logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 01/03/2017 lúc 10:48:55(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Xe chạy quá nửa ngày mới qua khỏi ranh giới Bình Tuy - Phan Thiết. Lại có câu chuyện vui của hai ông già ngồi cạnh nhau ở hàng ghế giữa xe. Giọng ông cụ râu ba chòm sang sảng:

“Xe đang chạy ngon trớn, mà thằng chả gọi giựt giọng la như cháy nhà. Cho xuống. Cho xuống. Tài xế chửi ầm lên, nói cái gì, mua vé tới Phan Thiết, sao mới qua ngã ba ông Đồn đã đòi xuống. Thằng cha mang kiếng râm, có cái gậy dò đường gác lên đùi, chưng hửng. Ủa tưởng tới Phan Thiết rồi. Rõ ràng ngửi thấy mùi…nước mắm. Chị đàn bà ghế bên cạnh đang ngủ há hốc miệng, dạng hai chân ra, tỉnh cả ngủ, giật thót người, khép đùi lại. Tài xế càu nhàu mà thằng cha kiếng đen thì cười tủm tỉm…”

Ông cụ râu ngắn tua tủa, ngồi cạnh cửa sổ có treo tòn ten cái lồng chim, cười sặc sụa. Cười mà nghe như tiếng la của người bị chẹt cổ. Không chỉ riêng ông cụ, hình như mọi tiếng cười trên xe đều khác thường. Có lẽ vì xe dồi dập quá.

Ông cụ râu ngắn xuề xoà dễ thương. Con vẹt trong lồng, trái lại, có bộ lông xanh mịn đẹp đẽ, mà sao coi cái mỏ khoằm khoằm thiệt khó cảm tình. In hệt mụ phù thủy trong các chuyện cổ tích, có vẻ dị ứng với tiếng cười, nó giận dữ nhảy nhảy, phẹt trong mỏ ra đủ thứ dơ dáy, rơi vãi cả vào khung cửa. Xe càng xóc, nó càng nhảy loi choi, càng phẹt dữ tợn.

Bác tài, làm như chưa tiêu hết bực bội gặp phải dọc đường, dọt thắng bạt mạng. Bên cạnh, bà vợ mặt mày chầm vầm, cà khịa:

“Biết nó đột xuất, không vọt thẳng cho lẹ, còn dừng lại để sanh chuyện.”

Vẫn bà vợ tài xế, cũng là chủ xe nữa, độc thoại:

“Thiệt tức chết được. Tui đã cúng cả tút thuốc lá Sài gòn Giải Phóng, khi không còn vái lia lịa thêm mấy gói ba số nữa chi. Bảnh dữ. Ha.”

Lại độc thoại nữa:

“Làm như của chùa. Thiệt ngu quá mà. Khi không cúng khan. Làm như ông hạp mấy cái mặt… đó hay sao mà hễ giấc ông chạy là nó xuất hiện.”

Miệng nói, hai tay bà vẫn đếm tiền lia lịa. Bác tài nhấn ga lao tới. Cả xe tối sầm, tưởng trời sập tới nơi. Lạng nghiêng. Vèo một cái như bay. Lại vượt mặt. Hú vía.

“Chạy ẩu nữa đi. Rút bằng lái lần thứ ba coi như treo mõm. Cả chục cái mõm chực ở nhà đó tía. Hứ, bộ điếc đặc rồi chắc. Người gì đâu mà mặt sưng mày sỉa như cái thớt bị vằm. Thấy mà ghê.”

“ĐM. Đủ rồi. Im cái mõm giùm, má.”

“ĐM. Tức sao im được mà im. Nói không đúng sao? Banh ta lông hai cái vỏ rồi. Coi như sở hụi đi đứt bòng bong…Cái mặt ông mới…ha…Ông ơi. Dừng lại. Dừng lại. Có khách lên. Lẹ. Lẹ lên.”

“Dừng gì nữa mà dừng. Nhét lên lòng chị à? Tham vừa vừa, chị kia.”

Một cái đầu ở hàng ghế số hai chồm tới. Anh ta mặc áo sơ mi xanh, quần ka ki. Coi mặt, đúng là cán bộ thứ thiệt.

“Làm phước cho người ta quá giang. Thời buổi này xe cộ hiếm lắm cán bộ ơi. Mỗi người chật một tí cho người ta khỏi lỡ đường lỡ xá. Dừng đi ông.”

Một trong hai chú lơ xe đập đập vào thành cửa. Hỏi vọng xuống đường. Gió vẫn ào ào. Tài xế làm thinh. Xe vẫn chạy bon bon. Chị đàn bà ngồi bên cạnh anh cán bộ thở ra.

“Nực quá. Thở hết nổi. Mở cửa sổ đi.”

Chú lơ xe đưa tay lên định kéo cánh cửa. Giọng bà chủ xe the thé:

“Ê Rạng. Qua trạm, mày đui sao hông thấy mày. Mở ra là dính ngay chóc nữa. Đóng lại.”

Cả hai lơ xe đều là cháu của vợ chồng tài xế. Láu cá, lanh lẹ, chú này tức thì đỡ cho chú kia:

“Chịu khó chút bà con cô bác ơi. Thông cảm dùm, qua trạm là mở cửa liền. Phạt lia chia…chị. Đã phạt là khỏi năn nỉ luôn.”

“Hừm. Phạt còn khoan hồng.”

Chị đàn bà mím môi. Anh cán bộ nhận ra ngay đồng chí.

“Chị công tác cơ quan nào?”

Bắt đầu màn liên hệ công tác.

Khu ghế giữa xe, tập hợp mấy chị buôn hàng chuyến. Ồn ào như chợ vỡ. Cười nói, ăn quà vặt, giỡn hớt. Tay không ngừng lột quít, bóc bánh. Vậy mà lọt vô góc trong sát cửa, một chị đàn bà lạc lõng, ngồi buồn hiu. Trên tay chị thằng bé con khoảng bốn năm tuổi, gầy trơ xương, chỉ thấy cái đầu to tướng, sài lở, tóc cạo lởm chởm. Thằng bé hau háu nhìn vô mấy cái miệng nhai mà mẹ nó thì cố đưa tay đẩy nó nhìn về phía khác.

Qua trạm kiểm soát, cửa sổ được kéo lên. Ném cái vỏ quít ra cửa, qua mắt thằng bé, một chị quay nhìn ông cụ râu ngắn, cười:

“Cụ ơi.”

Tưởng gì, cụ ông ngóng mặt chờ.

“Cụ có con chim đẹp quá.”

“Chim của cụ phải không?”

Biết bị trêu, ông cụ làm thinh, ngó mông ra ngoài cửa. Cây cối vùn vụt chạy trở ngược.

