Khi Saul thành Tarsus lên đường đi đến Damascus cả thế giới mà người ta biết đến vào thời ấy đều chìm đắm trong nô lệ. Chỉ có một nhà nước, đó là La Mã. Cả thế giới chỉ có một người chủ, người ấy là Tiberius Caesar.
Khắp nơi đều thái bình, vì cánh tay của luật pháp La Mã vốn dài. Khắp nơi đều ổn định, từ chính quyền đến xã hội, vì các bách phu trưởng chắc chắn chăm lo việc này.
Nhưng khắp nơi không chỉ có thế thôi. Có áp bức-đối với những ai không phải là bạn hữu của Tiberius Caesar. Có kẻ thu thuế lấy lúa ở trên ruộng và lấy sợi ở trên khung để nuôi các quân đoàn hay để lấp đầy ngân khố cạn kiệt mà Caesar thần thánh ban phát hào phóng cho nhân dân. Có kẻ đi bắt người về làm xiếc. Có những đao phủ bịt miệng những ai bị Hoàng đế kết án tử. Con người có ích gì nếu không phục vụ Caesar?
Có cuộc bách hại những người dám nghĩ khác, những người nghe những tiếng nói lạ hay đọc sách lạ. Có sự nô dịch những ai mà tổ tiên họ không xuất thân từ La Mã, có sự miệt thị những ai không có khuôn mặt thân thuộc. Và trên hết, khắp nơi có sự coi thường sinh mạng con người. Thế gian đông đúc thêm hay bớt một người thì có nghĩa gì đối với những kẻ quyền thế?
Rồi, đột nhiên, có ánh sáng trên trần thế, và người từ Galilee nói, Của Caesar trả về Caesar; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.
Và tiếng nói từ Galilee, sẽ thách thức Caesar, hứa hẹn vương quốc mới mà ở đấy mỗi người có thể bước đi thẳng đứng và không cúi đầu trước bất kỳ ai ngoại trừ Chúa của mình. Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. Và người loan tin mừng về Vương quốc của Con Người này đến tận cùng chân trời góc biển của thế gian.
Thế là ánh sáng xuống nhân gian và những người sống trong bóng tối lo sợ, cho nên họ cố gắng kéo màn cửa xuống để con người vẫn còn tin vào sự cứu rỗi ở những người lãnh đạo họ.
Nhưng chẳng bao lâu sau đó ở vài nơi sự thật thực sự giải phóng con người, mặc dù những người của bóng tối bị xúc phạm và họ ra sức dập tắt ánh sáng. Tiếng nói ấy nói, Các ngươi hãy mau lên. Hãy bước đi khi các ngươi còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ngươi, vì ai bước đi trong bóng tối thì không biết mình đi đâu.
Trên con đường đến Damascus ánh sáng chiếu chói lòa. Nhưng sau đó Paul thành Tarsus cũng rất lo sợ. Ông sợ những Caesar khác, những nhà tiên tri khác, ngày nào đấy có thể thuyết phục mọi người rằng con người chẳng có nghĩa gì ngoại trừ làm tôi tớ cho họ, rằng người ta có thể từ bỏ các quyền bẩm sinh Chúa ban cho để đổi lấy chén cơm manh áo và không còn bước đi trong tự do.
Rồi có thể sau đó bóng tối sẽ lại phủ xuống ở nhiều nơi và sẽ có đốt sách và người ta chỉ nghĩ đến chuyện nên ăn gì và nên mặc gì, và sẽ chỉ lưu ý đến những Ceasar mới và đến những nhà tiên tri giả. Rồi có thể sau đó người ta sẽ không ngước lên nhìn dù chỉ một vì sao mùa đông ở Phương Đông, và lần nữa sẽ hoàn toàn không có ánh sáng trong bóng tối.
Cho nên Paul, tông đồ của Con Người, nói với anh em mình, dân nước Galatia, những lời này mà ông sẽ khiến chúng ta nhớ lại về sau vào mỗi năm của Đức Chúa ông:
Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.
Vermont Royster
Trần Quốc Việt dịch
Vermont Royster (1914-1996) là cựu chủ bút về xã luận của báo Wall Street Journal.
Báo Wall Street Journal đăng bài viết này lần đầu tiên vào năm 1949. Từ đấy báo đều đăng lại hàng năm vào ngày 24 tháng 12. Tựa đề nguyên tác "In Hoc Anno Domini". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Những đoạn trích dẫn từ Kinh Thánh người dịch lấy từ bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Người dịch chân thành cảm ơn sâu sắc các dịch giả của nhóm phiên dịch Thánh kinh.
Nguồn:
http://www.wsj.com/artic...c-anno-domini-1450915168