Có phải Trung Quốc đang bơm tiền ào ạt vào các quốc gia Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, trong khi cùng lúc tăng cường quân sự chiếm giữ Biển Đông?
Có phải là khi hữu sự, khi bị thách thức chủ quyền Biển Đông, TQ sẽ chơi liền độc chiêu: giết gà để dọa khỉ?
Không có gì bí mật, chính phủ TQ mấy năm nay bơm tiên ào ạt vào ASEAN... thậm chí đưa cả sư đoàn công nhân vào Formosa (Hã Tĩnh) để ăn nằm lâu dài.
Trong khi đó, Hải quân TQ đang huấn luyện cho các trường hợp như thế, khi cần sẽ “giết gà, dọa khỉ.”
Báo Giáo Dục VN đã nói như thế, dựa vào một bản tin Nhật Bản.
Bản tin GDVN có nhan đề “3 sĩ quan Trung Quốc bàn chiến lược "giết gà dọa khỉ" ở Đông Nam Á” hôm 10/7/2017 trong đó cho biết:
“Họ viết rằng, một số bên yêu sách có thể phải 'hy sinh' để Trung Quốc 'dạy cho các nước khác một bài học', làm nản lòng những ai có ý đồ...
...Nó được viết bởi 3 sĩ quan hải quân Trung Quốc: thiếu tá Jin Jing, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân, 2 cán bộ chính trị của Hạm đội Nam Hải, Xu Hui và Wang Ning...
Tiếp tục phân hóa ASEAN, vạch ra giới hạn đỏ ở Biển Đông. Nếu cần, phải giết gà để dọa khỉ...”
Trong khi đó, bản tin Á Châu Tự Do RFA ghi nhận rằng Trung Quốc bắt đầu thí điểm khai thác băng cháy ngoài Biển Đông, cách tỉnh Quảng Đông 320 km về phía Đông Nam, vào hôm 10 tháng 5. Hôm 18 tháng 5, nước này tuyên bố lần đầu tiên đã thành công trong việc lấy được các mẫu băng cháy ở biển Đông.
Băng cháy là hỗn hợp đông lạnh của nước và khí tự nhiên đậm đặc. Đây là một trong những nhiên liệu hóa thạch dồi dào nhất thế giới. Ước tính của một số nhà khoa học cho thấy một mét khối băng cháy chứa khoảng 160 m3 khí thiên nhiên.
RFA ghi lời Phó Cục trưởng Cục Khảo sát địa chất Li Jinfa cho biết băng cháy sẽ đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ông nói đây là loại nhiên liệu chiến lược thay thế dầu và khí tự nhiên trong tương lai.
Bản tin RFI ghi khía cạnh khác về “Biển Đông: Chuyên gia Mỹ cảnh báo về lệnh Trung Quốc cấm đánh cá...”
Bản tin nói rằng lệnh cấm đánh cá tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc cho là của họ sẽ hết hạn vào tháng 8 tới đây. Cho đến nay, có rất ít báo cáo về các sự cố liên quan đến việc Bắc Kinh thực thi lệnh này, nhưng trong bản báo cáo công bố ngày 07/07/2017, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á - AMTI - thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế - CSIS - tại Washington cho rằng cần phải theo dõi sát sao tình hình vì Trung Quốc thường có biện pháp thô bạo để áp đặt lệnh cấm đơn phương của họ.
Theo ghi nhận của bản báo cáo, từ năm 1995 đến nay, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông đối với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngoại quốc, kể cả tại các vùng biển của nước khác, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Lệnh cấm năm 2017 kéo dài từ 01/05 vừa qua, cho đến tháng Tám.
Sau khi điểm lại các sự cố từ năm 2012 đến năm 2017, bản báo cáo đã kết luận rằng lệnh cấm của Trung Quốc năm nào cũng « làm bùng lên nỗi tức giận giữa Bắc Kinh với các láng giềng, tạo nên tình trạng căng thẳng giữa việc thực thi pháp luật khu vực và các đội tàu đánh cá».
Các sự cố, đôi khi dữ dội, là một vấn đề quanh năm giữa ngư dân Trung Quốc và các nước láng giềng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan xuống đến Đông Nam Á, nhưng lệnh cấm đánh bắt cá là một yếu tố thúc đẩy sự gia tăng các sự cố này.
Với lệnh cấm, phần lớn ngư dân Trung Quốc quay trở lại cảng, nhưng nhiều tàu cũng hướng về phía nam vĩ tuyến 12, làm gia tăng các vụ đụng độ với lực lượng cảnh sát biển các nước Đông Nam Á tại vùng Trường Sa hay ngoài khơi Indonesia.
Bản tin cũng nói rằng tác động đáng chú ý nhất của lệnh cấm mỗi năm là các vụ va chạm tăng vọt giữa lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc và ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa và chung quanh Hoàng Sa. Chính quyền Hà Nội đã lên án lệnh cấm của Trung Quốc, coi đó là việc vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm thỏa thuận nghề cá tại vùng Vịnh Bắc Bộ mà hai nước đã đạt được vào năm 2000.
Các ngư dân Việt Nam và các quan chức chính quyền địa phương đã từng báo cáo về tình trạng gia tăng các hành vi sách nhiễu, bắt bớ và thậm chí bắt cóc mà lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc tiến hành, trong bối cảnh ngư dân Việt Nam, được chính quyền hỗ trợ ngầm, đã coi thường lệnh cấm của Trung Quốc.
Đối với Philippines, trước khi lệnh cấm đánh bắt có hiệu lực vào tháng Năm vừa qua, đã có tin là ngày 27/05, một tàu công vụ của Trung Quốc đã bắn cảnh báo vào các ngư dân Philippine để đưa họ ra khỏi khu vực Cụm Sinh Tồn (tên quốc tế là Union Banks), một ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines nằm gần một rạn san hô do Trung Quốc kiểm soát.
Trong khi đó, bản tin VOA cho biết Nga-Taù móc nối...
Bản tin nói rằng Trung Quốc và Nga vừa đạt được thỏa thuận để cùng nhau xây dựng “Con đường tơ lụa trên băng” dọc theo tuyến đường biển phía Bắc nước Nga.
Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng ý về dự án này trong cuộc họp tại Moscow vào ngày 4/ 7.
Nhấn mạnh Nga là một đối tác quan trọng trong việc thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ông Tập bày tỏ hy vọng hai nước sẽ cùng hợp tác trên tuyến đường biển phía Bắc để có thể biến nó thành “con đường tơ lụa trên băng” và thực hiện các dự án kết nối khác.
Đằng nào cũng hung hiểm... dù ở Biển Bắc hay Biển Đông...
Trần Khải