Gương mặt thất thần hoảng sợ của du khách trên đại lộ Las Ramblas, Barcelona ngay sau vụ khủng bố đâm xe vào đám đông ngày 17/08/2018. La Vanguardia/Pedro Madueno/REUTERS
Sau gần 14 năm yên bình, hôm qua, 17/08/2017 nỗi kinh hoàng khủng bố trở lại Tây Ban Nha với hai vụ tấn bằng cách tông xe vào đám đông tại thành phố du lịch Barcelona làm hơn chục người chết và hàng chục người bị thương. Hầu hết các báo Pháp ra ngày hôm nay phủ kín cảnh tượng kinh hoàng xảy ra ở đại lộ Las Ramblas, nơi tập trung đông du khách nhất thành phố. Cách giết người bằng lao xe hơi vào đám đông đang trở nên phổ biến.
Sau các thảm kịch xảy ra ở Nice, Berlin, Luân Đôn, Stockholm giờ đến Barcelona. Dùng xe lao vào vào đám đông để giết người đã trở thành một phương thức khủng bố hữu hiệu được những kẻ khủng bố ưa dùng. « Xe tông người, một thứ vũ khí giết người hàng loạt », Libération nhận định.
Tờ báo nhận thấy, « danh sách các thành phố bị tấn công bằng xe tông vào đám đông vẫn cứ dài thêm một cách tuyệt vọng ». Dù cách thức tiến hành không có gì mới nhưng nó đang được các tổ chức khủng bố kêu gọi sử dụng vì tiến hành đơn giản, rẻ tiền mà lại có thể gây thiệt hại lớn.
Tờ báo nhắc lại vụ tấn công đẫm máu nhất là vụ kẻ khủng bố Mohamed Lahouaij – Boujlel lao xe tải 19 tấn vào đám đông trên đại lộ la Promenade des Anglais tại Nice hôm 14/7/2016, khiến 86 người thiệt mạng và hơn 450 người bị thương. Tất cả các vụ tấn công như vậy không còn là tự phát mà đều có sự tính toán chuẩn bị trừ trước.
Theo Libération, ngay từ ngày 13/12/2013, bộ An Ninh Nội Địa và cơ quan FBI của Mỹ đã cảnh báo : « Những kẻ khủng bố từ nước ngoài đang kích động tiến hành các vụ tấn công bằng xe tông người. Kiểu tấn công như vậy có thể nhằm vào các khu nhà, những nơi tụ tập đông người, như các sự kiện thể thao, giải trí hay trung tâm thương mại. Cách thức tấn công này cho phép những kẻ khủng bố không có được thuốc nổ hay vũ khí, không cần phải đào tạo hay kinh nghiệm gì mà vẫn tiến hành được tấn công tại Hoa Kỳ . »
Libération cho biết là từ năm 2014, một phát ngôn viên của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bằng những lời lẽ man rợ đã hô hào tấn công giết dân phương Tây « bằng bất kỳ cách nào », bằng bất kỳ thứ gì có trong tay.
Từ đó trở đi các vụ tấn công của chúng ở nhiều nước Tây Âu đã tràn lan và gây thiệt hại lớn về nhân mạng, cho dù lực lượng an ninh ở các nước đã cố gắng đề phòng tối đa.
Nguy hiểm hơn, cách dùng xe hơi lao vào đám đông để giết người cũng được những nhóm cực hữu khác bắt chước. Đó là vụ vừa xảy ra thứ Bảy tuần trước ở ở Charlottesville, bang Virginia ; Hoa Kỳ, khi một kẻ thuộc phong trào phân biệt chủng tộc cực hữu đã lao xe vào đám người biểu tình chống phát –xít. Đầu tuần này, tại một thị trấn nhỏ Sept –Sorts ở tỉnh Seine-et-Marne của Pháp, lại thêm một kẻ điên khùng cũng dùng xe lao vào một quán Pizza làm một bé gái 12 tuổi thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Những hình thức tấn công bằng các phương thức đơn giản mà Le Figaro gọi là « khủng bố giá rẻ (low-cost) » đang khiến an ninh của các nước đau đầu và dường như không tìm được phương cách phòng chống hữu hiệu.
Tại sao lại là Barcelona ?
Trở lại với vụ tấn công tại Barcelona tối qua. Lần này những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan không những gây thiệt hại lớn về người mà chúng còn thành công khi nhằm vào mục tiêu biểu tượng như thành phố du lịch hàng đầu của Tây Ban Nha.
Le Figaro ghi nhận, Barcelona là « biểu tượng của xã hôi tự do của chúng ta…từ Nice, Berlin hay Luân Đôn, những kẻ khủng bố đều chọn một nơi mang tính biểu tượng để ghi dấu ấn cho hành động của chúng ».
Nhật báo Le Parisien trích dẫn chuyên gia về khủng bố, Jean-Charles Brisard nhận định, một phần ba số phần tử Hồi giáo cực đoan ở Tây Ban Nha xuất thân từ vùng Barcelona. Các ổ khủng bố địa phương ở đây có liên hệ chặt chẽ với phong trào thánh chiến Maroc. Cho dù số lượng dân gốc Tây Ban Nha tham gia thánh chiến tại Syria hay Irak không nhiều bằng Pháp. Nhưng Tây Ban Nha là một vùng đất để chinh phục của nhiều nhóm thánh chiến Hồi Giáo, theo Le Figaro.
Còn nhật báo Libération thì nhận thấy, từ vụ khủng bố đánh bom đoàn xe lửa tại Atocha năm 2004 làm gần 200 người chết, cho đến trước ngày hôm qua, Tây Ban Nha đã được sống yên bình một thời gian khá dài. Cuộc chiến chống thánh chiến của nước này tỏ ra có hiệu quả.
Chính phủ Tây Ban Nha ý thức được quy mô của mối đe dọa và đã hành động : Nhiều kẻ tình nghi liên quan đến Hồi giáo cực đoan bị bắt giữ, kết án hay trục xuất. Nhiều nhóm khủng bố chưa kịp ra tay đã bị phá vỡ kịp thời…. Thế nhưng cuối cùng sự cảnh giác cao độ của an ninh Tây Ban Nha vẫn còn kẽ hở và những kẻ khủng bố đã biết thay đổi phương thức hành động giết người.
Tuy nhiên với Libération, bị tấn công, bị tổn thất nặng nề về người không thể có nghĩa là chúng ta bị khủng bố khuất phục. Xã luận tờ báo kết luận :
« Những người dân thường xuyên bị những kẻ giết người nhắm tới, không chấp nhật thay đổi thói quen của họ vì áp lực khủng bố (…) Dù máu đã đổ, nhiều người đã chết, mặc dù thảm kịch lặp đi lặp lại này đang làm vấy máu lên cả lục địa châu Âu, chiến lược man rợ và ngu xuẩn của những kẻ giết người đang vấp phải sức bền của các nền dân chủ. »
Theo RFI