K bỏ ống nghe xuống, hình như cố nín thở. Không bận tâm quay lại phía tôi, cô nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, búi tóc to sau gáy treo lửng lơ, cũng tựa như kiểu cô đang lơ lửng đâu đó. Hơn 20 phút điện thoại. Gần như K chẳng nói gì, chỉ lắng nghe đầu dây bên kia, thỉnh thoảng hít một hơi thở dài.
Tôi bỏ tờ báo sang một bên, ngắm cô. Cô âu sầu vì chuyện gì đây? Tôi đã quen với cái vẻ cô bỗng nhiên nhìn đăm đăm vào một điểm gì đó, hoàn toàn quên mất sự hiện diện của người khác bên mình. Có lần tôi bắt gặp cô đang ôm đống quần áo giặt, đứng ngẩn giữa nhà, tay vẫn giữ chặt mớ quần áo, cứ như một nhân vật trong TV đang đi ngon lành bỗng bị bấm nút cho đứng lại, cả màn hình bất động.
“Em đang nghĩ gì thế?”
Tôi hỏi, mắt không rời cái búi tóc của cô.
“Không.”
“Sao trông em như người mất hồn thế?”
“Xuống phố đi anh? Em cần một ly cà phê.”
Ý kiến hay đấy. Tôi nhỏm dậy mặc vội chiếc quần jean. K đã sẵng sàng. Cô lúc nào cũng ăn mặc giản dị, quần jean áo pull, búi tóc, mang dép xẹp. Tôi thích cái cách bụi đời này, trông cô như một cô học trò đang trong thời kỳ nghỉ hè. Mấy nốt tàn nhang nâu nhạt trên gương mặt khiến tôi thấy thèm cái nắng học trò xung quanh cô.
“Em ra trường cũng 2 năm rồi chứ?”
Bất giác tôi hỏi cô một câu chẳng ăn nhậu gì với chuyện xuống phố. Cô đang xỏ dép, ngẩng đầu ngạc nhiên.
“Vâng. Mà sao tự nhiên anh hỏi? Anh có mặt trong buổi lễ ra trường của em nữa mà.”
Dĩ nhiên là tôi nhớ điều này. Hôm đó cô xúng xính trong bộ áo ra trường trông chẳng giống ai. Cô mặc nó chỉ cốt để chụp một tấm hình gửi về cho bố mẹ ở Việt Nam. Còn tôi, “có mặt” trong buổi lễ ra trường của cô (cô dùng từ thật khéo) là bởi vì con gái tôi cũng ra trường cùng ngày với cô. Tôi ngồi với vợ con, và cô ra trường một mình, không có ai tham dự, tặng hoa, dù rằng tôi cũng đang ngồi ngay ở đấy. Buổi tối hôm đó tôi đãi cô một bữa linh đình. Chúng tôi đã uống rất nhiều rượu, và cô kể đôi chút về gia đình cô cho tôi nghe.
Bố mẹ cô có năm đứa con. Chị Cả, anh Cả, rồi đến cô và 2 đứa em gái. Bố cô là dân di cư từ Bắc vào Nam, rất coi trọng con trai nhưng họ chỉ có mỗi một đứa. Mẹ cô cố gắng sinh thêm ba lần nữa nhưng chỉ toàn con gái khiến họ thất vọng. Đúng ra là trước người anh Cả họ đã có một đứa con trai, nhưng đã chết sau khi sinh. Bao nhiêu tình yêu và sự quý trọng đều dồn cho người con trai, tức anh Cả của cô. Những cô con gái đều bị bỏ quên theo một nghĩa nào đó.
“Em có đến hai ông anh Cả”. Cô giải thích. Một người đã chết, và vì sinh ra trước, nên là anh Cả. Người anh kế, cũng là anh Cả vì anh Cả thật đã chết. Còn anh? Anh cũng là anh Cả phải không”?
Tôi đã ngạc nhiên khi thấy cô hỏi mình như thế. Tôi gật đầu.
“Vì sao em biết anh là anh Cả”?
Cô mỉm cười, nhìn đi chỗ khác.
“Chỉ cảm thấy thôi. Anh Cả là như thế”.
Anh Cả là như thế là thế nào. Phải chờ tới sau này tôi mới hiểu phần nào. Lúc ấy tôi chỉ thích nhìn cô, cái vẻ lơ lửng của cô tạo nên một bầu không khí lãng đãng lạ lùng hấp dẫn tôi. Ngay từ buổi đầu tiên tôi đã bị cái vẻ kỳ lạ ấy thu hút. Cô ngồi lẫn trong đám sinh viên của tôi, nhưng nổi bật. Nổi bật bởi cô giản dị hơn hết thảy, xinh đẹp hơn hết thảy, và cũng lơ đễnh hơn hết thảy.
