Trong hai thập niên vừa qua, ngoài các nhà xuất bản và các tùng thư chuyên về Phật học đã có tiếng còn có sự xuất hiện của các trung tâm nghiên cứu tập trung nhiều học giả Tây Phương lẫn các tu sĩ học giả Tây Tạng lưu vong như the Institute of Buddhist Dialectics hay the Central Institute of Higher Tibetan Studies chuyên giới thiệu những nghiên cứu về Long Thọ và Trung Quán – Có thể đọc thư mục tham khảo về sách báo Tạng văn về Long Thọ có trong The Two Truths của Guy Newland (nxb New York: Snow Lion, 1992). Nên biết sách luận của Long Thọ và các sớ sao giảng giải về các luận này còn được giữ rất nhiều trong truyền thống Tây Tạng. Từ ngàn năm trước cho đến thời hiện đại, các thế hệ tăng sĩ Tây Tạng vẫn tiếp tục chuyên cứu về Long Thọ và Trung Quán. Đây mới thật sự là tinh hoa của Phật giáo Tây Tạng chứ không phải các hình thức nghi lễ truyền thống quần chúng đầy ảnh hưởng văn hóa phù thủy của đạo Bon bản địa[118].
Trong công cuộc nghiên cứu hiện nay về Long Thọ và Trung Quán, bên cạnh các học giả Tây phương, các học giả Nhật Bản luôn luôn tiếp tục đóng góp nhiều nghiên cứu giá trị, và sau đó là các học giả Ấn Độ và Nam Á cũng tham dự (vì họ sẵn có các học giả sinh hoạt trong môi trường Anh ngữ và vốn biết Sanskrit). Học giới Trung Hoa cũng từng có đóng góp dù khá khiêm tốn như các nghiên cứu của Ấn Thuận, Lữ Trừng nhưng hiện nay dường như không có học giả Trung Hoa nào có các công trình nghiên cứu quan trọng. Kể cả các nghiên cứu của các tác giả gốc Hoa nhưng theo học ở các Đại học Tây phương có sách xuất bản như Chen Hsueh-li (Madhyamakika Buddhism from Chinese Sources, New york: Philosophical Lib 1984); Liu Ming-wood (Madhyamaka Thought in China, Leiden, E.J. Brill 1994); Wu Juchun (T’ien-T’ai Buddhism and Early Madhyamika. Honolulu: U of Hawaii Press, 1993)… thì cũng chỉ là các luận án bình thường để tốt nghiệp và chưa phải là những công trình đáng kể. Riêng cuộc nghiên cứu đối chiếu giữa Madhyamaka với Tam Luận Tông và Thiên Thai Tông của Trung Hoa là một đề tài cá nhân tôi vốn trông chờ từ lâu vẫn chưa có học giả Trung Hoa nào có đủ khả năng khai thác.
Vũ Thế Ngọc
_______________
[1] Madhyamika hay Madhyamaka? Vài học giả tây phương thường phân biệt giữa hai chữ và hay dùng madhymika như tính từ và madhyamaka là danh từ. Tôi dùng cả hai chữ không phân biệt là viết theo T.R.V. Murti và Sanskrit Commission (do chính phủ Ấn Đô thiết lập năm 1959). Xem thêm Introduction to the Middle Way: Chandrakirti’s Madhyamakavatara, the Padmakara Translation Group (London: Shambhala, 2002) tr.354.