Cam, quít, chôm chôm do mấy chị đi buôn ném tới phía trước. Hai lơ xe chụp, bắt. Kìa, cả anh cán bộ đang bận “tham quan” nữ đồng chí cũng được ném tới mấy trái quít. Móc ngoặc mà. Ngay ở trạm xét đầu xa lộ, một số hàng vải lọt tỉnh queo. Cán bộ đã kín đáo can thiệp.

“Má à, má ơi. Con đói bụng.”

Hai khuôn mặt mẹ con, da tái bủng như chì, hẳn cùng bị một chứng sốt rét.

“Ngủ đi. Dựa đầu đây nè. Biểu ngủ.”

Mấy chị đi buôn nhìn bà mẹ với vẻ khó chịu. Mặt mũi khó coi quá. Người gì mà từ lúc bước lên xe, ngồi ủ rũ, chẳng thèm nhìn ngó ai.

Một tiếng ha dài. Chị nào đó thở ra, rồi những trái quít chuyền nhau nữa. Mấy chị đùa bỡn quá trớn thiệt, hai lơ xe mặt mũi non chẹt, nhưng mắt cũng hỗn lắm.

“Nhìn gì cha.”

Một cái vỏ chôm chôm bay tới. Chú lơ xe tên Rạng né được, cười thiệt đĩ.

Đang vui, bỗng một giọng rụt rè, lạc điệu:

“Bác tài ơi. Dừng xe một chút. Dừng cho…bị tui…”

“Gì nữa đây? Có xuống cũng đợi tới trạm, đâu xuống ngang vậy được. Bác muốn xuống há?”

“Không. Bị tui…tui…”

“Ông cụ muốn “lái”. Cho ông cụ lái thử đi bác tài ơi.”

Giọng còn thanh niên. Mọi người cười rộ.

Chỉ có bác tài là không cười nổi. Sáng ra ngõ có gặp gái không mà xui tận mạng. Có bị rơi vào giờ lưu niên không mà chậm trễ đủ thứ. Tới ngã tư Phan Thanh Giản, Hai Bà Trưng, nghe thổi roét roét. Công an núp đằng sau trụ đèn. Rề ra, giam không ra giam, tha không ra tha. Điều đình, năn nỉ, điếu đóm. Tên công an mặt còn vắt nước lã. “Nước lã thôi, mẹ nó, sữa đâu ra mà vắt.” Vậy mà bác phải bật diêm, che gió, mồi thuốc lá. Nữa, tới xa lộ, chận xét, xuống xe, dỡ hàng…Mấy bà đi buôn cũng đâu có vừa, hàng họ đủ thức hầm bà lằng. Rán dấu cho mấy bà rồi, mấy bà còn được thể, chất thêm lên cho đã…Tội nghiệp cái xe, quá tải. Hai lần thay bánh rồi chớ ít đâu. Điệu này, tới Phú Tài, dính nữa.

“Dừng lại cho người ta…”

Giọng người vợ như thọc dao vào cổ bác tài. Rầm. Một ổ gà. Cả xe nhẩy nhổm. Rầm nữa. Còn gì là xe, là người. May quá, qua đoạn đường xấu, xe lại bon bon.

“Bác tài ơi, làm ơn…”

Ông cụ râu ba chòm đấy thôi. Mới đó, mặt mày rạng rỡ, kể chuyện nước mắm Phan Thiết, giờ dúm dó trông tội nghiệp. Một người đàn bà mập ú, nãy giờ ngồi dãy ghế chót, ngủ hết biết, cũng mở bừng mắt:

“Cái gì? Mấy con lợn của tui ở trên mui xe kêu dữ quá. Có dừng xe chưa? Ế, Rạng, Rạng, cho nó uống tí nước.”

Chẳng ai nghe tiếng lợn kêu. Lơ xe cười cười:

“Có bà khát nước thì uống đi. Tội quá, má. Tự nhiên kêu rầm lên.”

“Không phải há?”

Bà ta nghẹo đầu ngủ tiếp, thiệt dễ. Bà chủ xe vội cuộn tròn mớ tiền, nhét vô bụng, đi xuống cuối xe. Có tiếng gà sống kêu. Bà chủ xe vừa đạp phải nó. Phải vất vả lắm, bà ta mới leo qua được đống hàng, lách qua đám người ngồi ghế xúp.

“Có dầu đây. Bác cần hông?”

Ông cụ râu ngắn chủ lồng chim, đỡ chai dầu, nói:

“Dầu mà ăn nhằm gì. Bác đây đau bụng đi cầu…Đau dữ lắm.”

“Khổ, mới đây dừng thay bánh xe, sao cụ không đi cho cụ ơi…”

Ông cụ lúng túng. Bạn già đỡ lời:

“Mới đau đây thôi, bà chị. Đau bụng thì ai biết khi nào nó đau.”

Anh cán bộ lớn giọng:

“Này, lái xe. Dừng cho người ta nàm vệ sinh.”

Xe đang qua mấy trụ sở hành chánh, rồi đồn công an nữa. Mọi người nhìn ra, thấy cờ đỏ sao vàng phất phới.

Giọng bà chủ xe ngọt xớt:

“Bác ơi, chịu khó chút đi. Ráng qua khỏi đây, chạy tới nữa mới dừng được.”

“Chị nói bác tài dừng đại đi. Người ta tới nơi rồi…”

Bà chủ xe nhìn lui, lắc đầu:

“Hổng được đâu. Ý cha, tui mà biểu một tiếng là thằng cha càng sùng máu, dọt lẹ hơn thì có. Bị…bà con cô bác đi xe đò cũng hiểu. Làm dâu trăm họ bà con ơi. Xe của mình, mình làm chủ. Hư hao, sửa chữa, mua sắm vỏ ruột gì, gì cũng chủ xe chịu. Nhưng nhà nước quản lý, bán vé, thâu tiền.

30Tuyến đường chủ xe có mấy ghế à. Vậy mới phải xin bà con cô bác thông cảm vụ rước khách dọc đường. Không rước thêm, lấy đâu ra vỏ ruột mà chạy. Ha, khổ lắm, bà con không biết đâu. Riết rồi chịu không thấu…”

Ông cụ râu ba chòm mặt đã tái ngắt. Mồ hôi rịn giọt trên trán. Ông thu cả hai chân lên ghế theo thế ngồi sẵn sàng. Tay giữ chặt bụng.

“Này chị ơi, người ta chịu hổng thấu kìa…chị nói những gì đâu.”

Lơ xe đứng chắn ở cửa:

“Coi. Lại trụ sở hành chánh. Cái gì nữa đây…Mặt trận…trụ sở phường. Ý cha, thứ dữ hông…Nín. Nín chút cụ ơi.”

