Có nhiều báo hiệu cho thấy thời TT Trump có sự phân công mới, Mỹ nặng về quân sự, Nhựt về kinh tế trong vùng Á châu Thái Bình Dương là diện và Biển Đông là điểm.
Tổng thống tân cử Mỹ, ngày 21/11/2016 tuyên bố việc đầu tiên ông làm khi bước chân vào Nhà trắng (ngày 20/01/2017) là rút Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại gọi tắt là TPP mà Mỹ và 11 nước đã ký sơ bộ, có một số nước như Mỹ, VNCS Quốc Hội chưa phê chuẩn nên chưa thành luật áp dụng trong nước.
Không phải mới đây mà từ khá lâu khi Ô. Trump tranh cử Ông đã chủ trương Mỹ rút ra khỏi TPP vì theo ông, TPP là một “thảm họa cướp mất việc làm của người Mỹ”. Thay vào đó, ông Trump dự tính sẽ đàm phán song phương để đạt các hiệp định thương mại nhằm “mang việc làm về lại cho người Mỹ.”
Sau khi TT Trump tuyên bố rút ra, thì hai nước thuộc văn minh Tây Phương là Úc và Tân Tây Lan mong muốn khác TT Trump. Thủ tướng Úc, Ô. Malcolm Turnbull nói Ông hy vọng ông Trump sẽ thay đổi ý định và ủng hộ TPP, hoặc hiệp định này sẽ được duy trì dưới một dạng nào đó, theo ý của tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ. Còn New Zealand đề nghị nên thương thuyết lại để đạt một hiệp định không có mặt của Hoa Kỳ.
Còn Nhựt khi Mỹ chủ trương và vận động cho TPP, Nhựt là nước ít mặn mòi nhứt theo nhận xét của ông Tim Harcourt, một kinh tế gia của trường Kinh doanh thuộc đại học New South Wales. Nhưng bây giờ sau khi TT Trump chia tay với TPP, thì Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo đã có kế hoạch giữ vai trò lĩnh xướng trong những nỗ lực hành động để bảo đảm cho TPP - một thỏa thuận thương mại lớn tầm toàn cầu - được thực thi càng sớm càng tốt.
Tại một cuộc họp báo, ông Yoshihide Suga tiết lộ Nhật Bản đã có kế hoạch vận động các quốc gia khác đã tham gia ký kết thỏa thuận này trong tiến trình thực thi TPP. Ông Yoshihide Suga không bình luận gì về tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc rút khỏi TPP trong ngày đầu tại nhiệm.
TT Obama của Mỹ sắp mãn nhiệm đi họp thượng đỉnh APEC tại Lima, đã cảnh báo rằng: «Không áp dụng hiệp định (TPP) tức là làm suy yếu vị thế của chúng ta (Mỹ) trong vùng». TPP là hiệp ước được Mỹ thời TT Obama vận động thành lập để hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và thiết lập các nguyên tắc thương mại theo kiểu phương Tây. Nó là một hình thức bao vây kinh tế của TC. Trong 12 nước của đôi bờ Thái binh dương, có CSVN mà không có TC. TPP là một chiến lược Mỹ bao vây kinh tế TC song song với chiến lược Mỹ chuyển trục quân sự về Á châu Thái bình dương để bao vây quân sự đối với TC.
Còn TC thì mừng khấp khởi. Một ngày sau thông báo của ông Trump, hôm 22/11, Chủ Tịch Tập cận Bình xuất tướng, cho đánh phèn la, chập chả, khua chiêng đánh trống, sơn đông mãi võ vận động cho dự án chiến lược «một đối tác kinh tế toàn bộ khu vực» gọi tắt là FTAAP với 21 thành viên và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, gọi tắt là RCEP với 16 thành viên, đáng chú ý là RCEP sẽ có Ấn Độ tham gia nhưng không có Mỹ. Chính Chủ Tịch Bình Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực thúc đẩy cả hai hiệp định này tại diễn đàn APEC năm nay.