K ngồi thụp xuống đất, với tay vào gầm bàn lôi chiếc dép còn lại, xỏ gọn gàng vào chân. Cô cúi nhìn đôi bàn chân vừa vặn trong đôi dép mới, nhắc lại.
“Anh có mặt trong buổi ra trường của em đấy chứ. Hai năm rồi còn gì”
oOo
Chúng tôi tản bộ ra trạm xe buýt. Trời trong lành, mát mẻ. Búi tóc K nhịp nhàng lay động sau gáy theo bước chân. Thỉnh thoảng cô đá vào một viên sỏi nhỏ, mắt nhìn theo nó văng xuống lòng đường rồi lại dõi ra xa, theo dòng xe cộ. Tôi mặc cô làm gì thì làm, bởi cô có làm gì đi nữa thì tôi cũng vẫn thích nhìn cô như thế. Chúng tôi lấy chuyến xe buýt đến thẳng trung tâm thành phố. San Francisco thì ở đâu mà chẳng có cà phê, nhưng K luôn uống ở tiệm bán bánh Pháp. Cô thích ngồi nhìn những chiếc bánh đủ màu sắc trong tủ kính. Có lần cô ăn hết một lúc bốn cái bánh kem.
“Em rất thích bánh kem. Anh đừng ăn hết của em”. Cô nhắc.
Tôi nhịn cười. Về điểm này thì cô cũng hơi giống mấy đứa con gái tôi, rất háu ăn và không còn giữ thể diện gì trong chuyện giành giựt. Đưa lưỡi liếm vết kem dính trên môi, cô hỏi tôi, giọng bình thản.
“Này anh, nếu em lấy chồng, anh có buồn không?”
Tôi giật mình. Bị hỏi bất thình lình như thế, đã chuẩn bị gì đâu. Nếu K lấy chồng…Tôi chưa tưởng tượng ra được.
“Em định lấy chồng thật à?”
“Chẳng định gì hết, nhưng em muốn biết anh có buồn không?”
Tôi cố gắng nói thật lòng mình đến chừng nào hay chừng đó, hoặc ít nhất là tôi nghĩ rằng như thế là cách đúng đắn nhất, công bình nhất để trả lời.
“Anh sẽ rất mừng cho em, dù rằng anh sẽ buồn lắm. Nhưng mà anh cũng sẽ vui nữa, vui cho em. K à, anh không cưới em được, anh không thể giữ em mãi thế này. Dù em lấy chồng, hay ở đâu, thì anh cũng vẫn yêu em. Không có gì thay đổi điều này được cả.”
K mỉm cười, cô nhìn ra đường, mắt dõi theo những bộ hành qua lại, miệng nói như một cái máy.
“Như thế này: em lấy chồng rồi thì em sẽ gặp anh lén lút thôi, cũng như anh đang gặp em vậy. Lúc anh cần em, chưa chắc em đến được. Trong lúc nằm với anh, nếu chồng em gọi, thì anh phải giữ im lặng, để yên em nói chuyện với người của em. Khi nào chồng em cần thì em phải ở nhà nấu cơm cho anh ta, anh chết đói thì cũng mặc anh, nếu muốn thì anh về ăn cơm với vợ, đừng ngồi ở trường chờ em. Khi em đi đâu xa với chồng, anh chớ có gọi. Nếu chúng ta có gặp nhau ở đâu, thì anh phải giữ ý tứ, phải biết là người đàn ông đang đi với em mới là của em, em cũng của người ta, anh không được nhìn em, nói chuyện với em, cười với em… Tóm lại, anh phải giữ hạnh phúc của em với người ta, còn hạnh phúc của em và anh thì đến ngày nào hay ngày đó. Anh có hình dung ra chưa? Như thế anh có chắc là sẽ chẳng có gì thay đổi không?”
Tôi nghẹn họng. Lưỡi tôi như thụt sâu vào cổ. Tôi chưa hình dung ra tất cả những điều này, bởi những điều này hiện chỉ có K đang cảm nhận được thôi, vì tôi là người có vợ. Thật ra thì tôi cũng đã có đôi lần gợi ý đến chuyện lấy chồng của K, đại loại như “em không nghĩ đến tương lai hay sao”, hay “sao em không bước ra ngoài đời, gặp gỡ nhiều người, em cứ thui thủi với anh như thế này, anh thấy có lỗi lắm”… Dạo sau này K cũng ít gọi phone cho tôi. Đôi lúc tôi nghĩ, nếu tôi không gọi, thì liệu cô có biến mất không. Cô cũng đang “cùng tôi” giữ gìn hạnh phúc của tôi với vợ tôi, còn của tôi và cô thì “đến ngày nào hay ngày đó”.
