Chính phủ Trump sẽ thò tay ngăn cản Trung Quốc ở Biển Đông tới mức độ nào? Sẽ đưa hàng không mẫu hạm vào Biển Đông, hay đưa phi cơ do thám, hay đưa tàu ngầm robot vào vi vu, chạy qua chạy laị, lạng tới lạng lui... hay sẽ tuyên bố dựng rào mậu dịch cấm vận TQ, như Obama đã dựng rào cấm vận đối với nước Nga thời Putin?
Chúng ta không biết chính xác tương lai, nhưng có những lời cứng rắn đưa ra... Vấn đề là, Bắc Kinh có sợ những lời hù dọa từ chính phủ Trump hay không?
Điều trước tiên thấy rằng, TQ không lùi...
Bản tin BBC ghi rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự của mình tại các vùng biển xa, bất chấp chỉ trích từ phía Hoa Kỳ, truyền thông nước này tuyên bố hôm Chủ Nhật.
Bắc Kinh dự tính sẽ tiến hành tập trận xa hơn ở ngoài khơi, cây viết Brian Pickrell trong bài đăng trên trang Daily Caller dẫn nguồn Nhân dân Nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói. Tờ báo cũng khẳng định các cuộc tập trận ở vùng biển sâu như những lần mà đội tàu trong đó có hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tiến hành trong thời gian gần đây sẽ trở thành các hoạt động bình thường.
Những hoạt động trên đã gây quan ngại tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương khi đội tàu do Liêu Ninh dẫn đầu đã đi tới các vùng biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, Tây Thái Bình Dương, Biển Đông, và Eo biển Đài Loan.
"Từ nay trở đi, việc diễn tập quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển xa sẽ trở thành thường lệ," Nhân dân Nhật báo viết.
BBC nhắc rằng trong những năm gần đây, các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động tại những vùng biển có tranh chấp, đã khuấy động sự bất ổn trong khu vưc.
Gây lo lắng nhiều nhất là việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, khiến căng thẳng dâng cao.
Tuy không chỉ trích hoạt động diễn tập của Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ công khai phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa các vùng biển có tranh chấp.
Trong khi đó, vết thương nhức nhối nhất của TQ luôn luôn là Đài Loan.
Bản tin RFA ghi rằng một lần nữa chính phủ Trung Quốc lên tiếng kêu gọi tân chính phủ Mỹ tôn trong chính sách chỉ có một nước Trung Hoa và Bắc Kinh là đại diện chính thức.
Lời kêu gọi này được nhắc lại sáng Thứ Hai bởi phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh.
Phát ngôn viên của Hoa Lục nói rằng chính sách chỉ có một nước Trung Hoa là nền tảng cho mối quan hệ tương lai giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh ở điểm chính phủ Hoa Kỳ phải tuân thủ quy luật không thiết lập ngoại giao với Đài Loan.
Cũng trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh còn nói là Trung Quốc có chủ quyền trên những hòn đảo mà họ đang chiếm giữ ở Biển Đông, kêu gọi tân chính phủ Mỹ không nên can dự vào những chuyện liên quan đến chủ quyền của Hoa Lục.
May mắn, chính phủ Trump tuyên bố cứng rắn...
Bản tin VOA ghi rằng tân chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 cam kết Mỹ sẽ ngăn không cho Trung Quốc chiếm lãnh thổ trong các khu vực hải phận quốc tế ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng “Hoa Kỳ sẽ đảm bảo bảo vệ các lợi ích của mình tại đây.”
Vẫn theo lời người phát ngôn Spicer, vấn đề đặt ra là liệu các đảo đó thật ra nằm trong lãnh hải quốc tế và không phải là một phần thuộc Trung Quốc hay không, nếu đúng vậy, thì Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng họ bảo vệ không để cho các lãnh thổ quốc tế bị một nước nào chiếm dụng.
Tuyên bố được đưa ra đáp câu hỏi liệu tân Tổng thống Donald Trump có đồng ý với phát biểu tuần trước của người được đề cử chức Ngoại trưởng, Rex Tillerson, rằng chớ để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo họ đã xây dựng trên Biển Đông.
Nan đề là, Mỹ rút Hiệp Định Tự Do Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP, và do vậy Việt Nam sẽ lệ thuộc Trung Quốc nhiều hơn.
Bản tin VOA ghi lời Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn cho VOA biết “Quyết định rút khỏi TPP ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho TPP, họ đào tạo cán bộ chuẩn bị cho hiệp định quan trọng này. Bây giờ tất cả phải dừng lại hết.”
Luật sư Định cho biết Việt Nam sẽ phải mất thêm thời gian nữa để thương thuyết cho các hiệp định song phương để thay thế TPP và “với chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump, thì điều kiện thương mại sẽ ngặt nghèo hơn đối với Việt Nam trong tương lai.”
Luật sư Định cũng cho biết ngay khi ông Trump sắp nhậm chức, Việt Nam đã dự báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi TPP, và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhanh chóng sang Trung Quốc mưu tìm sự hỗ trợ:
“Chính quyền đã ngay lập tức có một cuộc thương thuyết với Trung Quốc. Nhiều khả năng sẽ sớm ký một hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc. Rõ ràng việc rút khỏi TPP của Mỹ làm cho nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ nặng nề hơn. Chúng ta biết rằng lệ thuộc vào kinh tế sẽ lệ thuộc về chính trị.”
Bi thảm nữa, bản tin VOA ghi lời Luật sư Định nói rằng cơ hội có được công đoàn độc lập ở tuyến cơ sở và quyền lập hội của người dân theo như cam kết của Việt Nam trong TPP càng thêm mong manh:
“Việc rút khỏi TPP của chính phủ Hoa Kỳ khiến cho cơ hội mà người dân Việt Nam, người lao động Việt Nam có thể có được tổ chức công đoàn độc lập hoặc tổ chức xã hội dân sự càng xa vời hơn. Chỉ có những hiệp định thương mại có lợi cho Việt Nam như TPP thì mới có khả năng gắn chặt các chế tài nghiêm khắc, nếu Việt Nam vi phạm quyền lập hội và công đoàn độc lập.”
Luật sư Định dự báo rằng các quyền lập hội và công đoàn độc lập ở những nước bên ngoài Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, có nhiều khả năng sẽ không được chính quyền của ông Trump đặt ưu tiên vì các chính sách của ông Trump cho thấy mọi hiệp định thương mại “phải bảo vệ người lao động trong nước Mỹ.”
Cực kỳ gian nan... Biết làm sao bây giờ.
Trần Khải