Mất 3 năm nghiên cứu và chế tạo trong tối mật, dự án Manhatan tốn 2 tỉ đô la. Cuối cùng thì cuộc thử nghiệm cho quả bom nguyên tử đầu tiên
xảy ra ở hoang mạc New Mexico. Một ánh chớp khủng lồ sáng hơn cả mặt trời có thể thấy từ xa 16 km. Một người lính ở xa 3 km bị hất tung.
Một người khác ở xa 8 km bị lòa mắt. Giàn thép cao chứa trái bom bốc hơi liền trong không khí, cát trong sa mạc nóng chảy thành một tấm
kính lớn trên mặt đất, một đám mây hình cái nấm bốc lên cao hơn chục km. Sức nổ của quả bom thử nghiệm tương đương với 67 triệu thanh
dynamite.
Dự tính ban đầu quả bom dành cho quân Đức. Nhưng đến tháng 7, 1945 Đức Quốc Xã bại trận, cuộc chiến ở Châu Âu kết thúc. Trong khi ấy
thì cuộc chiến ở Thái Bình Dương vẫn ngày càng khốc liệt. Kể từ sau cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Nhật vào Trân Châu Cảng, quân Mỹ
đã kiên cường đánh trả, chiếm từng hòn đảo của Nhật ở biển Thái Bình. Nhưng gặp sự chống trả mãnh liệt của lính Nhật. Hệ thống tuyên truyền
Nhật cho rằng lính Mỹ rất dã man, giết chóc hãm hiếp phụ nữ trẻ em…nên người Nhật thà chết chớ không chịu đầu hàng. Các cuộc ném bom
lửa lên các thành phố của Nhật dù gây thiệt hại nhưng xem ra không làm người Nhật lung lay. Quân đội Nhật hầu như còn nguyên vẹn, đàn bà
trẻ em ngày đêm được huấn luyện sẳn sàng chiến đấu với tre gậy vót nhọn. Trước tình thế ấy một cuộc đổ bộ lên lảnh thổ Nhật là điều không
thể tránh khỏi, dù ước tính thiệt hại nhân mạng cho lính Mỹ có thể lên triệu người. Trước đó các trận chiến nhỏ nhằm chiếm dần các hòn đảo
nhỏ của Nhật như Tinian, Saipan…người Mỹ đã bị tổn thất nặng nề bởi sự chống trả sống còn của quân Nhật. Quả bom nguyên tử đầu tiên
được quyết định thả lên nước Nhật. Đó là cách chấm dứt cuộc thế chiến sớm hơn 6 tháng, ít tổn hại nhân mạng cho người Mỹ. Và đó cũng là
giải pháp tối hậu sau nhiều lần cảnh cáo đến nước Nhật.
Trong khi ấy thì quân đội Nhật vẫn một lòng trung thành với Nhật Hoàng. Họ được huấn luyện mang bom lao vào xe tăng, dùng máy bay lao vào
các chiến hạm Mỹ để tự sát. Ngày 17 tháng 7, 1945 ở Hội Nghị thượng đỉnh Postdam với tam cường quốc đồng minh, tổng thống Truman đã hé
lộ về khả năng sử dụng “một vũ khí tối thượng” với Churchill. Và Stalin khi nghe tin ấy nói rằng rất phù hợp nếu dùng cho quân Nhật vào lúc ấy.
Tổng thống Truman đã cho người Nhật cơ hội cuối để đầu hàng. Các cuộc điện tin của Nhật được tình báo Mỹ giải mã cho biết Nhật Hoàng
không chấp nhận một cuộc đầu hàng vô điều kiện, vì như vậy sẽ đe dọa đến tính mạng Hoàng Đế và triều đại. Vì vậy người Mỹ đã sửa lại chút
đỉnh: buộc quân đội Nhật đầu hàng vô điều kiện. Làm như vậy để cho Nhật Hoàng có một lối thoát. Tối hậu thư được gởi đến Nhật. Nội các Nhật
thì lại xem việc này là một bước chùn tay của quân Mỹ, rằng người Mỹ sợ tổn thất nhân mạng và tinh thần quân đội Nhật còn rất hăng say vào
lúc ấy. Nhật không phúc đáp.
Và thế là 2 giờ sau khi thử nghiệm thành công, quả bom bí mật rời San Francisco theo chiến hạm USS Indianapolis đến hòn đảo Tinian sau 10
ngày trên Thái Bình Dương. Hòn đảo này sau khi chiếm được, Mỹ đã xây 4 đường băng lớn cho căn cứ không quân lớn nhất thế giới lúc bấy
giờ. Hơn 500 chiếc pháo đài bay B-29 từ Tinian bay vào đất Nhật Bản chỉ mất 6 tiếng. Mục tiêu chính là Hiroshima, Kurkurra và Nagasaki.
Hiroshima được chọn vì đó là một thành phố kỹ nghệ và quân sự lớn, nơi Quân Đoàn 2 trú đóng nhằm chuẩn bị phản công cho cuộc đổ bộ của
quân Mỹ.
3 chiếc máy bay cất cánh sáng ngày 6 tháng 8, 1945. Quả bom hơn 4 tấn gọi là “Cậu bé nhỏ” được chiếc B-29 tên Enola Gay ( tên người mẹ
của phi công Tibbets) chở đi. Chiếc thứ hai mang các thiết bị quay phim và chiếc còn lại lo việc chụp hình. Họ được phát viên thuốc cyanide, sẽ
ngậm tự sát phòng khi bị rơi vào tay quân Nhật. Sáng hôm ấy bầu trời Hiroshima thật trong xanh, ít gợn mây. Một chiếc máy bay Mỹ thám thính
bay trước để xem thời tiết làm còi báo động thành phố hụ lên. Người dân chạy tản mát vào các hầm tránh bom. 30 phút sau chiếc máy bay
thám thính biến mất, mọi người trở lại đường phố sinh hoạt như thường lệ của một thành phố sầm uất. Hàng ngàn lính Nhật tập thể dục buổi
sáng trong doanh trại. 8:15 phút sáng thành phố náo nhiệt vào ngày. Các trẻ em xong bửa ăn sáng và chuẩn bị đến trường.