“Anh có chắc là chẳng có gì thay đổi không?”
K lập lại, cô nhìn tôi chăm chăm. Tôi lắc đầu, không phải với ý trả lời “không chắc”, mà là tôi lắc đầu vì tôi không trả lời được. Có lẽ điều này làm K hiểu lầm. Cô chua chát.
“Phải, chẳng ai chắc được cả. Em cũng thế thôi. Không chắc được điều gì. Hơn nữa, vì sao anh nghĩ rằng em yên ổn hạnh phúc mà vui cho em? Biết đâu em đang chết dần mòn? Hay anh nghĩ, cứ hễ em đi lấy chồng là nhất thiết phải hạnh phúc? Phải hạnh phúc để anh được an vui?”
K kéo tay tôi nhảy ra khỏi xe buýt, bưng tôi trở lại với con đường quen thuộc. Chúng tôi đi về phía tiệm bánh Pháp. K rảo bộ rất nhanh, cô thọc tay vào túi quần jean, thỉnh thoảng chân vẫn đá vào bất cứ cái gì cô vớ được trên đường. Ôi, đôi dép mới. Chẳng biết em mang được bao lâu nếu cứ vừa đi vừa đá như thế. Tôi định bụng uống xong cà phê sẽ dẫn cô đi mua thêm một đôi dép khác. Tôi yêu K của tôi. Tôi yêu cô nồng nàn, dù rằng tôi cũng không chắc được điều gì nếu một ngày kia K đi lấy chồng. Nhưng cô chẳng có vẻ gì là đi lấy chồng cả, tuy nhiên, cô lại có cái vẻ dửng dưng như sắp rời bỏ tôi.
Tôi không biết cách sống thiếu K. Còn K, cô đang gí sát mặt vào tủ kiếng, tìm một cái bánh và gọi một ly cà phê. Cô chăm chú vào mấy cái bánh như ngoài nó ra thì chẳng còn gì đáng phải nghĩ đến. Cô có vẻ lẩn trốn một điều gì.
“Mình đi đến tiệm giày đầu kia mua một đôi dép mới cho em nhé!”
K tròn mắt.
“Em đang đi một đôi mới đây này. Anh không thấy sao?”
“Có chứ. Nhưng anh thích mua cho em một đôi dép mới, hở mấy ngón chân nhiều hơn.”
“Sao lại nhất thiết hở mấy ngón chân hở anh?” K nhìn xuống hai bàn chân mình, rồi nở một nụ cười nhìn tôi: “Em có đôi bàn chân đẹp nhất nhà”.
“Ừ, em có đôi bàn chân đẹp lắm, nên phải mang dép hở 10 ngón chân, và để em đừng có đá vào sỏi đá hai bên đường nữa”.
K lại mỉm cười. Chúng tôi rảo bộ đến tiệm giày đầu đường. Đây là một hiệu giày khá sang, có khối loại dép da mùa hè cho K chọn. Và như tôi phỏng đoán, cô chọn một đôi giản dị, quai là một sợi da mỏng. Sợi da uốn theo 5 ngón chân cô, chỗ ngón cái có đính một cái hoa bé tí. Cô cũng cẩn thận chọn một đôi tương đối vào loại rẻ. Cô ít khi nào mua quần áo giày dép đắt tiền. Cái kiểu dè xẻn này bỗng dưng cũng quyến rũ tôi. Cái e dè của một cô sinh viên, mặt rám nắng và đầy tàn nhang, thích thú với một món hàng hơi vượt quá túi tiền một chút.
Vừa ra khỏi tiệm, cô xỏ ngay đôi dép mới, cất đôi dép chỉ vừa mới cũ một chút vào túi sách. Cô đi thong thả cạnh tôi, không còn đá chân lung tung vào những thứ lỉnh kỉnh trên đường phố. Chúng tôi lại nhảy lên một chuyến xe buýt. Bầu trời nhuộm ánh nắng chiều, đỏ hồng khiến tôi nghĩ đến hai gò má của K. Có lần tôi khen má K hồng và cô phá lên cười. K móc trong túi xách một hộp phấn hồng, mở nắp, dùng một cái cọ mềm mại tô lại đôi má, rồi thong thả cất hộp phấn vào túi, nói một cách đắc thắng: “Em có đôi má hiệu Lancôme”.