[2] Cưu Ma La Thập, Long Thọ Bồ Tát Truyện, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh (T. 2047)
[3] Nghiên cứu về Long Thọ và Trung Luận trong thế giới Tây phương một cách kinh viện có thể được đánh dấu bằng việc Nga xuất bản bộ Phật Giáo Văn Khố (Biliotheca Buddhica) vào thập niên 1901-1913, trong đó Poussin có dịch Prasannapada (nội dung gồm Madhyamika và chú thích của Nguyệt Xứng). Qua ba thập niên đầu của thế kỷ 20 với các nghiên cứu của Smimidt, Burnuf, Oldenberg, Nanjo, Stcherbatsky… Rồi đến thế hệ của T.R.V. Murti, P.L. Vaidya, R. Robinson, K. Inada… thì công cuộc nghiên cứu kinh viện này đã có những bước căn bản. Trong ba bốn thập niên vừa qua thì có thể nói là giai đoạn trăm hoa đua nở với nhiều nghiên cứu quan trọng khác, đặc biệt là còn có sự xuất hiện của các trung tâm nghiên cứu tập trung nhiều học giả tu sĩ Tây Tạng như the Institute of Buddhist Dialectics, the Central Institute of Higher Tibetan Studies. Trong công cuộc nghiên cứu kinh viện này, học giới Nhật Bản luôn luôn đóng góp nhiều nghiên cứu giá trị. Học giới Trung Hoa cũng từng có các sách của Hòa thượng Ấn Thuận, Lữ Trừng nhưng hiện nay dường như không còn học giả nào có các công trình đáng kể.
[4]. Nguyệt Xứng (Candrakirti hay Chandrakirti), thế kỉ thứ bẩy, được coi là người chú giải Trung Luận thành công nhất và cùng thày là Phật Hộ (Buddhapālita) được coi là sơ tổ trung hưng của tông Madhyamaka. Ở Tây Tạng hai tác phẩm Prasannapadā (Minh Cú Luận) và Madhyamakavatara (Nhập Trung Quán) của Nguyệt Xứng là hai tác phẩm giáo khoa rất được trọng thị.
[5] Tức Piṅgala, cũng được gọi là Phạm Chí Thanh Mục.
[6] Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh , T.1564
[7] Đại chính, kinh 301, Pali S.12.15 Kaccāyanagotta.
[8] Đọc bản dịch Trung Luận ra Anh văn và Viết ngữ (gồm cả hai hai văn bản Sanscrit và Hán văn của Cưu Ma La Thập) có in trong Vũ Thế Ngọc, Triết Học Long Thọ, nxb Thế Giới 2016
[9] Vigrahavyāvartanī “Đánh Tan Mọi Khúc Mắc” Hán dịch là 迴諍論 (Hồi Tránh Luận), Đức ngữ dịch là Die Streitabwehrerin (Frauwalner) Anh ngữ dịch là The Dispeller of Disputes (Westerhoff). Bản Viết Ngữ xem Vũ Thế Ngọc, Long Thọ Hồi Tránh Luận, nxb Hông Đức, 2017
[10] Các tác giả cổ điển như Bhavya (trong Ratnapradipa), Chandrakirti (trong Prasannapadā) và Santaraksita (trong Madhyamakālamkāravritti) đều có trích dẫn Hồi Tránh Luận và coi luận này là luận quan trọng nhất bên cạnh Trung Luận.
[11] Th. Stcherbatsky, Buddhist Logic, the Academic of Sciences of the U.S.S.R., Leningrad 1930 (Dover Edition 1960), tr. 28-30
[12] Cho nên còn gọi là svavṛtti (tự thích), ý nói là tác giả tự giảng về luận của mình (autocommentation)
[13] Xem Vũ Thế Ngọc, Long Thọ Hồi Tránh Luận, sđd,
[14] Vũ Thế Ngọc, Long Thọ Thất Thập Không Tính Luận, nxb Hồng Đức 2015
[15] Bản Sanskrit dùng trong sách Long Thọ Không Tính Luận này là bản tái thực hiện dựa trên các bản Tạng văn do các đại sư Tây Tạng thực hiện.
[16] Đây cũng là ý kiến của giới học giả hiện nay, Lindtler, Nagarjunia: Studies in Writings and Philosophy of Nāgārjuna, Delhi: Motilal Banarsidas Publishers, 2011, tr.265
[17] Cả ba luận này đều đã được dịch giảng và xuất bản trong Tùng Thư Long Thọ và Tính Không.
[18] Trong Trung Luận (XXIV.1) Long Thọ cũng đã ghi lại chất vấn của thính chúng với câu hỏi cơ bản: “Nếu tất cả đều trống không, không sinh cũng không diệt, như thế thì cả Tứ thánh đế cũng không có chăng?” (yadi śūnyam idaṃ sarvam udayo nāsti na vyayaḥ | caturṇām āryasatyānām abhāvas te prasajyate.) Kệ 7 của Hồi Tránh Luận hỏi về 119 Thiện pháp với cùng ý như vậy.