Bà chủ xe:

“Ừa, rán đi bác. Chút xíu. Chút xíu. Tới liền.”

“Cái bà này mới vô duyên. Ỉa cục cứt cũng như đàn bà đẻ. Bà đẻ, bà nín được hông mà biểu người ta.”

Một giọng nặng vẻ càu nhàu. Ông cụ rùng mình mấy cái, rên:

“Ui cha. Ui cha…Tui, tui…Ui…”

“Khổ chưa. Xì mẹ nó ra rồi.”

Ông cụ râu ngắn ngồi bên giật thót người. Con vẹt trong lồng bỗng nhảy dựng, kêu lên một tiếng: Cục. Tưởng nó lại nổi giận. Không, con vẹt có vẻ khoái trá. Nó đổi giọng êm ái: cục cù rù, cục cù rù…

“Không xong rồi bác ơi. Chao ơi…”

Ông cụ râu ba chòm buông tay ôm bụng, đưa về phía bạn già muốn níu. Ông cụ râu ngắn một tay giữ bạn, một tay đưa lên.

“Đã tới nước này thì…cũng phải liều thôi. Bác cứ làm đại đi. Ai có bao ny lông không? Lẹ lên. Nín không xong đâu…Đấy. Rán, rán tí.”

Mấy túi bọc trái cây vất dưới chân, được lượm lên. Cái nào cũng teng beng hết. Mấy bà thăm nuôi cúi lôi từ trong giỏ xách ra những bọc nhỏ, gỡ bớt lớp ni lông bao ngoài. Được bốn năm cái. Mấy người đàn ông với ông cụ có lồng chim vây lấy ông già râu ba chòm. Đàn bà cũng dồn cục, đạp cả lên nhau.

“Ngồi đại lên ghế.”

“Bỏ quần ra. Già rồi mà còn nai nịt chi chắc chắn vậy nè.”

“Lôàng ba bốn cái bao nữa coi. Lẹ lẹ cho chút. Mấy chị đi thăm nuôi, hy sinh thêm…”

“Còn ngượng nữa, cha. Ngồi chồm hổm đại đi. Vậy đó.”

“Bỏ tay ra. Túm chi nữa vậy. Bỏ ra, nó dính đầy hết giờ.”

“Khổ qua, cụ còn muốn che con nhím. Mấy chị ngó gì dữ vậy, nó sợ thun cha nó hết rồi.”

“Đồ mắc dịch.”

“Ý cha già ơi…Đừng nhúc nhích. Từ từ…ý…ặc…ặc…”

“Dữ dội quá vầy nè.”

“Súng xưa, cổ quá, bắn gì kêu phành phạch, rồi phành phạch…”

Người đàn ông phụ với ông cụ râu ngắn giữ bọc bao ni lông quay mặt ra sau thiếu điều gãy cổ:

“Khiếp. Khiếp quá cụ ơi. Ắc…ắc…xì…”

Một ông phía sau nhón lên:

“Sướng chưa bác ơi.”

“Phướng”

“Phẻ”

Cả xe cười ầm, mặc cho mồm miệng lãnh đầy mùi phẩn.

“Ông nội ơi, thúi gì mà thúi dữ thần.”

“Giấy nè. Lau đỡ bác ơi.”

“Phướng. Phẻ. Quá xá đã, phải hôn?”

“Túm lại đi. Trời đất, còn chưa cột lại nữa.”

Người đàn ông túm chặt miệng túi lại. Xin thêm tờ nhật trình Sài Gòn giải Phóng bao thêm một lớp ngoài nữa. Mặt ông già sướng rân. Ba chòm râu cứ nhúc nhích, nhúc nhích.

“Cám ơn bà con cô bác. Thiệt muốn chết luôn. Cám ơn. Cám ơn. Cám ơn bác. Cám ơn mấy cậu, mấy chị. Mấy chị đi thăm nuôi học tập phải hôn? Tui cũng đi thăm thằng con đang cải tạo ở trển.”

“Vượt biên hay phản động, bác?”

“Không, nó đi tù hình sự.”

“Dữ hôn. Hình sự, bộ…”

“Ăn cắp, trộm cướp?”

“Hổng phải đâu. Thằng con tui thiệt thà lắm…Bị nó chém người ta.”

“Hơ, thiệt thà mà giết người, ông cụ có lẩm cẩm không?”

“Thiệt mà. Nó chỉ nổi sùng xách dao làm cái rụp. May còn ngắc ngoải đưa vô bệnh viện cứu sống, không đã tử hình rồi.”

“Thứ dữ”

“Dữ dằn gì ba con cô bác ơi. Nó hiền khô à. Gặp hoàn cảnh nó ai cũng nổi điên như nó thôi. Nó bị thằng khu vực mần tiền quá chịu không nổi. Rồi thằng khu vực còn tính làm hỗn con vợ nó, nó lụi liền một dao.”

Mấy cái lưỡi le ra. Anh cán bộ nhăn mặt. Con vẹt trong lồng lại xù lông, nhẩy dựng lên: Cục cù ru. Cục cù ru. Lạ chưa. Vẹt mà sao nó kêu cục cù ru, nghe êm như tiếng chim câu gù nhau. Ông già râu ngắn vỗ cái đét vào đùi bạn:

“Cù ru. Cu rù. Phẻ phắn. Quá xá quà xa, há? Thôi bác ơi, bỏ cái gói xuống chân. Vàng bạc, hột xoàn gì mà ôm khư khư vậy.”

Không ai để ý tới cái xe đang chạy. Nãy giờ, bác tài xế có cho chậm xe lại. Thỉnh thoảng bác liếc qua kính chiếu hậu, miệng chửi thề búa xua.

Mọi cửa sổ lại được kéo kín mít. Trạm kiểm soát nữa. Lơ xe kêu oai oái.

“Ngồi ngay lại dùm. Bà con. Lẹ đi. Mấy cái ghế xúp chịu khó thụp dùm cái đầu xuống. Ba, còn cái cửa sổ kìa. Có đóng ngay lại không?”

Cửa sổ ngay chỗ cán bộ ngồi. Lơ xe vừa kéo lại, tức thì, chị đồng chí kêu lên:

“Mở ra. Trời ơi. Đóng cửa, thúi quá, nghẹt thở chết mất. Mở ra.”

Qua cơn xất bất của ông cụ rồi, giờ mới tới lượt cả xe lãnh đủ. Mấy bà hết cười nói nổi, rên rỉ:

“Ghê quá đi. Chết mất.”

