Hai hôm trước tin thầy Trần Thượng Thủ ra đi ở tuổi 89 ở Houston. Con số phải nói là thọ, nhưng sao tôi thấy buồn buồn, mình phải viết gì đó mà mình biết về Thầy. …
Tôi không được hân hạnh học với Thầy Thủ trong ba năm học ở trường Petrus Ký (các lớp G từ 1954 tới 1957), vậy mà ấn tượng tuổi thời mới vào Trung học của tôi về thầy Thủ thiệt là sâu đậm. Nguyên nhân là ông anh tôi, anh Nguyễn Văn Thơm, vào trường trước tôi một năm (các lớp C từ 1953 tới 1957), có môn Lý Hóa với Thầy Thủ ở lớp Đệ Thất, đêm nào anh cũng học bài thiệt khuya. Anh học những môn chánh nhưng về môn Lý Hóa anh ‘tụng’ tới không còn mở mắt nữa được mới thôi, anh nói môn các môn nầy lạ và khó hiểu mà thầy dạy lại rất khác thường. Anh nhắc tới cái tên đặt biệt bắt đầu bằng ba chữ T mà anh nói thầy gọi là T tam thừa hay Tam Tê với giọng nói kèm theo chút gì sờ sợ: ‘cả trường học sinh nào nếu đã hay đang học với thầy đều cũng sợ.’
Anh nhấn mạnh thầy không đánh khảo gì, thầy cũng không cho cấm túc, nhưng Thầy có oai, tiếng nói sang sản, bắt lỗi trật rất hữu lý và học trò sẽ nhớ các lỗi đó của mình thiệt lâu. Nhưng trước khi thâu thập được điều học hỏi đó người học trò đã sợ xanh mặt trước những nạt nộ, vặn vẹo cố làm cho học trò vỡ ra đều mình chưa biết. Anh tôi nói ‘Mầy coi chừng, đi chơi cho nhiều kiểu của mầy mà gặp Thấy Thủ là có nước khóc.’
Vậy đó, tôi biết oai thầy khi chưa thi vào trường Petrus Ký. Khi đậu vô Đệ Thất (1954-1955), tôi không học Lý Hóa với thầy Thủ mà với Thầy Nguyễn Hữu Kế (nay còn sống, ở Sàigòn).
Tôi còn nhớ lớp mình ở đầu hành lang gần văn phòng, nghĩa là tới giờ vô lớp học trò phải đi dọc suốt hành lang mới tới trước lớp mình để xắp hàng, đi ngang qua các lớp đã xắp hàng xong, thường là có giám thị trông coi hay có vị Giáo Sư nào có tinh thần xuống lớp sớm… lần nào phải đi ngang lớp có thầy Trần Thượng Thủ đứng coi chừng học trò thì tôi phát run ngang… Cái sợ của ông anh tôi đã truyền cho tôi từ năm trước đã vô trong tiềm thức?
Dáng thầy đặc biệt, thấp người, mật tròn, không cao hơn học trò trung bình của lớp, đầu hói, đưa cái trán rộng lớn thông minh.
Thời đó, cách nay hơn sáu mươi năm, trường Petrus Ký có phòng thí nghiệm tương đối đầy đủ, nếu Giáo Sư nào yêu cầu thì có nhân viên của phòng thí nghiệm đem dụng cụ và hóa chất đến lớp, Giáo sư làm thí nghiệm cho học sinh xem.
Lúc nầy mỗi ngày học một buổi 4 giờ, sau giờ thứ nhứt và sau giờ thứ ba chỉ có chuông reo đổi giờ, học sinh không được ra khỏi lớp. Chỉ có sau giờ thứ nhì mới có 15 phút ra chơi. Ở gần cầu thang phía cuối hành lang thường có một thân nhân của lao công nào đó được ân huệ của trường có quyền bán nước uống. Giờ chơi một số đông bu vô quanh người bán nước uống nầy, thường là hột é lười ươi, chúng tôi một vài đứa hiếu kỳ thường chạy đến lớp của thầy Thủ để coi thí nghiệm vì thầy thường thí nghiệm sau giờ giảng bài nên kéo dài gần hết giờ chơi.
