Nhớ lại ngày xưa ở trong nước, cứ đến tháng 5 sau ngày lễ Lao động 1/5, sau ngày lễ Chiến thắng phát xít 8/5/1945 là đến ngày 19/5 lễ sinh nhật ông Hồ Chí Minh, một ngày kỷ niệm rất ồn ào, náo động.
Báo đài ra rả kể lể chuyện xưa, chuyện nay về «Cụ Hồ», về «Bác Hồ», về «Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại», họp chi bộ, họp chi đoàn, họp khu phố, kể đi kể lại cho nhau nghe những mẩu chuyện được coi là hay ho nhất, xúc động nhất về tài năng xuất chúng, về đạo đức tận cùng nhân bản của «Bác».
Đến nay với đà suy thoái thê thảm của đảng Cộng sản, hình ảnh «Cụ Hồ» trong trí não của ngay các nhà lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản cũng đã mờ nhạt dần, thay thế bằng hình ảnh đồng đô la xanh và những lá vàng óng ánh do Ngân hàng Nhà nước vừa bán ra ồ ạt, kiếm lời hơn 2 ngàn tỷ đồng để chia nhau.
Với nhân dân, qua «đổi mới», «mở cửa», qua thời đại « công dân mạng», đồng bào ta đã điều chỉnh rất nhiều hình ảnh của «Ông Hồ», «Bác Hồ», «Cụ Hồ» trong nhận thức của mình, để gần với sự thật hơn, vượt qua những tung hô, thêu dệt, cường điệu của bộ máy loa phường mà bà con gọi vui là «loa mẹ Đốp» ra rả từ mờ sáng thời xưa.
Bởi vì việc đánh giá cho thật chuẩn xác nhân vật then chốt này của lịch sử cận đại Việt Nam có ý nghĩa quyết định đối với hiện tại và tương lai nước ta đang cựa mình, nhằm rũ bỏ những gì là sai đường lạc lối, u mê mụ mị của quá khứ để vươn lên phía trước.
Một loạt ấn phẩm quốc tế đã có vai trò điều chỉnh và tác dụng thức tỉnh. Đó là cuốn sách đồ sộ của nhà sử học Mỹ William J. Duiker có nhan đề Hồ Chí Minh, a Life (Hồ Chí Minh – một cuộc đời) dày hơn 700 trang; đó là những cuốn sách tiếng Anh, tiếng Pháp của Gabriel Kolko, Sophie Quinn-Judge, Pierre Brocheux, hay của tác giả Trung Quốc như Hoàng Tranh…
Ở trong nước, có một người với một bài viết bằng tiếng Việt rất ngắn gọn và công phu, chưa đến 2 ngàn từ, gói gọn trong 2 trang nhỏ mà khắc họa được cả cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ, kín đáo mà rõ ràng, không nêu tên mà ai nấy đều vỡ lẽ, ám chỉ mà không lẫn vào đâu, ẩn dụ mà sống động, như một họa sỹ thiên tài, vung tay đưa vài nét cọ chấm phá mà phác họa được nhân vật với tất cả thần sắc hiển hiện.
Đó là nhà văn Trần Huy Quang, biên tập viên chuyên nghiệp của tuần báo Văn Nghệ, tác giả truyện ngắn «Linh Nghiệm» trên số báo ngày 4 tháng 7 năm 1992.
Chữ mở đầu bài báo là tên một con người, cũng là chủ đề bao trùm của toàn bài. Rất kín, khó đoán lúc đầu, mà lại rất hở, khi đã vén màn bí mật lên. Đó là chữ «H», rồi 3 chấm, rồi «inh». Như thế này: «H… inh là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân không nghèo mà cũng chẳng giàu có gì lắm». Vì kín, nên bài báo lọt qua được 5 lớp duyệt của phó phòng văn nghệ, trưởng phòng văn nghệ, phó tổng biên tập thường trực, trưởng phòng thư ký tòa soạn, rồi họa sỹ trình bày minh họa báo và một loạt cán bộ cùng 2 công nhân nhà in. Xin nhớ vào thời vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, công nhân xếp chữ của nhà in cũng được huy động để cảnh giác, canh gác nghiêm mật cho đảng, để không cho lọt lưới những «bài báo xấu chống đảng».
Vì «H… inh» chính là tên Hồ Chí Minh cô lại một cách kín đáo, bất ngờ, thú vị. Và Hồ Chí Minh chẳng sinh ra ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, là con thứ 3, có anh là Nguyễn Tất Khiêm và chị là Nguyễn Thị Thanh là gì?
«Cha anh ta có đỗ đạt, từng làm quan nhưng tính khí thất thường, đã bỏ quan, khi đi dạy học, khi ngồi bốc thuốc», rõ ràng là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, từng là tri huyện Bình Khê, rồi bị giáng chức, về nhà gõ đầu trẻ và bốc thuốc Bắc, chứ chẳng còn ai khác.
«Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất vùng chôn rau cắt rốn tính đa mưu túc kế, lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt», khắc họa đúng phóc về «Cụ Hồ», một người chủ trương «lạt mềm buộc chặt», được tình báo đệ tam Quốc tế Cộng sản đào luyện, biết khóc, cười đúng lúc…
«Hinh chán học, chỉ nhăm nhăm một dạ xuất ngọại», thì đó chính là tâm lý anh thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ mới học hết tiểu học đã muốn rời nước đi xa.