Mùi phân càng lúc càng nồng lên, như đã chui vô cổ họng mọi người, nuốt bao nhiêu nước miếng cũng không chịu xuống bụng. Sự vui vẻ, lòng tử tế ban đầu, bây giờ biến thành tiếng cằn nhằn, chửi thề.
phai  
#2 Đã gửi : 01/03/2017 lúc 10:51:01(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Vừa qua trạm, cửa sổ được lùa ra. Thôi thì, cả dãy đầu thò ra ngoài, hít lấy hít để. Lơ xe:

“Bà con đưa đầu ra, xe ngược chiều nó xin cái đầu làm banh, ráng chịu à nghen.”

Lạ. Sao cửa đã mở tung mà mùi phẩn vẫn luẩn quất trong xe, nhất định không chịu tan theo gió. Xe vừa ra đồng trống, giọng anh cán bộ như ra lệnh:

“Còn chờ gì nữa mà chưa giục nó ra ngoài. Ném đại đi.”

Có giọng phụ theo:

“Giục đại đi. Cụ ơi. Giục mẹ nó ra cửa.”

Bà chủ xe:

“Y cha. Khoan. Khoan giục. Đang qua một cái trạm cải tạo đó. Giục xuống lính gác tưởng phá hoại, nổ súng là tiêu luôn bà con cô bác...”

Tiếng ơi của bà chủ xe cũng bị đứt khúc vì sặc mùi. Ai đó rên rỉ:

“Giời ơi là giời…Càng lúc càng nồng nặc…chờ tới bao giờ.”

Con vẹt. Lại nó nữa, bắt mùi hay sao mà lại cục cù ru, cúc cù rù. Nhảy nhót loi nhoi như hứng chí.

“Im. Ông nội mày. Thúi hoắc mà ca hoài.”

Ông cụ râu ngắn, nhìn con vẹt, cố khôi hài:

“Ca sĩ. Nghỉ chút. Chờ bớt thúi hãy cất giọng oanh vàng.”

35Chẳng ai cười. Mặt ông cụ râu ba chòm, mới nhẹ nhõm đó, lúc này coi ngượng ngập, rụt rè. Cụ liếc nhìn bà con trong xe, rồi liếc xuống cái gói bọc tờ Sài gòn giải Phóng. Thiệt là của nợ. Ôi giời. Đúng là nó hành ông, chỉ mấy phút mà thấu ông trời xanh. “Giải Phóng” ra khỏi ông rồi mà sao nó còn hành đồng bào dữ vậy nè. Chỉ việc giục cha nó ra cửa sổ xe là êm re, mà sao cũng khó khăn, đủ thứ trở ngại. Ông bạn già râu ngắn, mới truyện trò, giúp đỡ, giờ cũng quay mặt đi ngả khác. Chỉ có anh cán bộ ngồi ghế trên có vẻ ít bị chi phối nhất. Anh ta đang bận “liên hệ công tác” chặt chẽ với chị đồng chí ngồi cạnh. Cả hai đang “bảo quản bí mật công tác”, cố kiềm tiếng nói, tiếng cười, không cho phì ra. Mắt anh cán bộ liếc quanh, đầu rụt thấp, co người lại. Trên miếng kiếng nhỏ chiếu hậu, bác tài đưa mắt, nói lớn:

“ĐM. Vặn cổ cái con cục cù ru đi. Cu ru cái củ…”

Không trầm trọng lắm đâu. Giọng bác tài đã bớt vẻ gay gắt. Xe vẫn giữ một tốc độ. Bà vợ:

“Thằng cha vô diên…”

Mùi phân vẫn nồng nặc. Lại bàn cãi sôi nổi:

“Ăn nhằm cái gì mà thúi dữ dzậy.”

“Thì ông già đớp lia. Ở bến xe làm một hơi mấy cái bánh ít, rồi bánh cam. Thấy hông, cái rổ bánh cam của con nhỏ ruồi bu đen kịt. Ăn tạp vậy không đau bụng cũng uổng.”

“Tui nói thiệt, cái bao tử của tui từ ngày Giải Phóng ăn bo bo mà chịu được thì khỏi phải sợ dịch tả dịch hạch nữa đi. Nó thành sắt thành thép hết trơn rồi.”

“Cha mày. Đòi ăn cái nỗi gì. Hửi chưa no sao đây. Chết tiệt.”

Chị đàn bà bế con, người xanh như tàu lá, ốm tong teo, bé loắt choắt mà hét lớn tướng. Còn phát cái đét vào đít thằng nhỏ. Thằng bé ngoác mồm, khóc hà rầm. Chị ta bịt miệng nó.

“Câm. Ngậm miệng lại không. Ui giời ôi. Ngậm”

“Tội nghiệp. Nó đói quá rồi.”

“Còn vài củ khoai, đòi bằng được rồi lát trưa lấy cứt nhét vô miệng mày há…”

“Hừm.”

Anh cán bộ quay lại nhìn. Chị cán bộ kéo áo ngồi ngay ngắn. Người đàn ông ngồi kế chị ta đưa tay che miệng ngáp hoài. Nãy giờ, anh ta buồn ngủ mà không ngủ được. Tội nghiệp, mặt mày anh ta còn căng thẳng hơn cả những người trong xe đang chịu trận chung.

Khổ nỗi vận tốc xe sao cứ đều đều. Lơ xe cho biết, ngang đồn công an, mấy trại cải tạo mà chạy nhanh cũng dễ bị tình nghi, chặn lại làm khó dễ. Cho nên khi vừa thấy bác tài nhấn ga, dọt tới lẹ làng, bà vợ quay người lại, vui vẻ:

“Được rồi cụ ơi. Giục đại ra.”

Ông cụ râu tua tủa co hai chân lên ghế, nhường chỗ cho ông cụ râu ba chòm đứng dậy, chồm tới bên cửa sổ:

“Coi chừng, nhoài ra ngoài hãy ném. Gió thổi tạt vô lại trong xe còn khổ cả đám nữa, cụ ơi.”

“Yên chí. Tôi biết.”

Ông cụ bỗng mạnh mẽ như một thanh niên. Một tay vịn cửa, một tay sẵn sàng cái gói. Ông chồm người ra, liệng mạnh. Chừng đó con mắt hồi hộp theo tay ông. Cái gói của nợ đã rơi đâu mất hút ở ngoài rồi, mà ông cụ thì né tránh. Một vòi nước tưởng đâu từ trên trời rót xuống, nhẩy múa ngoài cửa xe. Mặt mũi, tóc tai ông cụ ướt nhẹp. Chị đàn bà mập ú, nãy giờ, thây kệ cái gói của nợ bốc mùi, vẫn ngáy o o, bỗng vùng dậy, đập tay vào đùi cái bốp.