[19] Giáo pháp Theravāda cũng luận giải về Không (suñña) và Tính Không (suññatā) đặc biệt là “tính không trong giáo lý vô ngã” (xem Majjhima Nikaya) và “pháp quán về tính không” (suññatapassana) trong Visuddhi Magga.
[20] Ngay tên của ngài "Nāgārjuna" có nghĩa là "thanh tịnh như loài rồng" (nāga = Long; arjuna = màu trắng, thanh tịnh) cũng được người Hoa hiểu là Long Thụ, tức là "một loài cây của rồng" (龍樹). Biểu tượng dành riêng cho Long Thụ là những con nāga làm thành vòng hào quang trên đầu của ngài.
[21] Xem danh mục sách luận của Long Thọ ở phần sau.
[22] Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 般若波羅蜜多經 (prajñāpāramitā-sūtra) cũng được gọi là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh. Là một bộ kinh bao gồm khoảng 40 bài kinh Đại thừa, xuất hiện từ đầu những năm đầu tiên của dương lịch và tiếp tục hoàn thành cho đến tận thế kỷ thứ tư Dương lịch. Bộ kinh này là một phần quan trọng của bộ kinh Phương đẳng (vaipulya-sūtra). Hiện nay, phần lớn kinh này chỉ còn trong dạng chữ Hán hoặc chữ Tây Tạng. Trong bộ kinh này thì hai tập Kim cương Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh (vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra) và Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh (mahāprajñāpāramitā-hṛdaya-sūtra) là phổ biến nhất. Phần cổ nhất của kinh này là Bát-nhã bát thiên tụng (aṣṭasāhasrikā) – còn gọi là Tiểu phẩm bát-nhã – một bộ kinh gồm 8000 bài kệ. Đây cũng là cơ sở cho tất cả bộ kinh Bát-nhã khác, mỗi bộ gồm từ 300-100 000 bài kệ. Bản dịch chữ Hán đầu tiên ra đời khoảng năm 179.
Những kinh điển trong Bát-nhã bộ còn nguyên văn Phạn ngữ gồm:
1.Adyardhaśatikā-prajāpāramitā: Bát-nhã lí thú phần;
2.Aṣṭasāhasrikā- prajāpāramitā.: Bát thiên tụng Bát-nhã hay Tiểu phẩm Bát-nhã;
3.Mahāprajñāpāramitā-hṛdaya: Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh (Bát Nhã Tâm Kinh)
4.Mañjuśrīparivarta- prajāpāramitā: Văn-thù Sư lị sở thuyết Bát-nhã Ba-la-mật kinh, gọi ngắn là Văn-thù Bát-nhã kinh;
5.Pañcaviṃśatisāhasrikā- prajāpāramitā.: Nhị vạn ngũ thiên bát-nhã tụng hoặc Đại phẩm Bát-nhã hoặc Phóng quang Bát-nhã (Long Thọ có soạn luận về kinh này, rất nổi tiếng ở Trung Hoa qua quyển Đại Trí Độ Luận của Long Thọ, với bản Hán dịch của La Thập mang tên Đại Trí Độ Luận)
6.Śatasāhasrikā- prajāpāramitā: Đại Bát-nhã sơ phần;
7.Suvikrāntavikrāmīparipṛcchā hay Sārdhadvisāhasrikā-p. : Thắng Thiên vương Bát-nhã Ba-la-mật kinh;
8.Vajracchedikā- prajāpāramitā.: Kim cương Năng đoạn Bát-nhã ba-la-mật-đa (Kim Cương Bát Nhã)
[23] Kalupahana, David, A history of Buddhist Philosophy, 1992, tr. 160
[24] Luận Rājaparikathā-ratnāvalī, do Chân Đế (Paramārtha) dịch.
[25] Khoảng hế kỷ thứ 5, người ta lại biết đến một vị Luận sư danh tiếng cũng có tên là Long Thọ (Nāgārjuna) và cũng có một đệ tử tên là Thánh Thiên (āryadeva). Có thể người ta lầm hai Long Thọ với nhau, nên mới có truyền thuyết Long Thọ sống rất lâu.
