Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan. wikipedia
Một hôm trước khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, tin tặc Trung Quốc đã mưu toan tấn công mạng tin học trên tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đang hoạt động trên Biển Đông vào khi đó. Sự kiện xẩy ra từ tháng 07/2016 nhưng mãi đến ngày 21/10/2016 mới được nhật báo Anh Financial Times (FT) tiết lộ.
Theo FT, tin tặc đã gửi một tài liệu nhiễm mã độc, nhìn giống như một lá thư chính thức gởi cho các quan chức ngoại quốc lên thăm tàu sân bay của Mỹ. Mã độc này mang tên Enfal, được cấu tạo để lọt qua các hệ thống an ninh, thu thập thông tin về các hoạt động diễn tập và chính sách hiện hành. Mã độc đó cũng có thể tải thêm các virus khác về máy tính.
Financial Times cho biết là vụ tấn công xảy ra vào ngày 11/07/2016, một ngày trước khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết chống yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào lúc ấy, tàu sân bay hạt nhân Ronald Reagan đang tuần tra ở vùng biển này.
Tuy nhiên, theo Hải Quân Mỹ, vụ tấn công của các tin tặc đã không thành công, và không thấy có dấu hiệu nào là thông tin mật của chiếc Ronald Reagan bị đánh cắp trong vụ tấn công.
Theo công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ, một nhóm tin tặc tại Trung Quốc là tác giả vụ tấn công, và trong quá khứ, nhóm này đã từng đánh vào một số mạng quốc phòng của Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy là chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau vụ tấn công kể trên.
Theo giới phân tích, phương thức dùng để tấn công tàu Ronald Reagan tương tự như những gì đã được sử dụng để đánh vào một số cơ quan chính phủ và quân sự Việt Nam vào năm 2014, và đã tiếp cận được môt số thông tin mật liên quan đến chiến lược quốc phòng của Việt Nam.
Theo RFI