“Mèn ơi, cái cặp heo của tui…Nó tưới…hi hi. Tưới sao mà đúng lúc vậy nè. Hi hi, ha ha, hô hô hô…”

Chị ta tiếp tục cười, răng cửa văng đâu hết trơn. Cả xe dậy tiếng cười theo. Tài xế giật mình, cằn nhằn:

“Cái gì vậy? Cái gì. Bộ điên hết rồi hả?”

Bà chủ xe, gập cả người lại, vịn tay vào ghế:

“Chết mất, hi hi…hu hu…”

“Đụ má. Chết chưa. Chết đi…”

Tài xế rủa vợ, rồi mắt dán vào kiếng chiếu hậu.

Ông cụ râu ba chòm đã lùi vô trong, mặt mũi lơ láo, đầu tóc lưa thưa thì ướt nhẹp mà ba chòm râu thì vểnh lên. Coi, mấy chị đi buôn, cười gì mà tới nỗi nước mắt nước mũi ràn rụa. Ông cụ ngỡ ngàng, rồi bất bình, nhưng khi bắt gặp cả nụ cười hả hê của ông bạn già ngồi bên, thình lình chính ông cụ cũng há miệng cười ha hả.

“Hổng sao. Bà con cô bác chịu đựng rồi. Giờ tới phiên tui. Luật nhơn quả mà. Cứt heo thúi khác cứt người một chút, cũng là cứt cả…”

“Khăn đây cụ ơi. Lau đi. Thiệt khổ với cha quá mà.”

Một ông chuồi tớt cái khăn. Ông ta đã hy sinh một bình nước mang theo uống để dấp khăn cho ướt. Sau trận cười hả giận, mọi cái nhìn đến với ông cụ đã đầy vẻ thân thiện.

“Trời còn thương bà con. Hổng phải cứt. Mới nước đái heo. Phải hông? Bà con hửi coi.”

“Lão già mắc dịch, hết bắt ngửi của nợ của lão, giờ bắt hửi nước đái heo…”

Ông cụ cười xuề xòa. Chỉ thoáng chốc, trong xe như rộng rãi hẳn ra. Chị đàn bà ghế hai tám nựng con. Anh cán bộ huýt sáo miệng. Lơ xe mồi thuốc lá cho nhau. Bà chủ xe vui vẻ:

“Bà con cô bác thở đi. Thở nhiều vô cho khoẻ.”

Ông cụ râu ngắn đưa tay lau nhẹ cái lồng chim:

“Ca lên đi. Ca lên cho bà con cô bác nghe mày.”

“Nó biết hát hả bác?”

Anh cán bộ hỏi. Ông cụ khoe:

“Của thằng rể tôi đấy. Nó hát như có Bác Hồ giỏi lắm. Hát coi, mày.”

Con vẹt nhẩy nhẩy như né tránh. Nãy giờ mọi người cười sao nó buồn hiu vậy? Cái mỏ khoằm khoằm. Mắt ứa những gân máu đỏ, làm như chỉ chực mổ người ta. “Động viên” con vẹt không xong, ông cụ đùa với bạn:

“Nó tiếc cái của nợ của cụ đấy cụ ạ.”

“Má ơi, má à. Ăn.”

Lại thằng bé. Ông cụ râu chòm lẹ làng lôi trong bị lát ra mấy cái bánh cam, chuyền qua hàng ghế sau tới tay thằng bé. Nó đút ngay vào mồm.

“Đó, lại cho thằng nhỏ ăn ba cái đồ ma vào, nó lại bĩnh ra thêm một gói nữa.”

Chị đàn bà làm thinh. Ai biết chị nghĩ gì. Thằng con thì ăn lấy ăn để, mà chị thì cứ đưa mắt ra ngoài cửa sổ. Xe đi ngang qua những miếng đất khô cằn, cỏ cũng không mọc lên nổi. Rồi một khu xóm có vẻ bỏ hoang từ thời chiến tranh, những hàng dừa xanh, nối tiếp nhau. Có cây dừa, đứng trơ vơ giữa đồng trống, ngọn bứt đâu rồi, chỉ còn thân cây cụt đầu, nám cháy.

Trong xe đò, mọi người đang lúc vui vẻ quá đáng. Lại có chuyện tiếu lâm đời xưa.

…Hồi đó, trai gái hẹn hò chỉ có nước đem nhau ra đồng, chớ làm gì có khách sạn, nhà ngủ như thời bây giờ. Cô cậu tình tự sau bụi cây. Chàng kêu: Anh mà không lấy được em thì anh chết…Nàng cũng: Em mà không lấy được anh thì em cũng chết. Sau bụi cây có ông lão táo bón. Đang khổ cực vì cục nợ đời. Nghe trai gái nỉ non, ông la lên: Tao mà ỉa không ra, tụi bây cũng chết…

Câu chuyện trong đời, người nào cũng đã nghe mòn tai, vậy mà ôi thôi, cười tới nổ bóng đèn.

“Chết thiệt chứ. Ở ngoài tôi, chỉ vì cục cứt mà đánh nhau vỡ sọ nà thường.”

15Giọng miền Bắc đặc sệt. Người đàn ông, nãy giờ chưa hề mở miệng, lên tiếng. Cán bộ nữa chắc? Cũng áo bộ đội mà sao coi xác xơ, tiều tụy.

“Trong Nam, gì chứ món phân tươi, quả nà vượt chỉ tiêu. Ở ngoài Bắc chúng tôi, phân tươi quí như vàng. Các bác mà ra ngoài đồng, ngồi chưa yên chỗ đã có cả chục cặp mắt theo dõi, rình mò. Vừa đứng dậy nà đám hốt phân nập tức ùa tới, giành nhau, đôi khi đòn gánh còn phạng nhau vỡ sọ ấy chứ nị…Chả dấu gì cô bác, tôi nà dân Bắc kỳ chính hiệu bà nang trọc đây. Trước cũng nàm nghề bới cứt rồi, mà đủ sống đâu. Nhà nước phát động kế hoạch giãn dân vào Nam. Nghe nói trong Nam đất đai phì nhiêu, ruộng cò bay thẳng cánh, mà Mỹ Ngụy nó thả chất độc màu da cam, phá hoại căng lắm. Giờ, phải di dân ngoài vào tiếp quản, khai khẩn. Nhà nào hưởng ứng kế hoạch vào Nam, sẽ có tiền, cất nhà. Nghe động viên, thèm bỏ mẹ, mà vào rồi thì thấy có cứt gì đâu nào. Được miếng đất rừng, đồng bào đi kinh tế nàm sẵn trước khi bị đuổi vào sâu hơn trong rừng. Mình Bắc Kỳ, hậu phương nhớn mà. Phải có “ưu tiên đãi ngộ” chứ. Hưởng miếng đất trống, vậy nà xong phần đãi ngộ. Địt mẹ nó chứ. Nai nưng ra mà cuốc. Trồng trọt, chưa có cái ăn cũng phấn đấu ỉa ra để có phân tươi, ủ bón. Cả ngày, vợ chồng con cái cứ động viên nhau ỉa…”

Chẳng ai dám hưởng ứng lời bác ta. Có người làm như nãy giờ chưa hề nghe thấy gì hết trơn. Mấy chị thăm nuôi đang bàn luận về mấy ông chồng cải tạo.