[26] Cũng nên nhắc lại trong kinh điển Đại Thừa hình ảnh Đức Phật lịch sử (the historical Buddha) tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shākyamuni Buddha) của lịch sử chúng ta rất mờ nhạt, thay vào đó là hình ảnh của “Đức Phật trên nguyên lý tổng quát” (Buddha principle) mà sau này giới Phật học thành hình lý thuyết Tam thân Phật (Trikāya): Pháp thân (dramakāya ), báo thân (sambhogakāya), ứng thân (nirmānakāya) với sự xuất hiện của rất nhiều Đức Phật khác trong kinh điển Đại Thừa. Xem “Tam Thân Phật” trong Trí Tuệ Giải Thoát (Vũ Thế Ngọc 2010, sđd)
[27] Như đã minh thị nhiều lần, các danh từ “tiểu thừa” (Hīnayāna) và “đại thừa” (Mahayāna) tôi dùng ở đây cũng như các trứ tác khác chỉ là cách nói phổ thông va thường có liên quan đề các vấn đề thư tịch cổ, hoàn toàn không có ý nghĩa đánh giá của thời phân tranh đảng phái xưa cũng như nay. Sự thật việc đấu tranh tông môn “tiểu vs đại” do nhóm người sau khai thác và khuếch đại. Đọc Phật Quốc Ký của Pháp Hiển (320-430) ngài cho biết có những tự viện ngay trong một chùa cũng có các tăng sĩ tu học theo các pháp môn khác nhau. Nên biết không có ai nhận mình là tiểu và gọi người là tiểu thì cũng khó nghe. Tuy nhiên cũng nên nhớ từ Theravāda (Thượng tọa bộ) mà ngày nay thường dùng thay cho Tiểu thừa (Hīnayāna) cũng hoàn toàn không đúng, vì Theravāda chỉ là một nhánh lớn của Hīnayāna còn tồn tại ở các quốc gia Đông Nam Á.
[28] Xem thêm các chú thích về các danh từ Sanskrit này trong phần Việt dịch “Trung Luận.”
[29] Một số học giả còn cho rằng có hai chi phái Trung Quán tông là Madhyamika-Svatāntrika (Trung Luận Y Tự khởi) do Bhāvaviveka (Thanh Biện) chủ trương, và Madhyamika-Prāsangika (Trung Luận Cụ duyên hay Qui Mậu phái) do Phật Hộ (Buddhapālita) chủ trương (Nguyệt Xứng tự xem là người thừa kế Phật Hộ). Nhưng thật sự dù các sách luận của hai ngài có những tư tưởng khác nhau và giải thích khác biệt về tư tưởng Long Thọ nhưng không có chứng tích rõ rệt nào về sự hiện hữu của hai tông môn trường phái này. Bệnh vẽ phái chia thừa thường chỉ là việc làm của người sau.
[30] Như chúng ta biết nhiều dấu hiệu Đại Thừa Phật giáo đã hoạt động trước thời đại của Long Thọ, điển hình là các bản kinh Bát Nhã sớm đã có trước thời Long Thọ.