Từ trên cao chiếc Enola Gay nhìn thấy mục tiêu cầu chữ T. Quả bom rơi, 43 giây sau ngòi kích nổ vào buồng uranium, các phân tử atom kích
hoạt phản ứng dây chuyền, 2 giây sau đó một ánh sáng chói lòa như quả cầu lửa rộng 300 mét. Nhiệt độ phía dưới quả cầu lửa lên đến 4 ngàn
độ C. Sức nóng kinh hoàng này để lại hình dáng của mọi thứ bị hủy diệt in hằn vào tường đá và kim loại. Quả bom tương đương 20 ngàn tấn
TNT đã làm những nạn nhân ở ngoài trời tan biến vào không khí hay thành tro bụi tức thì. Cùng lúc ấy sức nổ đem các luồng phóng xạ và tia
gamma đi xuyên qua tường nhà, đi vào các tế bào mọi sinh vật. Tích tắc sau đó là chấn động tàn bạo đi nhanh với tốc độ âm thanh. Nhà cửa bị
thổi tung biến thành hàng triệu mãnh vỡ bén nhọn xuyên thủng thịt da. Cả thành phố chừng như biến mất sau vài giây. Những nạn nhân sống sót
thì thịt da bị cháy bỏng, người biến dạng ám đầy khói bụi đen và họ từ các đống đổ nát gạch đá chui lên, tìm cách đi khắp mọi hướng trong im
lặng chết chóc. Cháy bỏng làm họ cảm giác thật nóng. Họ kêu gào xin nước uống, họ tìm cách chen chúc đi đến các sông hồ…Ở đó họ bị chèn
lên nhau chết ngạt. Bất chợt một cơn mưa rớt hột. Những hạt mưa đen rơi trên thành phố còn nhen nhúm cháy trong tro bụi. Mọi người há
miệng hứng nước mưa. Những giọt mưa to và nặng làm đau xót thịt da. Người ta uống giọt mưa đen mà không biết rằng họ đã uống lấy chất
phóng xạ. Không biết chính xác con số tử vong là bao nhiêu vào lúc ấy…
Chiều ngày hôm ấy, thị trưởng thành phố Hiroshima lên án Mỹ và khuyến khích dân chúng giữ vững lòng tin vào Nhật Hoàng và chiến thắng của
nước Nhật. Các nỗ lực cứu trợ bắt đầu cho Hiroshima. 3 ngày sau Nhật Hoàng vẫn không chịu đầu hàng. Tổng thống Truman tuyên bố "nếu bây
giờ họ không chấp nhận các điều kiện của chúng ta, họ sẽ phải gánh chịu cơn mưa tàn phá từ trên trời, những thứ chưa hề được biết đến trên
trái đất." Ông khuyến cáo người dân Nhật rời bỏ các thành phố công nghiệp ngay lập tức, rằng người Mỹ sẽ tiếp tục thả bom nguyên tử để đáp
trả quân đội Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng, đã đánh đập, giam cầm, làm chết đói các tù binh Mỹ trong chiến tranh ở Phi Luật Tân…làm kết
thúc chiến tranh sớm hơn và cứu hàng trăm ngàn binh lính Mỹ non trẻ. Những tờ truyền đơn được thả xuống từ trên cao.
Quả bom thứ nhì tên “Chàng mập” (và là quả bom cuối cùng mà người Mỹ sẵn có, trong khi người Nhật không hay biết) được thả xuống
Nagasaki. Trước đó dự định thả xuống Koruta nhưng do trời nhiều mây, xăng gần cạn, quả bom rơi không trúng mục tiêu mà rớt xuống một triền
thung lũng, không có một biển lửa nhưng cũng làm nhiều chục ngàn người chết. Nội các Nhật phải họp khẩn. Tokyo đã nhận được lời tuyên chiến
của Stalin ngày hôm trước và Hồng Quân tiến vào Mãn Châu. Ngày 14 tháng 7 phe chủ chiến của quân đội Nhật âm mưu một cuộc đảo chính
chống lại việc đầu hàng bất thành. Hôm sau Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng.
Cuộc thế chiến thực sự chấm dứt, lần đầu tiên bom nguyên tử được dùng và con số tử vong ước chừng khoảng 200 ngàn người. Đó là con số
không chính xác bởi nhiều nạn nhân là người Triều Tiên bị bắt làm tù binh ở Nhật. Các ý kiến trái chiều về vai trò của bom nguyên tử trong việc
thúc đẩy nước Nhật đầu hàng vẫn còn bàn cãi. Tháng 5 vừa qua, sau 71 năm, lần đầu tiên một vị Tổng Thống Mỹ tại chức đã viếng thăm
Hiroshima và tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến. Những câu nói đầy cảm xúc chân thành của cho các nạn nhân, về một thế giới không có
vũ khí hạt nhân. Nhưng không có lời xin lỗi nước Nhật.
Chạnh nhớ nạn đói năm Ất Dậu 1945 làm hơn 2 triệu người Bắc Việt đã chết. Trong đó ngoài nguyên nhân của thiên tai, mất mùa, đê vỡ, còn
có sự tàn nhẫn của cuộc thế chiến, của người Pháp và Nhật. Có đài tưởng niệm, có lời xin lỗi nào cho 2 triệu người năm ấy chưa nhỉ?
Sean Bảo