“Mấy bà thấy hông. Ngay đường đi vô trại, bên đường cũng có đống phân ủ to như cái đồi. Có bữa đi ngang thấy mấy ông bới, gánh. Mấy ông vục cả tay vô, hốt vào thùng rồi gánh đi. Thiệt cầm lòng không đặng.”

“Ối dào. Còn đỡ. Hầm phân đào cả hố sâu, mấy ông học tập nhà mình phải nhảy xuống, đầm mình trong hố phân, múc vào thùng cho người khác kéo lên…”

Một chị đi buôn đang ăn dở miệng bánh tét, cằn nhằn:

“Thôi đi mấy bà. Nói toàn chuyện…”

Người đàn ông Bắc kỳ giãn dân lại chen vô:

“Đang nói dở, nói tuốt nuôn cho nó sướng nỗ miệng. Ngoài tôi còn khối cái nạ nắm. Ở những khu đông đúc dân cư, không thể tìm đường đi ra đồng để “giải quyết” được. Gặp Tào Tháo đuổi, cũng chạy bở hơi tai mới tới được khu nhà xí, nắm núc bĩnh ra cả quần. Ban ngày còn cái nạn xếp hàng chờ.

Ban đêm, càng hồi hộp thêm. Xong việc, đứng dậy, đi được mấy bước, đã có ánh đèn pin rọi để xử lý bãi phân rồi. Cái rì? Rọi đèn hả? Vâng, rọi đèn. Công an phải kiểm tra cả cứt nữa chứ. Thì “đề cao cảnh giác” mà. Xê I A nó nguy hiểm, nó dám nợi dụng “hố xí hai ngăn” của ta, gài tài liệu, hoặc niên nạc với nhau, chứ nại không hả? Còn nữa, cũng có thể nà dân đi đêm, rình hốt phân tươi. Ngoài chúng tôi, món này quí lắm, khối thằng sống bằng nghề bới cứt…”

Người khách ngồi cạnh anh ta, nãy giờ nghe, cứ cười cười. Chiếc áo lính cộng hòa cũ đã nhuộm đen, giặt nhiều lần bạc thếch, anh ta đưa tay sờ sờ cằm mà chẳng có sợi râu nào.

“Biết vậy. Bác không ở ngoải hốt cứt cho xong. Vô đây, cứt cũng không ai ị ngoài đồng cho bác hốt.”

“Biết. Biết chứ. Nhưng ngoài chúng tôi vừa có phát động phong trào mới, tên nà “hai nhiều một ít”, nên có hơi…khó khăn.”

“Cái gì mà hai nhiều một ít?”

“Hai nhiều là nàm nhiều, ỉa nhiều. Một ít là ăn ít.”

“Ăn ít thì lấy đâu ra mà ỉa. Thôi bác ơi, làm gì có chuyện…”

Anh cán bộ liếc xuống. Anh chàng giọng Bắc kỳ đặc đưa bàn tay lên, mọi người thấy anh ta cụt mất một bàn tay.

“Địt mẹ nó. Hy sinh ở chiến trường miền Nam đấy.”

Gặp thương phế binh rồi. Anh cán bộ quay đi. Lâu nay, xe đò thường bị thương phế binh chặn lại, xét, thu thuế. Mọi người còn nhớ, tết vừa rồi, thương phế binh đòi ăn không xong, đã mở chốt lựu đạn, cho nổ tanh banh một quán ăn ở Tân Định. Thức ăn không được nhồi nhét vô bao tử thì tanh banh cùng với máu thịt của anh ta.

Anh cán bộ quay lại thì đụng mắt nữ đồng chí.

“Cho địa chỉ lần tới có công tác, liên hệ tiếp nhé.”

Chị cán bộ cười tít, mắt có đuôi.

Tiếng cười rúc rích đâu ở mấy dãy ghế sau nghe thật nhột nhạt. Giọng ai đọc khe khẽ: Em như cục cứt trôi sông. Anh như con chó ngồi trông trên bờ. Đâu biết nói ai hay vui miệng, mà chị cán bộ cúi đầu. May quá, giọng Bắc oang oang của người đàn ông cụt bàn tay, đập mạnh vào tai mọi người:

“Này, mấy chị đi thăm nuôi học tập ơi. Hai đứa con tôi nàm việc với mấy chị đó. Đi học hả? Giời ơi, học với hành gì. Phải đi bộ ba chục cây số, tới thị trấn mới có một cái trường. Thầy giáo ngồi ngáp ruồi, bày bắp nướng bán. Nàm sao chân trẻ con đi bộ tới đó mà học được. Mấy đứa con tôi ngày nào cũng chực chờ ngoài lộ để gánh thuê cho mấy chị thăm nuôi này này… Có hôm, tụi nó bị công an rượt chạy trối chết. Tóm được, thu hết tiền còn dọa bắn bỏ. Hỏi mấy bà coi, có bao giờ mà gánh được vào tới cho các bà đâu, phúc đức lắm nà nửa chặng đường, đã phải vứt thí cho mấy bà, lo chạy thoát lấy thân…”

Đến lượt mấy bà đi thăm nuôi chồng cải tạo nhìn anh chàng thương phế binh hi sinh ở chiến trường bàn tay, với đôi mắt thương hại. Anh ta đâu được gì, mà coi, cái đầu tay cụt đỏ hỏn, thành sẹo cứ nhắc anh hoài: chiến trường, chiến trường…chiến thắng, chiến thắng. Tội nghiệp.