[31] Thánh Thiên 聖 天 (āryadeva) cũng được gọi là Đề-bà, có lẽ là đệ tử duy nhất của Long Thụ và là tác giả của nhiều luận quan trọng. Theo Tứ Bách Luận Thích của Nguyệt Xứng và Đại Đường Tây Vực Ký của Huyền Trang thì Thánh Thiên sinh trong thế kỷ thứ 3 tại Tích Lan và là Tổ thứ 15 của thiền Ấn Độ dưới tên ‘Đề-bà một mắt’ (Kāṇadeva). Ngày nay, tác phẩm của ngài chỉ còn được giữ lại trong các bản dịch chữ Hán và chữ Tây Tạng, phần lớn là các luận về giáo pháp của Long Thụ. Truyền thống Kim Cang thừa tôn ngài là một trong 84 vị Ma-ha Tất-đạt (mahāsiddha). Thánh Thiên sinh ra trong một gia đình quí tộc tại Tích Lan, xuất gia theo Hermadeva là vị tăng thống của Tích Lan thời bấy giờ. Ngài sang Ấn Độ, theo học với ngài Long Thụ và được xem là người kế vị Long Thụ. Ngài đã thành lập nhiều tu viện tại Ấn Độ. Sau nhiều năm trụ tại Na-lan-đà, ngài trở về miền Nam và mất tại Raṅganātha, Kiến-chí (Kāñcī). Tác phẩm chính của ngài là “Tứ bách luận” (Catuḥśataka), gồm 400 câu kệ (bản Hán dịch Quảng Bách Luận của Huyền Trang dịch (khoảng năm 660) mới chỉ dịch có 8 phẩm sau của Tứ bách luận cùng lời bình của Hộ Pháp) với suy luận biện chứng phủ định, giải thích giáo pháp Vô ngã và Tính không. Tập “Bách luận” (Śataśāstra) được xem là bản thu gọn lại của Tứ bách luận (Bách Luận rất nổi tiếng ở Trung Hoa qua bản dịch của La Thập), với nhiều luận giải đối trị các quan điểm chống Phật giáo của ngoại đạo.
[32] La-hầu-la bạt-đà-la (Rāhulabhadra) 羅睺羅跋陀羅. Gọi tắt là La-hầu-đa-la 羅 睺羅多. Được coi là vị Tổ thứ 16 của Thiền tông vì là đệ tử của Thánh Thiên Đề Bà. Ngài gốc người sinh ở Thành Ca-tì-la Ấn Độ, họ Phạm ma 梵摩. Ngài vào tu học ở chùa Na-lan-đà rất sớm. Theo học rồi thọ Cụ túc giới với Tôn giả Mặc giả 黑者(t: Nag-po) học tập Thanh văn thừa. Sau theo Tôn giả Vô phân biệt 無分別 (t. Rnam-par mi-rtog-pa) học tập Đại thừa và Bí mật thừa, truyền bá sâu rộng ý chỉ Trung quán tông. Theo Tổ thứ 15 là Ca-na-đề-bà tu tập và chứng được lý không. Khi Tổ Đề-bà sắp viên tịch, Ngài được truyền thụ giáo thuyết Tùy tâm (t: sñiṅ-pohi don-gyi bstan-pa). Sau ngài truyền pháp cho ngài Tăng-già Nan-đề.
[33] Tuy Thánh Thiên và La hầu đa la có những đóng góp lớn lao nhưng tư tưởng của hai vị này cũng tập trung vào việc quảng diễn phần tư tưởng cốt lõi của Long Thọ đã thâm nhập vào các tông môn Đại thừa.
[34] Xem Đại Trí Độ Luận (quyển 29) của Long Thọ sẽ thấy lời giảng về niệm Phật tam muội có liên quan đến lý “tam giới duy tâm” sau này của Thế Thân.
[35] Thật khác với các hội Giác Đấu của Đế Quốc La Mã.
[36] Và những sách chú thích hoặc giải thích cho śāstra (論 luận) thì gọi là vṛtti (刺 thích)
[37] Kenneth K. Inada, Nagarjuna: A Translation of his Mūlamadhyamaka-kārikā with an Introductory Essay. Hokuseido Press, 1970, tr. 5
[38] Có lẽ tư tưởng Bà La môn bắt đầu thâm nhập vào giáo lý Phật giáo từ thời đại này, điển hình là vào giáo lý Nhất Thiết Pháp Hữu Bộ một tông môn Phật giáo lớn nhất bấy giờ. Đây là một đề tài quá lớn để bàn thảo chi tiết ở đây.