BuaHomang toan canh
Tôi muốn đưa cô về tận nhà rồi mới chia tay, dù rằng chuyến xe buýt này chạy ngang khu nhà tôi trước. Đây là cái chỗ khó khăn nhất trong ngày, chỗ mà tôi phải lấy giọng tự nhiên nhất để nói: “Em ăn ngon, ngủ yên lành nhé. Mai anh lại gọi”. Có một lần tôi cùng vợ nhảy lên một chuyến xe buýt thì đụng ngay K đang ngồi sẵn trên đó. Chuyến xe chật người, chỉ còn 2 ghế đối diện với K. Vợ tôi vui mừng kéo tôi ngồi xuống đó, và như để cho K biết mặt, vợ tôi cầm tay tôi, đặt lên đùi mình, dựa hẳn người vào ngực tôi.
Hẳn nhiên là tôi chưa bao giờ rơi vào một tình huống tệ hơn ngày hôm đó. K vẫn thản nhiên. Thỉnh thoảng hướng mắt nhìn ra cửa sổ. Tôi ngồi yên như bị đóng đinh, và cố gắng tránh mắt K. Cô cũng không buồn nhìn tôi. Cô bận nhìn ra dòng xe cộ ngoài kia, mắt cô vẫn lửng lơ đâu đó, không mấy đếm xỉa đến tôi. Vợ tôi hẳn nhiên đang quan sát K một cách đắc thắng. Đến trung tâm thành phố, vợ tôi kéo tôi đứng dậy. Tôi thu hết can đảm, nói vội “Chào em”, và bước nhanh ra khỏi xe. Tôi đoán là K cũng phải xuống trạm này (chắc chắn là cô đang có ý định ra trung tâm uống cà phê và mua sắm) nhưng cô vẫn ngồi yên. Tôi băn khoăn không biết cô đi đâu. Sau hôm đó tôi gặp cô ở trường (lúc ấy cô vẫn chưa ra trường, còn là sinh viên của tôi), tôi hỏi cô đi đâu hôm qua, cô chỉ trả lời gọn lỏn: “đi xe buýt”.
Chiếc xe buýt vừa lướt qua trạm nhà tôi. Còn khoảng 2 block đường nữa thì sẽ là trạm nhà K. Cô đang đứng tựa vào ngực tôi, tay bám vào thành xe. Mùi thơm của tóc cô lượn lờ quanh tôi, lẫn với mùi hương của buổi chiều. Chuyến xe lên xuống, lắc lư, người cô theo nhịp xe đập nhẹ vào người tôi.
Bỗng nhiên tôi thấy cô thân thuộc đến cảm động. Tôi biết mình không thể thiếu cô, nhưng mà tôi vẫn luôn ở sẵn trạng thái ấy… Cô sẽ đi lấy chồng, và những buổi chiều tôi chia xẻ với cô lúc bấy giờ sẽ dành cho vợ tôi.
Trạm xe buýt nhà K. Cô xoay người, nhìn tôi “Ở lại với em đêm nay được không?”. Mắt cô thoáng ánh tuyệt vọng như biết trước câu trả lời. Tôi ấp úng: “Để anh xem. Anh gọi lại em sau”.
Lần đầu tiên tôi ở lại đêm với K cũng bắt đầu vào khoảng chiều chạng vạng như thế này. Hôm ấy vợ con tôi đi nghỉ xa, tôi rủ mấy sinh viên trong lớp tôi dạy, về nhà cho vui, trong số này có cả K, cô sinh viên lơ đãng mà tôi chú ý nhất. Sau buổi tiệc nhỏ, cả đám sinh viên chào từ biệt ra về, nhưng nửa tiếng sau K trở lại bấm chuông. Cô trở lại mà cái tướng cứ như người đi lộn nhà. Tôi đã sửng sốt khi thấy K trở lại. Tôi đã không bao giờ dám chờ đợi điều này. Vậy mà K trở lại.
“Cho em xin một ly cà phê, được không?”
Đó là câu đầu tiên K nói khi tôi mở cửa. Bình cà phê vừa hết, tôi luống cuống không tìm ra được cà phê cho cô, K lại cười, nụ cười làm tôi run cả tay.
“Vậy thì em đành về nhà mình để uống cà phê vậy. Em đã về đến nhà rồi đấy chứ, nhưng bỗng nhiên muốn cùng với anh (K tự động gọi tôi bằng anh, vứt chữ thầy vào sọt rác không cần báo trước). Dù sao buổi chiều thế này cũng không nên uống cà phê một mình”.
Tôi ấp úng.
“Vậy, chúng ta cùng đến nhà em uống, có tiện không”.
Như thế đấy. Tôi đã uống cà phê với cô buổi chiều hôm đó và ở lại qua đêm trong cái thế giới riêng của cô. Tôi yêu K nồng nàn ngay từ buổi đầu, và tôi cũng cảm nhận được điều đó từ K. Chúng tôi không cần phải có nhiều thời gian để tìm hiểu. Chúng tôi cũng không cần phải tán tỉnh nhiều lời, bởi tôi có cảm tưởng như suốt đoạn đường chúng tôi đã đi qua, những gì chúng tôi đã làm hỏng, là con đường dẫn đến nhau. Đơn giản như thế. Tuyệt vời như thế. Chúng tôi hiểu nhau cặn kẽ, và thân thể chúng tôi như hai thỏi nam châm không thể tách rời.