Ông cụ râu ba chòm, coi bộ đã nhẹ nhõm, an tâm tư tưởng, lim dim gật lên gật xuống. Lơ xe tên Ba đang tán một chị đi buôn, đá qua đá về. Lơ xe Rạng thọt gậy vô bánh xe:

“Nó con nít vậy mà đã một vợ hai con rồi đó bà ơi. Gan thì dính vô đi…”

“Nhằm nhò gì. Tao bốn năm đời chồng rồi nghe mầy. Mười một quận, cách mạng đi đứt quận nhì, còn mười. Mười quận, tao vô ra đủ rồi, mầy…”

Mấy chị đi thăm nuôi, kẻ quay lui, người xích tới, tụm lại. Không biết kể cho nhau nghe chuyện gì bi thương mà có chị nước mắt lưng tròng…

“Thì đó. Bữa đó có tui chứng kiến tận mắt. Chết chớ sống gì nổi. Ôi thôi, ỉa từ đầu hôm tới khuya. Cứ òng ọc, òng ọc. Thuốc hả? Thì có. Tụi này góp hết thuốc đem lên cho mấy ông ra, uống đủ thứ, cầm nổi đâu…”

“Ăn trúng cái gì?”

“Ăn gì mà trúng. Uống có hớp nước ở trạm xét ngoài cổng trại. Thì khát, xách cả năm sáu chục kí lô, vô tới thì khô người rồi…”

“Đi đâu cũng nghe chuyện chết. Tháng trước mới một người rồi. Nghe nói tù ngoài Bắc chuyển vô. Phạm kỷ luật, nhốt hầm đá…Mấy ông kể, trước đêm anh ta chết, cả trại nghe tiếng hú như ma quỷ kêu… Chồng hả? Xin ra gặp vợ cũng không được, nghe đâu anh ta phát điên luôn rồi…”

32Một chị đi buôn tiếp lời:

“Tui biết chuyện này. Bữa mấy người đi thăm với bà chị bị chết đem đứa con gái của chị ta về cùng chuyến xe đò này. Khóc gì mà khóc dữ. Mấy bả khóc, con bé khóc, ngồi trong xe mà rợn cả người…”

Chị ta buông tiếng thở dài, rồi liếc mắt nhìn ông cụ, vừa mới mở được mắt ra, che tay ngáp.

“Bữa đó, trên xe cũng phảng phất cái mùi như bữa nay này. Từ quần áo của mấy bà và đứa bé bốc ra. Mùi của người ta nghe mà thương đứt ruột, chớ đâu phải dô diên như cụ, cụ ơi.”

“Ừa, thiệt tui già mà vô duyên quá.”

“Không vô duyên đâu cụ ơi. Nhờ cụ mà cuộc tọa đàm về chuyên đề “cứt” càng lúc càng phong phú. Tôi cũng có chuyện muốn đóng góp đây.”

Tài xế, mặt mũi đã dịu lại nhiều rồi, vừa lái vừa nói:

“Anh này nữa. Tiền xe năn nỉ trả có nửa, kể nửa chuyện thôi nghe, cha.”

“Được, được. Tui xin giới thiệu, cán bộ làm ởø cơ quan…Xin lỗi, cán bộ chuyên ngành cục…phân bón…Đó, quí bà con cô bác lại cười rồi…Vâng cục…phân bón. Cục…phân bón của chúng tôi không chiếm công ốc cao lớn, thênh thang như các cục đường biển, cục đường bộ, cục đường sắt. Mà chỉ khiêm nhượng ké một phần địa điểm của cục đường sắt…đường sắt đây là đường rầy xe lửa.”

Buồn cười. Nhiều người đã đoán được hết câu chuyện mà cũng cứ nghệt mặt ra chờ.

“Thôi cha nội. Cục đường sắt gì lại ra đường rầy xe lửa…”

“Đúng vậy. Ở Hàm Nghi có một khoảng đường rầy xe lửa bỏ không nhiều năm nay. Bà con bụi đời khu vực Hàm Nghi, chợ Cũ, ban ngày ban mặt mà tới lúc “công an” gọi là tới ngay đó để “tọa đàm”. Tui cũng vậy, hễ là dân bụi đời, vô gia cư, thì cũng phải ghi tên vào cục…phân bón này…”

Anh cán bộ ho. Chắc anh ta muốn tằng hắng ra oai thì đúng hơn. Giọng anh Bắc kỳ di dân vô Nam ra vẻ dạy đời:

“Thôi đi anh bạn ơi. Đã nói khôn cũng chết, dại cũng chết. Biết thì sống. Anh nói hươu nói vượn gì thế? Sắp tới trại cải tạo rồi đó.”

“Cám ơn anh bạn nhắc chừng. Thì tui cũng hai năm cải tạo rồi đây. Về nhà, vợ con bị cá ăn hết trơn, mới phải lang thang bụi đời, làm việc tại cục phân bón…Tui đi cải tạo còn có chính nghĩa, vì mình là lính Ngụy, nợ máu đầy mình. Chớ cái bà cụ ở khu xóm “người tình” mới của tui mới là vô duyên. Bữa mới đây này, họp tổ dân phố, cán bộ tới phường thuyết trình tình hình chính trị và những chuyển biến mới của Liên Xô vĩ đại. Cán bộ cho biết, bên Liên Xô sướng lắm, nhà ở đêm không phải đóng cửa… Lời cán bộ chân thành mà có đứa phản động dám xuyên tạc nói là cửa đâu mà đóng, cạy gỡ làm củi sưởi mùa đông rồi…Còn bà cụ mới khổ, già, ngớ ngẩn, lại lãng tai. Cán bộ nói chủ tịch mới bên Liên Xô là cái ông ba chớp ba nháng gì đó. Bà cụ ngóng hoài, lọt vô lỗ tai cái gì mà gốp ba ra cốp lốp chốp…Bà cụ mới gật gù: À tên tuổi bên Liên Xô vĩ đại thiệt lạ há: Móc cức khô ra đớp…ra đớp, ra đớp…

Đợi cho bà con xong trận cười, anh ta thở dài, não nuột:

“Bà con cô bác biết đó. Cũng vì bà con đã cười mà bà cụ bị nhốt vô Phan Đăng Lưu. Bà cụ bị nhốt, thân tui lại càng đau khổ, bởi vì tui là “Người tình không hộ khẩu” của con gái bà cụ…Tui phải bỏ thành phố ra đi, góc biển chân trời…”

Cán bộ nữ ghé tai đồng chí. Cả hai mặt mũi có vẻ khẩn trương. Mấy chị đàn bà còn cười dai dẳng. Còn anh chàng, đang rầu rĩ, bỗng cất giọng hăng hái, hớn hở:

“Bác tài ơi. Cho xuống. Xuống.”

Trời sụp tối lúc nào không hay. Xe thắng gấp làm mọi người nhào lộn. Anh khách “cục phân bón” lẹ làng bước xuống. Bộ đồ cũ vá nhiều miếng và cái túi xách nhẹ hều, anh ta còn đưa tay chào tài xế:

“Cám ơn. Mới có nửa câu chuyện đó nghe, cha.”

“Thằng láu cá. Hắn lên xe lúc nào vậy?”

