Ảnh minh họa.
REUTERS/David Becker
Lo ngại về “Cuộc chiến tranh mạng mới trên thế giới”, tuần báo Le Point đặt câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu mạng Internet bị ngắt?”. Nhiều nước lo sợ một kịch bản tấn công mạng đồng loạt từ khủng bố hay từ các nước đối thủ lớn mạnh.
Hồi đầu tháng 11/2016, một vụ tấn công tin tặc lớn chưa từng thấy trong lịch sử đã nhắm vào Libéria. Toàn bộ đất nước Libéria bị mất mạng Internet. Trong suốt 1 tuần, tin tặc đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống thông tin liên lạc của Liberia, khiến cho việc truy cập Internet mất rất nhiều thời gian, thậm chí là không thể được. Thế nhưng, giống nhiều vụ tấn công mạng khác, danh tính của các tin tặc không được xác định một cách chính thức.
Theo nhiều chuyên gia, vụ tấn công này kiểu này có thể chỉ là một vụ “thử mạng”, theo kiểu “thử hạt nhân” của một nhóm hacker đơn lẻ, để lấy danh tiếng và thu hút khách hàng, nhưng cũng có thể là “vụ thử mạng” của cả “đội quân mạng” của một nước để kiểm tra khả năng “ngắt rời” một nước khỏi thế giới. Họ thường chọn một mục tiêu kinh tế không quá quan trọng và không có đủ khả năng tấn công trả đũa.
Tại một nước phụ thuộc nhiều vào Internet, chẳng hạn như nước Pháp, thì các vụ tin tặc có thể để lại những hậu quả trầm trọng hơn ở Liberia rất nhiều. Một vụ tấn công mạng vào các nhà máy điện hạt nhân của Pháp có thể khiến sản xuất điện bị ngưng ngay lập tức, kéo theo hàng loạt vụ khủng hoảng vì mất điện, ở bệnh viện chẳng hạn.
Các bệnh viện được trang bị máy phát điện dự phòng tốt nhất cũng chỉ trụ được tối đa vài chục giờ. Hệ thống giao thông sẽ nhanh chóng bị tê liệt và có thế gây ra thảm họa. Hệ thống cấp nước sạch, thường được quản lý qua Internet cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điều đáng lo ngại là, nếu khủng hoảng xảy ra, rất khó để thông báo rộng rãi cho người dân để họ cảnh giác, vì không chỉ mạng Internet mà cả mạng lưới điện thoại, truyền hình đều sẽ bị tê liệt.
Các chuyên gia mạng rất lo sợ nếu xảy ra tấn công mạng đồng loạt giữa các nước lớn, như giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ hay Israel vì đây là những nước hiện đại bị Internet chi phối. Các chuyên gia gọi đó là “trận chiến mù lòa”, vì bên nào được trang bị vũ khí hạng nặng, nhưng không ai biết bên nào bắn bên nào và bằng loại vũ khí gì để mà phòng ngừa và chống trả.
Trung Quốc đã thừa nhận quân đội có nhiều tiểu đoàn “đội quân mạng”. Còn quân đội và cơ quan mật vụ FSB của Nga cũng có nhiều “lực lượng số ”. Nhưng không ai biết thực sự những “đội quân mới”, “vũ khí mới” này được sử dụng như thế nào. Đôi khi để phá hủy một vài chục mục tiêu tin học, rất có thể nó sẽ phải phá hủy toàn bộ hệ thống Internet của một quốc gia.
Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian hồi giữa tháng 12/2016 đã cho biết: “Vũ khí mạng là một loại vũ khí hoàn toàn khác biệt”. Vì thế, ông Jean-Yves Le Drian đã cho thông qua một “học thuyết mạng” cho quân đội Pháp. Cũng giống như các liên minh trong NATO, nước Pháp đã cảnh báo: “Vũ khí mạng có thể là biện pháp đáp trả, hay một phần của biện pháp đáp trả trước một cuộc tấn công của quân đội nước ngoài, cho dù cuộc tấn công đó có phải là tấn công mạng hay không”.
Le Point trích lời ông Phillipe Humeau, một chuyên gia mạng của Pháp cho biết là câu hỏi mà các chuyên gia mạng đặt ra không phải là liệu chiến tranh mạng có xảy ra hay không, mà là khi nào nó xảy ra và việc chuẩn bị đối đầu với nó sẽ khó khăn thế nào. Vì thế, nhiều chính phủ và doanh nghiệp đang quan tâm tới chiến tranh mạng. Nhưng theo bà Axelle Lemaire, đặc trách nhà nước Pháp về công nghệ số, điều đáng tiếc là người ta chỉ nói tới “chiến tranh mạng” (cyberguerre) mà không bao giờ nói tới “hòa bình mạng” (cyberpaix).
Nhưng trong bối cảnh tấn công mạng như thời gian qua, Le Point kết luận bằng một câu chơi chữ mỉa mai: “Đoàn kết vì “hòa bình mạng”(cyberpaix) ư? Chắc chắn đó chỉ là một “giấc mơ mạng”(cyberrêve) mà thôi”
Theo RFI