logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
chung  
#1 Đã gửi : 12/07/2016 lúc 07:01:14(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Thông cáo báo chí của Hoa Kỳ về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực trong việc phân xử Philippines và Trung Quốc

Washington, DC - July 12, 2016 - Phán quyết ngày hôm nay của Tòa Trọng tài trong việc phân xử Philippines và Trung Quốc là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung về một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông (nguyên bản: Biển Nam Trung Hoa). Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu nội dung quyết định này và không có bình luận về các giá trị của vụ kiện, nhưng một số nguyên tắc quan trọng đã được thể hiện rõ ràng ngay từ đầu vụ kiện này và đáng được tái khẳng định.

Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ những quy định pháp luật. Chúng tôi hỗ trợ những nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông trong hòa bình, bao gồm việc phân xử bởi trọng tài.

Khi gia nhập Công ước Luật Biển, các thành viên đã đồng ý để cho "quá trình bắt buộc trong giải quyết tranh chấp" của Công ước giải quyết các tranh chấp. Trong phán quyết của ngày hôm nay và trong phán quyết của Tòa án từ tháng 10 năm ngoái, Tòa án nhất trí rằng Philippines đã hành động trong phạm vi quyền hạn của mình theo Công ước bằng với hành động khởi xướng cuộc phân xử này.

Theo quy định trong Công ước, quyết định của Toà án là cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines. Hoa Kỳ bày tỏ hy vọng và kỳ vọng rằng cả hai bên sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình.

Sau quyết định quan trọng này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh các tuyên bố hoặc hành động khiêu khích. Quyết định này có thể và nên là một cơ hội mới để có những nỗ lực mới nhằm giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách ôn hòa.

Chúng tôi khuyến khích các phía tranh chấp làm rõ yêu sách trên biển của họ phù hợp với luật pháp quốc tế - như được phản ánh trong Công ước Luật biển - và làm việc với nhau để quản lý và giải quyết tranh chấp. Những bước như vậy sẽ là nền tảng cho các cuộc thảo luận kế tiếp nhằm thu hẹp phạm vi địa lý của các tranh chấp hàng hải, thiết lập các tiêu chuẩn về hành xử trong các khu vực tranh chấp, và sau cùng là giải quyết những tranh chấp tiềm ẩn mà không có sự ép buộc hoặc sử dụng hay đe dọa bằng vũ lực.

Bạn đọc Danlambao lược dịch
___________
Nguồn:
https://vn.usembassy.gov...pines-china-arbitration/

Sửa bởi người viết 13/07/2016 lúc 08:31:27(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

chung  
#2 Đã gửi : 13/07/2016 lúc 08:41:49(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Biển Đông : Quốc tế gây sức ép buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết

UserPostedImage
Phát ngôn viên ngoại giao Mỹ John Kyrby, trong một cuộc họp báo tại Washington DC ngày 01/07/2016.
Ảnh : State TV/via Reuters

Hôm qua, 12/07/2016, Hoa Kỳ đã tuyên bố ủng hộ các phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.

Theo AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, John Kirby, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, do vậy phải chấp nhận các phán quyết của Tòa. Đây là quyết định chung thẩm và về mặt pháp lý, mang tính ràng buộc với Trung Quốc, cũng như với Philippines. Washington đồng thời kêu gọi các bên tránh có những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích.

Trong khi đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, kêu gọi tất cả các bên giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông « một cách hòa bình và hữu nghị thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế ». Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh là cần tránh các hành động có thể gây ra căng thẳng.

Chính quyền Úc thì nói thẳng là việc không tuân thủ phán quyết của Tòa sẽ làm cho hình ảnh của Trung Quốc bị hoen ố vào lúc nước này muốn đóng vai trò lãnh đạo trên thế giới và khu vực. Canberra cho rằng Bắc Kinh cần có quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.

Singapore cũng lên tiếng. Trong thông cáo được công bố hôm qua, bộ Ngoại Giao Singapore ghi nhận các phán quyết của Tòa và sẽ nghiên cứu, đánh giá những tác động đối với nước này. Singapore không có tranh chấp ở Biển Đông và không đứng về bên nào và kêu gọi giải quyết tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận một cách rộng rãi, bao gồm cả Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Về phần mình, sau khi Tòa ra phán quyết, Indonesia thông báo sẽ nhanh chóng tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh cho các đảo thuộc chủ quyền của nước này tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizad Ryacudu nói với AFP là Jakarka sẽ đẩy nhanh tiến độ bảo vệ quần đảo Natuna qua việc điều động tàu chiến, tiêm kích F-16, tên lửa phòng không, máy bay không người lái và lập một trạm radar. Các công việc này đã được tiến hành trong những tháng gần đây và sẽ được hoàn tất trong khoảng một năm.

Ngoài các phương tiện quốc phòng, Indonesia sẽ đưa một lực lượng đặc nhiệm của không quân và hải quân, cũng như một tiểu đoàn tới bảo vệ Natuna.

Theo RFI
chung  
#3 Đã gửi : 13/07/2016 lúc 08:45:09(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Biển Đông : Bắc Kinh chọn đối đầu hay tuân thủ phán quyết La Haye ?