[39] Phải nói rằng thật kỳ lạ khi một giáo pháp vừa cao sâu vừa đặt trọng tâm trên cơ sở tự tu tự chứng và tự nguyện phi giáo điều như Phật giáo mà trở nên một đại tôn giáo như hiện nay. Trái lại có những tôn giáo dù khởi sự bằng việc lường gạt sai trái nhưng nhờ giáo điều và tổ chức tốt lại sống sót dễ dàng và trở nên lành mạnh. Thí dụ về tôn giáo Mormon (tôn giáo của ông ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Mỹ 2012) từng chủ trương đa thê và người lập giáo Joseph Smith (1805-1844) được coi là bịp bợm khi tuyên bố sách của ông (the Mormon) là bản dịch các phần Thánh kinh (the Bible) thất lạc mà ông tìm được vì do Thiên Thần chỉ dẫn. Sau Smith bị tù và bị giết trong tù ở Illinois nhưng đạo Mormon lại phát triển mạnh nhờ tổ chức giỏi. Hiện nay thì Mormon bỏ không khuyến khích đa thê và tinh thần thì trở nên giống như các giáo phái Tin Lành khác, có tổ chức tương trợ xã hội rất tốt và lối sống đạo đức cao. Ngày nay Mormon cũng ít nói về giáo chủ Smith mà chủ hướng về Brigham Young một tiên tri khác thay thế Smith và có công hướng dẫn tín đồ vượt các truy sát để tập trung được đất hứa là Utah.
[40] Nên nhớ lúc này Tri Thức luận (epistemology) và Luận Lý học (logic) vốn đã sâu sắc của văn hóa Ấn Độ đã đạt đến đỉnh cao khi Aksapada Gautama xuất hiện với sự tập đại thành Nyāyasūtra (Chính Lý Kinh) đã chi phối toàn diện tri thức giới Ấn Độ. Vì vậy sau này ngoài luận của Long Thọ, chúng ta có được các bộ luận Yogācārabhumia Sāstra (Du Già Sư Địa Luận) của Vô Trước (Asanga), hay pramāṇa-sammuccaya (Tập Lượng Luận) của Trần Na (Dignāga) hay pramāṇa-vartika (Thích Lượng Luận) của Pháp Xứng (Dharmakirti) … cũng đều là các sáng tác chủ để bảo vệ Phật giáo trước các tấn công của ngoại đạo.
[41] “Ngoại đạo” là từ tīrthika trong Phật giáo đơn giản để chỉ những tôn giáo không phải là Phật giáo, khác hẳn từ “ngoại đạo” trong ngôn ngữ Tây phương mang ý là “bọn mọi rợ, bọn thờ ma quỉ.”
[42] Sat (hiện hữu), Hán dịch: 有 (hữu), 正 (chính), 妙 (diệu). Astiva: 有 (hữu), 有性 (hữu tính)
[43] Asat (không hiện hữu), Hán dịch: 無 (vô). Nāstiva: 無 (vô), 耶 (tà), 無所有 (vô sở hữu). Chúng ta quá quen dịch asat hay nāstiva là “vô”thay vì là “phi hữu”quả là một thói quen xấu.
[44] Cũng nên biết phần lớn các vấn đề tôn giáo triết học, Phật học cũng như các giáo phái khác như Kỳ Na giáo đều chia sẻ với Thắng Luận và Số Luận của Ba La Môn vì đều có xuất xứ từ kinh điển Vệ Đà (vì vậy tên các danh từ đều giống nhau) nhưng lẽ dĩ nhiên cách nhìn và giải quyết thì khác nhau. Bà La Môn có tiêu diệt Phật giáo thì vẫn coi Đức Phật là một hiện thân của Barhma. “The Lord will appear as Lord Bhudda, the son of Anjanā, in the province of Gayā …” Srimad Bhāgavatam 3.24 (giải thích về Vedānta) Los Angeles: The Bhaktivedanta Book Trust, 1972, tr. 146
[45] Nên nhớ tư tưởng Nhân Quả có nguồn gốc từ kinh điển Vệ Đà có từ trước thời Đức Phật. Xem thêm phần chú giải trong chương đầu tiên “Quán Nhân Quả” của Trung Luận.
