Ảnh minh họa. © gettyimages
Theo thông tin được tờ Financial Times tiết lộ hôm qua 01/11/2017, nhà xuất bản Đức Springer Nature với các tạp chí khoa học uy tín như « Nature » và « Scientific American », vừa phải phong tỏa trên 1.000 bài viết trên trang web tại Trung Quốc, theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Nhà xuất bản Đức cho rằng « đây là điều rất đáng tiếc, nhưng phải thực hiện để tránh các hậu quả lớn hơn cho khách hàng và các tác giả ». Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết :
« Các bài viết liên quan đến đợt tự kiểm duyệt này có những từ bị cho là nhạy cảm về chính trị đối với chính quyền Trung Quốc như « Tây Tạng », « Đài Loan », hay « Cách mạng văn hóa »…Những bài bị xóa khỏi trang web của Springer Nature tại Trung Quốc đã được đăng trên hai tạp chí Khoa học Chính trị Trung Quốc và Chính trị Quốc tế.
Trong một thông báo, Springer Nature khẳng định những bài bị chặn chỉ chiếm có 1% tổng số các bài viết, số còn lại vẫn có thể đọc được. Nhà xuất bản Đức nói rằng bị buộc phải tuân theo luật của địa phương về việc phổ biến, và điều này không có ảnh hưởng gì đến quan điểm biên tập và các ấn phẩm của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà xuất bản phải tự kiểm duyệt để tiếp tục được phép bán sản phẩm tại Trung Quốc. Hồi tháng Tám, nhà xuất bản trường đại học Cambridge cũng đã xóa hơn 300 bài viết về Trung Quốc trên internet, theo lệnh của Bắc Kinh. Một kiến nghị phản đối đã thu thập được hàng trăm chữ ký. Nhà xuất bản Cambridge đành phải thay đổi thái độ, và rốt cuộc những bài báo bị rút xuống đã được đăng lại trên mạng ».
Theo RFI