Trong khi đó dù nói nhiều về TPP và chiến lược chuyển trục, nhưng TT Obama đã làm rất ít để ngăn chận đà bành trướng của TC. TC hầu như tự do chiếm biển đảo của các nước nhỏ. Còn TT Obama thì nói Mỹ không đứng về phía bên nào trong các cuộc tranh chấp biển đảo, Mỹ chỉ bảo vệ tự do hàng hải, như Mỹ thị thiền cho TC cướp biển đảo của các nước.
Thủ Tướng Nhựt Abe trái lại rất thực dụng, ra sức làm một trắc nghiệp về lập trường Biển Đông của TT Trump. Với thái độ và hành động ngoại giao khôn khéo, TT Abe ghé qua New York gặp TT Trump trước khi đi Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC. TT Shinzo Abe đã nhận được những thông điệp trấn an từ Donald Trump. TT Abe trở thành vị lãnh đạo quốc gia mà TT Trump ưu ái tiếp kiến diện đối diện đầu tiên, như người nhà, có con gái Ivanki khéo léo ngoại giao và con rễ Kushner thông minh đĩnh ngộ là tai mắt của Ô Trump ngồi nghe mà không phát biểu.. Ô Trump và Abe gặp nhau ở quan điểm bảo thủ cũng như xu hướng dân tộc trong chính sách của mình. TT Trump tỏ ra khó hay không hủy bỏ chiến lược xoay trục sang châu Á. Trong hoàn cảnh TC táo bạo, ngang ngược hiện nay, và với lập trường làm cho Mỹ vĩ đại trở lại, TT Trump chỉ có tăng, chớ không giảm quân lực và võ lực Mỹ ở khu Á Châu-Thái Bình Dương. Ông sẽ thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử - tăng cường nguồn lực cho quân đội, cho phép không quân và hải quân Mỹ tuần tra, trinh sát tự do hàng hải hàng không nhiều hơn ở Biển Đông. Ông sẽ tăng cường các quan hệ liên minh và đối tác với các nước xung quanh Trung Quốc. Chính quyền của ông thậm chí còn có thể hỗ trợ các cải cách an ninh và hiến pháp của Nhật Bản, góp phần ngăn chặn sự mất cân bằng quyền lực có thể gây bất ổn ở Đông Nam Á.
Xét cho cùng kỳ lý, Mỹ rút ra khỏi TPP nhưng còn có một nửa thành viên TPP đã từ lâu có hiệp định tự do thương mại song phương với Hoa Kỳ (FTA). GDP của hai nước Mỹ và Nhựt lớn bằng 80% tổng sản phẩm quốc nội của 12 nước tham gia TPP.
Mỹ và Nhật đã có mối tương quan đồng minh thân thiết, bền vững suốt 70 năm qua và sẽ vẫn cần nhau hơn trong tương lai. Hai nước cùng phân công nhau trong việc phòng chống TC. Mỹ lo quân sự, Nhựt chia xẻ quân phí với Mỹ. Nhựt lo kinh tế, Mỹ giúp Nhựt liên minh quân sự với các nước Á châu, nhứt là Úc, Ấn; Nhựt thành đầu tàu liên minh chống TC ở Á châu Thái bình dương. Cả hai Nhựt, Mỹ cùng bổ xung cho nhau để Nhựt trở lại thành đệ nhị siêu cường kinh tế và đối thủ đáng nể của anh láng giềng Cộng sản TQ.
Theo Giáo sư Thayer, hiện còn quá sớm để coi "TPP đã chết". Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố các nước có thể đàm phán lại hiệp định này. Một số nước thành viên ký TPP đã gặp nhau ở Diễn đàn APEC tại Peru tuần trước để thảo luận về việc xúc tiến hiệp định mà không có Mỹ và có thể mời Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên ông Thayer cho rằng khả năng Bắc Kinh tham gia là khó xảy ra vì TPP có những tiêu chuẩn của thể chế tự do, dân chủ mà TC độc tài đảng trị không muốn tuân theo
Vi Anh