa Lư tứ trấn,” với tên gọi là Đền Nội Lâm (trong rừng). Đến thế kỷ thứ XIII, vua Trần Thái Tông cho tu sửa lại nên gọi là đền Trần, nhưng là nơi thờ Trung Hưng tướng Quý Minh – một trong hai vị tướng trấn ải xứ Sơn Nam và Hoàng Phi quý nương là phu nhân của ông. Ngoài giá trị về kiến trúc đá độc đáo, đặc sắc, ngôi đền rất linh thiêng, là nơi mà khách thập phương đến cầu an, cầu phúc, cầu tự (3).
Thần Quý Minh hay Quý Minh đại vương là tên gọi của một vị thần trong truyền thuyết Việt Nam. Theo tín ngưỡng Việt Nam, Sơn Tinh, Thần Cao Sơn và thần Quý Minh là những hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức em của Hùng Vương 18. Tuy nhiên, khác với hai vị thần núi kia được thờ ở những vùng núi cao, thần Quý Minh thường được coi là vị thổ thần, thủy thần và thờ phụng ở những vùng trũng hoặc đồng bằng.
Hang Địa Linh (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Thuyền không theo lối sông vào đền Trần mà rẽ sang nhánh sông bên phải. Cảnh sơn thủy lại mở ra một khung trời mới, dáng núi mềm mại hiền hòa, thảm cây xanh từng lớp.
Cũng thì nắng trên quê hương, nhưng tôi cảm thấy vùng trời nơi đây trong lành tươi mát, không khí như loảng ra, da không bị trỉn trỉn mồ hôi, người cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái hẳn. Trái lại cũng cái nắng này nơi thị thành lại làm cho con người ngột ngạt, khó chịu, cảnh vật nhòa trong bụi bặm khói xe. Tôi dồn tâm trí ghi nhận tất cả những gì con thuyền đưa tôi đi qua.
Nội điện đền Trình (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Hai bên bờ sông Sào Khê không thấy cư dân, dòng sông vắng lặng ngoại trừ những con thuyền con xuôi ngược kèm theo tiếng cười nói của khách. Điều lạ nữa là không nghe tiếng chim hót. Tôi hỏi chị lái đò:
- Sao không thấy sinh hoạt gì của dân chúng hả chị?
- Trước kia dân ở hai bên bờ và họ thường lưới cá để ăn. Nhưng, từ lúc có du lịch thì dân bị chuyển đi nơi khác và cấm mọi sinh hoạt trong khu vực du lịch Tràng An. Mục đích là giữ vệ sinh môi trường và an ninh cho du khách.
Nhà khách (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
- Suốt những năm tháng chị đưa đò, có tai nạn chìm đò nào chưa?
- Không bác ạ. Bác thấy mặt nước lặng như tờ thế này, thuyền lại đi chậm thì làm gì xảy ra tai nạn. Còn những ngày mưa to gió lớn thì có khách nào đâu.
- Chuyến đi này mình qua bao nhiêu hang?
- Có nhiều lộ trình ngắn dài hoặc tùy theo khách yêu cầu. Bọn em chỉ được đưa khách theo tuyến thông thường không dài không ngắn, gói gọn trong ba giờ đồng hồ và qua ba đền sáu hang.
- Theo chị, tuyến xa là đi tận đâu?
- Vào Bái Đính hay lên Tam Cốc.
- Lên Tam Cố mất bao lâu?
- Hơn năm tiếng.
Vừa nhác thấy núi đằng xa có miệng hang đen ngòm, tôi chỉ tay hỏi người chèo đò:
- Có phải chúng ta sắp đến hang kia?
- Đúng đấy ạ. Hang Địa Linh, dài hơn 1,500 m, thông sang thung lũng đền Trần. Hang có nhiều lối rẽ và hiện mới chỉ được khai thác một phần. Vào sâu trong hang, người ta thấy có những chỗ rộng, bằng phẳng nhưng có những nơi rất hẹp, bề ngang chỉ chừng 3 m, có lối rẽ qua đền Trần và về bến cũ. Hang có những chỗ rất hẹp và thấp, các bác cẩn thận nhé, Chỗ hẹp em không chèo được phải dùng tay chống vào vách đá cho thuyền đi qua.
