Trước sự hiện diện của khoảng 70 người tại bộ Nội An, tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cho phép khởi công xây bức Trường Thành Biên Giới vào lúc 1:30 trưa thứ Tư 25/1/2017; chỉ trong 5 ngày đầu tiên ngồi vào chức vụ tổng thống Hoa Kỳ, và chỉ bằng sắc lệnh, Trump đã thực hiện được nhiều việc như loại bỏ ObamaCare, ngưng tuyển mộ công chức liên bang, cắt viện trợ những nước không cấm phá ai,
hủy bỏ quyết định của nguyên tổng thống Barack Obama bắt ngưng đường ống dẫn dầu tại Keystone và Dakota.
Thực hiện cả 5 sắc lệnh này đều không tốn kém penny nào cả, mà lại còn giúp giảm ngân sách; nhưng sắc lệnh xây trường thành biên giới lại hơi tốn tiền.
Sau khi ký sắc lệnh xây “trường thành biên giới”, Trump tuyên bố, “Tôi vừa ký 2 sắc lệnh cứu sống hàng ngàn sinh mạng, tạo ra hàng triệu jobs, và hàng tỉ, hàng chục tỉ Mỹ kim. Cộng tác với nhau trên địa bàn kinh tế, và trên một biên giới an toàn, tôi chân thành tin tưởng là hai nước chúng ta sẽ kết chặt tình thân hữu chưa bao giờ có được.” Bốn chữ “hai nước chúng ta” có nghĩa là Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, và 6 chữ “cứu sống hàng ngàn sinh mạng” ám chỉ hàng ngàn người nghiện ma tuý.
Điều này tổng thống Trump lầm vì trong “hai nước chúng ta” nước Mễ không vui gì với trường thành biên giới, do đó họ quyết liệt không đài thọ chi phí xây cất.
Sắc lệnh chỉ thị cho bộ Nội An hãy tạm dùng ngân sách Hoa Kỳ để làm công tác dựng lên dải trường thành biên giới; phát ngôn viên Bạch Cung Sean Spicer giải thích là, bằng sắc lệnh, Trump có thể khởi công việc xây cất, nhưng ngày công tác hoàn tất vẫn cần có sự đồng thuận của Quốc Hội.
Giải thích về việc xây trường thành, Spicer nói, “ngoài việc giữ lời hứa trong lúc ứng cử, việc xây hàng rào biên giới còn cần thiết để ngăn cấm người di dân bất hợp pháp vượt biên vào lãnh thổ Mỹ, và ngăn chặn ma tuý, tội ác.”
Sau khi ký sắc lệnh, tổng thống Trump tuyên bố, “Một quốc gia không có biên giới không phải là một quốc gia. Kể từ ngày hôm nay Hoa Kỳ lấy lại quyền kiểm soát biên giới.” Thật ra từ ngày lập quốc, Hoa Kỳ vẫn kiểm soát biên giới nhưng không nghiêm túc bằng hệ thống trường thành của ông Trump.
Nguyên văn một câu trong sắc lệnh viết, “Với ngân sách khẩn cấp, bộ Nội An có khả năng khởi công việc xây trường thành biên giới;” nói rõ hơn là bộ Nội An không cần chờ Quốc Hội chuẩn thuận ngân sách, do đó sắc lệnh là bước khởi công của việc xây trường thành.
Thật ra 700 miles hàng rào biên giới đã có sẵn -do tổng thống George W. Bush dựng lên theo tinh thần đạo luật The Secure Fence Act ban hành năm 2006; sau đó, năm 2009, tổng thống Barack Obama cũng tiếp tục thực hiện việc dựng hàng rào đó, và đã hoàn thành bức rào 3,200 cây số. Nói cách khác, tổng thống Trump muốn xây dựng một bức tường thật chạy song song với những lớp rào sẵn có.
Việc xây dựng trường thành biên giới là một trong những chủ đề chính trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Ông hô hào “Build that wall!” (Xây Trường Thành) để tăng cường an ninh lãnh thổ và lấy lại công ăn việc làm do người di dân lậu “cướp” của công nhân Mỹ.
Lớp rào hiện hữu không đủ kiến hiệu, mặc dù lực lượng biên phòng Hoa Kỳ sử dụng drones và xe trong công tác thường xuyên tuần phòng. Nhưng phí tổn xây dựng trường thành biên giới lại quá lớn -trên $10 tỉ- nên Trump không muốn gặp trở ngại trong việc xin Quốc Hội chuẩn cấp ngân khoản; ông ra lệnh cho bộ Nội An cứ xúc tiến việc xây trường thành, phí tổn sẽ đòi Mễ Tây Cơ đài thọ.
Nhiều lần tổng thống Mễ Enrique Pena Nieto khẳng định là Mễ không bao giờ trả phí tổn xây bức trường thành chỉ với mục đích ngăn cản người Mễ di dân lậu vào lãnh thổ Mỹ.