[46] Trong ý nghĩa Phật học thời trước, người Bà la môn và Kỳ na giáo (phát triển cùng thời với Phật giáo và có nhiều quan điểm giống Phật giáo, Kỳ Na giáo phủ nhận có một thượng đế uyên nguyên và chống lại mọi hình thức sát sinh) không hoàn toàn được coi là kẻ ngoại đạo (tīrthika) mà thường được gọi là “người ngoại đạo trong hàng ngũ Phật giáo” (antaskaratīrthika)
[47] Nhất Thiết Hữu Bộ (sarvāstivādin) cho đến thế kỷ thứ bẩy, theo Đại Đường Tây Vực Ký của Huyền Trang cho thấy vẫn còn là Tông môn Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ. Xem tiểu luận “Cưu Ma La Thập” trong Trí Tuệ Giải Thoát, Vũ Thế Ngọc sđd 2012. Quần chúng Việt Nam quen thuộc với Nhất Thiết Hữu Bộ nhất có lẽ là Na Tiên tỳ kheo trong Na Tiên Tỳ Kheo Kinh hay Di La Đà Vương Vấn Kinh. Nhưng thật ra đa số luận sư lớn của Phật giáo Đại Thừa như Thế Thân đều từ Nhất Thiết Hữu Bộ mà ra.
[48] A-tì-đạt-ma 阿毗達磨 (abhidharma) cũng được gọi là A-tì-đàm (阿毗曇). Dịch nghĩa là Luật tạng vì nó chứa những nghi tắc trong Phật giáo (tạng thứ ba trong Tam Tạng: kinh luật luận). A tỳ đàm cũng gọi là Thắng pháp tập yếu luận, có nghĩa là Thắng pháp (勝法) hoặc là Vô tỉ pháp (無比法), vì nó vượt (abhi) trên các Pháp (dharma). Tạng này chứa đựng các bài giảng của đức Phật và các đệ tử với các bài phân tích về tâm và hiện tượng của tâm. A-tì-đạt-ma là gốc chung của mọi tông môn Phật giáo dùng để giải thích các kinh điển. A tì đạt ma xem như được thành hình từ giữa thế kỉ thứ 3 trước và thế kỉ thứ 3 sau Dương lịch. Lần kết tập cuối cùng của A-tì-đạt-ma là khoảng năm 400 Dương lịch. Có nhiều bộ A-tì-đạt-ma như bộ của Thượng tọa bộ (Theravāda), của Hữu bộ (sarvāstivāda). A-tì-đạt-ma là gốc của mọi trường phái và người ta dùng nó để luận giảng các bài Kinh (sūtra). A-tì-đạt-ma của Thượng tọa bộ được Phật-âm 佛音 (buddhaghoṣa) hoàn chỉnh, được viết bằng Pā-li và bao gồm 7 bộ. A-tì-đạt-ma của Hữu bộ được viết bằng Sanskrit và Thế Thân 世親 (Vasubandhu) là người tổng hợp A-tì-đạt-ma câu-xá luận 阿毗達磨俱舍論 (Abhidharmakośa-śāstra) được gọi tắt là Câu-xá luận, nghĩa là ‘Báu vật của A-tì-đạt-ma’, ‘Thông minh luận (通明論). Đây là bộ luận quan trọng nhất của Nhất thiết hữu bộ, được Thế Thân soạn vào thế kỉ thứ 5 sau Công nguyên tại Kashmir. A-tì-đạt-ma đại tì-bà-sa luận 阿毗達磨大毗婆沙論; (Abhidharma-mahāvibhāṣā) cũng được gọi là Đại tì-bà-sa luận hoặc Tì-bà-sa luận. Đây là một luận do 500 vị A-la-hán biên soạn trong một cuộc hội họp do vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka) ở nước Càn-đà-la (Gandhāra) đề xướng. Luận này giảng giải Phát trí luận (Jñānaprasthāna-śāstra) của Già-đa-diễn-ni tử (Kātyāyanīputra), đã được Huyền Trang dịch sang Hán ngữ. Có một sai lầm cơ bản trong Phật học giới là từ nhiều thế kỷ vừa qua người ta tưởng rằng hai bộ A tì đạt ma bằng Pāli và Sankrist (gồm bản dịch Hán và Tạng văn) mà chúng ta còn giữ được hiện nay tương đối sẽ gần giống nhau như trường hợp bộ āgama Nikāya bằng Pāli và bộ A Hàm trong Hán tạng; nhưng chỉ gần đây chúng ta mới biết nội dung cách biệt của chúng.
