Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói về kết quả các giải thưởng cho triển lãm trực tuyến về các loại giấy mời làm việc với công an.
Cuộc triển lãm được tổ chức và bình chọn trên mạng từ cuối tháng 12 và vừa được trao giải vào dịp Tết Đinh Dậu.
Trả lời BBC hôm 30/01/2017, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo của tờ Thanh Niên, nói đây là triển lãm lần đầu và ông dự định sẽ tiếp tục thực hiện hình thức này.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho biết ý tưởng triển lãm này xuất phát từ việc một số thành viên tham gia hoạt động xã hội dân sự liên tục bị công an mời gặp.
Ông nói nhiều người trong số họ nhận giấy nhưng không đi vì cho rằng kiểu mời hay triệu tập của công an như vậy là vi phạm pháp luật.
TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’
Ông cho biết trong đợt trao giải đầu tiên này có nhiều giải, được chia làm ba nhóm, gồm người nhận nhiều giấy mời nhất, người có giấy mời độc đáo nhất và người có giấy mời bất hợp lý nhất.
BBC: Ông có thể sơ lược về các giải?
Chị Dương Thị Tân, vợ anh Điếu Cày nằm trong số nhóm người nhiều giấy mời nhất với gần 50 giấy mời, giấy triệu tập.
Giải độc đáo nhất thuộc về nhà hoạt động xã hội Huỳnh Công Thuận, hội viên Hội Nhà báo Độc lập. Anh có cái giấy gọi là "lệnh mời" từ năm 1979. Tức là mời theo lệnh, tức là phải có mặt.
Giải giấy mời bất hợp lý nhất lúc đầu định chỉ trao một giải nhưng sau đó bạn đọc bình chọn tới bốn giải, trong đó có luật sư Hà Huy Sơn được mời đi bào chữa cho một nạn nhân bị đánh chết. Tòa ở quận Cầu Giấy, anh ấy cũng ở đúng quận đó nhưng sau khi tòa xử một tháng sau thì giấy mời mới đến.
Trường hợp của chị Đặng Bích Phượng thì sau khi chị đi biểu tình thị có lệnh bắt chị phải đi học tập ở phường 60 ngày. Chị Phượng không chấp hành nhưng sau 60 ngày người ta vẫn gửi giấy công nhận chị học tập tốt.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng nằm trong nhóm "độc đáo" vì có giấy triệu tập của công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) buộc anh đến làm việc về vấn đề nhân quyền sau khi anh đã bị Bộ Công an bắt tạm giam.
BBC: Giải thưởng này là gì và họ đón nhận thế nào, thưa ông?
Hầu hết những người tham gia triển lãm này cũng là để trưng bày những cái bất hợp lý mà chính quyền gây ra cho mình bấy lâu nay. Có những người bị mời đi mà không đi còn bị công an chặn đường bắt cóc rồi đưa đi làm việc.
Do đó việc trao giải, đa số với số tiền không lớn lắm cũng chỉ là tượng trưng nhưng mọi người đều rất vui. Giải cũng trong khoảng 2-4 triệu đồng mà thôi.
Và có những người cũng nhường giải thưởng họ được trao cho gia đình có người thân mới bị bắt. Chẳng hạn trường hợp anh Phạm Bá Hải, người đứng thứ nhì trong nhóm người nhận nhiều giấy mời nhất, đã nhường giải thưởng của mình cho các con bà Trần Thị Nga bị bắt gần đây. Hay chị Phạm Thanh Nghiên đã nhường số tiền giải thưởng cho gia đình em Nguyễn Văn Hóa, bị bắt trước Tết.
BBC: Cá nhân ông từng viết blog, tham gia biểu tình, tọa kháng…, ông nhận được bao nhiêu giấy mời?
Hồi tôi viết blog thì tôi nhận tới 6 giấy mời lên làm việc ở Sở Văn hóa Truyền thông (Tp HCM) để làm việc. Nhưng thực tế là khi tới đó đều có an ninh làm việc với mình.
Thì tôi có đi một hai lần thôi, còn hầu hết các lần tôi đi biểu tình hay tọa kháng thì không có giấy mời. Sau này khi từ Sài Gòn ra Hà Nội biểu tình thì tôi liên tục bị mời, mời tới ba lần ra làm việc. Dĩ nhiên là cả ba lần đó tôi đều không đi.
Còn những lần tôi tới thì từ năm 2013 về blog của tôi, tới đó thì tranh luận bài này bài kia, họ có quan điểm của họ, mình có quan điểm của mình nói rõ việc mình làm hoàn toàn đúng pháp luật và do đó các lần sau tôi không đi. Còn nếu tôi đi biểu tình mà bắt tôi lên xe đi làm việc thì đi.
Theo BBC