Đa dạng, đa văn hóa, đa sắc tộc… Đó là nước Mỹ, nơi bạn có thể thấy rất nhiều sắc tộc dị biệt, rất nhiều tôn giáo sinh hoạt hòa đồng với nhau. Thậm chí cũng có nỗ lực hòa đồng nhiều tính phái dị biệt (không phải chỉ 2 tính phái nam và nữ, nhưng còn là thêm nữa)… tuy còn bị một vài tôn giáo kỳ thị, nhưng mức độ không còn căng thẳng nhiều nữa. Thiệt ra, hòa đồng tới mức nào, hẳn là tùy địa phương. Bởi vì, không phải tiểu bang nào cũng như nhau, không phải thị trấn nào cũng như nhau. Trên nguyên tắc, may mắn, luật pháp Hoa Kỳ không cho kỳ thị…
Nhìn ngay như Bạch Ốc, một ông da đen thắng cử chức Tổng Thống Hoa Kỳ hiển nhiên là hy hữu. Barack Obama là Tổng Thống da đen đầu tiên. Và có thể (có thể thôi) sắp tới sẽ là một phụ nữ thắng ngôi Tổng Thống, nếu bà Hillary Clinton thắng phiếu Donald Trump. Nghĩa là, kỳ thị là không có chỗ (trên nguyên tắc) tại Hoa Kỳ.
Một điển hình: Quốc hội khóa 113 của Mỹ là nhiều tôn giáo dị biệt nhất. Đó là lần đầu hy hữu. Quốc hội khóa 113 là từ ngày 3 tháng 1/2013 tới ngày 3 tháng 1/2015.
Báo The Daily Beast phân tích rằng ai cũng biết Quốc hội khóa 113 khét tiếng là chia rẽ, tranh cãi, trì trệ…. Nhưng lại là một Quốc hội đa dạng nhất về tôn giáo tại Hoa Kỳ, cả trên Thượng Viện và Hạ Viện.
Như vị dân cử theo đạo Mormon quyền lực nhất là Thượng nghị sĩ Harry Reid (Dân Chủ, NV), cũng là Lãnh tụ Đa số trong Thượng Viện. Đạo Mormon nhiều nhất là ở Utah, trong khi TNS Reid lại ở tiểu bang Nevada.
Hy hữu cũng là trường hợp nữ Dân biểu liên bang Tulsi Gabbard, đại diện địa hạt 2 ở Hawaii, cũng có nhiều vị trí “đầu tiên” khi thắng cử: bà là người Mỹ Samoan đầu tiên trong Quốc Hội. Bà cũng là một trong những nữ cựu chiến binh tác chiến đầu tiên trong Hạ viện và Thượng viện, bên cạnh nữ Dân biểu Tammy Duckworth. Đặc biệt, bà Gabbard cũng là tín đồ Ấn Độ giáo đầu tiên trong Quốc Hội Mỹ.
Ba của bà Gabbard là một Phó Tế Công Giáo, nhưng mẹ là tín đồ Ấn Độ Giáo, và bà theo đạo của mẹ. Trả lời phỏng vấn của tạp chí India Abroad, Dân biểu Gabbard nói rằng bà đã “học kinh điển Bhagavad Gita (của Ấn giáo) từ thời thơ ấu.”
Có một hy hữu ít người biết: Dân biểu Bobby Rush không có bao nhiêu ngày Chủ Nhật ở thủ đô Washington DC. Lý do, vì trong tuần, ông làm công việc của một Dân biểu liên bang, nhưng cuối tuần ông là một mục sư, lãnh đạo hội thánh Beloved Community Christian Church ở thị trấn Englewood, Chicago.
Một hy hữu ít người biết nữa là trường hợp Dân biểu liên bang Justin Amash từ Michigan: Amash có mối dây liên hệ tới Syria, và Giáo hội Thiên chúa chỉnh thống Antiochan Orthodox Church.
Ông Amash có mẹ là người Syria, ba là người Palestine, được trưởng thành trong Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Antioch.
Có nhiều Dân biểu khác cũng trong Giáo hội Chính thống – trong đó có Dân biểu Darrell Issa (R-CA), Gus Bilirakis (R-FL), John Sarbanes (D-MD), và Dina Titus (D-NV) – nhưng không có ai theo truyền thống Antiochan, một truyền thống nối kết trực tiếp từ 2 vị Thánh: St. Peter và St. Paul.
Cũng có vô thần nữa: nữ Dân biểu Kyrsten Sinema từ Arizona lúc đầu tự nhận là vô thần, nhưng rồi tự nói nhẹ nhàng hơn rằng bà là người “chủ nghĩa bất khả tri” – nói cho đúng chữ nghĩa là “có tâm linh, nhưng không tôn giáo” (spiritual-but-not-religious).
Quốc hội 113 có hai Dân biểu theo đạo Hồi giáo. DB Andre Carson (Dân Chủ-IN) sinh trong gia đình Tin Lành Baptist, nhưng rồi cải đạo sang Hồi giáo. DB Keith Ellison (Dân Chủ-MN) sinh trong gia đình Công giáo, nhưng theo Hồi giáo khi là sinh viên đại học.
Có nhiều vị dân cử theo Do Thái Giáo, trong đó có Thượng Nghị Sĩ liên bang Ben Cardin.
Dân Biểu liên bang Rush Hold (Dân Chủ-NJ) là tín đồ duy nhất của Đạo Quaker trong Quốc Hội.
Dân Biểu liên bang Hank Johnson (Dân Chủ, Georgia) là một trong 2 Phật tử ở Quốc hội. Johnson nhậm chức Dân Biểu từ 2007, cũng là hy hữu, vì Dân Biểu da đen này theo Đạo Phật từ nhiều thập niên trước, trong khi gia đình ông không chia sẻ niềm tin tôn giáo này.
Phật tử thứ nhì là Thượng Nghị Sĩ Mazie Keiko Hirono (Dân Chủ, Hawaii) là phụ nữ gốc Á đầu tiên vào Thượng Viện liên bang Hoa Kỳ, cũng là TNS Mỹ đầu tiên sanh tại Nhật Bản, và là Thượng Nghị Sĩ Phật Tử đầu tiên. Bà tự xét là một Phật Tử không-tu-tập.
Trong khi đó, một Dân Biểu liên bang không phải Phật Tử nhưng lại là một người nổi tiếng tu-tập về thiền chánh niệm: DB Tim Ryan (Dân Chủ, Ohio) nhậm chức Dân biểu từ 2003, là tín đồ Thiên Chúa La Mã, sau khi tham dự một khóa thiền tập năm 2008 với 36 giờ im lặng đã nồng nhiệt quảng bá pháp môn Thiền Chánh Niệm. Dân biểu Tim Ryan mang trong người cả dòng máu Ái Nhĩ Lan và Ý Đại Lợi, đã viết ít nhất 2 cuốn sách về Thiền Chánh Niệm.
Mới biết, Quốc hội Mỹ đa dạng tuyệt vời.
Trần Khải