Ấn tượng về thầy có bây nhiêu nhưng nhớ mãi vào đầu óc của học trò mới bước vô Trung học là tôi.
Và rồi chẳn 50 năm sau tôi gặp lại thầy Thủ ở Houston khi Thầy và cô đến định cư hình như theo sự bão lãnh của con trai thầy. Thầy kể chuyện sáng sáng thầy đi bộ trong xóm, đem theo cái bao nylon để lượm lon bia, lon nước ngọt lúc ấy người ta thường liệng vung vẫy đầy đường..
Thầy kể với chúng tôi, anh em Ban Chấp Hành hội Cựu Học Sinh Petrus Ký ở Houston năm đó (1994-1995), là mỗi tháng bán lon lượm cũng được từ 20 tới 30 đồng. Ai cho mình số tiền đó mỗi tháng cho nên đi bộ lượm lon là giải pháp vừa ‘tăng cường sức khỏe vừa đắp bồi kinh tế cho đứa cháu ở quê nhà.’ Thầy nói với nụ cười đưa ra hàm răng còn đủ và rất chắc. Thầy cộng tác thường xuyên với ban chấp hành trong những kỳ họp với tư cách cố vấn và viết bài vào cuối năm cho đặc san.
May thay tôi còn giữ đặc san của hội hai năm 1994 và năm 1995. Trong đó có ba bài của thầy. Bài nào thầy cũng viết nghiêm túc, cẩn thận chứng tỏ có một trí nhớ tốt dầu chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ. Điều cảm động cho các cựu học sinh trường là bài nào cũng toát ra lòng yêu mến trường xưa, đọc bài ta nao nao nhớ về thời quá khứ làm học trò ở đây…
Năm đó (1993?) lên đường định cư, thầy cô đem theo ra hải ngoại một số bản in quyển ‘Tầm Nguyên Tự Điển’của Giáo Sư Lê Ngọc Trụ, cậu của Thầy, vốn là Giáo Sư Thực Thụ của trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn trước năm 1975 mà thầy Thủ đã tục diêu phần từ ngữ Việt gốc Anh Pháp rất có giá trị. Tôi nhận 10 quyển tặng bạn bè gần xa tha thiết đến những vấn đề liên quan đến văn học Việt Nam. Và may thay tới bây giờ vẫn còn 1 quyển sách giá trị đó trong tủ sách.
Tôi thường liên lạc với thầy bằng thơ viết tay hay điện thoại hoặc ghé thăm. Độ 10 năm gần đây, thầy lớn tuổi cũng ít viết thơ và nói chuyện qua điện thoại cũng khó khăn trong việc nghe, tôi lại dọn nhà đi xa khỏi TX nên thưa thớt liên lạc. Mấy ngày trước được tin thầy mất, tôi thấy rằng mình phải viết gì đó mà mình biết, mình cảm xúc về vị thầy nầy. Vị thầy có lòng với ngôi trường, với học trò, với nghề thầy giáo. Không được học thầy khi còn nhỏ, nhưng khi đã già, giao tiếp với thầy, học được ở thầy lòng tận tâm với ngôi trường, đối với tôi đó là bài học có giá trị, bài học về một góc tâm hồn làm nên con người của ai đó…
Các thầy giáo của các trường học Việt Nam nói chung, hoặc của trường Petrus Ký nói riêng, trước đại nạn 1975 hiện còn sót lại không nhiều, người trẻ nhứt cũng xấp xỉ tám mươi, hỏi vậy chớ trong 1, 2 thập niên nữa còn lại bao nhiêu!
Mọi sự ra đi của bất kỳ ai cũng khiến chúng ta đau lòng, huống chi là người thầy của trường mình, những người thầy có lòng, và được lòng học trò… Viết bài nầy như một nén hương cho người Thầy mới nằm xuống, thầy Trần Thượng Thủ, và cũng là tiếng lòng tri ân của tôi đối với tất cả các thầy giáo, những người đã đem đời mình xây kiến thức cho các thế hệ đi sau. Những người rất có ích lợi cho đời sống xã hội, trong đó chắc chắn là có ích lợi cho tôi vì để thành nhơn chi mỹ tôi đã hưởng ân huệ giáo huấn từ cả hai chục vị là ít…
1/11/2017
Nguyễn Văn Sâm