Trẻ em Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng nằm trong một bệnh viện ở Haeju, 1/10/2011.
Một tổ chức truyền giáo Nam Triều Tiên đang giúp đỡ một số trong hàng ngàn con em của những người Bắc Triều Tiên đào tị sống ở Trung Quốc thoát khỏi tình trạng “không quốc tịch” và cuộc sống nghèo đói, bị lạm dụng.
Mục sư Chun Ki-won của Giáo Hội Durihana tại Seoul đã giúp sắp xếp cho một số con em của những người đào tị và mẹ của chúng tìm đường sang Nam Triều Tiên, nơi mà họ được cấp quy chế tị nạn và quốc tịch.
Tuy nhiên, ông Chun nói chính phủ Nam Triều Tiên có hạn chế một số quyền lợi của những người đào tị như miễn học phí đại học cho trẻ em Bắc Triều Tiên sinh ra ở Trung Quốc.
Ông nói: “Người đào tị thông thường có thể được hoàn trả học phí nhưng các sinh viên của chúng tôi phải tự bỏ tiền ra, nên chúng tôi phải giúp đỡ cho họ”.
Buôn người
Trong lúc việc tăng cường an ninh biên giới đã làm giảm tổng số người Bắc Triều Tiên đào tị trong những năm gần đây, những người có thể vượt biên vào Trung Quốc bây giờ phần lớn là phụ nữ.
Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên cho biết gần 80% số người Bắc Triều Tiên xin tị nạn tại nước này là phụ nữ.
Ông Chun cho biết để đáp ứng nhu cầu cao của việc tìm vợ, người giúp việc nhà hay những người hành nghề mãi dâm ở nông thôn Trung Quốc, những tay buôn bán người đã hối lộ nhân viên biên phòng để cho phép những phụ nữ Bắc Triều Tiên vô vọng được vào Trung Quốc, và thường là rơi vào tình trạng bị lạm dụng, trong đó họ không có quyền lợi và tình trạng hợp pháp.
Ông nói: “Có rất nhiều người muốn mua phụ nữ, và có rất nhiều người Bắc Triều Tiên muốn đào thoát”.
Nhiều người Bắc Triều Tiên đào tị đã sinh con ở Trung Quốc. Năm 2012, Viện Thống nhất Quốc gia Nam Triều Tiên ước tính có khoảng 30.000 con em của những phụ nữ Bắc Triều Tiên đào tị, ở Trung Quốc.
Sống lưu vong
Các tổ chức nhân quyền nói theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có nghĩa vụ phải bảo vệ những người tị nạn, nhưng Bắc Kinh gán cho những người đào tị Bắc Triều Tiên cái nhãn di trú bất hợp pháp.
Các nhà hoạt động nói trẻ em Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc không được xem là công dân và thường không được tới trường hay tiếp cận việc chăm sóc y tế. Và mẹ của chúng sống thường xuyên trong sợ hãi bị trục xuất về Bắc Triều Tiên và bỏ tù.
Han Ye-seul, một đứa trẻ đào tị Bắc Triều Tiên 15 tuổi, nói: “Sống ở Trung Quốc rất nguy hiểm, còn ở đây, tại Nam Triều Tiên, tôi được sống tự do”.
Cô Han và nhiều đứa trẻ được Mục sư Chun cứu giúp đi học ở Trường Quốc tế Durihana tại Seoul, nơi chúng được học các kỹ năng xã hội và giáo dục để có thể hội nhập tốt hơn tại miền Nam dân chủ và thịnh vượng.
Mùa hè này, trẻ em đào tị đang học tiếng Anh với một nhóm đa số là sinh viên Mỹ gốc Nam Triều Tiên đến từ Giáo hội Little Flock ở thành phố New York.
Rất khó phân biệt được hai nhóm trẻ em khi chúng cười và chơi đùa với nhau ở hành lang, nhưng chúng bị cách biệt bởi những thế giới quá khác nhau, nơi xuất phát của chúng.
Cô Yu Eun-kyung, một người Bắc Triều Tiên 20 tuổi, nhớ lại cảnh nghèo đói cùng cực tại quê hương đã khiến gia đình cô phải liều mạng bị tù tội hoặc tệ hơn nữa để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cô Yu nói: “Không có nhiều cỏ trên đường phố. Mọi người ăn cỏ nhiều hơn là thực phẩm”.
Trong những năm 1990, Bắc Triều Tiên trải qua một nạn đói trầm trọng đã giết chết khoảng ba triệu người. Trong khi điều kiện tại quốc gia cộng sản đã được cải thiện, một phần do cải cách thị trường đã đem lại một số khích lệ cho nông dân, tình trạng nghèo khó và thiếu lương thực lan tràn vẫn còn tồn tại.
Một số sinh viên Nam Triều Tiên ở Seoul còn đang hồi phục sau khi bị lạm dụng trong nhiều năm ở Trung Quốc, nhưng em Kim Choon-woo 11 tuổi còn mang những vết thương về thể chất, khi cô bị người cha Trung Quốc đánh đập.
Em Kim cho biết: “Cha tôi làm như vậy vì ông ấy bị bệnh tâm thần.”
Mục sư Chun cho biết cha của Kim đã tự tử vì nghĩ rằng ông đã giết chết con gái. Mục sư Chun nói đa số phụ nữ và trẻ em Bắc Triều Tiên mà giáo hội của ông giúp đỡ đều trải qua một hình thức bị lạm dụng hay ngược đãi.
Kim cho biết thêm rằng mẹ cô đã tái giá ở Nam Triều Tiên và đang rất hạnh phúc tại đây.
Nam Triều Tiên sử dụng thuật ngữ “đào tị” thay vì “tị nạn” cho những người tị nạn Bắc Triều Tiên nhằm hàm ý là họ trốn thoát khỏi hệ thống chính trị cộng sản đàn áp của chính quyền Kim Jong Un, ngay cả khi động cơ của họ là vì kinh tế và các nhu cầu cơ bản của con người.
Theo VOA