Rồi anh thanh niên ấy nuôi một cuồng vọng mơ hồ thần bí muốn «tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiên, hoặc hơi hướng của miền Cực lạc để đưa về cho chúng sinh», và rồi «lòng khao khát làm trai hải hồ, khắc khoải được quỳ gối dưới chân bậc Chí Thành», được «Linh nghiệm». Anh được lên chín tầng Thánh địa để được gặp đấng Chí Linh. Để được nhận tấm Đạo thư. Đó là ám chỉ sự kiện một đêm anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vớ được luận cương Cộng sản của đấng Chí Linh – Lenin – rồi la toáng lên rằng ánh sáng đây rồi, chân lý đây rồi, và Đạo thư chính là nói về cái chủ nghĩa Mác – Lê đầy mê hoặc một thời.
Thế rồi anh thanh niên đi về phương Nam, mang theo cẩm nang đi tìm của quý trong vườn hoa mang tên Mùa Xuân, thu hút quanh mình đông đảo đồng bào. Anh bí hiểm lập lờ, thầm thì với mọi người tò mò hý hửng theo anh: «đi tìm cái này», cứ thế thu hút quần chúng nghèo khổ đủ loại vô sản rồng rắn đi theo, với hy vọng mơ hồ «cái này» sẽ đổi đời cho họ, sẽ có một chút no ấm», cứ thế, sáng, trưa rồi chiều, tối, và đến nay hơn nửa thế kỷ, vẫn còn đám đông xúm xít trong vườn hoa mang tên Mùa Xuân.
Bài viết chấm hết. Gọn gàng, sâu sắc, lại hóm hỉnh, chua chát, cũng lại tinh tế nữa. Một chân dung chấm phá mà hoàn hảo.
Thì các nhà lý luận Cộng sản chẳng luôn mồm nói chủ nghĩa Cộng sản là Mùa Xuân Nhân Loại là gì, rằng chủ nghĩa Cộng sản là Thiên đường dưới trần thế là gì!
Tháng 5 năm nay khi trong nước vẫn còn phát động học theo đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh, việc các bạn trẻ tìm đọc lại bài «Linh Nghiệm» trên đây là một việc làm rất lý thú, lại bổ ích. Các bạn cứ bấm google Trần Huy Quang hay «Linh Nghiệm» sẽ đọc được toàn bài.
Tôi nhớ khi bài «Linh Nghiệm» xuất hiện, sau 3 ngày cả Ban Tuyên giáo Trung ương đảng giật mình, Bộ Chính trị nổi giận, ông Đào Duy Tùng nguyên là trùm tư tưởng, lúc ấy là uỷ viên thường trực Ban Bí thư, nổi cơn tam bành. Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ là Hữu Thỉnh vừa thay Nguyên Ngọc tuy đi vắng cũng bị khiển trách. Lệnh thu hồi triệt để số báo không thực hiện nổi vì ai cũng lưu giữ thành của quý.
Riêng Trần Huy Quang bị kỷ luật treo bút 3 năm. Năm anh bị nạn là năm «hạn», 49 tuổi, sau đó không báo lề phải nào dám đăng bài của anh, cho đến khi anh phải về hưu sớm năm 1996. Năm nay anh vừa tròn 70 tuổi. Anh là nhà văn có tâm, lại có tài, nhưng trên hết là tấm lòng với dân tộc, với kẻ nghèo khổ. Anh nổi tiếng về bút ký «Lời khai của bị can» nói về thân phận của nhà kinh doanh làm ra lốp xe Nguyễn Văn Chẩn, còn có biệt danh là «Vua Lốp». Một nhà văn có tâm và có tầm không cần có tác phẩm hàng ngàn trang, cũng không cần phải có đến hàng chục tác phẩm để lại cho đời, vẫn để lại tiếng vang lớn trong xã hội, trong lòng bạn đọc.
Trần Huy Quang là thế. Một truyện ngắn 2 trang, chưa đến 2 ngàn từ, chấm phá nên chân dung một nhân vật lịch sử, với thái độ phê phán sâu sắc, không có từ nào thô kệch, lại ngay thật theo công tâm lương thiện.
«Linh Nghiệm» có thể là một mẫu mực về tả chân dung trong nền văn học và nền báo chí nước ta. Giữa không khí sùng bái cá nhân lãnh tụ mà viết phê phán kiểu ẩn dụ như thế, thật tuyệt !
Xin chúc nhà văn Trần Huy Quang tiếp tục phát huy sức sáng tạo khi vừa bước qua tuổi 70. Tình hình xã hội ta đang cần những cây bút tinh anh, sắc sảo, lại cô đọng, hóm hỉnh, khi cần thì kín đáo, dùng chiến thuật du kích tinh khôn, vượt qua các tầng lớp kiểm duyệt hiểm nghèo của một chế độ độc đoán toàn trị, mà vẫn phơi bày được cốt cách của nhân vật định mô tả
Tác giả: Bùi Tín