Trên mạng xã hội, sau khi fanpage của 4 trang tin lớn biến mất, nhiều người phỏng đoán có thể nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh buộc các trang tin phải làm như vậy. (Ảnh minh hoạ)
Các fanpage trên mạng xã hội Facebook của 4 trang tin tức được nhiều người quan tâm ở Việt Nam là Zing News, VnExpress, Dân Trí và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã không còn tồn tại kể từ chiều ngày 7/9.
Zing News, VnExpress và Dân Trí chưa đưa ra thông báo chính thức về việc fanpage của họ biến mất. Riêng Báo Giáo dục Việt Nam ngày 7/9 đăng trên trang web chính thức của mình thông báo nói họ “quyết định tạm dừng hoạt động trang Fanpage (duy nhất) trên mạng xã hội” từ sáng cùng ngày. Trong thông báo, họ nêu lý do phải quyết định như vậy vì “nguồn lực về con người và vật chất hạn chế để có thể kiểm soát tất cả các bình luận trên trang Fanpage của Báo”.
Báo Giáo dục Việt Nam cho biết thêm động thái của họ có mục đích vừa “để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra” vừa để “chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng đối với các cơ quan báo chí trong việc vận hành các Fanpage trên mạng xã hội”.
Báo Giáo dục Việt Nam lâu nay được nhiều bạn đọc coi là một trang tin “mạnh miệng” khi nói về các vấn đề chính trị, xã hội, chủ quyền và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Các bài báo hoặc bình luận của báo thường nhận được nhiều bình luận của độc giả với những lời lẽ táo bạo.
Trên mạng xã hội, sau khi fanpage của 4 trang tin lớn biến mất, nhiều người phỏng đoán có thể nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh buộc các trang tin phải làm như vậy.
Một số người còn cho rằng sự việc này liên quan đến quyết định trước đó vào ngày 6/9 của Bộ Thông tin-Truyền thông về thu hồi thẻ nhà báo, cảnh cáo hoặc giáng chức đối với 4 nhà báo tại các báo Infonet và Dân Trí. Các nguồn trên mạng xã hội nói các ông Lương Tân Hương, Phạm Phúc Hưng, và Nguyễn Đình Hưng bị kỷ luật vì đã để lọt những “bình luận khủng khiếp” trên fanpage của họ trong những bài nói về “chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước”.
VOA đã liên lạc với ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, để xác minh.
Ông Thiên nói:
“Bây giờ là tôi đang đi công tác. Cho đến thời điểm này là tôi không nhận được một cái sự chỉ đạo của cấp trên để yêu cầu các báo cho đóng các fanpage lại cả. Tôi chưa nhận được cái chỉ đạo nào như thế cả. Tôi nghĩ rằng việc đó là do các báo họ quyết định thôi, người ta quyết định thôi. Chứ còn không có sự chỉ đạo nào như thế cả”.
Hồi tháng 4 năm nay, phúc trình thường niên về tự do báo chí thế giới của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vẫn xếp hạng ở vị trí rất thấp là 175/180. Tổ chức này nói dù vẫn giữ nguyên vị trí song tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam có phần tệ hơn năm ngoái nữa. Một đại diện của tổ chức nói rằng “thông tin độc lập cũng như thông tin tự do là những cái không thể có trong một xã hội nằm dưới sự kiểm soát của một đảng cộng sản như Việt Nam”.
Theo VOA