Hôm nay, 12/12/2016, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres tuyên thệ nhậm chức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ở New York.
Lễ nhậm chức được tổ chức trọng thể và tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trình bày với đại diện 193 nước thành viên các dự án quan trọng đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như kế hoạch cải cách Liên Hiệp Quốc.
Ông Guterres, 67 tuổi, sẽ là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thứ 9, chính thức thay thế ông Ban Ki Moon vào ngày 01/01/2017.
Việc lựa chọn cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, nguyên lãnh đạo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, làm tổng thư ký tạo ra nhiều hy vọng giúp định chế này vượt qua các bất đồng để giải quyết các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là hồ sơ Syria.
Mặt khác, công việc của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ không đơn giản với việc ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ. Không ít người lo ngại tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ không đếm xỉa đến vai trò của Liên Hiệp Quốc.
Theo giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, việc đề xuất các cải cách Liên Hiệp Quốc, cũng như đưa ra các sáng kiến ngoại giao mới sẽ không dễ dàng đối với ông Guterres, chừng nào Donald Trump chưa lập xong chính phủ và cho biết rõ ý định, hướng đi của Hoa Kỳ.
Thắng lợi của ông Trump đã gây lo ngại về số phận của thỏa thuận về biến đổi khí hậu COP 21. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố là Mỹ sẽ rút ra khỏi thỏa thuận này.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm bà Nikki Haley, nguyên là thống đốc tiểu bang Nam Carolina, làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng là một tín hiệu tích cực. Bà Haley đã từng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán của Mỹ về các hồ sơ kinh tế quốc tế.
Theo RFI