“Thôi anh về đi. Không cần gọi lại em. Đang đứng ở đây với em mà anh còn không quyết định được, về đến nhà rồi làm sao anh quyết định nổi”.
“Em hiểu cho anh. Em…”.
K lẳng lặng bước khỏi xe buýt. Tôi thấy cô bước nhanh trên đường, từng bước, từng bước nhịp nhàng trên đôi dép mới.
*
Song Van_Vo ocLê Sông Văn. Từ 12 năm qua, Sông Văn là quản nhiệm Việt Báo Houston, và là người thực hiện mẫu bìa mầu pháo tết truyền thống của Báo Xuân Việt Báo hàng năm. Truyện do tác giả minh hoạ.
Nhiều ngày sau đó tôi không gọi được K. Cô giận chăng? Hay đôi dép mới đã đưa cô đi xa rồi? Tôi gọi phone nhà, phone tay, chẳng thấy cô nhấc máy. Tôi đến nhà cô nhiều lần bấm chuông, không biết cô có nhà hay không nhưng cửa đóng im lìm. Những buổi chiều San Fran mát dịu, tôi lang thang hết quán này đến quán nọ mong nhìn thấy cô. Mỗi khi có dáng dấp một cô gái tựa K đi ngang đều làm tôi giật mình, tim nhói đau. Trở lại quán cà phê Pháp, nhìn những chiếc bánh ngọt đủ màu, vừa nhâm nhi cà phê, tôi vừa nhìn người đàn ông là tôi đang in bóng trong ô cửa kiếng. Cái tên đàn ông này tóc đã muối tiêu, xách cái cặp da nặng nề, trông biết ngay là một anh thầy giáo. Nhưng có một điều không ai biết, hay chỉ có tôi vừa mới biết, rằng hắn đang đi lang thang tuyệt vọng tìm cô nhân tình của hắn, và một điều rất mâu thuẫn là hắn vừa mong tìm được cô, vừa mong cô sẽ biến mất mãi mãi, hoặc ít ra là trong nhiều năm. Cô biến mất, hắn sẽ đau đớn không nguôi, như mấy buổi chiều vừa qua hắn đã gần phát điên, rồi nguôi ngoai một chút, rồi lại thấy an lòng. Hắn và cô đã có nhiều ngày tháng thật đẹp với nhau, và bây giờ vì cô tự động biến mất, hắn lại sắp trở lại một đời yên bình với vợ con. Đâu có gì mất mát, chỉ có thêm trong lòng một khoảng thời gian thơ mộng mà khi về già, hắn sẽ không còn tiếc nuối cuộc đời, tiếc nuối đã chôn vùi mình trong một cuộc hôn nhân thất bại.
Tôi đang quan sát hắn trong tấm kiếng, nhìn thấu nỗi lòng của hắn, thấy sự già nua, bất lực.
*
Một buổi chiều cuối năm, tôi đang tính đóng cửa phòng làm việc về nhà sớm lo cúng giỗ thì K xuất hiện. Mặt cô hốc hác, tóc búi cẩu thả, chân vẫn đi đôi dép mới. Tôi mừng rỡ đẩy K vào phòng, sập cửa lại. Tôi ôm siết lấy cô.
“Em đi đâu thế? Anh tìm em nhiều lần ở nhà. Anh gọi phone, sao em không nhấc máy? Em ổn chứ!”
K để mặc cho tôi ôm, không buồn cử động. Chỉ vài ngày mà tôi thấy cô như già xọm đi, mặt nhọn ra, mắt thâm quần, và những nốt tàn nhang như đậm hơn. Vẻ nữ sinh của cô biến mất.
“Anh ngồi xuống đi. Anh có thời gian không, cho em khoảng nửa tiếng ở đây, được không?”
Tôi gật đầu. Tôi vẫn còn choáng ngợp vì sự hiện diện của cô. Tôi có thể ngồi với cô hàng giờ ở đây. Tôi không còn muốn nghĩ ngợi đến điều gì khác nữa. Tôi như bị kẹp chặt giữa hai bờ vai gầy yếu của cô, cái cổ dài nghiêng nghiêng, đường nét bộ ngïực thanh tân nhô lên theo lằn áo, những nốt tàn nhang rời rạc, những ngón chân sắp hàng dưới quai dép.
“Anh có thể giúp em một chút việc không. Anh Cả em, anh Cả thứ hai, đã mất”.