Cán bộ hỏi trổng. Không ai trả lời. Nơi kính chiếu hậu, vài người thoáng thấy nụ cười của bác tài.

Có tiếng ca lảnh lót vang lên từ cửa xe: như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”

“Thấy chưa bà con. Nó ca đấy.”

Ông râu ngắn cao giọng, khoái trá ra mặt. Ông cụ râu ba chòm với tay qua người bạn già, đập đập vào lồng chim.

“Ca đi. Ca tiếp mày. Vẹt.”

“Đụ má mầy.”

Bất thình lình con vẹt chửi. Cả xe lại cười nghiêng ngửa. Thì ra nó biết nói. Ông cụ râu ngắn lắc đầu:

“Tệ thiệt bà con coi. Nó biết ca chớ. Vậy mà lì lắm. Khi tới cơn thì ca hát luôn miệng, không thích là ngậm tăm, bẻ cổ cũng không nhúc nhích. Lại cứ thích làm chim cu nữa kìa, bắt chước kêu cho được cục cù rù, cục cù ru…Đừng gọi nó là vẹt. Hễ gọi Vẹt là nó chửi.”

“Ê, Vẹt. Vẹt.”

Trong xe rộ nhiều tiếng la.

“Đụ má mầy. Đụ má mầy.”

Con vẹt xù lông, nhảy vòng vòng. Chỉ chửi. Nhất định không kêu cục cù ru, cúc cu rù nữa.

Thấm của nợ. Đủ chuyện. Mệt. Đói. Hành khách bớt hăm hở. Mọi người hỏi tài xế sắp tới chỗ dừng lại nghỉ chưa. Bà chủ xe hứa hẹn sắp được nghỉ ngơi ở quán cơm tới. Chừng tiếng đồng hồ xe chạy nữa thôi.

Hai cụ già đừ rồi, nghẹo cổ, dựa đầu, nhắm mắt. Tài xế tắt ngọn đèn trần. Anh cán bộ tức thì thụt đầu xuống, rồi cả cái đầu của chị cán bộ nữa.

Cây cối bên ngoài, lờ mờ như bức tranh bị bôi dập. Thoang thoáng những đốm đom đóm lập lòe. Lâu lâu, một vài đóm lửa, nhà ai giữa đồng. Rồi từ sau bóng cây, hiện ra một bóng trăng non. Trăng cứ đuổi theo xe mãi.

Trong bóng đêm, chiếc xe cứ vậy lao tới như một con vật không ngớt gầm gừ. Bỗng một tiếng nổ lớn. Vài tiếng la. Chiếc xe lảo đảo chồm tới, vòng vèo, muốn lật. Cả xe nhốn nháo. Máy rú lên rồi tắt phụt. Đèn xe tắt theo. Chỉ có bà mập, lơ mơ nửa ngủ nửa thức, giọng nhựa nhựa:

“Tới rồi hả?”

Một ánh đèn pin soi. Giọng bà chủ kinh hoàng:

“Mèn ơi.”

Chiếc xe húc vào một mô đất, nằm chênh vênh. Phía dưới là đáy vực sâu thăm thẳm. Chỉ giọng bà chủ xe là còn đủ hơi sức.

“Lạy thánh. Lạy ba cô, bảy miểu…Đã đỡ cho…Rạng. Ba. Rạng. Chúng mày đâu? Hai thằng trời đánh. Đem nhang đèn, chuối, bánh ra lễ tạ…Thánh ơi…”

Có tiếng cười xì của anh cán bộ, ra điều khó chịu vì sự mê tín của bà chủ xe. Nhưng khi anh ta chồm tới, nhìn cái miệng vực, anh cũng co đầu rụt lưỡi. Xe lại bể bánh lần thứ ba. Lần này, nhằm ngay cái bánh trước.

“Phước đức lắm thánh mới đỡ cho đấy.”

Bà chủ xe không ngớt hít hà.

Giữa rừng. Con trăng lưỡi liềm không nỡ chạy nữa, dừng lại, ngó xuống. Một cái đèn bão được đốt lên. Trong ánh lửa bập bùng, trên từng khuôn mặt hành khách, còn nguyên vẻ hoảng hốt.

Hai ông cụ xuống xe, bê theo cái lồng chim. Chị thăm nuôi mang xuống giỏ gà sống. Bà mập cầm cái bình dấm dúi cho lơ xe.

“Thôi bà ơi. Xe còn chưa lo, lo cho heo của bà. Heo quan trọng hơn mấy cái bánh xe sao đây.”

“Mày nghe nó kêu không? Nó khát, khô cổ rồi. Lẹ lên.”

“Cái bà này…Để cho người ta…Thiệt kỳ đà cản mũi…”

Tài xế gọi mọi người xuống xe hết. Nhìn cái bánh xe xẹp lép, ông ta ngao ngán:

“Hết bánh sơ cua rồi. Phải đợi có xe xuống quá giang tìm chỗ vá vỏ ruột. Đù má, vỏ ruột gì cũng lô can không, mới chạy một tháng đã banh ta lông mẹ nó hết trơn. Cô bác, mời xuống. Xuống hết. Còn bà nội nữa. Mời bà nội xuống ngay cho, bộ phải cõng xuống sao đây.”

Tài xế nổi quạu. Chị đàn bà, vẫn ngồi trong góc, ôm đứa con nhỏ. Mệt. Đói. Đờ đẫn một lúc, chị cũng mang thằng nhỏ xuống được.

Tài xế:

“Đó, dư thời giờ cho bà con cô bác nghỉ ngơi. Ai muốn đi ỉa thì đi ỉa đi. Làm ơn ỉa cho nhiều vô. Vá xong xe, tới quán tha hồ mà ăn.”

“Thằng cha cà chớn…”

Có tiếng rủa, nhưng rồi mọi người cũng thông cảm. Coi kìa, cả sản nghiệp của bác ta, cái xe đò, nằm mọp như như một đống sắt rỉ ngay bên miệng vực thẳm. Không chỉ bánh xe xẹp lép đâu. Hình như, chỉ cần một cái rung nhẹ, một hòn đá bất ngờ, không chừng cả cái xe cũng rã ra thành nước.

Vậy mà nó vẫn ì ạch chở bao nhiêu là sinh mạng, đùa với rủi may. Còn lâu nó mới tới được bến.

Chẳng ai còn hơi sức thắc mắc tới điều này. Cục cù ru. Cúc cù rù. Cái con vẹt khỉ gió, cứ bắt chước tiếng kêu của loài chim câu. Ông già râu ngắn trao cái lồng cho ông bạn râu ba chòm:

“Bác giữ nó dùm chút. Giờ tới phiên tui vô bụi.”
Nhã Ca
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.727 giây.