Hình minh họaNước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập vào ngày 2/09/1945 và quốc hiệu chính thức, dưới chức danh
"Dân chủ- Cộng hoà" xuất phát từ bản Hiến pháp năm 1946.
Hiến pháp năm 1946 được soạn thảo theo tinh thần "tam quyền phân lập": lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính
phủ) và tư pháp (Tòa án), có thể nói không thua kém bất kỳ quốc gia dân chủ nào trên thế giới. Điều 1 của Hiến
pháp 1946 ghi rõ: "Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa".
Bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua vào ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng
số 242 phiếu. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào ngày 19/12/1946 đã làm việc tổ chức tổng tuyển cử bầu
Nghị viện nhân dân không có điều kiện để thực hiện. Do tình hình chiến tranh, Hiến pháp 1946 chưa được chính
thức công bố và chưa từng có hiệu lực về phương diện pháp lý. Tuy nhiên nó có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị.
Giáo sư Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Hiến pháp năm 1946 là "bản hiến văn dân chủ vào
loại bậc nhất Đông Nam Châu Á lúc bấy giờ" và "đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chế
công bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân". Ông tỏ ý tiếc rằng sáu mươi năm sau Việt Nam "đã không có cơ hội
đi xa hơn trong chủ nghĩa lập hiến". Theo ông, Hiến pháp 1946 vẫn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam
và "vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam", theo wikipedia.
Thực chất, nước Việt Nam, từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) nắm toàn quyền lãnh đạo trên miền Bắc từ
năm 1954, là một nước đi theo chủ thuyết xã hội chủ nghĩa.
Quốc hiệu Việt Nam "Dân chủ Cộng hoà" chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Đây là một hệ thống chính trị cộng hoà, dân chủ
giả hiệu. Hiến pháp năm 1959 hoàn toàn không kế thừa Hiến pháp 1946 mà đã được sửa đổi cho phù hợp với
đường lối của ĐCSVN. Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội, hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
nhưng dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN.
Thống nhất đất nước vào năm 1975, say sưa với chiến thắng và "ngọt ngào" với Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ
nghĩa Xô Viết, năm 1980 Hiến pháp của Việt Nam được thay đổi với quốc hiệu Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam (CHXHCN) và thêm điều 4 (như điều 6 của hiến pháp Liên Xô) xác định vị trí độc quyền lãnh đạo nhà nước
và xã hội của ĐCSVN.
Quốc hiệu CHXHCN Việt Nam là quốc hiệu chuẩn nhất, hợp lý nhất đối với nhà cầm quyền hiện nay, vì nó phản
ảnh đúng nhất một chế độ xã hội chủ nghĩa chuyên chính và vai trò cai trị duy nhất của một đảng phái chính trị:
ĐCSVN.
Chế độ CHXHCN Việt Nam vi phạm nghiêm trọng các quyền dân chủ của công dân: quyền sỡ hữu đất đai, quyền
được tự do thông tin, quyền được biểu tình, quyền được tự do hội họp và thành lập các tổ chức dân sự... Chế độ
không có bầu cử tự do, các cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan cao nhất là quốc hội, cũng đều là phương
tiện/công cụ của đảng, "còn đảng còn mình"...
Toàn bộ thiết kế của CHXHCN Việt Nam không hề dính dáng gì đến mô hình của nhà nước dân chủ. Tam quyền
phân lập trong cấu trúc nhà nước bị loại bỏ. Chế độ cộng hoà nghị viện cũng chỉ mang tính hình thức, che đậy mọi
sự khuynh loát bên cạnh một tổ chức "nhà nước" khác song song tồn tại: Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung
ương và các ban ngành của ĐCSVN, hoạt động bằng ngân sách nhà nước.
Cho nên CHXHCN Việt Nam chỉ có thể là hệ thống chính trị XHCN, một hệ thống thang bậc đặc quyền đặc lợi,
bảo vệ sự hoạt động của ĐCSVN.
Hiện nay trong nước đang có ý kiến góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong đó đề xuất về quay lại
tên Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (DCCH). Đây là một ý kiến thiếu trách nhiệm, là quay lại sự dối trá, nguỵ tạo, "treo
đầu dê, bán thịt chó".
Đừng để kẻ cướp mặc áo thầy tu!
Nước Việt Nam dưới sự cai trị của ĐCSVN không thể là một hệ thống chính trị "dân chủ, cộng hoà". Giữ nguyên
Điều 4, khẳng định vai trò lãnh đạo thống nhất của ĐCSVN đối với nhà nước và xã hội, đã phủ nhận tất cả mọi thứ
"dân chủ", "cộng hoà" rồi!
Hãy giữ nguyên "CHXHCN Việt Nam"! Đây là cái mác, là thương hiệu, là "quốc hiệu" đúng đắn nhất, hợp tình, hợp
lý nhất với tình trạng chính trị hiện hành. Không thể có dân chủ nào cho một chế độ không có gì đảm bảo cho sự
dân chủ ấy.
Chưa nói tới việc đổi quốc hiệu sẽ kéo theo một chi phí xã hội khổng lồ: Đổi tiền, đổi chứng minh thư, bằng lái, hộ
khẩu, các tài liệu khác có liên đới tới tên nước. Trong đó, việc đổi tiền là một thách thức lớn nhất trong tình trạng
kinh tế hiện thời.
Trong tình trạng nợ xấu ngân hàng có nguy cơ làm sụp đổ cả hệ thống tài chính, đầu tư vào bất động sản với giá
trị ước tính khoảng 160 tỷ USD đang bị đóng băng, giá vàng cao hơn thị trường thế giới, một cuộc đổi tiền bất
minh là đồng nghĩa với sự đánh tráo, chạy nợ, đánh cắp tiền của dân mà kinh nghiệm xương máu từ các lần đổi
tiền sau năm 1975 đã cho thấy.
Source: RFA