UserPostedImage
Tòa án Trọng Tài Thường Trực La Haye (Permanent Court of Arbitration), nơi xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Ảnh : Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye

Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, vừa ra phán quyết ngày 12/07/2016, bác bỏ yêu sách đòi hỏi « quyền lịch sử » trên gần như toàn bộ Biển Đông, với bản đồ hình « Lưỡi Bò », cùng nhiều yêu sách khác của Bắc Kinh. Trung Quốc cực lực phản đối các phán quyết của Tòa án. Công luận quốc tế lo ngại xung đột bùng phát tại Biển Đông. Xin giới thiệu một số dự đoán của truyền thông quốc tế, về các diễn biến sắp tới, sau phán quyết La Haye.

Bài « Cuộc đọ sức cận kề tại Biển Đông/Showdown Now Looming Over the South China Sea » trên tờ Time, ngày 12/07/2016, dự đoán căng thẳng giữa hai cường quốc mạnh nhất thế giới sẽ dâng cao tại Biển Đông, thậm chí bùng phát thành xung đột. Time dẫn lời chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Hải Quân Mỹ, ông Andrew Erickson, ngay sau khi phán quyết được đưa ra, « Trong tương lai, tất cả các bên sẽ phải nỗ lực để ngăn chặn các mưu toan của Trung Quốc, chiếm đoạt những gì mà họ đã - và rõ ràng kể từ giờ trở đi - không thể đạt được bằng con đường hợp pháp ».

Theo Time, trong công luận Mỹ có hai luồng quan điểm, lạc quan và bi quan. Những người lạc quan cho rằng, sau phản ứng dữ dội ban đầu, chính quyền Bắc Kinh sẽ hiểu ra rằng, cộng đồng quốc tế buộc phải có lập trường kiên định, bởi Biển Đông là con đường hàng hải huyết mạch, bởi một phần ba lưu lượng hàng hóa toàn thế giới hàng năm đi qua ngả này. Phán quyết của Tòa án sẽ khiến Trung Quốc phải hãm lại việc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân đảo tại Biển Đông.

Trong khi đó, bên bi quan thì cho rằng, ngược lại Trung Quốc sẽ gia tăng việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các thực thể tranh chấp tại Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling, viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS, lo ngại Trung Quốc sẽ có các phản ứng quyết liệt hơn. Bắc Kinh thậm chí có thể phong tỏa hoàn toàn bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát, khu vực vốn từng bị phong tỏa vào năm 2014. Theo chuyên gia về châu Á Michael Green, việc Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây lần nữa có thể nói chắc chắn sẽ dẫn đến các phản ứng rất mạnh từ phía « không quân hay hải quân Hoa Kỳ ».

Hoa Kỳ sẵn sàng cho xung đột

Trung Quốc cũng có thể lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ để trả đũa, như đã từng làm tại biển Hoa Đông năm 2013. Bắc Kinh đã cho xây dựng nhiều đường băng cho chiến đấu cơ tại một số thực thể địa lý ở Trường Sa, để chuẩn bị cho phương án này. Các máy bay dân dụng sẽ buộc phải thông báo khi ra vào khu vực này, tuy nhiên quân đội Mỹ không chấp nhận. Hiện tại Hoa Kỳ đã bố trí hai tàu sân bay ở miền tây Thái Bình Dương, sẵn sàng can thiệp tại Biển Đông khi cần. Trong trường hợp xung đột bùng phát tại Biển Đông, Hoa Kỳ phải chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với các máy bay tiêm kích Trung Quốc, trang bị tên lửa DF-21D, mà giới quân sự Hoa Kỳ mệnh danh là « sát thủ chống tàu sân bay ».

Phán quyết La Haye có thể coi là một « bước ngoặt » chưa từng có trong các tranh chấp tại Biển Đông. Trước khả năng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa án La Haye, Hoa Kỳ chắn chắn sẽ tiếp tục tiến hành và thậm chí tăng cường các cuộc tuần tra hải quân để bảo vệ « quyền tự do hàng hải » trên khắp Biển Đông, vốn được các quốc gia ven bờ khác rất hoan nghênh. Theo một cựu sĩ quan hải quân Mỹ, hiện làm việc tại Center for a New American Security, « Hoa Kỳ, và đặc biệt là lực lượng Hải Quân, chắc chắn sẽ phải xem xét lại các phương án hành động, để hỗ trợ cộng đồng quốc tế tốt hơn, và làm cho luật pháp quốc tế được tôn trọng ».

Trong khi đó, theo Reuters, ngày 13/07, phản ứng trên thực tế của Trung Quốc không hẳn là đã chỉ có một chiều quyết liệt, sau phán quyết của Toà án La Haye. Trả lời báo giới tại Bắc Kinh, một thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố, quyết định thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông phụ thuộc vào « các đe dọa mà Trung Quốc phải đối mặt ». Quan chức nói trên cho biết thêm, « hy vọng các nước khác không sử dụng cơ hội này để đe dọa Trung Quốc, (…), biển Hoa Nam (tức Biển Đông) không bị biến thành nguồn gốc chiến tranh ». Vẫn trong cuộc họp báo nói trên, đại diện ngoại giao Trung Quốc phàn nàn là trong số các thẩm phán của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, « không có ai là người châu Á, vì vậy họ không thể hiểu được vấn đề ».