Tôi nuốt nước miếng, kinh ngạc.
“Em biết hồi nào?”
“Hôm mình đi mua đôi dép mới này. Lúc em nói chuyện trên phone ấy.”
A, thì ra là hôm đó. Sao cô không nói gì với tôi. Sao cô lặng lẽ đặt ống nghe xuống, xỏ dép, rủ tôi đi uống một ly cà phê. À, mà buổi chiều ấy có lẽ cô không chịu đựng được bóng đêm, nên đã rủ tôi ởû lại với cô. Một cảm giác ân hận lẫn trách móc thoáng qua, tôi nắm tay cô.
“Lẽ ra em phải cho anh biết chứ!”
K để yên bàn tay trong tay tôi, mắt cụp xuống, mệt mỏi.
“Anh Cả em đã giết vợ, rồi bắn vào đầu mình”
Minh hoa bui toc
Tôi sững sờ, muốn há hốc mồm. Sau vài giây mới định thần, theo dõi câu chuyện cô kể lại. Hoàn cảnh sống của gia đình K ở Việt Nam lâu nay chỉ trông vào ông anh Cả. Thỉnh thoảng K gửi tiền về phụ một tay. Anh Cả cô không chỉ là cột trụ gia đình, là chỗ dựa về tài chánh, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho bố mẹ cô và cả một dòng họ Nội, bởi họ chỉ có một người con trai duy nhất. Cái gì đã dẫn đến thảm họa này. K vẫn cúi mặt, giọng đều đặn.
“Anh Cả em là một người tội nghiệp. Vì là anh Cả, không biết từ lúc nào, có lẽ từ lúc còn trong bụng mẹ cũng không chừng, đã phải gánh cái trọng trách con trưởng của cả một dòng họ mà anh ta là người đàn ông duy nhất. Trong gia đình, anh ấy có một lũ em gái. Bố mẹ em giao cho anh ấy toàn quyền chỉ huy, dạy dỗ, đại khái có thể gọi là “cai trị” các cô em ruột, em họ gần xa, và làm gương cho tất cả. Cái trách nhiệm ấy gắn chặt vào đầu anh ấy từ bé, khoác lên anh ấy một thứ bổn phận như của một ông vua nhỏ, dù rằng trong đám con gái chúng em chẳng ai cần điều ấy, thậm chí rất khổ sở vì sợ hãi anh ấy, nhưng đối với anh ấy, nó là một việc thiêng liêng. Anh ấy trở thành một ông chủ độc quyền. Anh ấy yêu thương tụi em bằng kiểu kỷ luật của một ông anh cả. Nếu một đứa em nào cố thoát vòng kềm tỏa của anh là anh ấy đâm ra khổ sở, như một người bị thất tình, bị hất hủi… anh ấy vừa hung bạo, vừa yếu đuối. Dĩ nhiên rằng càng lớn anh ấy càng nhận ra là chẳng có đứa em gái nào nghe lời mình. Tất cả đều bước ra khỏi sự dạy dỗ của anh ấy, thậm chí còn sống một cuộc đời vui vẻ hơn anh ấy nhiều. Anh ấy trở thành người cô độc trong gia đình.
“Rồi anh ấy lấy vợ. Đây là một cuộc hôn nhân tệ nhất trong những cuộc hôn nhân. Mới cưới chưa được một năm thì anh ấy đã lăng nhăng. Người vợ nhẫn nhịn bằng mọi cách để giữ được anh ấy. Rất nhiều cách, mà em cũng chẳng muốn kể ra làm gì. Anh ấy cũng là người bị ràng buộc bởi quá nhiều trách nhiệm và những lề luật gì đấy chắc chỉ có anh ấy là hiểu được. Vợ anh ấy biết nhược điểm của một người con trưởng, nên rất dể xoay anh ấy. Người yêu của anh ấy bỏ cuộc, bỏ đi mất biệt. Vợ chồng anh ấy có một đứa con. Nhiều năm trôi qua, anh ấy càng ngày càng trở nên tách biệt khỏi mọi người. Anh ấy không hạnh phúc chút nào. Vợ chồng cãi nhau liên tục. Trước đây người vợ sẵn sàng quỳ lết trước mặt anh ấy, dỗ dành âu yếm anh ấy, bây giờ khi thời thế thay đổi thì hoàn toàn ngược lại. Bà vợ coi khinh anh ấy ra mặt. Dĩ nhiên là anh ấy oán hận. Bất cứ chuyện gì cũng