Đòi Mễ trả chi phí xây trường thành quả không phải là dễ; chờ Quốc Hội cấp kinh phí xây cất không chỉ lâu thôi, mà cũng khó khăn lắm; ra lệnh cho bộ Nội An xuất ngân sách ra để ứng trước việc xây cất cũng đang trở ngại vì cựu bộ trưởng Michael Chertoff ước tính là việc xây cất theo kích thước của tổng thống đưa ra quá tốn kém, tốn từ 4 đến 8 tỉ Mỹ kim.
Ông Chertoff và bộ tham mưu của ông đã trình bầy một bản chiết tính tỉ mỉ: 2,000 dặm hàng rào cao 10 thước -như hàng rào khám đường- bên trên là dây kẽm bén, chỉ tốn có $851 triệu, thêm $362 triệu nữa, hàng rào sẽ được gắn điện có sức giật chết người, trong lúc xây trường thành cao 12 foot, dầy 2 foot sơn cả 2 mặt, tốn $2 tỉ.
Tuy tốn kém, nhưng việc kiểm soát kiến hiệu biên giới vẫn là nhu cầu của Mỹ; tháng Tám 2005, thống đốc 2 tiểu bang New Mexico và Arizona đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp, vì nạn ma túy vượt biên, người Mễ vượt biên lên đến mức quá đáng. Biện pháp đối phó là chính phủ liên bang cấp cho 8 quận biên giới của 2 tiểu bang này mỗi quận $2.2 triệu.
Ứng cử viên Donald Trump đòi chấm dứt tình trạng “biên giới bỏ ngỏ” bằng câu tuyên bố sẽ trục xuất vài triệu người Mễ di dân lậu; ông nói, “đang có tối thiểu 2 triệu phạm nhân hình sự ngoại quốc sống trên đất Mỹ. Ngay ngày đầu tiên tôi nhậm chức tôi sẽ đưa họ ra khỏi lãnh thổ Mỹ.” Trump đang thực hiện điều ông hứa hẹn ngày ứng cử, tuy nhiên, trục xuất cư dân lậu không phải là chuyện dễ, vì thống kê từ năm 2011 đã ghi nhận 11.5 triệu người.
Tóm lại khó khăn đầu tiên của việc xây trường thành biên giới vẫn gói vào câu hỏi “tiền đâu?” Phóng viên truyền thông đã nêu lên câu hỏi đó với tổng thống Trump, và ông trả lời, “bằng cách này hay cách khác, người Mễ vẫn sẽ bồi hoàn cho chúng ta; có hai cách bồi hoàn -một là thuế, hai là trang trải phí tổn. Có thể họ sẽ bồi hoàn bằng thuế; nhưng cách này hay cách khác, cũng vẫn là tiền Mễ xây trường thành biên giới ngăn cấm người Mễ, cấm ma tuý Mễ vào đất Mỹ.”
Phản ứng đầu tiên của Trump đối với việc tổng thống Mễ tuyên bố không bao giờ trả phí tổn xây tường biên giới là câu ông nói, “Nếu Mễ không trả tiền xây tường, tôi sẽ hủy bỏ cuộc gặp gỡ sắp tới với tổng thống Enrique Pena Nieto.”
Tóm lại, Donald Trump sẽ đánh thuế nặng hàng Mễ nhập cảng sang Mỹ: đa số là trái cây, rau, đậu -nông phẩm. Số tiền thuế đó sẽ trang trải chi phí xây trường thành biên giới.
Trên thực tế thì mọi thứ tiền thuế -đánh vào sản phẩm của bất cứ nước nào- cũng đều là tiền Mỹ, vì đã nhập vào ngân khố Mỹ; và như vậy thì trường thành biên giới xây cất trên đất Mỹ, và xây bằng tiền Mỹ.
Những người trả tiền thuế đánh trên bó rau, trái chuối made in Mexico cũng lại là người Mỹ; và điều đó có nghĩa là chúng ta trực tiếp đài thọ chi phí xây Vạn Lý Trường Thành Huê Kỳ. Đừng tưởng người nông dân Mễ trồng chuối, trồng rau sẽ góp phần trả chi phí xây Trường Thành, vì họ không trồng cọng rau, trái chuối chúng ta ăn, mà hãng Dole của Mỹ trồng.
Nhu cầu phải xây Trường Thành là đúng -thì cứ xây; người Mỹ cần đài thọ chi phí thì cứ bóp bụng đài thọ; nhưng xin tổng thống khuyến cáo nhà thầu xây cất, giới hạn việc mướn thợ hồ người Mễ, để tránh việc đã đuổi Mễ về Mễ, rồi lại vẫn phải mướn Mễ xây trường thành chống Mễ.
Nguyễn đạt Thịnh