Khả năng Trung Quốc từ từ thực thi phán quyết

Về triển vọng hậu La Haye, trang mạng của kênh truyền thông CNN đăng tải bài viết của giáo sư luật Hoa Kỳ William Burke-White, nguyên cố vấn của bộ Ngoại Giao Mỹ, với tựa đề «Liệu Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết về Biển Đông?/ Will China abide by the South China Sea decision? ». Theo giáo sư luật Hoa Kỳ, phán quyết của Tòa án La Haye đặt Trung Quốc – một cường quốc đang trỗi dậy, có tham vọng bá chủ toàn cầu – vào thế đối đầu với một hệ thống pháp lý quốc tế được định hình sau Thế chiến Hai. Chuyên gia William Burke-White cho rằng, về dài hạn, Trung Quốc sẽ có lợi khi tuân thủ phán quyết của Tòa, bởi như vậy, sẽ tránh được nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự, và điều này phù hợp với mong muốn « trỗi dậy hòa bình » của Trung Quốc. Tác giả bài viết nhấn mạnh là, việc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng giúp Trung Quốc « tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn tại khu vực này », không tự biến mình thành mối đe dọa về an ninh với các láng giềng.

Vẫn theo giáo sư luật Hoa Kỳ, Trung Quốc « không cần phải tuyên bố công khai và rõ ràng sẽ thực thi phán quyết, mà có thể chỉ cần thay đổi một cách từ từ trong các hành động trên thực địa, và trong các phát ngôn ». Những điều mà Trung Quốc có thể làm là giảm bớt các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông dựa trên các thực thể đã kiểm soát, và được bồi đắp thành các đảo nhân tạo, hay hành xử một cách ôn hòa hơn với tàu cá các nước hoạt động tại khu vực này, và nhất là hãm tốc độ xây dựng cơ sở quân sự tại Biển Đông. Nếu như vậy, đây sẽ là « một tín hiệu mạnh, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế ».

Chuyên gia luật quốc tế Mỹ cũng phê phán việc Hoa Kỳ không tham gia Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), « điều đã được chính quyền Obama nỗ lực ngay từ đầu nhiệm kỳ ». Thượng Viện Mỹ lo ngại tham gia UNCLOS, quyền lợi của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Theo tác giả, nếu tham gia UNCLOS, uy tín của Washington sẽ được nâng cao gấp bội, và như vậy « can thiệp của Mỹ để phán quyết của Tòa án La Haye được tôn trọng, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều ».

Áp lực của luật pháp quốc tế

Về triển vọng hậu La Haye, nhà bình luận Ben Westcott, kênh CNN (bài « Vì sao phán quyết Biển Đông có thể làm thay đổi châu Á? /Philippines vs China: Why the South China Sea ruling may change Asia ?»), nhận xét : Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực mang tính bắt buộc, cho dù không có phương tiện để buộc các bên tuân thủ. Các phán quyết của Tòa cũng sẽ có các hệ quả về ngoại giao, nếu Trung Quốc từ chối tuân thủ. CNN dẫn lời nhà nghiên cứu Ian Storey, Viện nghiên cứu về Đông Nam Á tại Singapour (Institute of South East Asian Studies), theo đó, nếu không tuân thủ phán quyết, Bắc Kinh sẽ hủy hoại uy tín của chính mình, khi chống lại các nền tảng pháp lý mà chính Trung Quốc cam kết ủng hộ. Theo ông, dù sao, cũng không thể nào có một can thiệp quân sự, chống lại quốc gia không tuân thủ phán quyết của Tòa.

Nhà bình luận CNN kết luận, cho dù khả năng Trung Quốc tuân thủ các phán quyết Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vừa đưa ra là không cao, và nếu Trung Quốc không tuân thủ thì Philippines cũng « khó thay đổi được trạng thái hiện nay », nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng Manila một lần nữa « có thể đưa vụ việc ra Tòa, và yêu cầu Tòa có các biện pháp nghiêm khắc hơn với Trung Quốc ».
Theo RFI
chung  
#4 Đã gửi : 13/07/2016 lúc 08:47:32(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Trung Quốc đe dọa nguy cơ xung đột tại Biển Đông

UserPostedImage
Yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ ngày 12/07/2016.
Ảnh : Wikipedia

Các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã làm cho Trung Quốc tức tối. Hôm nay, 13/07/2016, Bắc Kinh lên tiếng đe dọa nguy cơ xung đột xẩy ra tại Biển Đông và tuyên bố có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại vùng biển này.

Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), được AFP trích dẫn, thì các phán quyết của Tòa chỉ là một « tờ giấy đáng vứt bỏ » và khẳng định « quyền » của Bắc Kinh thiết lập « vùng nhận dạng phòng không – ADIZ » ở Biển Đông.

Vẫn theo quan chức này, việc thiết lập vùng phòng không ở đây chỉ còn tùy thuộc vào mức độ đe dọa nhắm với Trung Quốc.