Nghe mà thấy lo lo, không khéo đầu va vào đá thì phiền lắm. Trong hoàn cảnh ấy làm sao chụp ảnh? Lúc nào cũng bị chắn bởi hai người khách lạc điệu thì chịu thôi. Đã đến hang, ai cũng sửa lại tư thế cho an toàn, cửa hang thấp thật. Nhìn vào tối om. Tôi chỉ ghi một vài ảnh gần ngoài cửa hang, càng vào sâu càng tối, lại bị hai người che khuất phía trước, rõ mất công. Lúc đò qua chỗ hẹp và thấp, chị chèo đò kêu to, “Các bác cúi khom mình xuống không thì bị va vào đá đấy.”
Phủ Đột nguyên thủy (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Mọi người im thin thít cúi rạp mình, có thấy gì đâu, tâm trí chỉ lo chuyện rủi ro. Chừng mươi phút, nghe tiếng người đàn bà, “Các bác ngồi lại được rồi.”
Đến chỗ bóng đèn sáng thấy trần và vách những lớp nhũ óng ánh màu sắc khá hay thảo nào hang còn có tên “Đá nở hoa.” Tuy vậy tôi cũng không sao “tác nghiệp” được do khoảng cách quá gần (hang hẹp) vừa canh xong máy ảnh thì đò đã đi qua.
Chừng 30 phút, đã thấy lấp ló cửa hang từ xa, bây giờ hang có chỗ rộng thuyền chèo thoải mái, ánh sáng tạm đủ cho việc bắt hình. Nhiệt độ trong hang xuống chừng 70 độ F, mát mẻ thoải mái. Tưởng như đã trút phần nào mệt nhọc, căng thẳng trong người.
Đền Trình tôn tạo (Trần Công Nhung/ Viễn Đông)
Cảm giác thích thú nhất khi ra đến cửa hang là cả một bầu trời xanh mây trắng làm phong cho một cảnh sơn thủy rộng lớn, tuyệt vời. Những con thuyền nhỏ chỉ vài ba người, càng bé so với núi non trùng trùng lớp lớp, tưởng như đang lần vào chốn bồng lai trong truyện thần tiên ngày xưa.
2015
(còn tiếp)
(1) Hai vị tướng được cử trông coi khu vực phía Đông Nam kinh thành Hoa Lư, khi trong triều xảy ra loạn, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại, hai ông đã đưa ấu chúa Đinh Toàn (mới 6 tuổi) đi trốn rồi cùng các vị quan trong triều truy bắt khép tội Đỗ Thích. Hai vị tướng đã tuẫn tiết tận trung với Nhà Đinh.
(2) Tướng quân Đinh Điền sinh năm 924, mất năm 979, quê làng Đại Hữu, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là một trong những vị Khai quốc Công thần của nước Đại Cồ Việt, người tận trung, tận nghĩa với nhà Đinh. Theo sử liệu, các Thần phả thần tích và truyền thuyết dân gian tại các nơi thờ ông, đã viết như sau:
Tướng quân Đinh Điền có cha là Đinh Thân, mẹ là Dương Thị Liễu, quê bà ở làng Yên Bạc, nay là xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khi mới sinh ông có tên là Đinh Trào; ông là bạn thân của Đinh Bộ Lĩnh, khi còn nhỏ chăn trâu ở Thung Lau, động Hoa Lư, Gia Viễn, đã cùng đám trẻ chăn trâu lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay làm kiệu, suy tôn rước Đinh Bộ Lĩnh lên làm Chúa, thu phục các đám trẻ chăn trâu ở các làng khác. Lớn lên, ông cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo phò giúp Đinh Bộ Lĩnh trấn giữ động Hoa Lư, chống lại nhà Ngô.
(3) Thảo nào hai vị khách kia hăm hở tìm Đền (cầu tự?)
Tin sách: Thành thật cáo lỗi độc giả, tập sách Vào Đời như đã thông báo đến nay vẫn chưa có. Một số thân hữu gửi thư xác nhận địa chỉ, tôi đã có thư trả lời. Mong độc giả thông cảm cho. Đa tạ.
Liên lạc email:
trannhungcong46@gmail.com, P.O. Box 163 Garden Grove, CA.92842