Biểu tượng của ứng dụng WeChat và Weibo tại Bắc Kinh, ảnh chụp ngày 05/12/2013. Reuters
Trong bài viết « Trung Quốc : Kiểm duyệt len lỏi vào mọi ngõ ngách trên mạng Internet », báo Libération cho biết sau khi nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba - giải Nobel Hòa Bình 2010, qua đời vào ngày 13/07/2017 vì bệnh ung thư, những bức ảnh về một chiếc ghế trống, gợi nhớ tới việc ông không được tới Oslo nhận giải Nobel được rất nhiều người Trung Quốc đăng tải trên internet. Kể từ đó, chính quyền Trung Quốc, vốn đã tăng cường các biện pháp trấn áp, lại càng siết chặt công tác kiểm duyệt đối với 1,73 tỉ dân.
Từ mười ngày nay, nhân vật hoạt hình Winnie và bức tranh « Chiếc ghế của Vincent » của danh họa Van Gogh bị kiểm duyệt gay gắt trên mạng internet tại trung Quốc. Lý do : chú gấu Winnie trông rất giống chủ tịch Tập Cận Bình và cư dân mạng thường dùng hình ảnh Winnie để chế giễu ông Tập, còn bức tranh của Van Gogh khiến cư dân mạng liên tưởng tới việc giải thưởng Nobel của Lưu Hiểu Ba được đặt trên một chiếc ghế trống trong lễ trao giao giải năm 2010 và nhiều người sử dụng hình ảnh đó để tưởng niệm nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba.
Lần đầu tiên, Bắc Kinh kiểm duyệt các bức ảnh trao đổi trong các tin nhắn riêng tư trên ứng dụng Wechat mà 938 triệu người Trung Quốc, nhất là các tin nhắn có tên « Liu » (Lưu) hoặc « Xiabao » (Hiểu Ba). Các nhà nghiên cứu của Citizen Lab thuộc đại học Toronto còn nhận thấy trên trang mạng xã hội Sina Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc, các đăng tải có chứa những từ như « R.I.P » (Hãy yên nghỉ !), « LXB » (chữ cái viết tắt tên của Liu Xiabao (Lưu Hiểu Ba) hay câu nói nổi tiếng của ông « Tôi không có kẻ thù » bị xóa dần. Biểu tượng cảm xúc « ngọn nến » cũng biến mất để tránh mọi hình thức tưởng niệm.
Ông Michel Bonnin, giám đốc nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội EHESS giải thích : « Biện pháp kiểm soát của Trung Quốc mạnh mẽ hơn bất cứ biện pháp nào của các chế độ độc tài ở châu Phi và châu Mỹ la tinh. Người ta không thấy có bạo lực vì mọi thứ đều bị kiểm soát ngay từ khi mới bắt đầu. Không gì có thể thoát khỏi vòng kiểm soát của Tập Cận Bình, và những người phản kháng ngày càng chịu nhiều sức ép. Một người như Lưu hiểu Ba, người luôn tôn trọng nhân văn, hòa bình và lòng bao dung là kẻ thù truyền kiếp cần đánh bại. »
Vì không thể đọc được tất cả nội dung trao đổi trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp của Mỹ, từ ngày 18/07, Bắc Kinh đã chặn mọi tin nhắn có vidéo, âm thanh hoặc kèm hình ảnh. Đây là lần đầu tiên biện pháp trên được sử dụng kể từ khi chế độ kiểm duyệt Great Firewall (Vạn Lý Tường Lửa) được Trung Quốc triển khai vào năm 2013.
Mỗi năm, Bắc Kinh chi 5,4 tỉ đô la để kiểm duyệt internet. Trên 200 trong số hơn 1000 trang web lớn nhất trên thế giới bị chặn. Với địa chỉ IP tại Trung Quốc, cư dân mạng không thể truy cập Facebook, Twitter, Instagram, không thể truy cập vào hòm thư Gmail hay xem vidéo trên YouTube, thậm chí không thể đọc báo điện tử Le Monde của Pháp và New York Times của Mỹ.
90 triệu cư dân mạng tại Trung Quốc, trong đó có rất nhiều người nước ngoài phải vượt « Vạn Lý Tường Lửa » bằng cách sử dụng mạng riêng ảo VPN (Virtual Private Network). Trước đây, chính quyền để cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các nhà khoa học sử dụng phần mềm VPN ở một mức độ nhất định để phục vụ công việc. Tuy nhiên, bộ Công Nghiệp Và Công Nghệ của Trung Quốc đã thông báo kể từ ngày 01/02/2018, các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà nghiên cứu phải có giấy phép của chính quyền mới được sử dụng VPN. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đành phải đóng cửa.
Để hoàn thiện chiến dịch « tẩy rửa Internet », tuần trước Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (ACC) đã triệu tập và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất tại Trung Quốc ngưng cho đăng tải và lan truyền mọi diễn giải sai lệch các chính sách, lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc, các tin tức giả mạo, sao chép ảnh và thách thức chính quyền.
Từ khi Tập Cận bình lên nắm quyền vào năm 2013, các phương tiện truyền thông truyền thống như báo in và các nhà xuất bản ngày càng bị kiểm duyệt gay gắt. Các hình thức kiểm duyệt nhiều vô cùng. Ngay cả điện ảnh cũng phải « phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội ». Nội dung các bài hát cũng bị kiểm soát chặt chẽ.
Kế sách « giết gà dọa khỉ »Trên mạng internet, việc kiểm soát tuyệt đối là không thể. Vì thế, theo ông Benjamin Ismaïl, cựu giám đốc văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Bắc Kinh đã sử dụng kế sách trừng phạt để răn đe mà người Trung Quốc gọi là « giết gà dọa khỉ » : Việc một nhà báo bị phạt tù 10 năm hay một nhà nhân quyền bị tuyên án tù 15 năm sẽ khiến những người khác sợ hãi. Một biện pháp khác không tàn bạo mà rất hiệu quả để « bảo vệ chủ quyền về không gian mạng » là cho đăng tải ngập tràn trên internet các thông điệp tuyên truyền cho chính quyền, ngăn chặn mọi trao đổi bàn luận và các thông tin gây bất lợi cho chế độ.
Một luật sư Trung Quốc trốn thoát sang Mỹ cách đây 2 năm nhận xét : « Cái chết của Lưu Hiểu Ba sẽ cho cả thế giới hiểu rõ hơn cách mà đảng Cộng Sản Trung Quốc bức hại dân chúng ». Tập Cận Bình, vốn luôn ám ảnh về việc phải kiểm soát mọi chuyện, có thể sẽ khoa trương các kết quả tuyệt vời của kế hoạch trên trong đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu 2017 với hy vọng có thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước.
Le Monde kết luận, trước khi đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010, nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba, vào năm 2009 đã nói rằng Internet là « món quà trời ban cho Trung Quốc ». Nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc đã biến Internet thành công cụ mới phục vụ chế độ độc tài, toàn trị.
Theo RFI