Năm 2013, Trung Quốc đã lập vùng phòng không bao phủ một khu vực rộng lớn ở biển Hoa Đông, giữa Hàn Quốc và Đài Loan. Dự án này đã bị công luận quốc tế lên án.

Cũng trong ngày hôm nay, Bắc Kinh còn công bố Sách Trắng tái khẳng định tính chính đáng của các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Bắc Kinh vẫn lập luận rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và khai thác khu vực Biển Đông và điều này thể hiện qua bản đồ « đường 9 đoạn ». Tuy nhiên, hôm qua, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã cho rằng bản đồ này không có cơ sở pháp lý.

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), thì cho rằng các phán quyết của Tòa phá hoại hoặc làm suy giảm quyết tâm của các nước muốn tiến hành đàm phán hoặc tham khảo với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp. Theo đại sứ Trung Quốc, các phán quyết của Tòa « chắc chắn là gia tăng xung đột, thậm chí đối đầu » tại Biển Đông.
Theo RFI
chung  
#5 Đã gửi : 13/07/2016 lúc 08:49:46(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Ý nghĩa 5 thất bại của Trung Quốc tại Tòa án La Haye

UserPostedImage
Trụ sở Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, Hà Lan.
Ảnh : Wikipedia

Trong phán quyết ngày 12/07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực đã nêu lên 5 điểm cho thấy Trung Quốc thua Manila tại La Haye. Giới phân tích đánh giá thế nào về 5 điểm cụ thể đó ? Đâu là bước kế tiếp cho Biển Đông ? Phân tích của hai nhà báo David Tweed và Jason Koutsoukis thuộc hãng tin Bloomberg.

Trước hết trở lại với phán quyết rất được mong đợi của Tòa án La Haye về vụ kiện Biển Đông. Liên quan đến 5 điểm được chú ý gồm : thứ nhất, các đòi hỏi của Trung Quốc về các vùng trong bản đồ "đường 9 đoạn" không có cơ sở pháp lý. Thứ hai là không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng biển mở rộng.

Thứ ba là một số vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và điểm thứ tư là Bắc Kinh đã vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế. Sau cùng, việc bồi đắp xây 7 thực thể của Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái biển.

Về điểm thứ nhất là bản đồ « đường lưỡi bò », Tòa án La Haye cho rằng Trung Quốc không thể viện chứng cớ lịch sử để đòi hỏi quyền làm chủ các nguồn tài nguyên ở bên trong bản đồ đường 9 đoạn.

Liên quan đến điểm thứ nhì, hai tác giả bài báo chỉ chú ý đến Ba Bình (Itu Aba), thực thể quan trọng nhất trong khu vực Trường Sa, và nhấn mạnh là Tòa khẳng định đây chỉ là một « bãi đá » và do vậy không thể thiết lập vùng đặc quyền kinh tế chung quanh Ba Bình. Philippines, Trung Quốc và các bên tranh chấp khác cần đàm phán để tìm một thỏa thuận chung. Tòa muốn nói đến Đài Loan, vì Đài Loan cũng căn cứ trên bản đồ năm 1947 để khẳng định chủ quyền tại Ba Bình.

Nhìn đến quyền đánh bắt hải sản, Tòa án La Haye trong phán quyết ngày 12/07/2016 cho rằng Bắc Kinh vi phạm luật pháp khi để cho các tàu cá xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Bloomberg nhắc lại, vào tháng 6/2016 đã xảy ra nhiều vụ tàu cá Trung Quốc đối đầu với lực lượng tuần duyên Indonesia và Jakarta đã phải thông qua ngân sách bổ sung cho bộ Quốc Phòng để nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông.

Điểm thứ tư cho thấy Trung Quốc thua Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực được hai nhà báo của Bloomberg chú ý đó là Tòa đã dùng những lời lẽ rất cứng rắn với Bắc Kinh khi cho rằng : khi xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo, Trung Quốc « vĩnh viễn phá hủy » tính chất tự nhiên của bãi đá hay bãi bãi cạn ; Trung Quốc bị cho là « vi phạm » Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khiến các « tranh chấp thêm nghiêm trọng ».

Theo như đánh giá của Felix Chang, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu về Chính sách đối Ngoại tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ được Bloomberg trích dẫn, Tòa án La Haye gần như cho là Trung Quốc đã « cố ý vi phậm luật pháp ».

Sau cùng, hai đồng tác giả David Tweed và Jason Koutsoukis cùng cho là, quyết định vừa được đưa ra tại La Haye làm sứt mẻ uy tín của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tự nhận mình là một siêu cường có trách nhiệm với an ninh và ổn định trong khu vực, là một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đến nay, Trung Quốc một mực khẳng định các công trình xây dựng đảo nhân tạo là nhằm « bảo vệ » hệ sinh thái trong vùng, nhưng theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, các công trình đó đã làm tổn hại cho môi trường, cho các rạn san hô, và Bắc Kinh thừa biết là ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển bị đe dọa tuyệt chủng, làm hư hại các rạn san hô với những phương tiện đánh bắt tai hại.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là sắp tới tình hình Biển Đông sẽ ra sao. Về điểm này, có nhiều quan điểm trái ngược nhau : một số nhà phân tích cho rằng, với phán quyết của Tòa án La Haye, các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo sẽ thảo luận với nhau để cùng khai thác tài nguyên, có lợi cho cả các bên. The Diplomat, trụ sở tại Tokyo, đánh giá, : Phản ứng của Bắc Kinh còn là một ẩn số. Tạp chí Mỹ Time không loại trừ xung đột nổ ra trong vùng biển này.
Theo RFI
chung  
#6 Đã gửi : 13/07/2016 lúc 08:55:45(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Đường lưỡi bò là bất hợp pháp : Đòn quá nặng cho Trung Quốc !