làm anh ấy uất ức. Cô vợ cũng đến khổ vì cái tính độc quyền kiểu anh cả của anh ấy. Cách đây hai năm anh ấy đi dự đám cưới người bạn thân, và bất ngờ nhìn thấy cô dâu chính là người yêu cũ của mình. Suốt hai năm qua anh ấy dằn vặt, khổ sở, nghe ngóng tin tức về bạn mình, và biết được họ sống với nhau rất hạnh phúc, được bạn bè quý mến nữa. Còn anh ấy, lúc nào cũng xấu hổ về hoàn cảnh vợ chồng. Một năm vừa qua anh ấy thất nghiệp, thất vọng ở lì trong nhà, cãi nhau, thậm chí đánh nhau với vợ, và như người lên cơn điên. Từ từ anh ấy trở thành người hoàn toàn mất trí. Anh ấy đi lang thang theo đám bụi đời, ngơ ngác, không biết mình là ai. Gia đình em đi tìm anh ấy khắp nơi. Có lần tìm được mang về nhà, tắm rửa cho anh ấy, mẹ em lo cơm nước cho anh ấy. Vợ anh ấy ghê tởm anh ấy, không cho con đến gần. Hễ họ gặp nhau là chửi bới nhau. Anh ấy đánh vợ và bà vợ kêu công an đến bắt anh ấy. Nghe nói anh ấy ở tù vài ngày, rồi không biết bằng cách nào được thả ra. Cũng không biết bằng cách nào anh ấy có súng nữa. Một bữa, thình lình anh vào được nha, bắn chết vợ rồi tự bắn vào đầu mình. Cũng may là hôm ấy mẹ em dẫn đứa cháu đi chợ.”
K kể một hơi, rồi như kiệt sức, môi mấp máy thêm câu gì nhưng không ra hơi. Mắt cô vẫn cụp xuống, nhìn chăm chăm vào bàn tay đang để yên trong tay tôi. Tôi ôm cô vào lòng, muốn an ủi cô nhưng chẳng biết phải nói gì. Cuối cùng, tôi chậm rãi hỏi.
“Anh có thể làm được gì cho em không?”
K mỉm cười. Nụ cười chẳng giống một nụ cười. Cô nói tách bạch từng tiếng.
“Em cần một số tiền khá nhiều. Tiền vé máy bay về VN. Tiền chôn cất anh ấy, và một chút tiền nữa cho bố mẹ em”.
“Ừ, đừng lo. Để anh lo bớt một chuyện giùm em. Anh sẽ chuyển vào công em sáng mai nhé.”
Tôi mừng rỡ vì K đã hỏi tôi điều này. Tôi vẫn là người thân độc nhất của cô.
“Nhưng mà, em cũng phải nói với anh điều này. Em sẽ về Việt Nam khá lâu. Khi trở lại em sẽ không đến gặp anh nữa. Có lẽ em sẽ không trở lại San Francisco. Em sẽ cầm món tiền này và biến mất mãi mãi. Nếu một ngày kia em lấy chồng thì chồng em sẽ trả giùm em”.
Cổ họng tôi lại nghẹn lại. K có tài làm nghẹn họng tôi, bất cứ lúc nào.
“Em không cần trả anh đâu. Coi như quà cưới, được không”.
K không cười. Cô nhìn đồng hồ, nói đã hơn nửa giờ, anh sắp phải về. Tôi nhìn K.
“Hôm trước, em nói rằng nhìn anh thì đoán ngay được anh là anh Cả. Anh giống anh Cả em ở điểm nào?”
K ngẩng mặt. Cô nhìn tôi đăm đăm, rồi chậm rãi đưa tay vuốt tóc tôi.
“Ở cái chỗ bế tắc. Bế tắc vì bị áp đặt và ràng buộc bởi trách nhiệm, tưởng như không thể khác được. Bế tắc vì nghĩ rằng ngoài cái trách nhiệm ấy ra thì trên đời này không còn một thứ trách nhiệm nào khác nữa, gần như một thứ tôn giáo, nếu khác đi thì sẽ thành kẻ tà đạo, phản đạo. Vì không thể nào thay đổi. Vì không thể nào khác đi. Vì chẳng bao giờ dám bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy một bước, và nếu cuối cùng có một biến cố gì đấy đẩy bước chân của anh, không biết anh ra sao”.
CoBanBua 2
Tôi cúi mặt, không dám ngước nhìn cô. K tiếp lời, chậm rãi và buồn đến đau lòng.
