Có phải Hoa Kỳ đã bực dọc, với cả Trung Quốc và Bắc Hàn, tới mức phải lớn tiếng cứng rắn với Hoa Lục trong buổi họp tuần này ở Washington?
Tạp chí Forbes ghi rằng khi Ngoại Trưởng Rex Tillerson và Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis họp với Ủy viên Quốc vụ Trung quốc Yang Jiechi để đối thoaị an ninh vào Thứ Tư tuần này ở Washington, hai phía dự kiến đều có chuyện nhức nhối đưa ra.
Yun Sun, nhà nghiên cứu cao cấp trong chương trình East Asia Program thuộc viện nghiên cứu Stimson Center, bản doanh ở Washington, nói nhiều phần Mỹ sẽ nêu vấn đề Biển Đông, nơi TQ không xem nơi này là chuyện muốn bàn vì TQ đã có vẻ làm hòa được với Philippines xong.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ nói gì? Bởi vì ưu tiên để bàn thảo vẫn là vũ khí nguyên tử Bắc Hàn?
Mà bàn gì nữa, vì TQ đã xây dựng xong các căn cứ quân sự lớn ở Biển Đông.
Nhưng nếu Mỹ không sờ tới chỗ nhức nhối của TQ là Biển Đông, Bắc Kinh sẽ vẫn tà tà, không chịu áp lực Bắc Hàn -- và tình hình chắc chắn, Mỹ sẽ nêu một khả thể cho TQ nhìn thấy: Mỹ sẽ lập tuyến phòng thủ Biển Đông với Nhật, Úc Châu... ngay cả khi Philippines và Việt Nam có lạnh cẳng.
Dĩ nhiên là sẽ bàn lại chuyện Bắc Hàn, vì sau khi TT Trump họp với Tập Cận Bình ở Florida, vơ1ới cam kết của họ Tập là sẽ ghìm cương họ Kim, hóa ra Bắc Hàn lại hung hăng thêm, liên tục bắn thử phi đạn.
Nghĩa là, phải trao đổi? Nếu trao đổi để Bắc Hàn giảm trừ nghiên cứu vũ khí nguyên tử, điêu kiện là gì?
Tuần này, buổi họp Mỹ-TQ có thể sẽ đưa ra một hươ1ớng giải quyết? Đành chờ xem.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn lạng qua, lạng lại khó lường: khiêu vũ theo điệu nhạc Hồ quảng.
Bản tin RFA kể rằng Thượng tướng Phạm Trường Long, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân uỷ Trung Ương Trung Quốc vào ngày 18 tháng 6 được đại tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đón nhân chuyến thăm chính thức trong hai ngày 18 và 19 tháng 6.
Tin cho biết trong lần gặp này, hai phía ký kết Thoả thuận hợp tác đào tạo giữa Bộ quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Hai phía cũng thống nhất biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 mà hai phía mới ký kết vào tháng giêng năm nay.
Sau hai ngày thăm chính thức Việt Nam, ông Phạm Trường Long sẽ cùng người đứng đầu ngành quốc phòng Việt Nam chủ trì các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam- Trung Quốc lần thứ tư tại Lai Châu- Việt Nam và Vân Nam- Trung Quốc từ ngày 20 đến 22 tháng 6.
RFA ghi nhận:
“Hai nước cùng theo hệ tư tưởng cộng sản nhưng đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974; hiện nay Trung Quốc tiến hành quân sự hóa những đảo nhân tạo tại Trường Sa; trong đó có những đảo chiếm của Việt Nam vào năm 1988.”
Trong khi đó, một vị tư lệnh cứng rắn sắp rời Biển Đông: bản tin VOA ghi rằng Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, người nổi tiếng với quan điểm chỉ trích Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, theo dự kiến sẽ rời chức vào năm tới. Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ định người thay thế Đô đốc Harry Harris, một chức vụ quan trọng được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
Trưởng phát ngôn của PACOM, Đại tá Darryn James, cho biết: “Thông thường việc chuyển tiếp các tư lệnh chiến đấu là mỗi 3 năm, và vì Đô đốc Harris nhậm chức Tư lệnh PACOM vào tháng 5 năm 2015, người ta đoán nhiệm kỳ của ông sẽ chấm dứt vào tháng 5 năm 2018.”
VOA ghi nhận rằng những bàn cãi diễn ra trong lúc ông Trump đang ve vãn Trung Quốc làm áp lực để Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này.
Đô đốc Harris khiến Trung Quốc nổi giận cách đây hai năm khi tuyên bố việc xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông là một “vạn lý trường thành bằng cát”.
Đáp lại, Bắc Kinh, thông qua Đại sứ Thôi Thiên Khải tại Mỹ, từng yêu cầu Washington cách chức ông Harris.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bình luận của ông Harris là “không đúng sự thật và không đáng để phản hồi”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thậm chí còn dùng đến nguồn gốc Nhật Bản của ông Harris để diễn giải động lực diều hâu của ông.
Thân mẫu ông Harris là người Nhật và cha của ông là trung sĩ nhất hải quân trú đóng tại Yokosuka, Nhật Bản.
Vào tháng 2 năm 2016, một bài bình luận trên Tân Hoa Xã viết rằng “không thể đơn giản làm ngơ dòng máu của Đô đốc Harris, lý lịch, khuynh hướng chính trị và những giá trị” để hiểu được “sự công kích bất thường và nâng cấp của Mỹ tại Biển Đông.”
Một bản tin của RFA lại cho thấy khía cạnh khác ở Biển Đông: Lực lượng Tuần duyên Nhật bản và Cảnh sát Biển Việt Nam vừa tổ chức buổi diễn tập chống đánh cá trộm ở Biển Đông vào tuần trước. Đây là cuộc diễn tập chung lần đầu tiên giữa hai nước với nội dung này.
Theo hãng tin NHK của Nhật Bản, cuộc diễn tập diễn ra ngoài khơi Đà Nẵng theo lời mời từ phía Việt Nam. Nhật Bản gửi tầu Echigo- 3.100 tấn có thể mang theo máy bay trực thăng hạng nhẹ tham gia diễn tập. Phía Việt Nam cũng cho tàu tuần duyên do Nhật Bản trang bị tham gia.
Trước cuộc diễn tập vừa nêu, tuần duyên Nhật Bản cũng có những cuộc diễn tập nhỏ với phía Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, bà Tomomi Inada cho biết chiến lược Biển Đông của Nhật Bản sẽ tập trung vào việc giúp xây dựng năng lực cho các nước ven biển trong khu vực bao gồm Việt Nam và Philippines.
Biển Đông, Biển Đông... sóng gió sẽ về đâu?
Trần Khải