UserPostedImage
Người dân Manila vui mừng trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông, 12/07/2016.
REUTERS/Romeo Ranoco

Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông được nhiều báo Pháp đề cập đến hôm nay 13/07/2016. Đề tài này cũng chiếm khá nhiều giấy mực trên các báo tiếng Anh ở châu Á hoặc Âu, Mỹ.

Thông tín viên Le Figaro trong bài « Tòa án Trọng tài Quốc tế bác yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông » nhận xét đây là một đòn đau cho Bắc Kinh. Les Echos qua bài viết « Đối với La Haye, Bắc Kinh chẳng có quyền gì tại Biển Đông » cho rằng đây là một sự lăng nhục mà Trung Quốc phải chịu đựng.

Le Figaro nhắc lại, Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua tuyên bố Trung Quốc « không có quyền lịch sử » trên hầu hết diện tích Biển Đông. PCA nhận định các hành động của Bắc Kinh trong khu vực này là « bất hợp pháp », khẳng định đã « làm trầm trọng thêm tranh chấp », và xâm hại đến môi trường. Trung Quốc bác bỏ phán quyết, tiếp tục nêu ra « quyền lịch sử » và chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Thông cáo của Tòa án Trọng tài Quốc tế nêu rõ : « Tòa nhận định rằng không có bất cứ cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử về các nguồn lợi trong các vùng biển bên trong ‘‘đường 9 đoạn’’. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế », tức khu vực 200 hải lý xung quanh, đặc biệt là việc ngăn trở hoạt động đánh cá và tìm kiếm dầu khí. Tòa án cũng không công nhận các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền là « đảo », như vậy « không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế xung quanh ».

Trung Quốc không có « quyền lịch sử » tại Biển Đông

Bắc Kinh vốn tẩy chay phiên tòa, ngay lập tức cho rằng phán quyết là « vô giá trị », vi phạm luật quốc tế, « không chấp nhận cũng không nhìn nhận quyết định ». Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhai lại luận điệu là người Hoa đã hoạt động từ hơn hai ngàn năm qua trên Biển Đông, nên có quyền lịch sử trên 90% diện tích vùng biển chiến lược này. Nhưng Les Echos cho biết, đường lưỡi bò trải rộng trên 2.000 km kể từ miền nam Trung Quốc, liếm sát duyên hải Việt Nam, Philippines…đã bị tòa tuyên là « không có bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã kiểm soát vùng biển này ».

Manila hoan nghênh phán quyết, nhưng vẫn kêu gọi « kiềm chế và chừng mực ». Tuần trước, chính phủ của tân tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hy vọng nhanh chóng mở đối thoại với Trung Quốc sau quyết định của Tòa án Trọng tài Quốc tế, và sẵn sàng chia sẻ các nguồn lợi thiên nhiên tại vùng biển tranh chấp.

Tuy vậy theo Le Figaro, còn phải xem có hội đủ các điều kiện cho một cuộc đối thoại như thế hay không. Bắc Kinh nhấn mạnh « sẵn sàng tiếp tục giải quyết một cách hòa bình những bất đồng thông qua thương lượng và tham vấn trực tiếp với các Nhà nước liên quan », không thông qua trung gian, và « tôn trọng các sự kiện lịch sử cũng như luật quốc tế ». Nhưng Manila khó thể bỏ qua phán quyết trọng tài theo đòi hỏi của Bắc Kinh, và bản án này còn mở ra cánh cửa cho các quốc gia ven biển khác đang lo sợ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc.

Bắc Kinh còn toan đối phó với sự hăng hái bảo vệ đồng minh của Washington, khi khẳng định « tôn trọng tự do hàng hải và hàng không » trong khu vực, nơi các chiến hạm của Hải quân Mỹ tuần tra với lý do nhằm bảo đảm các quyền trên. Hoa Kỳ hoan nghênh phán quyết của PCA như « một đóng góp quan trọng cho giải pháp », còn chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk có mặt tại Bắc Kinh hôm qua đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ quốc tế.

Tờ báo nhắc lại, để xác quyết các yêu sách, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhỏ và rạn san hô, thiết lập các phi đạo, hải cảng và các cơ sở khác mà mới nhất là bốn ngọn hải đăng trên một rạn san hô cộng với một hải đăng khác đang xây dựng. Tòa án Trọng tài Quốc tế nhận định Trung Quốc đã làm tranh chấp thêm gay gắt, đồng thời « gây ra những thiệt hại không thể hồi phục cho môi trường biển ». PCA khiển trách Bắc Kinh đã để các ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển khổng lồ và các sinh vật quý hiếm khác, bằng các phương tiện đã xâm hại nghiêm trọng các rạn san hô và hệ sinh thái.