[49] Xem giải thích Tự Tính svabhāva ở phần sau
[50] Thế Thân là em của Vô Trước 無著(asaṅga) cùng với anh người sáng lập Duy thức tông (yogācāra) dưới ảnh hưởng của Nhất thiết hữu bộ (sarvāstivāda). Cả gia đình đều tu học giáo pháp của Nhất thiết hữu bộ. Vô Trước từng nhiều năm tham học lí Không (s: śūnyatā) của Long Thọ và sau cùng theo Đại thừa. Thế Thân nghe lời khuyên của anh và hai anh em trở thành hai Luận sư quan trọng của Đại thừa Phật pháp, đại diện cho nhánh Duy thức.
[51] Trong Trí Tuệ Giải Thoát (sđd 2012) tôi có viết một tiểu luận làm phụ lục cho sách mang tên “Tư Tưởng Hữu Ngã Trong Phật Học” (tr.337-359) nhưng mới chỉ trình bầy sơ lược được “phần nổi” của trái núi băng này.
[52] Phật học Trung Hoa còn dùng chữ tự tính (đều viết là 自性) với nghĩa tổng quát như “bản tính” chỉ cái “tính chân thật” của các hiện tượng khi không bị các cách nhìn méo mó (biểu kiến) làm sai lạc, như “tự tánh bình đẳng bất nhị” hay “ngộ nhập tự tánh.” Thuật ngữ tự tính自性 này không phải là thuật ngữ tự tính svabhāva trong triết học Tánh Không của Trung Luận mà ta thảo luận ở đây.
[53] Ấn Thuận, Diệu Vân Tập (Q.5, trang 22). Xem chương XV “Quán về Tự Tính”.
[54] Hồi Tránh Luận, kệ 22. Vũ Thế Ngọc, Long Thọ Hồi Tránh Luận.
[55] Thất Thập Không Tính Luận, kệ 21, Vũ Thế Ngọc, Long Thọ Thất Thập Không Tính Luận.
[56] Chấp nhận Tự Tính sẽ dẫn đến quan điểm tin tưởng vào linh hồn bất tử và thượng đế uyên nguyên.
[57] Trung Luận, xv: Kệ 1: na saṃbhavaḥ svabhāvasya yuktaḥ pratyayahetubhiḥ | hetupratyayasaṃbhūtaḥ svabhāvaḥ kṛtako bhavet ( 眾緣中有性,是事則不然. 性從眾緣出,即名為作法): Cho rằng những gì do duyên sinh đều có tự tánh thì không đúng. Vì nếu tự tánh xuất phát từ nhân duyên thì phải gọi đó là cái được tạo tác bởi điều kiện. Kệ 2: svabhāvaḥ kṛtako nāma bhaviṣyati punaḥ katham | akṛtrimaḥ svabhāvo hi nirapekṣaḥ paratra ca | (性若是作者,云何有此義.性名為無作,不待異法成): Nếu tự tánh là cái được tạo tác, thì làm sao phù hợp với định nghĩa của nó: Tự tánh vốn được gọi tên là cái không do tạo tác, không do không đợi cái gì khác nó mà thành.
[58] Cũng có thể tuyên bố ngược lại “vạn pháp là không, nên không có tự tính.” Cũng chú ý, tôi luôn luôn chú thích “là không” ở đây phải là “không hiện hữu” mà là “không hiện hữu tự thân như chính nó là (thing in-itself)” và “không hiên hữu độc lập” mà chỉ có hiện hữu vì có các tương quan với các nhân duyên của nó”– và một hàm ý của nó là “không hiện hữu vĩnh cửu hay tĩnh lặng, mà luôn luôn biến chuyển theo các nhân duyên của nó.”
[59] Khác hẳn với truyền thống sử học của Trung Hoa, ngay từ thời cổ đại nước này đã có những bộ sử lớn viết theo nguyên tắc sử học rất cao như Sử Ký Tư Mã Thiên (145 trước Dương lịch). Vấn đề Ấn Độ không có truyền thống sử là vì có liên quan đến tư tưởng cơ bản triết lý của họ hướng về vĩnh cửu chứ không phản ảnh gì đến nền văn hóa cao và trình độ tư tưởng cổ kính của đất nước này.