“Có phải anh rất buồn vì em biến mất không? Nhưng anh cũng rất mừng nữa, phải không? Vì anh nghĩ như thế là cách tốt nhất. Anh không có khả năng thay đổi điều gì, kể cả bỏ em, chứ đừng nói đến chuyện bỏ vợ. Cho nên, chỉ có cách ngồi chờ em bỏ anh, để anh trở lại đời sống vợ chồng hòa thuận mà tự anh không có khả năng làm chuyện đó. Anh luôn gợi ý cho em cái chuyện đi lấy chồng. Điều này làm anh cảm thấy yên ổn, phải không nào? Yên ổn đôi bề, với vợ và với em, kể cả trong trường hợp em không lấy chồng, thì anh cũng đã xong cái bổn phận nhắc nhở. Không cần phải như thế đâu. Như thế độc ác lắm. Như thế là lừa dối em, và cả chính anh. Chúng mình không phải trẻ con nữa. Tóc anh bạc hết rồi này. Cả em nữa. Em cũng chẳng trẻ trung gì. Chúng mình vẫn có thể bỏ nhau một cách bình thường, không cần phải dùng đến cách giả tạo như thế. Cũng không cần phải đánh lừa lương tâm, bởi anh có làm gì sai với em đâu nào. Em yêu anh và anh cũng yêu em, đấy là chuyện tự nhiên thôi”.
Tôi kéo sát K vào người mình. Tôi dụi mặt vào tóc cô. Tôi nhớ mùi hương tóc cô da diết. K lùa tay vào tóc tôi. Cô thì thầm “Tội nghiệp anh của em”. Tôi hỏi mấy hôm nay cô đi đâu. K trả lời “đi xe buýt”. Bây giờ thì tôi biết cô không đùa, và cả lần trước cũng thế, không cố ý chua chát. Những ngày vừa qua, và cả cái lần gặp tôi và vợ trên xe buýt nữa, cô đã ngồi trên chuyến xe buýt ấy để nó chạy đi khắp nơi trong thành phố, không buồn bước xuống một trạm nào.
*
K rời văn phòng tôi lúc mặt trời đã khuất hẳn. Chẳng biết cô sẽ về nhà hay đi lang thang. Bóng tối bao trùm khu campus. Chưa bao giờ tôi thấy ngôi trường này vắng vẻ đến thế. Đám cây sồi âm u che phủ bầu trời. Giờ này chắc bàn thờ ở nhà đã sẵn sàng, cả nhà và mấy người em đang đợi tôi về để thắp hương cúng giỗ. Vậy mà tôi đã lái xe nhiều vòng trong khu campus chẳng biết để làm gì, rồi mới hướng về nhà. Câu chuyện về cái chết của người anh Cả của K bỗng khiến tôi cảm thấy tuyệt vọng. Thật kỳ lạ. Tôi bỗng ao ước mình không phải là một anh Cả. Nếu như tôi đổi vị trí cho thằng em úùt của tôi chẳng hạn, thì…phải rồi, một tia sáng loé lên trong đầu tôi. Chắc chắn nếu là thằng Út, thì nó đã không sống một cuộc đời như tôi. Tôi bỗng cảm thấy ghen tị với tất cả những đứa em của mình.
Nhưng tôi hiểu rõ lắm, nếu tôi cất bước, thì chắc chắn sẽ bước đến ngõ cụt. Mà tôi biết mình sẽ chẳng bước đi đâu. Tôi sẽ tiếp tục chu toàn trách nhiệm người anh cả, một người chồng, một ông bố. Không biết K ra sao nhưng tôi chắc sẽ ngồi trong cái văn phòng giáo sư của mình cho đến ngày về hưu. Mỗi lần lên lớp, tôi lại nhìn trong đám học trò, tìm một cái búi tóc đã gói trọn trái tim tôi. Mỗi khi ra phố, tôi sẽ dõi mắt theo những chiếc dép hở quai. Một ngày nào đó, nếu tôi nhận được món tiền hoàn lại từ chồng K, thì sẽ là ngày tận thế của tôi. Có thể tôi sẽ trở nên mất trí, ngơ ngác như ông anh của K cũng nên.
Dừng xe trước cửa nhà, tôi sửa lại gương mặt, chuẩn bị một nụ cười với gia đình, sửa soạn làm người anh cả vái bàn thờ gia tiên. Đằng sau cánh cửa, tôi nghe tiếng cười của lũ con, tiếng chuyện trò náo nhiệt của họ hàng trong nhà. Một giây nữa thôi tôi sẽ đẩy cánh cửa này, bước vào, nói “Xin lỗi anh về chậm. Cả nhà đợi anh có lâu không?”
Vừa tra chìa khóa vào ổ, tôi vừa thở dài. Nếu như cái chuyện khóc lóc không phải là vấn đề đáng xấu hổ của cánh đàn ông, thì có lẽ lúc đó tôi đã òa khóc. Làm sao tiếp tục cuộc sống hằng ngày và coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra? Tôi xoay chìa khóa. Bước qua ngưỡng cửa này, tôi không còn sống cho mình nữa. Tôi không thể nào đổi vị trí với lũ em của tôi. Tôi là anh Cả.
Lê Sông Văn