Phán quyết của Tòa Trọng tài làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh

Trong bài « Tại Biển Đông, Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye tuyên bố Bắc Kinh đã sai trái », nhật báo La Croix ghi nhận không có gì là ngạc nhiên khi phán quyết thuận lợi cho Manila trong hầu hết các vấn đề bất đồng với Bắc Kinh về Biển Đông, bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ.

Từ nhiều tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã phản đối thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Quốc tế trong vụ này, đặt dấu hỏi về tính độc lập và khách quan của tòa. Tất cả cho thấy tuy phán quyết mang tính ràng buộc, vẫn có thể không được thực thi.

Trong phán quyết dày đến 501 trang công bố hôm qua, Tòa án Trọng tài Quốc tế khẳng định « đường 9 đoạn » tự vẽ chỉ mới xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc từ năm 1940 « hoàn toàn không có căn cứ pháp lý ». Không có bất kỳ đảo nhỏ, đá, rạn san hô nào ở Trường Sa được công nhận là « đảo » để có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc có ký kết.

Theo La Croix, phán quyết của tòa đã làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh.

Dưới triều đại Tập Cận Bình, Trung Quốc theo đuổi chính sách hết sức hung hăng tại Biển Đông. Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo tại khoảng sáu thực thể, thiết lập các cơ sở hạ tầng quân sự như radar, phi đạo…và tuần duyên tăng cường hiện diện tại các vị trí chiến lược, gây căng thẳng với các láng giềng. Lâu nay đứng ngoài quan sát, rốt cuộc Hoa Kỳ đã phải phản ứng vào mùa thu năm 2015 bằng cách gởi các khu trục hạm đến. Từ nay cho đến 2019, 60% hạm đội Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Để tránh bị cô lập ngoại giao, Trung Quốc đã vận động được Nga và Ả Rập Xê Út ủng hộ, cùng với một số nước châu Phi như Niger, Lesotho, Togo, Angola, Madagascar, Papua-New Guinea. Ngược lại, khối G7 (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) hỗ trợ Philippines bằng cách liên tục nhấn mạnh sự quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong an ninh hàng hải.

Khúc ca khải hoàn khiêm tốn của Manila

La Croix nhận xét, cho dù ngay sau phán quyết đã diễn ra một cuộc biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc, chính phủ Philippines vẫn tỏ ra thận trọng trong các tuyên bố chính thức. Phát ngôn viên chính phủ nói rằng mọi việc còn cần phải thảo luận, ngoại trưởng Perfecto Yasay hoan nghênh La Haye nhưng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Ngược lại, báo chí Philippines hân hoan nhấn mạnh « chiến thắng » trước Bắc Kinh và « phán quyết lịch sử » này.

Trang web china.org của Trung Quốc lại có cách diễn giải khác. Trong bài « Phán quyết La Haye : Ôn ào để chẳng đi đến đâu », trang mạng này khẳng định càng gần đến ngày phân xử, trước thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh, quan điểm của Manila bắt đầu lung lay, qua đề nghị chia sẻ nguồn lợi và thương thảo dù có thắng kiện. Ông Rodrigo Duterte dường như nay đã hối tiếc về quyết định kiện ra Tòa án Trọng tài của người tiền nhiệm Benigno Aquino.

Tờ báo đe dọa trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ ngày 06 đến 08/09/2016 tại Vientiane (Lào), sau thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) từ 04 đến 05/09, Bắc Kinh sẽ có dịp chất vấn Manila về những bất nhất trong quan hệ song phương từ thời bà Gloria Arroyo cho đến nay. Trung Quốc cũng sẽ giới thiệu một lộ trình hợp tác thực tiễn, và đặt lại vấn đề Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Và trước đó, ASEAN cần đưa ra thông điệp hòa giải rõ ràng trước Trung Quốc nhân hội nghị ngoại trưởng lần thứ 49 của khối này từ 21 đến 26/07.

Theo Le Monde, sự khiêm tốn của Philippines là do thực tế trước mắt : các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp không vì phán quyết mà biến mất, và lực lượng tàu quân sự hùng hậu của Trung Quốc vẫn tiếp tục nghênh ngang, tuy quyết định của La Haye sẽ khiến Hải quân các nước phương Tây sẽ tuần tra thường xuyên hơn tại Biển Đông.

Trung Quốc sẽ hùng hổ hay hòa dịu ?

Bài viết đăng trên trang mạng của Le Monde « Bắc Kinh tức giận sau khi thua cuộc ở Biển Đông » qua phán quyết của tòa trọng tài nhận định, tuy thất bại đã được đoán trước, nhưng năm vị trọng tài ở La Haye đã giáng cho Trung Quốc một đòn quá nặng về tính hợp pháp của « đường 9 đoạn ».

Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng sau cái tát này, Bắc Kinh sẽ ra chiêu trả đũa. Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh khẳng định : « Trung Quốc đã chuẩn bị cho một phán quyết bất lợi, nhưng giọng điệu bản án tệ hại hơn dự kiến. Phán quyết này sẽ được các thế lực nước ngoài sử dụng để đối phó với Trung Quốc, và như vậy Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực quốc phòng ».

Giả thiết được đưa ra nhiều nhất là thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông xung quanh các đảo nhân tạo, và quân đội Trung Quốc nhờ các phi đạo mới có thể cho các chiến đấu cơ xuất kích bất kỳ lúc nào. South China Morning Post cho rằng quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất trước ADIZ Biển Đông sẽ là Việt Nam.

Tuy Bắc Kinh chưa nêu ra một hành động phản công cụ thể nào, nhưng các nhà phân tích lo ngại cơn sốt sẽ tăng lên trong khu vực, nơi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự, nhất là xung quanh các đảo nhân tạo, để khẳng định quyết tâm không nhượng bộ. Reed Foster thuộc IHS Jane nhận xét : « Việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự giúp Trung Quốc kiểm soát trên thực tế nhiều mảng của Biển Đông ».

Theo Les Echos, về lâu về dài, phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua dù sao cũng khiến Bắc Kinh tỏ ra hòa hoãn hơn một chút với các nước láng giềng để tránh vô số các vụ kiện nhục nhã trước các tòa án quốc tế.

Ấn Độ hân hoan, Úc chuẩn bị vào cuộc

Trang mạng indiaexpress.com của Ấn Độ vui mừng nhận định, các chiến hạm Ấn từ nay có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo UNCLOS, không cần phải thông báo cho Bắc Kinh. Hồi tháng 7/2011, tàu chiến INS Airawat của Ấn Độ đã bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu vì cho rằng tàu Ấn đã đi vào vùng biển Trung Quốc.

Phán quyết của PCA là cơ hội cho New Delhi để khẳng định vị thế với các nước bạn bè trong khu vực, như một cường quốc biển, phù hợp với thông báo chung Mỹ-Ấn năm 2014 về tự do hàng hải và hàng không. Thái độ phản đối của Bắc Kinh cũng tương phản với việc New Delhi chấp nhận phán quyết của PCA tháng 7/2014 trong vụ kiện ranh giới trên biển với Bangladesh, tuyên đến gần 4/5 diện tích biển tranh chấp thuộc về Bangladesh chứ không phải Ấn Độ.

Bài viết đăng trên trang mạng của Viện Chiến lược Úc nhận định, Bắc Kinh đã nỗ lực rất lớn và thành công trong việc phá hoại sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trong hồ sơ Biển Đông. Nhìn từ phía Úc, phán quyết hôm qua khiến người ta nhớ lại tuyên bố trong Sách Trắng quốc phòng năm 2016 của Úc, khẳng định « lợi ích quốc phòng chiến lược thứ nhì trong một khu vực an ninh gần gũi, bao gồm vùng biển Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương ».

Nói cách khác, lợi ích chủ yếu của an ninh quốc gia lại nằm trong một khu vực hoàn toàn bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng Úc đang chi ra 89 tỉ đô la để chỉnh đốn Hải quân. Cho dù chưa phê chuẩn UNCLOS, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc hoành hành, và các đồng minh trong khu vực như Úc sắp tới sẽ được cầu viện đến nhằm đảm bảo tự do hàng hải.
Theo RFI
chung  
#7 Đã gửi : 13/07/2016 lúc 09:03:48(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Biển Đông : Báo chí Trung Quốc sốc trước phán quyết của Tòa Án

UserPostedImage
Trang nhất website Hoàn Câu Thời Báo, ngày 13/07/2016 (ảnh chụp từ internet)

Ngay sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông trong vụ kiện mà Manila là nguyên đơn, hôm nay 13/07/2016, báo chí và dân mạng Trung Quốc lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ phán quyết này và coi đó như một "trò hề".

Trang nhất tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc chạy dòng tựa lớn : « Trung Quốc bác bỏ quyết định trò hề của trọng tài », phía bên dưới là hình ảnh của tàu khu trục Ngân Xuyên (Yinchuan) vừa mới được hải quân nước này đưa vào hoạt động.

Phán quyết hôm qua, 12/07/2016, của Tòa Trọng Tài La Haye nhận định rằng Trung Quốc đã « vi phạm chủ quyền của Philippines », các tàu hải cảnh Trung Quốc đã có « các hành động trái phép » và nhiều vùng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền « nằm trong » vùng biển của Philippines.

Hôm nay, nhật báo chính thức bằng tiếng Anh China Daily đăng trên trang nhất tấm hình khổ rộng của ông Tập Cận Bình, với khuôn mặt hết sức nghiêm trọng, bên cạnh là phát biểu của chủ tịch Trung Quốc : « Dù thế nào chăng nữa, chủ quyền và lợi ích hàng hải của chúng ta tại biển Hoa Nam (tức Biển Đông) sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi cái gọi là phán quyết của trọng tài ».

Nhật báo Thanh Niên của Bắc Kinh đăng bức biếm họa một « Chú Sam » (ám chỉ nước Mỹ), đang giật dây cho một con rối có gương mặt rất giống với cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino – người đã quyết định kiện Trung Quốc về Biển Đông vào năm 2013. Tấm hình nổi trên nền của một người Nhật, với ánh nhìn xảo quyệt, và đi kèm với tựa : « Đạo diễn cho màn kịch trọng tài này là những ai ? ».

Còn trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, rất nhiều dân mạng chia sẻ các bài báo và các bài chế nhạo nhắm đến Manila và tuyên bố rằng họ cảm thấy « bị sốc » và « bị tổn thương ».

Một số dân mạng khác thì chỉ trích Washington. Họ nhận định rằng bản thân Mỹ cũng đã không phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nhưng lại kêu gọi Bắc Kinh, do đã kí Công Ước này nên phải chấp nhận phán quyết của trọng tài.

Cho đến tận lúc này, chưa có bất cứ cuộc biểu tình chống Manila nào tại Trung Quốc. Trong khi đó, vào năm 2012, hàng nghìn người dân Trung Quốc đã xuống đường để phản đối việc Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa các đảo đang tranh chấp giữa hai nước.

Theo RFI
chung  
#8 Đã gửi : 13/07/2016 lúc 09:11:54(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Biểu tình ngắn trước tòa lãnh sự TQ ở Tp.HCM sau phán quyết Biển Đông

UserPostedImage
Người dân Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, Việt Nam, 5/6/2011.

Sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye ra phán quyết Philippines thắng trong vụ khiếu nại về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, người dân Philippines đã đổ xuống đường trong ngày 12/7 để ăn mừng. Việt Nam cũng có nhiều tranh chấp với Trung Quốc và thắng lợi của Philippines được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, đã không có những cảnh đông người hân hoan chào đón phán quyết của tòa tại Việt Nam.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ có một nhóm nhỏ khoảng 10 bạn trẻ và một số nhà hoạt động vì tự do, dân chủ biểu thị sự vui mừng trong chớp nhoáng với các biểu ngữ làm tạm trước tòa lãnh sự Trung Quốc vào chiều tối 12/7.

Nhà hoạt động Hoàng Dũng mô tả lại với VOA về sự việc:

“Tổng cộng có 3 người ra mặt để biểu thị thế còn những người bạn chung quanh thì chụp hình và canh gác xem có chuyện gì xảy ra hay không. […] Tôi cũng kịp chuẩn bị một tờ giấy với nội dung là ‘Đường chín đoạn vô giá trị’. Tôi rất là vui mừng, thực sự rất là vui mừng khi nghe tin thắng lợi như vậy. Mặc dù là Philippines thắng lợi nhưng Việt Nam cũng coi như được thắng lợi bởi vì có tuyên bố đường chín đoạn là không có giá trị. Cái thông tin này chúng tôi chờ mong rất là nhiều năm nay rồi, nhưng bây giờ mới được nghe nên là lúc đấy rất là vui mừng”.

Cuộc biểu tình chớp nhoáng đã diễn ra suôn sẻ, các nhân viên công an bảo vệ tòa lãnh sự Trung Quốc đã không trấn áp nhóm của ông Hoàng Dũng. Ông nhận xét rằng phía công an đã hành xử đúng mực:

“Họ chỉ thực hiện đúng nhiệm vụ của người ta. Tức là họ chỉ canh giữ địa điểm đấy và ngăn cản trong cái mức độ vừa phải để cho mình không có những hành động vượt tầm kiểm soát”.

Ông Dũng đã đưa ra nhận định riêng về việc đã không nổ ra biểu tình rầm rộ ở Việt Nam giống như ở Philippines sau khi Trung Quốc nhận phần thua trong phán quyết quốc tế về tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Theo ông Dũng, trong số những nguyên nhân là việc các nhà hoạt động gần đây bị đàn áp mạnh tay và tính bất ngờ của phán quyết. Ông nói:

“Thứ nhất là tỷ lệ dân số quan tâm đến chính trị hàng ngày của Việt Nam cũng còn thua xa Philippines rất là nhiều. Thứ hai, những người có quan tâm đến lại bị trấn áp rất là dữ dội, và sau những cái hành động sử dụng bạo lực cái khoảng thời gian vừa qua, nhất là cái vụ mà đánh anh Lã Việt Dũng ở Hà Nội thì cũng làm giảm tinh thần của người ta. Và thêm một cái nữa, tôi cho rằng tại vì hôm qua những thông tin thắng lợi không nằm trong kỳ vọng của những người quan tâm đâm ra khi mà thắng lợi như thế thì người ta hơi bất ngờ và không kịp chuẩn bị gì cả. Tôi cho rằng một hai ngày nữa thì Việt Nam mới có nhiều người ăn mừng hơn nữa”.

Trong khi trên đường phố thiếu vắng những hành động công khai bày tỏ sự vui mừng, một số lượng đông đảo người Việt đã bày tỏ cảm xúc của họ trên mạng xã hội. Đặc biệt, các nghệ sỹ hoặc nhân vật nổi tiếng Việt Nam như ca sỹ Thu Minh, nghệ sỹ Thành Lộc, MC Phan Anh, người mẫu Trúc Diễm đã bày tỏ quan điểm trên các trang cá nhân của họ, đón chào phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đồng thời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng cả phán quyết lẫn chủ quyền Việt Nam. Những bài của họ đã được hàng triệu người thích và chia sẻ.
Theo VOA

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (4)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.232 giây.